Khi di chuyển bằng phương tiện giao thông, nhiều người có thể gặp phải tình trạng say xe gây khó chịu và ảnh hưởng đến trải nghiệm chuyến đi. Một trong số các giải pháp để giảm thiểu triệu chứng say xe, thuốc say xe là một lựa chọn phổ biến và hiệu quả. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về các loại thuốc say xe, cách sử dụng cũng như các tác dụng phụ cần lưu ý.
Tóm tắt nội dung
Tổng quan về say tàu xe
Say tàu xe là gì? Triệu chứng và mức độ say tàu xe
Say tàu xe là một tình trạng khó chịu xảy ra khi bạn di chuyển bằng phương tiện như ô tô, tàu hỏa, tàu thuyền hoặc máy bay. Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể gặp tình trạng hoa mắt, chóng mặt dù chỉ ngồi yên một chỗ để xem phim, không hề di chuyển hay lắc lư.
Triệu chứng của say tàu xe thường bao gồm:
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Chóng mặt, đau đầu.
- Đổ mồ hôi lạnh.
- Mệt mỏi, khó chịu.
- Mất thăng bằng.
Nguyên nhân gây say tàu xe
Các triệu chứng say tàu xe thường xảy ra do tín hiệu từ mắt, tai trong và cơ thể gửi đến não mâu thuẫn với nhau.
- Tai trong là cơ quan chịu trách nhiệm chính về cảm giác cân bằng và định hướng không gian.
- Mắt cung cấp thông tin trực quan về môi trường xung quanh, theo dõi sự thay đổi của cảnh quan, giúp não biết được tốc độ và hướng đi.
- Cảm giác cơ thể là cảm giác liên quan đến vị trí và chuyển động của các bộ phận cơ thể.
Trong điều kiện bình thường, các bộ phận này phối hợp nhịp nhàng nhưng khi ngồi trên tàu, xe đang di chuyển, ba luồng tín hiệu này có thể mâu thuẫn với nhau. Ví dụ, khi bạn ngồi trong một chiếc ô tô đang di chuyển, tai trong cảm nhận được sự chuyển động trong khi mắt lại thấy xe đang đứng yên. Điều này dẫn đến một sự xung đột trong não, gây cảm giác chóng mặt, buồn nôn và các triệu chứng khác của say tàu xe.
Đối tượng dễ bị say
Một số người dễ bị say xe hơn do các yếu tố về thể chất, tuổi tác và trạng thái tâm lý như:
- Trẻ em từ 2 đến 12 tuổi thường dễ bị say xe hơn người lớn vì hệ thống cân bằng trong tai trong chưa phát triển hoàn toàn.
- Phụ nữ, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc tiền mãn kinh có nguy cơ cao hơn do sự thay đổi của hormone trong cơ thể làm tăng sự nhạy cảm với các xung đột tín hiệu gây say xe.
- Người bị đau nửa đầu thường rối loạn hệ thống tiền đình khiến họ dễ bị say xe hơn.
- Người có tâm lý căng thẳng hoặc lo lắng thường dễ bị say xe hơn vì tâm lý có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể phản ứng với các tín hiệu xung đột.
Các loại thuốc chống say xe
Thuốc kháng Histamin
Thuốc kháng Histamin hoạt động bằng cách ngăn chặn hoạt động của Histamin, một chất hóa học trong cơ thể liên quan đến các phản ứng dị ứng và cân bằng trong hệ thần kinh, làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng say xe.
Một số loại thuốc kháng Histamin phổ biến dùng để phòng ngừa và điều trị say xe hiện nay:
- Dimenhydrinate (thường được biết đến với tên thương mại Dramamine).
- Diphenhydramine (Benadryl).
- Meclizine (Antivert, Bonine).
- Cinnarizine (Stugeron).
Thuốc kháng Histamin nên được dùng trước khi lên xe khoảng 30 phút đến 1 giờ để đảm bảo thuốc phát huy tác dụng khi chuyến đi bắt đầu.
Liều lượng cụ thể tùy thuộc vào loại thuốc và độ tuổi của người dùng. Thông thường, liều dành cho người lớn là từ 25 mg đến 50 mg mỗi 4 đến 6 giờ.
Thuốc kháng Histamin có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn ngủ, khô miệng, mờ mắt, chóng mặt,…
Một số trường hợp không nên sử dụng thuốc kháng Histamine:
- Trẻ em dưới 2 tuổi: Do hệ thần kinh và gan chưa phát triển hoàn chỉnh nên việc sử dụng thuốc kháng Histamin có thể dẫn đến ức chế quá mức hệ thần kinh trung ương, gây ngủ sâu, khó thở, thậm chí là suy hô hấp.
- Người có bệnh lý gan hoặc thận nghiêm trọng: Suy gan và suy thận có thể khiến thuốc không được đào thải hoàn toàn, tích tụ trong cơ thể gây độc tính.
- Người mẫn cảm hoặc dị ứng với các thành phần của thuốc: Phản ứng dị ứng có thể từ nhẹ đến nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử lý kịp thời.
- Người có bệnh lý về mắt như glaucoma góc hẹp vì thuốc kháng Histamin có thể làm tăng áp lực trong mắt.
Thuốc kháng Cholinergic
Thuốc kháng Cholinergic hoạt động bằng cách ức chế thụ thể Acetylcholine trong hệ thần kinh, đặc biệt là trong khu vực liên quan đến việc kiểm soát buồn nôn và nôn ói. Khi hoạt động của Acetylcholine bị ức chế, các tín hiệu gây buồn nôn và nôn ói được giảm thiểu giúp người dùng tránh được các triệu chứng say xe.
Một trong những loại thuốc kháng Cholinergic phổ biến nhất để chống say xe là Scopolamine, thường được sử dụng dưới dạng miếng dán sau tai.
Miếng dán Scopolamine nên được dán ít nhất 4 giờ trước khi lên xe để đảm bảo thuốc có đủ thời gian thẩm thấu vào cơ thể. Một miếng dán Scopolamine có thể có hiệu quả trong khoảng 72 giờ (3 ngày) giúp người sử dụng không cần phải thay miếng dán liên tục trong chuyến đi dài.
Thuốc kháng Cholinergic như Scopolamine có thể gây ra một số tác dụng phụ như khô miệng, buồn ngủ, lú lẫn, mất trí nhớ tạm thời,…
Thuốc không được khuyến cáo sử dụng cho:
- Trẻ em, đặc biệt là dưới 12 tuổi, nhạy cảm hơn với tác dụng của thuốc, có thể dẫn đến các phản ứng không mong muốn như kích thích thần kinh hoặc ức chế hô hấp.
- Phụ nữ có thai sử dụng Scopolamine có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
- Người mắc bệnh phổi mạn tính như COPD có nguy cơ gia tăng các triệu chứng hô hấp do tác dụng ức chế Acetylcholine của thuốc.
Các loại thuốc chống nôn tác động trên hệ tiêu hóa như Metoclopramide không được khuyến cáo sử dụng để chống say tàu xe do không cho thấy hiệu quả trong việc ngăn ngừa say xe và có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng không đúng cách.
Thuốc cường giao cảm (Dextroamphetamine)
Thuốc cường giao cảm là nhóm thuốc có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương, giúp tăng cường tỉnh táo và ngăn chặn các triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi liên quan đến say xe. Trong nhóm này, Dextroamphetamine là loại phổ biến nhất.
Dextroamphetamine là thuốc kê đơn thường được chỉ định trong các trường hợp đặc biệt dựa trên tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng say xe, không phải là lựa chọn thông dụng cho việc điều trị say xe thông thường.
Dextroamphetamine có thể gây ra một số tác dụng phụ do tính chất kích thích của thuốc như tăng nhịp tim, tăng huyết áp, bồn chồn, khô miệng,…
Liều lượng và cách dùng thuốc chống say xe
Liều lượng phù hợp:
- Tùy thuộc vào lứa tuổi và tình trạng sức khỏe: Liều lượng thuốc chống say xe có thể thay đổi dựa trên lứa tuổi, tình trạng sức khỏe của từng người. Người lớn và trẻ em có thể cần liều khác nhau và những người có các vấn đề sức khỏe đặc biệt cũng cần được điều chỉnh liều phù hợp.
- Loại thuốc: Mỗi loại thuốc chống say xe có liều lượng khuyến cáo riêng.
- Không dùng quá liều: Cần uống đúng liều lượng để tránh tác dụng phụ và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Không dùng nhiều loại thuốc cùng lúc: Tránh sử dụng nhiều loại thuốc chống say xe cùng lúc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh tương tác thuốc dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
Cách dùng:
- Thuốc uống: Đối với các loại thuốc chống say xe dạng viên uống, bạn nên uống thuốc ít nhất 30-60 phút trước khi lên xe để thuốc có thời gian phát huy tác dụng. Thời gian cụ thể có thể thay đổi tùy theo loại thuốc và cơ địa cá nhân.
- Miếng dán: Đối với miếng dán chống say xe như Scopolamine, bạn cần dán miếng dán ít nhất 4 giờ trước khi lên xe để thuốc thấm qua da và phát huy hiệu quả.
Tác dụng phụ của thuốc chống say xe
Khi sử dụng các thuốc chống say xe, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ như:
- Buồn ngủ: Đây là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của các loại thuốc chống say xe, đặc biệt là các thuốc kháng Histamin như Dimenhydrinate và Diphenhydramine. Tác dụng này có thể làm giảm khả năng tập trung và phản xạ, vì vậy nên cẩn trọng khi lái xe hoặc thực hiện các công việc đòi hỏi sự tập trung cao.
- Khô miệng: Một số thuốc, đặc biệt là các thuốc kháng Cholinergic như Scopolamine, có thể gây khô miệng, làm bạn cảm thấy khó chịu và khát nước.
- Nhìn mờ: Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng nhìn mờ, ảnh hưởng đến khả năng quan sát và thực hiện các hoạt động cần độ chính xác cao.
- Lú lẫn: Tác dụng phụ này có thể xảy ra với một số người, đặc biệt là người cao tuổi hoặc khi sử dụng thuốc với liều cao. Lú lẫn có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ và nhận thức.
Cần lưu ý rằng:
- Không dùng rượu bia khi sử dụng thuốc chống say xe vì điều này làm tăng mức độ buồn ngủ, chóng mặt và giảm khả năng tập trung, đồng thời làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Thận trọng khi sử dụng với các loại thuốc khác: Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc khác, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi kết hợp với thuốc chống say xe. Sự kết hợp không đúng có thể dẫn đến tương tác thuốc không mong muốn và làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ.
Mẹo trị say tàu xe không dùng thuốc
Ngủ đủ giấc và chế độ dinh dưỡng thích hợp
- Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ có thể làm tăng cảm giác buồn nôn và chóng mặt khi bị say xe, do đó hãy đảm bảo bạn có giấc ngủ đủ và chất lượng trước khi di chuyển.
- Dinh dưỡng: Tránh ăn quá no, tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc đồ ăn cay trước khi đi. Thay vào đó, hãy ăn các bữa ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như bánh quy, trái cây hoặc hạt.
Chọn vị trí chỗ ngồi thoải mái
- Trên ô tô: Ngồi ở hàng ghế trước gần cửa sổ hoặc gần tài xế, tránh ngồi ở các hàng ghế phía sau hoặc ở giữa xe.
- Trên tàu hỏa: Ngồi ở trung tâm tàu, tập trung nhìn về một điểm sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn.
- Trên tàu thuyền: Ngồi ở vị trí gần trung tâm và gần mặt nước để giảm cảm giác lắc lư. Nếu có thể, hãy ra ngoài và ngắm cảnh biển.
Hít thở sâu và thư giãn
- Hít thở sâu: Hít thở chậm và đều, giữ hơi thở trong vài giây và sau đó thở ra từ từ có thể giúp giảm cảm giác khó chịu.
- Thư giãn: Căng thẳng và lo lắng có thể làm tăng cảm giác say xe, bạn có thể nghe nhạc nhẹ nhàng, thả lỏng cơ thể để giảm căng thẳng.
Các biện pháp tự nhiên chống say xe
Ngoài những thuốc kể trên, bạn có thể thử sử dụng các biện pháp thiên nhiên như:
- Gừng: Gừng có thể giúp giảm buồn nôn. Bạn có thể dùng gừng tươi, kẹo gừng hoặc trà gừng trước và trong suốt chuyến đi.
- Tinh dầu bạc hà: Ngửi tinh dầu bạc hà hoặc thêm vài giọt vào nước có thể giúp làm dịu cảm giác buồn nôn.
- Châm cứu hoặc bấm huyệt: Một số người thấy rằng châm cứu hoặc bấm huyệt tại các điểm cụ thể trên cơ thể, chẳng hạn như mặt trên cổ tay (huyệt P6 – huyệt nội quan) có thể giúp giảm triệu chứng say xe.
Lưu ý: Không nên tự ý thực hiện châm cứu vì đây là một thủ thuật phức tạp đòi hỏi chuyên môn cao. Việc này chỉ nên được thực hiện bởi bác sĩ y học cổ truyền hoặc những người được đào tạo chuyên môn. Tự ý châm cứu có thể gây nguy hiểm và không đảm bảo hiệu quả điều trị.
Uống thuốc say xe có tác dụng bao lâu?
Thời gian tác dụng của thuốc có thể khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc, cơ địa của mỗi người và thể trạng cá nhân nhưng nhìn chung, thời gian tác dụng thường kéo dài từ 4 đến 6 giờ. Một số loại thuốc có thể kéo dài tới 8 giờ, Scopolamine có thể có tác dụng kéo dài từ 72 giờ (3 ngày) khi sử dụng dưới dạng miếng dán sau tai.
Mỗi người có cơ địa khác nhau do đó đáp ứng thuốc cũng sẽ khác nhau. Một số người có thể cảm nhận được hiệu quả lâu hơn hoặc ngắn hơn so với thời gian ghi trên nhãn thuốc.
Các yếu tố như sức khỏe tổng quát, tuổi tác và chức năng gan, thận đều có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Ví dụ, người có chức năng gan hoặc thận kém có thể chuyển hóa thuốc kém hơn, dẫn đến thời gian tác dụng kéo dài hơn hoặc nguy cơ tác dụng phụ cao hơn.
Bài viết đã cung cấp thông tin chi tiết về các loại thuốc chống say xe phổ biến, cách sử dụng và những điều cần lưu ý để giúp bạn có một chuyến đi thoải mái hơn. Hãy tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng để đạt hiệu quả tối ưu và đảm bảo an toàn. Đừng quên theo dõi thêm các bài viết khác hoặc chia sẻ bài viết này để người thân và bạn bè cùng biết đến các giải pháp hữu ích khi đi lại.
Xem thêm:
- Top 5 thuốc say xe cho trẻ em an toàn và hiệu quả
- Top 4 thuốc say xe dạng nước thông dụng nhất và giá bán
- Top 5 thuốc chống buồn ngủ giá rẻ, dễ tìm mua
Nguồn tham khảo:
1. Motion Sickness
- Link tham khảo: https://www.mountsinai.org/health-library/condition/motion-sickness
- Ngày tham khảo: 10/08/2024
2. Antihistamines
- Link tham khảo: https://www.mountsinai.org/health-library/condition/motion-sickness
- Ngày tham khảo: 10/08/2024
3. Anticholinergic Drugs to Avoid in the Elderly
- Link tham khảo: https://www.mountsinai.org/health-library/condition/motion-sickness
- Ngày tham khảo: 10/08/2024