Viêm kết mạc do nhiễm trùng mắt – thường được gọi là đau mắt đỏ là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh này thường lây lan và có thể bùng phát ở các trường mẫu giáo và sân chơi của trẻ. Tuy nhiên ngay cả thanh thiếu niên và người lớn cũng có thể bị đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ bị sốt là một triệu chứng thường gặp. Hãy cùng Docosan tìm hiểu tình trạng này qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Đau mắt đỏ là bệnh gì? Triệu chứng của đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc, gây sưng và đỏ ở bên trong mí mắt và phần trắng của mắt. Tình trạng này cực kỳ phổ biến và một số loại đau mắt đỏ có thể lây lan rất nhanh trong cộng đồng.
Đau mắt đỏ có thể là cấp tính, các triệu chứng đau mắt đỏ thường khỏi dưới 4 tuần. Hoặc có thể là mãn tính, nghĩa là các tình trạng này diễn ra dài hơn bốn tuần. Một số triệu chứng thường gặp ở đau mắt đỏ có thể là:
- Đỏ mắt.
- Dịch tiết mắt nhiều hơn bình thường kèm theo dịch tiết có màu xanh, vàng hoặc trắng. Các dịch tiết này có thể đóng vảy ở lông mi hoặc mí mắt.
- Cảm giác cộm mắt.
- Mắt khô hoặc chảy nước mắt liên tục.
- Kích ứng mắt, ngứa mắt.
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có thể do nhiều loại vi khuẩn và virus gây ra. Một số loại đau mắt đỏ dị ứng, thường xảy ra ở trẻ em mắc các bệnh dị ứng hay khi bị sốt.
Do kích ứng hoặc dị ứng
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ có thể là dị ứng phấn hoa hoặc lông thú cưng, hoặc do những tác nhân có thể gây hại cho mắt, như nước hồ bơi có chứa clo, ô nhiễm không khí hoặc mỹ phẩm trang điểm. Đau mắt đỏ do dị ứng không lây nhiễm nhưng khiến mắt bạn rất ngứa, đỏ và chảy nước mắt, và mí mắt có thể bị sưng húp.
- Dị ứng: Nguyên nhân có thể do nấm mốc, phấn hoa hoặc các chất gây dị ứng khác. Lúc này, cơ thể tạo ra kháng thể immunoglobulin E kích hoạt các tế bào đặc biệt trong màng nhầy của mắt và đường thở giải phóng các chất gây viêm, bao gồm histamine. Khi cơ thể giải phóng histamine sẽ xuất hiện một số triệu chứng dị ứng như đau mắt đỏ.
- Hoá chất bắn vào mắt: bệnh có thể do dầu gội, mỹ phẩm, khói hoặc chất clo trong hồ bơi tác động hoặc bắn vào mắt và gây đỏ. Hơn nữa, việc vệ sinh mắt để rửa sạch hoạt chất có thể khiến mắt đỏ và kích ứng.
- Dị vật trong mắt: Trong sinh hoạt hàng ngày đôi khi người bệnh viêm kết mạc do bụi bẩn vướng trong mắt gây ra.
- Sử dụng kính áp tròng: Đây có thể là nguồn lây bệnh vì tiếp xúc trực tiếp với mắt. Nếu bạn không vệ sinh kính áp tròng đúng cách, nguyên nhân gây đau mắt đỏ có thể lây nhiễm với mắt của mình. Với người bệnh đau mắt đỏ, đeo kính áp tròng thường xuyên sẽ khiến tình trạng nhiễm trùng ở mắt trở nên trầm trọng hơn, thậm chí có thể gây hỏng mắt.
- Tiếp xúc với người đang bị đau mắt đỏ: Tiếp xúc tay với các tác nhân gây đau mắt đỏ sau đó vô tình dụi mắt có thể dẫn đến tình trạng lây chéo đau mắt đỏ. Vì vậy, bạn hãy rửa tay sạch sẽ và tuyệt đối không được chạm vào mắt nếu chưa vệ sinh tay.
Do vi khuẩn
Đau mắt đỏ do nhiễm trùng vi khuẩn cũng rất dễ lây lan. Mắt bạn sẽ bị đau, đỏ và có nhiều ghèn trong mắt. Trong một số trường hợp, vi khuẩn gây đau mắt đỏ chính là do vi khuẩn gây viêm họng liên cầu khuẩn. Một số vi khuẩn phổ biến gây viêm kết mạc, bao gồm: Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumonia and Pseudomonas aeruginosa.
Do virus
Đau mắt đỏ do virus là loại phổ biến nhất. Loại đau mắt đỏ này rất dễ lây lan và thường lây lan trong trường học hay những nơi đông đúc. Bệnh thường gây ra tình trạng mắt đỏ, nóng rát và chảy nước mắt. Ngoài ra, bệnh do một số virus khác gây ra chẳng hạn như các loại virus Corona, simplex virus và varicella-zoster virus.
Đau mắt đỏ kèm sốt là gì?
Chẩn đoán sốt kèm đau mắt đỏ
Bạn cần lưu ý đến các biểu hiện của trẻ em khi đau mắt đỏ kèm theo triệu chứng sốt. Thông thường sốt ở trẻ là khi thân nhiệt của chúng từ 38 độ C trở lên. Nếu tình trạng đau mắt đỏ và sốt không thuyên giảm sau 2 đến 3 ngày điều trị hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Những triệu chứng đau mắt đỏ kèm theo sốt có thể là do nhiễm trùng đã bắt đầu lan ra ngoài kết mạc và cần điều trị chuyên sâu hơn.
Vì sao đau mắt đỏ kèm sốt?
Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ là do virus hoặc vi khuẩn. Cả hai nguyên nhân đều có thể gây sốt. Khi cơ thể cố gắng chống lại bất kỳ loại virus hoặc vi khuẩn, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng nhiệt khiến bạn bị sốt. Đau mắt đỏ kèm sốt sẽ có thêm các triệu chứng như là:
- Sưng hạch.
- Đau họng.
- Sổ mũi.
- Mệt mỏi.
Tuy nhiên, đau mắt đỏ kèm sốt cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý khác như sốt siêu vi, sốt xuất huyết, bị đậu mùa,…
Điều trị sốt kèm đau mắt đỏ
Nhìn chung, đau mắt đỏ sẽ tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng nghiêm trọng, hãy có thể thăm khám bác sĩ để được kê đơn thuốc giảm đau hoặc hạ sốt.
Ngoài ra, khi bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây đau mắt đỏ là do nhiễm trùng do vi khuẩn, bạn có thể được kê đơn thuốc kháng sinh giúp cải thiện các triệu chứng trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi bắt đầu điều trị. Bạn cần vệ sinh cẩn thận các cạnh của mắt bị nhiễm trùng bằng nước ấm và gạc hoặc bông gòn để loại bỏ lớp vảy tiết khô khiến mí mắt dính vào nhau vào buổi sáng.
Lưu ý trong phòng ngừa và điều trị bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ do vi-rút và vi khuẩn lây lan rất dễ dàng từ người sang người — nhưng bạn có thể thực hiện các bước để ngăn ngừa đau mắt đỏ lây lan.
Đối với người bệnh
Đối với người đang bị đau mắt đỏ cần phải điều trị dứt điểm sớm nhất có thể. Bạn cần thực hiện các bước như sau:
- Chủ động cách ly khi bạn có triệu chứng bệnh để hạn chế lây lan.
- Tránh chạm hoặc dụi mắt.
- Nếu đỏ mắt đi kèm các triệu chứng khác như sốt thì cần đến thăm khám bác sĩ để tìm nguyên nhân và có phương pháp điều trị hiệu quả
- Vệ sinh mắt thường xuyên bằng nước sinh lý. Nếu bị chảy dịch, hãy rửa vùng quanh mắt 2 hoặc 3 lần một ngày. Sử dụng khăn mặt sạch, ướt hoặc bông gòn mới mỗi lần và đảm bảo rửa tay trước và sau khi rửa mắt.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác — bao gồm gối, khăn tắm, đồ trang điểm hoặc kính.
- Luôn rửa tay sạch bằng nước rửa tay hoặc chất khử trùng có cồn, đặc biệt trước khi vệ sinh mắt bị đỏ để tránh lây lan cả hai mắt
- Không sử dụng kính áp tròng hay trang điểm vùng mắt trong quá trình điều trị.
- Vệ sinh kính thường xuyên.
Đối với người chưa nhiễm bệnh
Việc phòng ngừa đối với người chưa nhiễm bệnh là vô cùng cần thiết. Để tránh bị đau mắt đỏ, bạn cần thực hiện các bước sau:
- Rửa tay thường xuyên. Sử dụng xà phòng và có thể sử dụng chất khử trùng tay có cồn (ít nhất 60% cồn).
- Sử dụng đồ bảo vệ mắt, đặc biệt với một số công việc đặc thù.
- Không dùng chung những vật dụng chạm vào mắt (khăn mặt, đồ trang điểm,…) và hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bệnh vì có thể lây lan viêm kết mạc rất dễ dàng.
- Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt, hãy đảm bảo không làm nhiễm bẩn lọ thuốc. Rửa tay trước khi cầm lọ thuốc. Khi nhỏ thuốc, hãy cẩn thận không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt. Hãy chú ý thời gian mở nắp của thuốc nhỏ mắt.
Xem thêm:
- Top 10 loại thuốc hạ sốt người lớn và cách sử dụng chi tiết.
- TOP 20 thuốc nhỏ đau mắt đỏ và một số lưu ý khi sử dụng.
- 5 mẹo chữa đau mắt đỏ nhanh nhất, hiệu quả, tránh biến chứng.
Đau mắt đỏ bị sốt có thể do nhiều nguyên nhân, bạn cần phải gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, điều này giúp bạn có thể điều trị dứt điểm tình trạng này. Hãy chia sẻ bài viết này đến những người xung quanh nhé.
Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hàng đầu, trang thiết bị hiện đại, phục vụ đa dạng các dịch vụ khám và điều trị mắt, mời bạn tham khảo Bệnh Viện Mắt Sài Gòn
Tài liệu tham khảo:
1. Pink Eye (Conjunctivitis)
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/pink-eye-conjunctivitis
- Ngày tham khảo: 15/11/2024
2. Bệnh đau mắt đỏ: Triệu chứng, nguyên nhân và lưu ý cần biết
- Link tham khảo: https://www.benhvien108.vn/benh-dau-mat-do-trieu-chung-nguyen-nhan-va-luu-y-can-biet.htm
- Ngày tham khảo: 15/11/2024
3. Can You Have a Fever With Pink Eye?
- Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/fever-with-pink-eye
- Ngày tham khảo: 15/11/2024