Bệnh tiểu đường không chỉ là mối đe dọa đối với lượng đường trong máu mà còn là nguy cơ tiềm ẩn cho các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là các vấn đề về mắt và tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ bất ngờ giữa chất chống oxy hóa và khả năng giảm thiểu các biến chứng này. Cùng Docosan tìm hiểu sâu hơn về vai trò chống oxy hóa trên các biến chứng mắt & tim mạch ở BN ĐTĐ qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Các biến chứng do stress oxy hoá tác động đến người bệnh tiểu đường
Stress oxy hóa là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển và tiến triển của bệnh tiểu đường, gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ở những bệnh nhân mắc bệnh này. Khi lượng đường trong máu tăng cao, quá trình sản xuất các tác nhân oxy hóa tăng lên, trong khi hoạt động của các enzyme chống oxy hóa bị suy giảm.
Sự mất cân bằng này gây tổn thương đến các phân tử sinh học quan trọng như protein, lipid và DNA, dẫn đến nhiều biến chứng. Các con đường liên quan như con đường polyol, glycation, protein kinase-C và hexosamine cũng thúc đẩy sự hình thành các sản phẩm gây hại, làm trầm trọng thêm các biến chứng của bệnh tiểu đường.
Hơn nữa, hiện tượng đa hình trong bộ gen của các enzyme chống oxy hóa có thể làm giảm khả năng bảo vệ của cơ thể, làm tăng nguy cơ tổn thương do stress oxy hóa. Cụ thể như:
- Kháng insulin và bệnh tim mạch: Stress oxy hóa gây kháng insulin, làm suy giảm khả năng của insulin trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Hệ quả của việc này không chỉ dừng lại ở mức độ kiểm soát đường huyết mà còn dẫn đến sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim cấp tính.
- Biến chứng ở võng mạc, cầu thận và dây thần kinh ngoại biên: Các biến chứng mắt, chẳng hạn như bệnh võng mạc tiểu đường, là một trong những hậu quả trực tiếp của stress oxy hóa kéo dài, gây tổn thương mạch máu nhỏ trong võng mạc. Tương tự, stress oxy hóa cũng làm tổn thương cấu trúc màng lọc ở cầu thận dẫn đến suy thận. Ngoài ra, biến chứng dây thần kinh ngoại biên gây ra các triệu chứng đau đớn và mất cảm giác ở bệnh nhân tiểu đường.
- Tổn thương ty thể và xơ vữa động mạch: Stress oxy hóa làm tổn thương DNA của ty thể, làm suy giảm chức năng của nó và kích hoạt các tín hiệu tiền viêm. Các tín hiệu này làm bất hoạt các enzyme bảo vệ chống xơ vữa động mạch như prostacyclin synthase và eNOS, dẫn đến sự hình thành mảng xơ vữa và tổn thương mạch máu.
- Khả năng phát triển bệnh tim mạch từ kháng insulin độc lập với đường huyết: Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng kháng insulin ở những người không bị tiểu đường hoặc rối loạn dung nạp glucose vẫn có thể dẫn đến bệnh tim mạch. Điều này cho thấy tác động của stress oxy hóa không chỉ liên quan đến mức đường huyết mà còn đến sự kháng insulin trong các tế bào, đặc biệt là ở mô mỡ và mạch máu.
Tóm lại, stress oxy hóa là một yếu tố quan trọng thúc đẩy kháng insulin và các biến chứng nặng nề liên quan đến bệnh tiểu đường, đặc biệt là các bệnh lý về tim mạch, mắt, thận và thần kinh.
Vai trò chống oxy hóa trên các biến chứng mắt & tim mạch ở BN ĐTĐ
Chất chống oxy hóa đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu các biến chứng của bệnh tiểu đường thông qua việc kiểm soát stress oxy hóa. Việc bổ sung và sử dụng các chất chống oxy hóa giúp làm giảm quá trình này bằng cách ức chế sự hình thành gốc tự do, dọn sạch các gốc tự do và tăng cường khả năng hoạt động của các enzyme bảo vệ cơ thể khỏi stress oxy hóa.
– Hệ thống chống oxy hóa bằng enzyme:
- Superoxide dismutase (SOD): Enzyme này có nhiều dạng (đồng, kẽm, mangan SOD) và hoạt động bằng cách chuyển hóa superoxide thành các hợp chất ít độc hại hơn, ngăn ngừa tích tụ gốc tự do quá mức trong cơ thể.
- Glutathione peroxidase và glutathione reductase: Những enzyme này bảo vệ tế bào bằng cách giảm lượng hydro peroxide và các peroxide hữu cơ khác, duy trì cân bằng oxy hóa khử và bảo vệ mô khỏi tổn thương.
- Catalase: Giúp chuyển hydro peroxide thành nước và oxy, ngăn cản sự hình thành gốc tự do từ các phản ứng chuyển đổi trong cơ thể.
– Hệ thống chống oxy hóa không phải enzyme:
- Glutathione và ubichinol: Đây là các chất chống oxy hóa nội sinh, có khả năng dọn sạch gốc tự do và giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương oxy hóa.
- Các chất chống oxy hóa từ chế độ ăn uống: Vitamin C, vitamin E, carotenoid, axit lipoic và selen là những chất chống oxy hóa quan trọng được cung cấp qua thực phẩm. Chúng giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác động có hại của stress oxy hóa, đặc biệt là ở những bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ biến chứng tim mạch và mạch máu cao.
- Chất chống oxy hóa tổng hợp và thuốc có hoạt tính chống oxy hóa: Các loại thuốc và hợp chất tổng hợp có khả năng chống oxy hóa cũng được sử dụng trong liệu pháp điều trị biến chứng tiểu đường, giúp kiểm soát stress oxy hóa ở cấp độ tế bào.
Qua các cơ chế chống oxy hóa sẽ giúp tế bào tránh khỏi bị tổn thương bởi các gốc tự do, từ đó bảo vệ tế bào được khỏe mạnh. Đây là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa các biến chứng về mắt và tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường.
Hiệu quả của việc bổ sung chất chống oxy hoá từ thực phẩm giúp cải thiện bệnh tiểu đường
Việc bổ sung chất chống oxy hóa từ thực phẩm đã được chứng minh có tác dụng tích cực đối với bệnh tiểu đường, đặc biệt là bệnh tiểu đường tuýp 2. Các chất chống oxy hóa quan trọng từ thực phẩm như vitamin C, E, A và các hợp chất polyphenol giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương oxy hóa, một yếu tố góp phần quan trọng vào sự tiến triển của bệnh tiểu đường.
- Vitamin C và E: Người mắc tiểu đường tuýp 2 thường có mức vitamin C thấp hơn bình thường, do đó việc bổ sung vitamin C đã cho thấy hiệu quả trong việc giảm nguy cơ phát triển bệnh. Ngoài ra, nồng độ α-tocopherol (một dạng của vitamin E) cao trong huyết thanh cũng giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 1 và 2. Để tăng tính tiện lợi và dễ dàng kiểm soát liều lượng, người bệnh có thể bổ sung vitamin E từ sản phẩm viên uống như MEDICRAFTS.
- Polyphenol từ thực vật cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và quản lý bệnh tiểu đường. Các hợp chất này có mặt nhiều trong trà xanh, cà phê, rượu vang đỏ và mật ong. Các polyphenol như catechin, resveratrol và các flavonoid đã được chứng minh giúp cải thiện độ nhạy insulin, giảm viêm và loại bỏ các gốc tự do, từ đó hỗ trợ điều trị và làm giảm các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.
- Ngoài ra, nghệ với thành phần curcumin là một chất chống oxy hóa mạnh có khả năng cải thiện chức năng của tế bào β trong tuyến tụy và làm giảm tình trạng kháng insulin, giúp kiểm soát mức đường huyết tốt hơn.
Những thực phẩm chống oxy hoá tốt cho người tiểu đường
Các loại rau lá xanh đậm
Rau xanh lá đậm là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của người bệnh tiểu đường nhờ vào những lợi ích dinh dưỡng và sức khỏe mà chúng mang lại. Các loại rau này chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, giúp giảm căng thẳng oxy hóa và cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể. Một số loại rau xanh lá đậm có lợi cho người tiểu đường bao gồm:
- Rau bina: Rau bina là một trong những loại rau xanh lá đậm giàu chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin A, C, K và folate. Ngoài ra, rau bina cũng chứa nhiều chất khoáng như sắt, canxi, kali và axit alpha-lipoic – một chất chống oxy hóa có khả năng cải thiện độ nhạy insulin và giảm triệu chứng neuropathy tiểu đường. Với hàm lượng calo và carbohydrate thấp, rau bina là lựa chọn lý tưởng cho người tiểu đường.
- Cải xanh: Cải xanh (hay cải thìa) không chỉ giàu vitamin A, C và K mà còn chứa chất xơ và các khoáng chất như canxi và sắt. Cải xanh giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm cholesterol xấu và duy trì ổn định lượng đường trong máu. Bên cạnh đó, cải xanh còn chứa glucosinolate, một hợp chất có khả năng chống viêm và bảo vệ tế bào khỏi tổn thương.
- Cải xoăn: Cải xoăn là một loại rau xanh lá đậm cực kỳ giàu chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin A, C, K và folate. Đây cũng là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, giúp kiểm soát lượng đường trong máu và cảm giác no lâu hơn. Ngoài ra, cải xoăn còn chứa các hợp chất chống oxy hóa như quercetin và kaempferol, giúp bảo vệ cơ thể khỏi stress oxy hóa và viêm.
- Rau mồng tơi: Rau mồng tơi là một loại rau xanh lá đậm chứa nhiều vitamin A, C, K cùng với các khoáng chất như sắt và canxi. Loại rau này không chỉ giàu chất chống oxy hóa mà còn có tác dụng hạ đường huyết, là lựa chọn tuyệt vời cho người bệnh tiểu đường.
Quả bơ
Quả bơ là thực phẩm giàu dinh dưỡng, rất có lợi cho người tiểu đường nhờ chứa các thành phần nổi bật sau:
- Chất chống oxy hóa: Bơ chứa nhiều vitamin E và carotenoid như lutein, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương, cải thiện độ nhạy insulin và giảm viêm hiệu quả.
- Vitamin tan trong chất béo: Bơ cung cấp các vitamin K, E và nhóm B, giúp điều hòa đường huyết và giảm nguy cơ mắc các biến chứng liên quan đến tiểu đường.
- Chất xơ: Hàm lượng chất xơ cao trong bơ giúp cải thiện tiêu hóa, giảm cảm giác thèm ăn và ổn định mức đường huyết bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa glucose.
- Chất béo tốt cho tim mạch: Bơ chứa nhiều chất béo không bão hòa, giúp giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt, từ đó hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Các loại đậu
Các loại đậu là nguồn thực phẩm tuyệt vời cho người tiểu đường, nhờ vào khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ và giá trị dinh dưỡng cao. Một số loại đậu nổi bật bao gồm:
- Đậu đen: Chứa nhiều anthocyanin, đậu đen giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao trong đậu đen còn giúp ổn định đường huyết.
- Đậu thận: Giàu protein, chất xơ và khoáng chất, đồng thời đậu thận không chứa chất béo bão hòa nên giúp hạn chế nguy cơ xơ vữa mạch máu.
- Đậu pinto: Giàu chất chống oxy hóa và chất xơ, giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn.
- Đậu navy: Giàu folate và chất xơ, giúp cải thiện tiêu hóa và ổn định đường huyết.
- Đậu gà: Là nguồn protein thực vật tuyệt vời, ngoài ra đậu gà còn chứa saponin giúp giảm viêm.
- Đậu lăng: Giàu protein, chất xơ và flavonoid, đậu lăng dễ chế biến và rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
- Đậu Hà Lan: Giàu chất xơ và vitamin, giúp ổn định lượng đường huyết.
Qua đó, lợi ích chung của các loại đậu có thể kế đến gồm:
- Giàu chất xơ: Cải thiện tiêu hóa và kiểm soát đường huyết.
- Cung cấp protein thực vật: Không chứa chất béo bão hòa, giảm nguy cơ bệnh tim.
- Giàu vitamin và khoáng chất: Hỗ trợ chức năng miễn dịch và sức khỏe tổng thể.
- Dễ chế biến: Thích hợp cho nhiều món ăn trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
Cá giàu axit béo Omega-3
Cá là nguồn thực phẩm giàu axit béo Omega-3, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là với những người mắc bệnh tiểu đường. Omega-3 giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch và tình trạng viêm, đây là hai yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát tiểu đường. Trong đó, các loại cá béo như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá thu và cá ngừ vây dài là lựa chọn hàng đầu. Lợi ích của Omega-3 bao gồm:
- Giảm viêm: Giúp kiểm soát tình trạng viêm mãn tính ở bệnh nhân tiểu đường.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Giảm triglyceride và huyết áp, từ đó giảm nguy cơ bệnh tim.
- Chống oxy hóa: Bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do căng thẳng oxy hóa, giúp bảo vệ tuyến tụy sản xuất insulin.
Ngoài ra, khi chế biến các loại cá, người dùng nên nướng, luộc hoặc hấp cá để giữ nguyên giá trị dinh dưỡng, tránh các món cá tẩm bột và chiên. Theo nhiều báo cáo dinh dưỡng, người mắc bệnh tiểu đường được khuyến nghị nên ăn cá béo ít nhất hai lần mỗi tuần để hỗ trợ kiểm soát tình trạng bệnh.
Các loại hạt
Các loại hạt là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất chống oxy hóa, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh tiểu đường. Một số loại hạt tốt cho sức khỏe bao gồm:
- Quả óc chó: Giàu axit béo omega-3, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và kiểm soát đường huyết.
- Hạt lanh: Cung cấp omega-3 thực vật và chất xơ, hỗ trợ tiêu hóa và kiểm soát cơn đói. Có thể xay nhuyễn hạt lanh khi dùng để giúp cơ thể hấp thu tốt hơn.
- Hạt chia: Giàu chất xơ và protein, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và kiểm soát đường huyết.
- Hạt hạnh nhân: Chứa vitamin E và magie, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và làm giảm cảm giác đói. Dùng hạnh nhân sống hoặc rang không muối là lựa chọn tốt nhất.
- Hạt điều: Cung cấp magie, giúp điều hòa đường huyết và cải thiện mức độ nhạy cảm với insulin.
- Hạt dẻ cười: Giàu chất xơ và protein, hỗ trợ kiểm soát đường huyết và sức khỏe não bộ.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người mắc bệnh tiểu đường nên tiêu thụ khoảng 28 gram (1 ounce) hạt mỗi ngày và tốt nhất là chọn loại hạt không có thêm đường hoặc muối.
Các loại quả mọng
Quả mọng là một lựa chọn tuyệt vời cho người mắc bệnh tiểu đường nhờ vào hàm lượng dinh dưỡng cao và lợi ích sức khỏe mà chúng mang lại, bao gồm:
- Chứa nhiều chất chống oxy hóa: Các loại quả mọng như dâu tây, việt quất, mâm xôi và mâm xôi đen đều rất giàu anthocyanins, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do và giảm viêm. Điều này dẫn đến cải thiện độ nhạy insulin và hỗ trợ kiểm soát đường huyết.
- Giàu vitamin và khoáng chất: Quả mọng cung cấp nhiều vitamin C, K và các khoáng chất như mangan, kali, giúp tăng cường miễn dịch, sức khỏe tim mạch và duy trì huyết áp ổn định.
- Nguồn chất xơ phong phú: Quả mọng có chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate, giảm mức đường huyết sau bữa ăn và cải thiện cảm giác no, từ đó hỗ trợ kiểm soát cân nặng.
- Vị ngọt tự nhiên: Với vị ngọt tự nhiên, quả mọng là lựa chọn lý tưởng để thỏa mãn cơn thèm ngọt mà không cần thêm đường, ngoài ra quả mọng có thể thưởng thức tươi hoặc thêm vào các món ăn khác.
Một số loại quả mọng có nhiều lợi ích mà người bệnh tiểu đường nên thử bao gồm:
- Dâu tây: Giàu vitamin C và chất chống oxy hóa.
- Việt quất: Chứa nhiều anthocyanins, hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
- Mâm xôi: Nguồn chất xơ và vitamin C dồi dào.
- Mâm xôi đen: Giàu vitamin K và mangan.
Trái cây họ cam quýt
Các loại trái cây họ cam quýt như bưởi, cam, chanh vàng và chanh xanh không chỉ chứa nhiều vitamin C mà còn cung cấp chất xơ, folate và kali, rất có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường. Các thành phần dinh dưỡng nổi bật trong trái cây họ cam quýt bao gồm:
- Vitamin C: Vitamin C là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi gốc tự do. Việc tiêu thụ đủ vitamin C có thể cải thiện sự nhạy cảm với insulin và giảm mức HbA1c, hỗ trợ kiểm soát đường huyết.
- Chất xơ: Chất xơ trong trái cây họ cam quýt giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường, tăng cảm giác no và giảm nguy cơ tăng đường huyết sau bữa ăn. Điều này rất quan trọng cho việc duy trì ổn định mức đường huyết.
- Folate và kali: Folate hỗ trợ sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ bệnh tim, trong khi kali giúp điều hòa huyết áp. Cả hai đều quan trọng cho sức khỏe tổng thể của người tiểu đường.
Bên cạnh đó, người bệnh tiểu đường được khuyến cáo nên ăn trái cây nguyên quả thay vì nước ép để tận dụng tối đa chất xơ và vitamin, đồng thời hạn chế lượng đường hấp thu.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn thực phẩm quan trọng cho người bệnh tiểu đường nhờ vào nhiều lợi ích sức khỏe. Chúng chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin B, magie, sắt, mangan cùng với lượng chất xơ phong phú, giúp cải thiện tiêu hóa và kiểm soát đường huyết. Những lợi ích có thể kể đến của ngũ cốc nguyên hạt bao gồm:
- Thành phần dinh dưỡng: Ngũ cốc nguyên hạt chứa vitamin B giúp chuyển hóa năng lượng, chứa magie cải thiện độ nhạy insulin và chứa sắt hỗ trợ chức năng sinh học cần thiết cho cơ thể.
- Nguồn chất xơ tuyệt vời: Chất xơ trong ngũ cốc nguyên hạt giúp làm chậm hấp thụ đường vào máu, từ đó kiểm soát mức đường huyết tốt hơn, rất quan trọng cho người bệnh tiểu đường.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt mà người tiểu đường có thể sử dụng bao gồm:
- Yến mạch nguyên hạt: Chứa beta-glucan giúp giảm cholesterol và có chỉ số đường huyết thấp.
- Hạt diêm mạch: Là nguồn protein hoàn chỉnh, giàu chất xơ và khoáng chất như sắt và magie.
- Lúa mạch: Chứa beta-glucan giúp giảm cholesterol và cải thiện độ nhạy insulin.
- Farro: Loại ngũ cốc cổ đại giàu protein, chất xơ và vitamin nhóm B.
- Lúa mì nguyên cám: Giàu chất xơ và vitamin B, giúp duy trì sức khỏe tiêu hóa và kiểm soát cảm giác thèm ăn.
Sữa và sữa chua
Sữa và sữa chua không chỉ cung cấp canxi và vitamin D cho xương và răng mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt cho người tiểu đường. Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy vitamin D trong các sản phẩm này có thể giúp cải thiện khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu và giảm viêm.
Sữa chua chứa probiotic, giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột và có thể cải thiện tình trạng viêm, đồng thời hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường cần chú ý đến lượng carbohydrate trong sữa và sữa chua, nên tìm các sản phẩm ít béo và đường bổ sung. Trong đó, sữa chua Hy Lạp là lựa chọn tốt với lượng protein cao và ít carbohydrate hơn.
Để thưởng thức sữa chua một cách bổ dưỡng, người dùng có thể thêm quả mọng để cung cấp chất xơ và chất chống oxy hóa hoặc dùng với hạt óc chó để tăng cường omega-3 và giảm viêm.
Xem thêm:
- Góc giải đáp: Người tiểu đường ăn hạt điều được không?
- Những loại củ quả người tiểu đường không nên ăn để duy trì sức khỏe
- Chế độ ăn kiêng cho người tiểu đường như thế nào?
Stress oxy hóa là yếu tố quan trọng làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh tiểu đường, gây ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lượng đường trong máu và gia tăng nguy cơ mắc phải các biến chứng. Việc bổ sung chất chống oxy hóa từ thực phẩm không chỉ giúp giảm thiểu stress oxy hóa mà còn hỗ trợ cải thiện sức khỏe tổng thể cho người mắc bệnh tiểu đường. Nếu cảm thấy bài viết hữu ích, bạn đọc hãy chia sẻ với bạn bè và người thân để cùng nhau nâng cao kiến thức về bệnh tiểu đường.
Nguồn tham khảo:
1. Oxidative stress and diabetic complications
- Link tham khảo: https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC2996922/
- Ngày tham khảo: 23/10/2024
2. Oxidative stress and antioxidants in diabetes mellitus
- Link tham khảo: https://journals.lww.com/aptm/fulltext/2020/13100/oxidative_stress_and_antioxidants_in_diabetes.2.aspx
- Ngày tham khảo: 23/10/2024
3. Antioxidants and diabetes
- Link tham khảo: https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3603044/
- Ngày tham khảo: 23/10/2024
4. The role of dietary antioxidants in type 2 diabetes and neurodegenerative disorders: An assessment of the benefit profile
- Link tham khảo: https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC9826852/
- Ngày tham khảo: 23/10/2024
5. Diabetes Superstar Foods: Taking Charge of Your Health Through Food
- Link tham khảo: https://diabetes.org/food-nutrition/food-and-blood-sugar/diabetes-superstar-foods
- Ngày tham khảo: 23/10/2024