Khô mắt là một căn bệnh phổ biến hiện nay, nhất là khi chúng ta phải thường xuyên tiếp xúc với máy tính, khói bụi mỗi ngày. Vậy làm thế nào để giảm mỏi mắt, khô mắt? Thân mời quý bạn đọc cùng Docosan tìm hiểu về 9 cách trị khô mắt tại nhà hiệu quả qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Nguyên nhân gây khô mắt
Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến khô mắt. Lão hóa, thay đổi nội tiết tố, tiếp xúc với tia cực tím, sử dụng máy tính, môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi đều là những tác nhân có thể gây khô mắt.
Bên cạnh đó, khô mắt cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý (viêm khớp dạng thấp, Parkinson, bệnh tuyến giáp) hoặc là tác dụng phụ của thuốc (thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin, thuốc tránh thai đường uống,…). Ngoài ra, khoa học đã chứng minh khô mắt có thể do di truyền hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh.
Khi bị khô mắt, người bệnh có thể cảm thấy:
- Đau mắt, nóng rát, mắt đỏ.
- Ngứa mắt.
- Mờ mắt.
- Cảm giác mắt bị cộm như có cát hoặc bụi trong mắt.
- Dễ mỏi mắt sau khi đọc sách, báo.
- Khó đeo kính áp tròng.
- Chảy nhiều nước mắt hoặc không chảy nước mắt khi bạn khóc.
Bạn có thể dễ dàng nhận thấy các triệu chứng của tình trạng khô mắt. Khô mắt không phải là tình trạng quá nghiêm trọng nhưng vẫn cần có cách xử trí, can thiệp kịp thời để không ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống hằng ngày của người bệnh.
Mắt khô do thiếu nước
Tình trạng mắt thiếu nước, không đủ ẩm là do vấn đề của các tuyến nước mắt (tuyến lệ). Các tuyến này đóng vai trò sản xuất dịch lỏng để bảo vệ và duy trì độ ẩm cho mắt. Khi tuyến lệ hoạt động không tốt, mắt chúng ta sẽ bị khô do thiếu nước, dẫn đến mắt bị kích ứng.
Hai nguyên nhân chủ yếu khiến mắt khô do thiếu nước là tuổi tác và hội chứng Sjogren. Ngoài ra viêm gan C, một số bệnh lý tổn thương tuyến nước mắt khác cũng là những nguyên nhân gây khô, mỏi mắt.
Khô mắt do bay hơi
Màng phim nước mắt gồm 3 lớp: lớp mỡ, lớp nước và lớp nhầy. Màng phim này đóng vai trò quan trọng trong giữ mắt sạch trong, bảo vệ mắt, rửa trôi vi khuẩn, bụi bẩn khi bạn chớp mắt.
Tuyến meibomian là các tuyến dầu nhỏ nằm dọc theo lề của mí mắt. Tuyến meibomian có khả năng tiết ra dầu bao phủ bề mặt mắt, giữ cho dịch lỏng trong mắt không bị bay hơi nhằm duy trì độ ẩm cho mắt. Vì vậy, bạn sẽ bị khô, ngứa mắt khi tuyến meibomian bị tắc nghẽn.
Hiện có nhiều tác nhân có thể gây khô mắt do bay hơi như:
- Rối loạn chức năng tuyến meibomian.
- Chớp mắt ít.
- Mắt bị dị ứng.
- Chất bảo quản trong thuốc nhỏ mắt.
- Gió, khói bụi, không khí khô.
- Mắc các tình trạng về mí mắt (entropion và ectropion).
- Thiếu hụt vitamin.
9 cách trị khô mắt tại nhà hiệu quả tức thì
Khô mắt là tình trạng sức khỏe phổ biến và không quá nghiêm trọng. Vì vậy, bạn có thể tự xử trí triệu chứng khô mắt tại nhà bằng 9 cách sau đây:
Bổ sung acid béo Omega – 3: Theo nghiên cứu, thường xuyên bổ sung Omega – 3 giúp giảm 17% nguy cơ bị khô mắt. Bạn có thể bổ sung Omega – 3 qua nhiều loại thực phẩm như cá hồi, quả óc chó, dầu thực vật, hạt lanh,…
Thường xuyên chớp mắt: Sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài khiến bạn dễ bị khô mắt. Do vậy, bạn hãy thử chớp mắt nhiều hơn theo nguyên tắc 20/20 (nhắm mắt lại sau mỗi 20 phút trong vòng 20 giây).
Chườm ấm: Tuyến meibomian thuyên tắc khiến nước mắt dễ bốc hơi do nước mắt bị thiếu dầu. Vì vậy, lúc này mắt của bạn sẽ bị khô và viêm. Chườm ấm giúp giảm tình trạng kích ứng này, góp phần làm loãng lượng dầu bị tắc.
Để chườm ấm hiệu quả, bạn cần thấm nước ấm vào khăn, nhắm mắt lại, đắp khăn lên mắt và ấn khăn nhẹ nhàng dọc theo mí mắt trong vòng 1 phút. Bên cạnh chườm ấm, bạn có thể sử dụng các loại mặt nạ sưởi ấm để cải thiện tình trạng khô mắt.
Rửa sạch lông mi và mí mắt: Khô mắt có nguy cơ cao gây viêm mí mắt. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh lý này, bạn nên làm sạch vùng xung quanh mí mắt, bao gồm cả lông mi. Cách vệ sinh lông mi rất đơn giản. Bạn lấy một ít dầu gội hoặc xà phòng trẻ em lên tay, nhắm mắt lại và bắt đầu nhẹ nhàng massage vùng mí mắt.
Thuốc nhỏ mắt: Thuốc nhỏ mắt là lựa chọn được nhiều người tin dùng khi mắt bị khô. Thuốc hoạt động như nước mắt tự nhiên, cung cấp độ ẩm cho mắt. Tuy nhiên, bạn nên cẩn trọng tránh lạm dụng thuốc nhỏ mắt vì trong thành phần thuốc có chứa lượng nhỏ chất bảo quản, dễ gây kích ứng thêm. Ngoài ra, sử dụng gel bôi trơn cho mắt cũng là một lựa chọn tốt để làm dịu khô mắt, bảo vệ mắt kéo dài.
Bổ sung vitamin A, B12 và D: Thiếu hụt vitamin cũng là một nguyên nhân khiến mắt khô, mỏi mắt. Do đó bạn nên chủ động bổ sung thêm vitamin qua các bữa ăn hàng ngày hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung. Lưu ý, bạn chỉ nên dùng viên uống bổ sung khi có chỉ định của bác sĩ.
Một số thực phẩm chứa hàm lượng cao vitamin bạn có thể tham khảo cho bữa ăn của mình như rau củ quả, trái cây họ cam chanh, kiwi, nho, sản phẩm từ bơ sữa,…
Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá: Các loại hóa chất trong thuốc lá không những là nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe mà còn có khả năng gây khô mắt. Hút thuốc làm thay đổi thành phần của nước mắt, khiến mắt dễ bị khô và kích ứng.
Ngủ đủ giấc: Khi thiếu ngủ, đôi mắt chúng ta phải làm việc, điều tiết nhiều hơn bình thường. Lúc này, mắt sẽ tiết ra nhiều nước mắt và trở nên khô hơn do thiếu ẩm. Vì vậy, để bảo vệ mắt thật tốt, bạn nên ngủ đủ 7 – 8 tiếng/ngày, ngủ cùng một khung giờ và tránh tiếp xúc với ánh sáng xanh 1h trước khi ngủ.
Đeo kính râm bảo vệ mắt: Khô mắt có thể khiến mắt nhạy cảm với ánh sáng hơn bình thường, làm mắt dễ bị đau, lác và chảy nhiều nước mắt. Do vậy, bạn nên đeo kính râm hoặc kính chống ánh sáng xanh để tránh tình trạng khô mắt trở nên trầm trọng hơn.
Phòng ngừa khô mắt
Khô mắt không hẳn là do bệnh lý gây ra mà còn do nhiều tác nhân môi trường, ngoại cảnh khác. Do đó, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa những tác nhân này bằng cách:
- Uống đủ nước: Cung cấp đủ nước sẽ hỗ trợ mắt rửa trôi bụi bẩn, chớp mắt dễ dàng, giúp làm dịu khô mắt. Ngoài ra, uống nước còn góp phần bổ sung tuyến lệ và bảo vệ nhãn cầu. Mỗi chúng ta nên uống khoảng 1,5l – 2l nước/ngày.
- Bổ sung Omega – 3: Bên cạnh hỗ trợ điều trị khô mắt, hoạt chất Omega – 3 còn có tác dụng phòng ngừa tình trạng mắt khó chịu này. Omega – 3 giúp cải thiện chức năng của tuyến meibomian và cung cấp thêm dưỡng chất cho mắt.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm và máy lọc không khí: Không khí ô nhiễm cũng là một nguyên nhân gây nên các bệnh lý về mắt. Vì vậy, bạn có thể tìm mua máy lọc không khí và máy phun sương đặt trong phòng nhằm tạo độ ẩm, tránh vi khuẩn phát triển gây hại cho mắt.
Tại TP.HCM, Bệnh viện Mắt Sài Gòn là một trong những bệnh viện uy tín hàng đầu trong điều trị nhãn khoa. Tọa lạc tại 471-473 Cách Mạng Tháng Tám, bệnh viện đã ghi nhận hơn 500.000 lượt thăm khám và phẫu thuật thành công cho hơn 70.000 ca bệnh. Với đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, cơ sở vật chất hiện đại, bệnh viện Mắt Sài Gòn chính là lựa chọn tuyệt vời để điều trị các bệnh lý về mắt.
Người nào dễ bị ảnh hưởng đau mắt
Khô mắt là tình trạng phổ biến, thường gặp trong cuộc sống hiện nay. Thế nhưng, người cao tuổi là những người dễ bị khô mắt hơn cả. Nguyên nhân là do theo tuổi tác, khả năng sản xuất nước mắt của tuyến lệ giảm đi đáng kể, khiến mắt thiếu ẩm và bị khô.
Các yếu tố nguy cơ gây khô mắt
Song song với các tác nhân ngoại cảnh và bệnh lý, cơ địa, thói quen của bệnh nhân cũng là những yếu tố nguy cơ gây khô mắt. Một số yếu tố nguy cơ tiêu biểu có thể kể đến:
- Độ tuổi: Hoạt động của tuyến lệ giảm dần theo tuổi tác. Người từ 50 tuổi trở lên sẽ sản xuất ít nước mắt hơn.
- Chế độ ăn: Người có chế độ ăn thiếu hụt vitamin A có nguy cơ cao bị khô mắt.
- Giới tính: Phụ nữ thường sản xuất nước mắt ít hơn nam giới. Đồng thời, phụ nữ mang thai, sử dụng thuốc tránh thai, trong giai đoạn mãn kinh,… sẽ có sự thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến lệ.
- Kính áp tròng: Dùng kính áp tròng thường xuyên sẽ dễ bị khô mắt.
Mắt khô có thể chữa khỏi tự nhiên không?
Hiện rất khó để chữa khỏi mắt khô tự nhiên. Các phương pháp điều trị tại nhà chỉ có thể hỗ trợ cải thiện, giúp giảm triệu chứng khô mắt tại thời điểm đó. Bạn nên đến khám tại các bệnh viện uy tín để được hướng dẫn điều trị chi tiết.
Làm sao có thể chữa khỏi tình trạng khô mắt vĩnh viễn?
Khô mắt là tình trạng mạn tính, không thể chữa dứt điểm và cần phải điều trị duy trì. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, các phương pháp điều trị hiện nay có thể làm giảm đáng kể triệu chứng của mắt khô, giúp đôi mắt khỏe mạnh hơn.
Khô mắt là tình trạng phổ biến ở mọi lứa tuổi. Bạn hãy tham khảo áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà như trong bài viết hướng dẫn để giúp cải thiện triệu chứng hiệu quả.
Xem thêm:
- 6 cách chống mỏi mắt hiệu quả dành cho dân văn phòng
- Bệnh khô mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Cách vệ sinh mắt khi bị đau mắt đỏ: Hướng dẫn chi tiết
Tài liệu tham khảo:
1. Dry Eye (Ocular Surface Disease)
- Link tham khảo: https://opto.ca/eye-health-library/dry-eye-ocular-surface-disease
- Ngày tham khảo: 15/12/2024
2. What Is Aqueous Tear-Deficient Dry Eye?
- Link tham khảo: https://www.webmd.com/eye-health/aqueous-tear-deficient-dry-eye
- Ngày tham khảo: 15/12/2024
3. 5 Home Remedies for Dry Eye
- Link tham khảo: https://stoneycreekeyecare.com/5-home-remedies-for-dry-eye/
- Ngày tham khảo: 15/12/2024