Đau mắt hàn là gì? Cách chữa đau mắt hàn hiệu quả


Đau mắt hàn là tình trạng tổn thương mắt do tiếp xúc với tia cực tím từ ánh sáng của máy hàn lâu ngày khi không có thiết bị bảo hộ đầy đủ. Việc điều trị đúng cách và kịp thời rất cần thiết để bảo vệ mắt khỏi những biến chứng nghiêm trọng. Hãy cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Đau mắt hàn là gì? Triệu chứng của đau mắt hàn

Đau mắt hàn, hay còn gọi là viêm giác mạc do hàn điện, là tình trạng mắt bị sưng đỏ và bỏng rát sau khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với tia cực tím của tia lửa hàn, bụi kim loại hoặc mạt sắt trong quá trình hàn kim loại mà không được bảo hộ cẩn thận. Tình trạng này thường gặp nhiều ở những người mới làm nghề hàn chưa có kinh nghiệm hoặc những người vô tình tiếp xúc trực tiếp với tia lửa hàn.

Các triệu chứng của đau mắt hàn không xuất hiện ngay từ đầu, mà có sự gia tăng dần dần và phụ thuộc vào cường độ ánh sáng, thời gian tiếp xúc và loại nguồn sáng. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp:

  • Mắt đỏ hoặc có mạch máu nổi.
  • Cơn đau rát có thể từ nhẹ đến rất nặng, thường bắt đầu vài giờ sau sự cố.
  • Chảy nước mắt liên tục.
  • Mờ mắt.
  • Cảm giác như có bụi trong mắt, cộm mắt.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Không thể mở mắt.
Đau mắt hàn là tình trạng mắt bị sưng đỏ và bỏng rát sau khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với tia cực tím của tia lửa hàn
Đau mắt hàn là tình trạng mắt bị sưng đỏ và bỏng rát sau khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với tia cực tím của tia lửa hàn

Cách chữa đau mắt hàn

Phương pháp tự nhiên chữa đau mắt hàn

Các trường hợp đau mắt hàn điển hình nếu được điều trị sớm và đầy đủ, mắt bạn sẽ có khả năng tự phục hồi trong vòng 3 đến 4 ngày và thường lành mà không để lại sẹo. Bạn có thể áp dụng các phương pháp tự nhiên đơn giản sau đây để chăm sóc mắt sau khi tiếp xúc với tia lửa hàn:

  • Bước 1: Rửa sạch tay rồi nhỏ nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước mắt nhân tạo để rửa sạch bụi bẩn và cung cấp độ ẩm cho đôi mắt sau khi tiếp xúc nguồn ánh sáng mạnh.
  • Bước 2: Sử dụng túi chườm lạnh hoặc khăn ướt lạnh để đắp lên hai bên mắt giúp giảm cảm giác nóng rát, làm dịu các dây thần kinh. Bạn có thể chườm trong tầm 5 – 7 phút cho mỗi bên mắt và có thể lặp lại từ 2 – 3 lần/ngày hoặc đến khi mắt đỡ đau rát. Chú ý không nên đặt trực tiếp đá lạnh lên mắt để tránh gây tổn thương.
  • Bước 3: Để mắt thư giãn và nghỉ ngơi sau khi hoạt động lâu như nằm ngủ, mát xa mắt và hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử thường xuyên và liên tục. Vì ánh sáng xanh từ thiết bị sẽ làm mắt trở nên mỏi và đau rát hơn nếu có kèm tình trạng đau mắt hàn.

Sau khi áp dụng các phương pháp trên những triệu chứng đau nhức và khó chịu vẫn không thuyên giảm thì bạn nên đi thăm khám bác sĩ để xác định nguyên nhân và có cách điều trị thích hợp nhất để tránh các biến chứng suy giảm thị lực ở mắt.


Nhỏ nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước mắt nhân tạo để rửa sạch bụi bẩn và cung cấp độ ẩm cho đôi mắt
Nhỏ nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước mắt nhân tạo để rửa sạch bụi bẩn và cung cấp độ ẩm cho đôi mắt

Chữa đau mắt hàn bằng thuốc

Bên cạnh các phương pháp đơn giản thực hiện tại nhà nhằm phục hồi và thư giãn mắt. Tùy thuộc vào tình trạng của bạn, bạn có thể tham khảo tư vấn từ bác sĩ để có liệu trình điều trị thích hợp. Dưới đây là một số thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng đau rát ở viêm giác mạc do hàn điện:

  • Thuốc giảm đau (đường uống và đường nhỏ ngoài): Thường là dạng giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs), chẳng hạn như ibuprofen, naproxen sodium, acetaminophen. Một số thuốc nhỏ mắt chứa steroid hỗ trợ giảm viêm và tránh khả năng để lại sẹo.
  • Thuốc giãn đồng tử: Cơ chế làm tê liệt các cơ mi của mắt, dẫn đến đồng tử (tròng đen) sẽ cố định và giãn to hơn bình thường. Loại thuốc này sẽ giúp các cơ mắt được nghỉ ngơi, cũng như giảm đau do co thắt cơ mắt.
  • Thuốc kháng sinh hoặc thuốc mỡ (đường bôi ngoài): Giúp ngăn ngừa nhiễm trùng ở giác mạc bị tổn thương. Lưu ý, bạn cần rửa tay sạch trước khi bôi thuốc và thoa thuốc vào bên trong mi dưới, tránh cho thuốc trực tiếp vào mắt.

Trong một số trường hợp, mắt có thể được băng lại để hỗ trợ quá trình hồi phục và kiểm soát cơn đau. Bạn sẽ được kiểm tra lại trong vòng 24 đến 48 giờ để đảm bảo mắt đang hồi phục.

Sử dụng thuốc nhỏ giảm đau, giãn đồng tử hay kháng sinh để giảm tình trạng đau mắt
Sử dụng thuốc nhỏ giảm đau, giãn đồng tử hay kháng sinh để giảm tình trạng đau mắt

Một số lưu ý giúp điều trị đau mắt hàn hiệu quả

Việc điều trị đau mắt hàn đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại. Bên cạnh các phương pháp điều trị tự nhiên và dùng thuốc, dưới đây là một số lưu ý giúp nâng cao hiệu quả điều trị và cải thiện sức khỏe đôi mắt:

  • Hạn chế sử dụng kính áp tròng trong quá trình điều trị đau mắt hàn. Thay vào đó, nên đeo kính gọng có tính năng chống ánh sáng xanh để hỗ trợ mắt điều tiết.
  • Đeo kính râm nếu bạn cảm thấy mắt nhạy cảm với ánh sáng.
  • Tuân thủ đều đặn toa thuốc của bác sĩ. Tái khám khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở mắt hoặc theo lịch hẹn tái khám.
  • Hạn chế các hoạt động dưới ánh nắng gay gắt hoặc ánh sáng mạnh như tia cực tím từ máy hàn và các thiết bị laser.
  • Hạn chế dùng tay dụi mắt để tránh làm mắt bị tổn thương nặng hơn.
  • Luôn rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi vệ sinh mắt hay dùng thuốc nhỏ mắt.
Hạn chế sử dụng kính áp tròng trong quá trình điều trị đau mắt hàn
Hạn chế sử dụng kính áp tròng trong quá trình điều trị đau mắt hàn

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Thông thường, khi được điều trị đúng cách, đau mắt hàn sẽ tự phục hồi trong vòng 3 đến 4 ngày và lành mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu triệu chứng kéo dài, nặng hơn hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bạn nên nhanh chóng đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được kiểm tra. Vì mắt rất nhạy cảm với bệnh tật và tổn thương, bất kỳ hiện tượng bất thường nào sau đây cần được đặc biệt lưu ý:

  • Thị lực mờ không phải do thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ.
  • Tăng độ chói hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
  • Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thay đổi hoặc mất thị lực.
  • Nhìn thấy các đốm sáng, chớp sáng hoặc ánh sáng nhấp nháy.
  • Đau mắt khi di chuyển mắt.
  • Mắt bị sưng đỏ hoặc chảy dịch không bình thường.

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên, bạn cần đến bác sĩ mắt hoặc bệnh viện gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Biện pháp phòng tránh đau mắt hàn

Làm việc với hàn điện, tia laser và điện quang thường dẫn đến các vấn đề liên quan đến mắt và sức khỏe. Đau mắt hàn không chỉ làm suy giảm sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Vì vậy, bạn nên chủ động phòng ngừa bằng cách thực hiện các biện pháp sau:

  • Sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ cá nhân đạt tiêu chuẩn, bao gồm kính bảo hộ, mặt nạ, và mũ bảo hộ.
  • Trang bị vách ngăn hoặc tách biệt khu vực sử dụng ánh sáng mạnh với các khu vực xung quanh.
  • Tránh làm căng mắt quá lâu khi làm việc hoặc sử dụng mắt ở cự ly gần.
  • Áp dụng phương pháp 20-20-20 hỗ trợ thư giãn mắt: sau 20 phút hoạt động mắt, hãy nghỉ 20 giây bằng cách nhìn xa khoảng 20 feet (6m).
  • Định kỳ khám mắt và đo thị lực ít nhất 6 tháng một lần.
  • Bổ sung các chất dinh dưỡng cho mắt như vitamin A, omega 3-6-9, và các loại thực phẩm như cá, đậu, trái cây và rau củ có màu xanh đậm.
Áp dụng phương pháp 20-20-20 hỗ trợ thư giãn mắt
Áp dụng phương pháp 20-20-20 hỗ trợ thư giãn mắt

Xem thêm:

Đau mắt hàn phổ biến nhiều ở người có công việc liên quan tới ánh sáng mạnh và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mắt nếu không được chăm sóc kịp thời. Việc phòng ngừa bằng các biện pháp bảo hộ và kiểm tra mắt định kỳ là rất quan trọng để bảo vệ thị lực và đảm bảo quá trình phục hồi nhanh chóng. Hãy cùng Docosan đón xem thêm nhiều bài viết hữu ích khác nhé!

Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hàng đầu, trang thiết bị hiện đại, phục vụ đa dạng các dịch vụ khám và điều trị mắt, mời bạn tham khảo Bệnh Viện Mắt Sài Gòn

Nguồn tham khảo:

1. What is Arc-Eye? Cause, Symptoms, Diagnosis and Treatment

  • Link tham khảo: https://trainingexpress.org.uk/what-is-arc-eye/
  • Ngày tham khảo: 18/10/2024

2. Eyes – flash burns

  • Link tham khảo: https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/eyes-flash-burns
  • Ngày tham khảo: 18/10/2024

3. Corneal Flash Burns

  • Link tham khảo: https://www.webmd.com/eye-health/corneal-flash-burns
  • Ngày tham khảo: 18/10/2024
Contact Me on Zalo