Thoái hoá đốt sống cổ có nguy hiểm không? Biến chứng, cách điều trị


Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh liên quan đến cột sống thường gặp ở người trưởng thành và cao tuổi. Vậy thoái hóa đốt sống cổ có nguy hiểm không? Bài viết này sẽ đề cập về những nguy hiểm, biến chứng và các phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống.

Thoái hóa đốt sống cổ là gì?

Thoái hóa đốt sống cổ là tình trạng lão hóa tự nhiên của các đĩa đệm, khớp xương và đốt sống vùng cổ. Tình trạng này sẽ làm mất dần các chức năng và cấu trúc của cột sống. Lâu ngày dẫn đến đau cổ, tê bì tay chân, chóng mặt, nhức đầu,… ở người bệnh.

Thoái hoá đốt sống cổ có nguy hiểm không?

Thoái hóa đốt sống cổ thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không phát hiện kịp thời, thoái hóa đốt sống cổ có thể gây những nguy hiểm như:

  • Gây chèn ép tủy sống: Chèn ép tủy sống là một biến chứng của thoái hóa đốt sống cổ, gây ra các triệu chứng như yếu cơ, tê liệt, đại tiện và tiểu tiện không kiểm soát.
  • Gây đột quỵ: Thoái hóa đốt sống cổ có thể gây hẹp động mạch cảnh, làm giảm lượng máu lên não, tăng nguy cơ đột quỵ.
  • Gây đau mạn tính: Đau đớn vùng cổ kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Đau vùng cổ kéo dài, mãn tính gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Đau vùng cổ kéo dài, mãn tính gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Tiên lượng của bệnh thoái hoá đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ thường tiến triển rất chậm và tiên lượng của bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhiều bệnh nhân sau khi được điều trị đã khỏi đau hoàn toàn sau 15 năm nhưng cũng có những bệnh nhân bị tái phát đau sau đó từ 1 – 5 năm. May mắn thay, thoái hóa đốt sống cổ ít khi diễn tiến tình trạng bệnh nghiêm trọng.

Thoái hoá đốt sống cổ có chữa được không?

Ít khi có thể chữa khỏi tình trạng thoái hóa đốt sống cổ hoàn toàn. Tuy nhiên, tiếp nhận điều trị và thay đổi lối sống sẽ giúp ngăn ngừa bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Biến chứng nguy hiểm khi bị thoái hoá đốt sống cổ

Bệnh lý tủy sống cổ

Bệnh lý tủy sống cổ là biến chứng thường gặp nhất của thoái hóa đốt sống cổ. Nguyên nhân là do phần tủy – rễ cổ bị chèn ép. Tình trạng này phổ biến ở bệnh nhân 40 tuổi trở lên nhưng người trẻ tuổi cũng có nguy cơ mắc phải. Triệu chứng của bệnh lý tủy sống cổ bao gồm:

  • Đau cứng cổ.
  • Tê bì cánh tay.
  • Cơ thể chuyển động khó.
  • Tay và cánh tay hoạt động yếu, không có lực.
Bệnh lý tủy sống cổ là biến chứng thường gặp nhất của thoái hóa đốt sống cổ
Bệnh lý tủy sống cổ là biến chứng thường gặp nhất của thoái hóa đốt sống cổ

Viêm rễ thần kinh cổ

Viêm rễ thần kinh cổ là khi các rễ thần kinh gần đốt sống cổ bị tổn thương, đặc biệt là rễ thần kinh thứ 6 và thứ 7. Một số triệu chứng thường gặp:

  • Giảm phản xạ và khả năng phối hợp tay chân.
  • Cảm giác điện giật, ngứa ran ở ngón tay hoặc bàn tay.
  • Giảm cảm giác, phản xạ của bàn tay khi chạm vào các vật nóng hoặc lạnh.

Tàn tật vĩnh viễn

Nếu bệnh lý tủy sống cổ và rễ thần kinh tiếp tục kéo dài, không được điều trị có thể gây tổn thương vĩnh viễn các đốt sống cổ, dẫn đến tàn tật. Trong trường hợp này, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật để phục hồi một phần chức năng đốt sống cổ.

Một số biến chứng khác

Một số biến chứng khác của thoái hóa đốt sống có thể kể đến:

  • Giảm khả năng vận động của khớp cổ và các cơ quan xung quanh: Nguyên nhân là do các dây thần kinh bị chèn ép quá mức khiến cho xoay cổ cảm thấy đau, vướng, khó chịu.
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ: Đây là tình trạng dịch nhầy của đĩa đệm tiết ra, chèn ép lên các dây thần kinh gây đau dữ dội, tê bì, yếu cơ. Biến chứng này thường gặp ở người có tiền sử chấn thương cột sống, lao động nặng.
  • Rối loạn tiền đình: Hiện tượng này đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi vì tăng nguy cơ té ngã. Các triệu chứng điển hình là đau đầu, chóng mặt, buồn nôn do các dây thần kinh bị chèn ép.
Biến chứng rối loạn tiền đình đặc biệt nguy hiểm ở người cao tuổi
Biến chứng rối loạn tiền đình đặc biệt nguy hiểm ở người cao tuổi

Các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh

Với sự phát triển của y học, hiện có rất nhiều phương pháp để xác định tình trạng thoái hóa đốt sống. Hiện nay, người ta thường ứng dụng hai phương pháp để chẩn đoán:

  • Kiểm tra lâm sàng: Các bác sĩ cơ xương khớp phối hợp với chuyên khoa nội thần kinh tiến hành thăm khám và có thể yêu cầu bạn thực hiện một số bài tập đơn giản để kiểm tra chức năng đốt sống cổ. Bác sĩ sẽ quan sát dáng đi của bạn để biết mức độ bị chèn ép của các dây thần kinh đốt sống.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Bạn có thể được yêu cầu thực hiện chụp X – quang, CT, MRI, EMG. Các tổn thương đốt sống sẽ hiện rõ trên hình ảnh và giúp bác sĩ chẩn đoán dễ dàng hơn.

Các phương pháp điều trị thoái hoá đốt sống cổ

Phác đồ điều trị sẽ được cá thể hóa, phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của bệnh nhân. Phác đồ điều trị có thể là phối hợp của các phương pháp sau:

  • Uống thuốc: Bác sĩ sẽ kê đơn một số thuốc giảm đau, kháng viêm như thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau; tiêm steroid, thuốc chống viêm không steroid (NSAID),… để giảm bớt tình trạng khó chịu cho bệnh nhân.
  • Phẫu thuật: Khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả, bạn có thể được chỉ định phẫu thuật để loại bỏ các gai xương, đĩa đệm thoát vị, giảm áp lực lên các dây thần kinh.
  • Vật lý trị liệu: Đây là phương pháp đang được ứng dụng nhiều tại các bệnh viện, cơ sở y tế nhằm hỗ trợ cho quá trình phục hồi của bệnh nhân.
Phẫu thuật loại bỏ gai xương, đĩa đệm thoát vị để điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Phẫu thuật loại bỏ gai xương, đĩa đệm thoát vị để điều trị thoái hóa đốt sống cổ

Các phương pháp phòng ngừa thoái hoá đốt sống cổ

Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học

Nhằm phòng ngừa thoái hóa, cơ xương khớp khỏe mạnh, bạn nên bổ sung vào chế độ ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C, vitamin D, vitamin E, K, Beta carotene, chất béo không bão hòa Omega–3; Bioflavonoid… Nhóm thực phẩm này thường có chi phí rẻ, dễ tìm mua và bổ sung vào thực đơn hàng ngày.

Bên cạnh đó, một phương pháp phòng ngừa thoái hóa đốt sống  hiệu quả là sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin B, đặc biệt là vitamin B1, B6 và B12. Những vitamin này giúp bảo vệ và tái tạo tế bào thần kinh, cải thiện tuần hoàn máu, từ đó giảm các triệu chứng tê bì và đau nhức.

Sử dụng các dụng cụ bảo vệ

Khi chơi thể thao, lái xe hay đi lại bình thường, bạn nên sử dụng các loại đai bảo vệ vùng cổ. Phương pháp này giảm đáng kể nguy cơ chấn thương hay tái phát đau nhức ở bệnh nhân sau phẫu thuật.

Giữ tư thế đúng trong sinh hoạt hàng ngày

Giữ tư thế đúng trong sinh hoạt đòi hỏi ý thức cao độ. Bạn nên chú ý ngồi thẳng lưng, hạn chế cúi khom lưng, không mang vác quá nặng, không bật dậy đột ngột khi đang nằm.

Tăng cường vận động

Tập thể dục, thường xuyên rèn luyện thể lực hằng ngày sẽ giúp cơ thể dẻo dai, xương khớp chắc khỏe. Tuy nhiên, bạn nên tránh những môn thể thao đòi hỏi vận động quá mạnh có thể dẫn đến nguy cơ chấn thương.

Tập thể dục mỗi ngày giảm nguy cơ thoái hóa đốt sống
Tập thể dục mỗi ngày giảm nguy cơ thoái hóa đốt sống

Hạn chế thuốc lá, rượu bia

Thuốc lá và rượu bia là hai nhóm sản phẩm không tốt cho sức khỏe. Thuốc lá đẩy nhanh quá trình thoái hóa của xương khớp trong khi đó rượu bia gây rối loạn điện giải, mất nước dẫn đến thiếu hụt dịch khớp để bôi trơn. Vì vậy, hãy hạn chế hút thuốc, uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Dấu hiệu, triệu chứng bất thường

Thoái hóa đốt sống cổ kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, ngay khi thấy các triệu chứng bất thường sau đây, bạn nên đến gặp bác sĩ:

  • Đau cứng cổ không khỏi dù đã uống thuốc.
  • Yếu cơ hoặc tê cơ cổ, vai đột ngột.
  • Đi lại khó khăn.
  • Tay yếu, không thể di chuyển.
  • Tiểu tiện, đại tiện không kiểm soát.
Bạn nên đến gặp bác sĩ khi đi lại khó khăn
Bạn nên đến gặp bác sĩ khi đi lại khó khăn

Các bệnh viện chuyên khoa uy tín

Hiện nay tại TP.HCM có rất nhiều bệnh viện uy tín, đầu ngành, chuyên điều trị lĩnh vực cơ xương khớp. Một số bệnh viện nổi tiếng bạn có thể tham khảo:

Thoái hóa đốt sống cổ là bệnh lý sức khỏe phổ biến nhưng có thể không diễn tiến nghiêm trọng nếu được can thiệp, điều trị kịp thời. Để phòng ngừa bệnh thoái hóa đốt sống cổ, mỗi chúng ta nên thay đổi lối sống từ bây giờ, ăn uống đủ dinh dưỡng và tránh sinh hoạt sai tư thế. Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1. Cervical Spondylosis

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17685-cervical-spondylosis
  • Ngày tham khảo: 19/10/2024

2. Cervical Spondylosis

  • Link tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK551557/
  • Ngày tham khảo: 19/10/2024

3. Understanding Complications of Cervical Spondylosis

  • Link tham khảo: https://spandanspondylosis.com/complications-of-cervical-spondylosis/
  • Ngày tham khảo: 19/10/2024

Contact Me on Zalo