Đau mắt đỏ ủ bệnh bao lâu và khi nào thì khỏi hẳn?

Đau mắt đỏ là một bệnh lý phổ biến mà nhiều người mắc phải, đặc biệt trong những thời điểm thay đổi thời tiết hoặc khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn về thời gian ủ bệnh và khi nào thì bệnh sẽ khỏi hẳn. Vậy đau mắt đỏ ủ bệnh bao lâu và những dấu hiệu nào giúp bạn nhận biết khi bệnh đã hoàn toàn khỏi? Cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết dưới đây để có cái nhìn rõ ràng hơn về quá trình ủ bệnh và thời gian phục hồi của bệnh đau mắt đỏ.

Nguyên nhân và triệu chứng đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ do virus

Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) do virus là tình trạng viêm nhiễm ở kết mạc mắt, thường do virus gây ra. Nguyên nhân phổ biến nhất của đau mắt đỏ là do virus Adenovirus. Bệnh có thể xảy ra độc lập hoặc đi kèm với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh hoặc cúm. Bên cạnh đó, việc chạm vào mắt sau khi tiếp xúc với virus đôi khi có thể gây lây lan bệnh.

Triệu chứng đau mắt đỏ do virus bao gồm:

  • Chảy nước mắt: Dịch tiết ra từ mắt do đau mắt đỏ thường là dịch lỏng, không đặc hoặc nhầy. Điều này giúp phân biệt đau mắt đỏ do virus với các nguyên nhân khác như vi khuẩn, gây dịch dày hơn.
  • Lan từ một mắt sang mắt kia: Bệnh thường bắt đầu ở một mắt và lây sang mắt còn lại trong vòng vài ngày.
  • Các triệu chứng đi kèm với bệnh hô hấp: Đau mắt đỏ do virus có thể xảy ra cùng lúc với các triệu chứng cảm lạnh, cúm hoặc nhiễm trùng hô hấp, ví dụ như hắt hơi, sổ mũi, đau họng.
  • Mắt đỏ, ngứa và cảm giác khó chịu: Người mắc có thể thấy mắt đỏ, ngứa và cảm giác như có vật lạ trong mắt.

Mặc dù đau mắt đỏ do virus thường tự khỏi trong vòng 1-2 tuần, tuy nhiên người bệnh cần vệ sinh tay thường xuyên và tránh chạm tay lên mắt để phòng ngừa lây lan tối đa.

Nguyên nhân phổ biến nhất của đau mắt đỏ do virus là adenovirus
Nguyên nhân phổ biến nhất của đau mắt đỏ do virus là adenovirus

Đau mắt đỏ do vi khuẩn

Đau mắt đỏ do vi khuẩn là một dạng viêm kết mạc gây ra bởi các loại vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae. Bệnh có thể phát sinh khi mắt bị nhiễm khuẩn từ tay, vật dụng cá nhân hoặc lây nhiễm từ người khác. Đôi khi đau mắt đỏ do vi khuẩn cũng đi kèm với nhiễm trùng tai.

Các triệu chứng đau mắt đỏ do vi khuẩn đặc trưng bao gồm:

  • Dịch tiết đặc, mủ: Dịch tiết từ mắt thường có dạng mủ đặc, không giống dịch lỏng trong viêm kết mạc do virus. Dịch mủ này có thể khiến mí mắt dính lại với nhau, đặc biệt là sau khi ngủ.
  • Mắt đỏ, sưng và đau: Người bệnh thường thấy mắt đỏ kèm theo cảm giác đau nhức và sưng, đặc biệt ở vùng mí mắt.
  • Có thể đi kèm với nhiễm trùng tai: Đau mắt đỏ do vi khuẩn đôi khi xảy ra cùng lúc với nhiễm trùng tai do sự liên quan giữa các đường dẫn lưu của mắt, mũi và tai.
  • Lan nhanh giữa hai mắt: Bệnh có thể lan nhanh từ một mắt sang mắt còn lại.

Để điều trị đau mắt đỏ do vi khuẩn, bác sĩ thường chỉ định thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh. Việc điều trị sớm giúp giảm nguy cơ lây lan và đẩy nhanh quá trình phục hồi bệnh.

Đau mắt đỏ do vi khuẩn là một dạng viêm kết mạc gây ra bởi các loại vi khuẩn như Staphylococcus aureus
Đau mắt đỏ do vi khuẩn là một dạng viêm kết mạc gây ra bởi các loại vi khuẩn như Staphylococcus aureus

Đau mắt đỏ do dị ứng

Đau mắt đỏ do dị ứng là tình trạng viêm kết mạc do phản ứng của cơ thể với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, lông động vật hoặc các chất kích ứng trong không khí. Khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng, hệ miễn dịch phản ứng mạnh mẽ, từ đó gây ra tình trạng viêm ở mắt.

Triệu chứng đau mắt đỏ do dị ứng có thể kể đến như:

  • Cả hai mắt đều bị ảnh hưởng: Khác với đau mắt đỏ do virus hoặc vi khuẩn, đau mắt đỏ do dị ứng thường ảnh hưởng đến cả hai mắt cùng lúc.
  • Chảy nước mắt và sưng mắt: Mắt có thể chảy nước liên tục và sưng lên do tình trạng viêm nhiễm.
  • Ngứa mắt dữ dội: Triệu chứng ngứa mắt là một dấu hiệu đặc trưng của đau mắt đỏ do dị ứng, khiến người bệnh muốn dụi mắt liên tục.
  • Các triệu chứng dị ứng khác: Người mắc bệnh có thể gặp thêm các triệu chứng dị ứng khác như ngứa mũi, hắt hơi, đau rát họng hoặc hen suyễn.

Đau mắt đỏ do dị ứng không lây nhiễm và thường thuyên giảm khi tránh xa các tác nhân gây dị ứng. Nguyên tắc điều trị thường bao gồm thuốc nhỏ mắt kháng histamin hoặc thuốc chống dị ứng để giảm triệu chứng.

Đau mắt đỏ do dị ứng gây ra do các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, lông động vật 
Đau mắt đỏ do dị ứng gây ra do các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi, lông động vật

Đau mắt đỏ do kích ứng

Đau mắt đỏ do kích ứng xảy ra khi mắt tiếp xúc với các chất kích ứng như khói, bụi, hóa chất (ví dụ như clo trong nước hồ bơi) hoặc ô nhiễm không khí. Các chất kích ứng này không gây nhiễm trùng nhưng có thể gây tổn thương và kích thích kết mạc mắt, từ đó dẫn đến viêm.

Triệu chứng đau mắt đỏ do kích ứng bao gồm:

  • Chảy nước mắt: Mắt có thể chảy nước liên tục nhằm làm sạch chất kích ứng ra khỏi bề mặt mắt.
  • Dịch nhầy: Đôi khi có thể xuất hiện dịch nhầy từ mắt nhưng dịch tiết này thường không đặc như trong trường hợp nhiễm khuẩn.
  • Đỏ mắt và cảm giác khó chịu: Mắt có thể trở nên đỏ và có cảm giác khó chịu hoặc nóng rát, đặc biệt khi tiếp xúc lâu với chất kích ứng.

Đau mắt đỏ do kích ứng thường tự khỏi sau khi đã loại bỏ tác nhân gây kích ứng. Để giảm triệu chứng, người bệnh có thể rửa mắt bằng nước sạch và tránh tiếp xúc với các chất kích ứng.

Triệu chứng đau mắt đỏ do kích ứng bao gồm chảy nước mắt, đỏ mắt kèm theo cảm giác khó chịu
Triệu chứng đau mắt đỏ do kích ứng bao gồm chảy nước mắt, đỏ mắt kèm theo cảm giác khó chịu

Đau mắt đỏ ủ bệnh bao lâu và khi nào thì khỏi hẳn?

Thời gian ủ bệnh của đau mắt đỏ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, trong đó 2 nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn hoặc virus:

  • Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Thời gian ủ bệnh từ 24 đến 72 giờ sau khi tiếp xúc với vi khuẩn, sau đó các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện.
  • Đau mắt đỏ do virus: Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 12 giờ đến 12 ngày, thông thường là khoảng 8 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng.

Thời gian khỏi bệnh: Các triệu chứng đau mắt đỏ thường kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Sau thời gian này, hầu hết các trường hợp sẽ tự khỏi.

Bên cạnh đó, đau mắt đỏ do virus rất dễ lây lan, đặc biệt là trong giai đoạn toàn phát của bệnh, từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7. Tuy nhiên, ngay từ 3 ngày đầu trong giai đoạn ủ bệnh và 3 ngày sau khi triệu chứng thuyên giảm, bệnh vẫn có thể lây lan. Như vậy, tổng thời gian có nguy cơ lây bệnh là khoảng 2 tuần.

Dạng viêm kết mạc do Adenovirus thường là nặng nhất và có thể gây giả mạc, sợ sáng, sưng kết mạc và xuất huyết nhẹ dưới kết mạc. Sau khi một mắt bị nhiễm bệnh, mắt còn lại có thể bị nhiễm sau 4-5 ngày với các biểu hiện nhẹ hơn.

Khả năng miễn dịch với virus gây đau mắt đỏ của người bệnh thường kéo dài khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, người từng mắc bệnh vẫn có thể tái mắc trong cùng một vụ dịch nếu tiếp xúc với virus sau khoảng thời gian này.

Cách chữa đau mắt đỏ nhanh khỏi

Xác định nguyên nhân đau mắt đỏ

Để biết được đau mắt đỏ bao lâu có thể khỏi, việc đầu tiên cần làm là xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như virus, vi khuẩn hoặc do dị ứng. Mỗi nguyên nhân sẽ có thời gian và phương pháp điều trị khác nhau.

Ví dụ, đau mắt đỏ do vi khuẩn thường được điều trị bằng kháng sinh, trong khi đau mắt đỏ do virus thì chủ yếu điều trị triệu chứng vì không có thuốc đặc hiệu. Đau mắt đỏ do dị ứng thường tự khỏi khi loại bỏ tác nhân gây dị ứng.

Để xác định được nguyên nhân chính xác, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và thực hiện các kiểm tra cần thiết, chẳng hạn như xét nghiệm dịch tiết từ mắt. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho tình trạng của từng cá nhân, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi và giảm nguy cơ lây lan cho người khác.

Để biết được đau mắt đỏ bao lâu có thể khỏi, việc đầu tiên cần làm là xác định rõ nguyên nhân gây bệnh
Để biết được đau mắt đỏ bao lâu có thể khỏi, việc đầu tiên cần làm là xác định rõ nguyên nhân gây bệnh

Điều trị bệnh đau mắt đỏ đúng cách

Đau mắt đỏ do virus: Đau mắt đỏ do virus thường tự khỏi sau vài ngày mà không cần điều trị đặc hiệu. Để giảm triệu chứng và giúp quá trình phục hồi nhanh hơn, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp:

  • Chườm lạnh lên mắt để giảm sưng và phù nề.
  • Rửa mặt bằng nước sạch, mát để giảm cảm giác khó chịu.
  • Nhỏ nước mắt nhân tạo giúp giữ ẩm và làm dịu mắt.
  • Nếu có dịch gỉ mắt, có thể thử đặt một lát chanh mỏng lên mí mắt để hỗ trợ làm sạch.

Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Đối với đau mắt đỏ do vi khuẩn, việc điều trị bằng kháng sinh là cần thiết để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Các bác sĩ sẽ kê toa thuốc bao gồm:

  • Thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.
  • Thuốc kháng viêm giúp giảm triệu chứng viêm, đỏ mắt.

Một nguyên tắc quan trọng là người bệnh cần tuân thủ liệu trình và hướng dẫn của bác sĩ để tránh tái nhiễm hoặc tình trạng kháng thuốc.

Đau mắt đỏ do dị ứng: Đau mắt đỏ do dị ứng cần được điều trị bằng cách tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng và kiểm soát triệu chứng thông qua các biện pháp:

  • Tránh xa các yếu tố kích ứng như phấn hoa, lông thú, bụi hoặc hóa chất nếu đã biết rõ tác nhân gây dị ứng.
  • Bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống giúp giảm tình trạng dị ứng.
  • Nhỏ nước mắt nhân tạo giúp giảm cảm giác ngứa và giữ ẩm cho mắt, giúp mắt dễ chịu hơn.

Điều trị đúng cách theo từng nguyên nhân giúp bệnh đau mắt đỏ nhanh khỏi, giảm triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa lây lan.

Bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống giúp giảm tình trạng đau mắt đỏ
Bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống giúp giảm tình trạng đau mắt đỏ

Chế độ ăn uống khi đau mắt đỏ

Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh thường cảm giác nóng rát, cộm xôn rất khó chịu. Mặc dù đây là bệnh lành tính có thể tự hết trong vòng 7-10 ngày, nhưng để nhanh chóng khỏi bệnh và giảm triệu chứng, việc kết hợp giữa điều trị y tế và chế độ ăn uống đúng cách là rất quan trọng. Vậy người bị đau mắt đỏ nên và không nên bổ sung các loại thực phẩm nào?

Thực phẩm nên ăn: Để hỗ trợ hệ miễn dịch và giảm viêm, người bệnh đau mắt đỏ nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, bao gồm:

  • Cà rốt: Giàu vitamin A, giúp bảo vệ và duy trì sức khỏe của mắt.
  • Rau xanh (trừ rau muống): Các loại rau như cải bó xôi, cải kale cung cấp nhiều vitamin Cvitamin E, giúp cơ thể chống lại các gốc tự do và giảm viêm.
  • Ớt chuông cam: Chứa nhiều vitamin C, giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình phục hồi.
  • Lòng đỏ trứng: Cung cấp protein và vitamin D, hỗ trợ sức khỏe tổng thể và hệ miễn dịch.
  • Dầu cá: Giàu acid béo omega-3, giúp giảm viêm và duy trì sức khỏe của mắt.
  • Chất chống oxy hóa astaxanthin: Astaxanthin là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ thuộc nhóm carotenoid, được tìm thấy chủ yếu trong các loại hải sản như tôm, cua, cá hồi, cá ngừ và một số loại tảo đỏ. Astaxanthin nổi bật với khả năng chống lại sự tổn thương do các gốc tự do gây ra, bảo vệ tế bào và mô khỏi oxy hóa, đồng thời giúp duy trì sức khỏe tổng thể.
  • Quả việt quất: Chứa anthocyanins – một loại chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp bảo vệ mắt và giảm viêm.

Thực phẩm nên kiêng: Để không làm tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh đau mắt đỏ nên tránh bổ sung các loại thực phẩm sau:

  • Thực phẩm có mùi tanh như tôm, cá, ốc: Những loại thực phẩm này có thể kích thích tăng tiết dịch nhầy, làm tình trạng mắt bị nghẹt và khó chịu hơn.
  • Rau muống: Rau muống có khả năng làm sinh ra nhiều ghèn, gây cảm giác khó chịu và làm trầm trọng thêm triệu chứng đau mắt đỏ.
  • Chất kích thích và đồ uống có ga: Những loại đồ uống này có thể làm tăng viêm nhiễm và gây khó chịu cho mắt.
  • Mỡ động vật: Thực phẩm nhiều chất béo động vật có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể.
  • Không được tùy ý sử dụng kháng sinh: Việc sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể dẫn đến kháng thuốc và làm tình trạng viêm nhiễm kéo dài.

Để giảm viêm nhiễm và đẩy nhanh quá trình hồi phục của mắt, người bệnh đau mắt đỏ cần nắm được các mẹo xây dựng chế độ dinh dưỡng cho người đau mắt đỏ bao gồm:

  • Uống đủ nước: Giữ cho cơ thể luôn được cung cấp đủ nước giúp mắt không bị khô và giảm cảm giác khó chịu.
  • Tránh các chất kích thích: Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc, bụi bẩn và các hóa chất có thể làm tình trạng mắt bị kích ứng thêm.
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất: Các loại thực phẩm giàu vitamin C, E và kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh chóng.
  • Ăn nhiều trái cây và rau củ: Các loại thực phẩm này không chỉ cung cấp vitamin mà còn chứa nhiều chất xơ và nước, giúp cơ thể duy trì sức khỏe tốt hơn.
Người bệnh đau mắt đỏ nên ăn cà rốt và rau xanh để bổ sung vitamin A, C và E, giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe của mắt
Người bệnh đau mắt đỏ nên ăn cà rốt và rau xanh để bổ sung vitamin A, C và E, giúp giảm viêm và tăng cường sức khỏe của mắt

Những lưu ý giúp điều trị đau mắt đỏ

Điều trị đúng cách là yếu tố quan trọng giúp bệnh đau mắt đỏ cải thiện nhanh chóng và hạn chế lây lan. Ngoài việc vệ sinh mắt thường xuyên và sử dụng loại thuốc phù hợp, người bệnh cần tuân thủ các lưu ý sau để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất:

  • Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ: Nếu cần sử dụng kháng sinh hoặc các loại thuốc khác, người bệnh không nên tự ý mua thuốc mà hãy tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ. Việc sử dụng sai thuốc có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn hoặc gây ra tình trạng kháng thuốc.
  • Tránh sử dụng kính áp tròng: Trong quá trình bị đau mắt đỏ, người bệnh tuyệt đối không dùng kính áp tròng vì chúng có thể làm tổn thương lớp niêm mạc bảo vệ mắt và kéo dài thời gian điều trị.
  • Hạn chế tiếp xúc với môi trường bụi bẩn, hóa chất: Tránh những nơi có nhiều bụi bẩn hoặc hóa chất để không gây kích ứng cho mắt. Nếu cần đến những khu vực như vậy, người bệnh hãy đeo kính bảo hộ để bảo vệ mắt.
  • Giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại và máy tính: Ánh sáng xanh có thể làm cho mắt mệt mỏi và gây kích ứng. Trong thời gian điều trị, người bệnh hãy cố gắng hạn chế tiếp xúc với màn hình điện thoại, máy tính hoặc sử dụng chế độ giảm ánh sáng xanh.
  • Thực hiện chế độ ăn uống hợp lý: Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, đặc biệt nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, rau xanh và dầu cá để tăng cường sức khỏe mắt và giúp quá trình phục hồi nhanh hơn.
  • Tránh đưa tay lên dụi mắt: Dụi mắt không chỉ làm mắt dễ bị tổn thương mà còn có thể làm lây lan vi khuẩn. Nếu vô tình chạm vào mắt, người bệnh hãy rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng để tránh lây nhiễm.
Trong quá trình bị đau mắt đỏ, người bệnh tuyệt đối không dùng kính áp tròng
Trong quá trình bị đau mắt đỏ, người bệnh tuyệt đối không dùng kính áp tròng

Cách phòng tránh nguy cơ nhiễm đau mắt đỏ

Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm đau mắt đỏ và kiểm soát sự lây lan của bệnh, việc duy trì vệ sinh tốt là rất quan trọng. Dưới đây là những biện pháp hiệu quả giúp phòng tránh đau mắt đỏ mà mọi người có thể dễ dàng áp dụng:

  • Giữ vệ sinh cá nhân:
    • Không chạm tay vào mắt: Tránh dùng tay dụi mắt để ngăn ngừa vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào mắt.
    • Rửa tay thường xuyên: Sử dụng xà phòng và nước để rửa tay kỹ lưỡng, đặc biệt sau khi chạm vào mắt hoặc mặt. Nếu không có xà phòng và nước, có thể dùng dung dịch khử trùng tay chứa ít nhất 60% cồn.
    • Sử dụng khăn tắm và khăn mặt sạch mỗi ngày: Đảm bảo khăn mặt và khăn tắm được giặt sạch để tránh tích tụ vi khuẩn.
    • Không dùng chung khăn mặt hoặc khăn tắm: Điều này giúp hạn chế lây lan virus hoặc vi khuẩn từ người này sang người khác.
    • Thay vỏ gối thường xuyên: Vỏ gối sạch sẽ giúp hạn chế tiếp xúc với vi khuẩn và bụi bẩn có thể gây kích ứng mắt.
  • Giữ vệ sinh đồ dùng cá nhân:
    • Vứt bỏ mỹ phẩm mắt cũ: Các sản phẩm như mascara, eyeliner hoặc phấn mắt đã hết hạn hoặc cũ có thể chứa vi khuẩn gây hại cho mắt.
    • Không dùng chung mỹ phẩm mắt hoặc đồ chăm sóc cá nhân liên quan đến mắt: Các sản phẩm này có thể lây lan vi khuẩn hoặc virus rất dễ dàng.
  • Giữ sạch lọ thuốc nhỏ mắt: Rửa tay trước khi sử dụng, chỉ cầm lọ bằng tay không chạm vào mặt. Đảm bảo đầu lọ không chạm vào mắt khi nhỏ thuốc. Sau khi nhỏ, cần rửa tay sạch sẽ và đóng chặt lọ thuốc.
  • Sử dụng đồ bảo vệ mắt khi cần thiết: Khi làm việc ở môi trường nhiều bụi bẩn hoặc hóa chất, hãy đeo kính bảo hộ phù hợp để bảo vệ mắt.
  • Hạn chế tiếp xúc khi có triệu chứng đau mắt đỏ: Nếu đặc thù công việc đòi hỏi thường xuyên tiếp xúc gần với người khác, tốt nhất là người bệnh nên ở nhà cho đến khi triệu chứng hoàn toàn biến mất để tránh lây lan bệnh.
Cần sử dụng xà phòng và nước để rửa tay kỹ lưỡng, đặc biệt sau khi chạm vào mắt hoặc mặt để phòng ngừa đau mắt đỏ
Cần sử dụng xà phòng và nước để rửa tay kỹ lưỡng, đặc biệt sau khi chạm vào mắt hoặc mặt để phòng ngừa đau mắt đỏ

Xem thêm:

Đau mắt đỏ là một bệnh lý phổ biến và thường tự khỏi sau vài ngày đến một tuần, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, để giảm thiểu triệu chứng và đẩy nhanh quá trình phục hồi, việc điều trị đúng cách và duy trì vệ sinh mắt rất quan trọng. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa để tránh lây lan bệnh sang người khác. Nếu cảm thấy bài viết hữu ích, bạn đọc hãy chia sẻ với người thân và bạn bè để cùng nhau nâng cao kiến thức và bảo vệ sức khỏe mắt tốt hơn.

Nguồn tham khảo:

1. Symptoms of Pink Eye

  • Link tham khảo: https://www.cdc.gov/conjunctivitis/signs-symptoms/index.html
  • Ngày tham khảo: 20/11/2024

2. Conjunctivitis (Pink Eye)

  • Link tham khảo: https://health.hawaii.gov/docd/disease_listing/conjunctivitis-pink-eye/
  • Ngày tham khảo: 20/11/2024

3. Pink eye (conjunctivitis)

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/symptoms-causes/syc-20376355
  • Ngày tham khảo: 20/11/2024

4. Pink Eye (Conjunctivitis)

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/pink-eye-conjunctivitis
  • Ngày tham khảo: 20/11/2024
Contact Me on Zalo