Dị ứng vùng da quanh mắt làm bạn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu dẫn đến gãi và dụi mắt nhiều hơn. Thế nhưng việc làm đó chỉ làm trầm trọng hơn tình trạng dị ứng. Bài viết dưới đây của Doctor có sẵn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về dị ứng vùng da quanh mắt và cách điều trị hiệu quả.
Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ Trần Diễm Hương
Tóm tắt nội dung
- 1 Dị ứng vùng da quanh mắt là gì?
- 2 Tại sao dễ bị dị ứng ngứa xung quanh mắt?
- 3 Nguyên nhân nào gây dị ứng vùng da quanh mắt?
- 4 Các triệu chứng và dấu hiệu dị ứng vùng da quanh mắt
- 5 Biến chứng của dị ứng vùng da quanh mắt
- 6 Chẩn đoán dị ứng vùng da quanh mắt bị đỏ ngứa
- 7 Điều trị dị ứng vùng da quanh mắt như thế nào?
- 8 Các biện pháp hạn chế dị ứng vùng da quanh mắt
- 9 Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến vấn đề dị ứng vùng da quanh mắt
Dị ứng vùng da quanh mắt là gì?
Dị ứng vùng da quanh mắt là sự kích ứng mà nổi bật nhất là những triệu chứng đau, đỏ và ngứa vùng da quanh mắt, ở một hoặc cả hai mắt, vùng da quanh mắt bị nóng rát. Dị ứng ngứa xung quanh mắt là căn bệnh thường gặp trong đời sống hằng ngày. Tình trạng này là một phản ứng miễn dịch bất lợi xảy ra khi mắt tiếp xúc với một chất gây kích ứng nhất định.
Hệ thống miễn dịch trong cơ thể chúng ta bảo vệ bằng cách chống lại những vật lạ xâm phạm có hại, như vi khuẩn và vi rút. Tuy nhiên ở những người bị dị ứng mắt, hệ thống miễn dịch nhầm chất gây dị ứng vô hại là một chất nguy hiểm. Vì vậy, tiếp xúc với các tác nhân dị ứng có thể làm bạn bị dị ứng vùng da quanh mắt, gây ra hiện tượng ngứa ngáy, đau rát khó chịu.
Tại sao dễ bị dị ứng ngứa xung quanh mắt?
Vùng da quanh mắt mềm và mỏng hơn gấp 3 lần so với các vùng da khác trên cơ thể. Có thể xem đây là vùng da nhạy cảm nhất của cơ thể, nó không chỉ lão hóa nhanh hơn mà còn dễ bị dị ứng với các tác nhân dị ứng kể trên. Ngoài ra, vào các mùa cuối mùa thu hay đầu mùa xuân, khi cây cỏ và hoa lá nở rộ, vùng da này dễ bị tiếp xúc với phấn hoa và các hụt bụi khô bay trong không khí hơn.
Nguyên nhân nào gây dị ứng vùng da quanh mắt?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây dị ứng. Sau đây là những tác nhân gây dị ứng vùng da quanh mắt thường gặp:
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc da không phù hợp hoặc hàng kém chất lượng: Một số loại mỹ phẩm chẳng hạn như kem mắt, kem dưỡng, kem chống nắng… chứa các chất gây kích ứng như hương liệu, màu tổng hợp, hoặc các thành phần nhạy cảm có thể gây dị ứng vùng da quanh mắt.
- Các chất gây dị ứng ngoài trời, chẳng hạn như phấn hoa từ cỏ, cây và cỏ dại, khói, bụi, hóa chất hoặc tia UV.
- Các chất gây dị ứng trong nhà, chẳng hạn như lông thú cưng, mạt bụi và nấm mốc.
- Chất kích ứng, chẳng hạn như khói thuốc lá và khí thải diesel.
- Ngoài ra thực phẩm cay nóng và thuốc cũng có thể gây dị ứng vùng da quanh mắt
Các triệu chứng và dấu hiệu dị ứng vùng da quanh mắt
Khi bị dị ứng vùng da quanh mắt, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng sau:
- Vùng da quanh mắt bị chảy nước mắt và rát: Dị ứng có thể khiến mắt chảy nước và cảm giác rát. Điều này có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng nhìn.
- Vùng da quanh mắt bị đỏ sưng: Vùng da quanh mắt có thể bị đỏ, sưng và ngứa mạnh. Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của dị ứng da quanh mắt.
- Ngứa quanh mắt hoặc ngứa mắt.
- Vùng da quanh mắt khô ráp, ngứa ngáy và nóng rát gây khó chịu. Trong một số trường hợp, dị ứng vùng da quanh mắt có thể dẫn đến bị bong tróc, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.
- Mắt đỏ và đau.
- Lột da xung quanh mắt.
- Mệt mỏi và nhạy cảm với ánh sáng: Dị ứng vùng da quanh mắt có thể gây ra cảm giác mệt mỏi và làm tăng nhạy cảm với ánh sáng.
- Kèm theo các triệu chứng toàn thân như hắt xì, chảy nước mũi, nổi mẩn da.
Biến chứng của dị ứng vùng da quanh mắt
Các biến chứng liên quan đến dị ứng vùng da quanh mắt có thể tiến triển và thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân. Tình trạng này có thể do các bệnh lý nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn, suy giảm thị lực, ảnh hưởng đến khả năng nhìn. Ngược lại, nếu tìm được nguyên nhân gây dị ứng và điều trị đúng cách, thì tinnhf trạng này sẽ tự giới hạn và hồi phục hoàn toàn sau vài ngày.
Chẩn đoán dị ứng vùng da quanh mắt bị đỏ ngứa
Các bác sĩ thường có thể chẩn đoán dị ứng sưng mắt thông qua hỏi kĩ tiền sử của bệnh nhân và khám lâm sàng. Bác sĩ nhãn khoa sẽ khai thác thời điểm xuất hiện cũng như diễn tiến của các triệu chứng mà bạn đang gặp. Sau đó, bác sĩ sẽ khám mắt bằng kính hiển vi đèn khe để quan sát các mạch máu sưng lên trên bề mặt mắt.
Nếu tình trạng dị ứng không thể quan sát rõ ràng, bác sĩ có thể cần thêm một số xét nghiệm kiểm tra dị ứng để chẩn đoán xác định, như là: xét nghiệm chích da và xét nghiệm máu đo nồng độ kháng thể IgE.
Điều trị dị ứng vùng da quanh mắt như thế nào?
Thông thường, bạn có thể điều trị hầu hết các trường hợp dị ứng vùng da quanh mắt bằng các biện pháp đơn giản tại nhà. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ kịp thời nếu mắt bị sưng đột ngột, nghiêm trọng, kéo dài hoặc tái đi tái lại, đặc biệt là xuất hiện các triệu chứng thay đổi thị lực.
Bạn hãy thử các biện pháp giúp cải thiện triệu chứng ngay tại nhà và không kê đơn sau:
- Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng: Cũng giống như các loại dị ứng khác, bạn cần tìm hiểu đâu là chất gây ra dị ứng và tránh tiếp xúc với nó. Đôi khi có thể là do bạn sử dụng mỹ phẩm, kem dưỡng da, nước hoa hoặc sản phẩm chăm sóc cá nhân chứa chất gây dị ứng.
- Thuốc không kê đơn: Uống và bôi các loại thuốc kháng histamin không kê đơn lên vùng da đang bị dị ứng.
- Chườm đá hoặc chườm lạnh quanh mắt: Dùng một chiếc khăn sạch giặt qua nước lạnh hoặc bọc một vài viên đá vào rồi chườm lên vùng da sưng đỏ quanh mắt. Nhiệt độ thấp giúp vùng da quanh mắt co lại, các mạch máu xung quanh đó cũng được thư giãn, lưu thông tốt hơn, góp phần giảm bớt triệu chứng khó chịu. Mỗi ngày bạn nên làm 2 – 3 lần, mỗi lần khoảng 10 phút. Chườm lạnh sẽ cho cảm giác tê tạm thời, dẫn đến cảm thấy dịu da và giảm ngứa. Nó cũng giúp da trở nên mịn màng hơn và nhanh lành hơn.
- Đảm bảo vệ sinh: Hạn chế ra ngoài hoặc đến nơi có nhiều bụi bẩn. Rửa sạch vùng da quanh mắt hàng ngày bằng nước ấm hoặc nước muối vô trùng, pha loãng. Tuyệt đối không dùng nước nóng hoặc xà phòng để tránh làm khô da và gây kích ứng.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm: Bôi kem dưỡng ẩm mắt khi cảm thấy vùng da quanh mắt quá khô. Tốt nhất chọn loại kem không có chất bảo quản, chất tạo màu hay chất tạo mùi để bảo vệ và dưỡng ẩm cho làn da của bạn được tốt hơn.
- Giữ sức khỏe tinh thần thoải mái: Căng thẳng có thể làm bùng phát dị ứng vùng da quanh mắt dữ dội hơn, cho nên bạn hãy nghỉ ngơi nhiều hơn. Trị liệu bằng hương thơm, xoa bóp và âm nhạc thư giãn có thể giúp giảm căng thẳng và có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn.
- Hạn chế tối đa tổn thương vùng da mắt: Dị ứng gây ngứa và làm bạn thường xuyên dụi mắt. Thế nhưng, tốt nhất hãy tránh dụi mắt, cào hay gãi, vì dụi mắt sẽ chỉ khiến tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng hơn, thậm chí vùng da quanh mắt có thể sưng tấy nhiều hơn và có thể dẫn đến trầy xước, rách da. Khi ra ngoài bạn cũng nên đeo kính râm để bảo vệ mắt khỏi ánh sáng mặt trời và các tác nhân gây hại khác từ môi trường.
Về cơ bản, hầu như chúng ta không thể tự tìm ra nguyên nhân khiến vùng da quanh mắt bị đỏ rát nên không được chủ quan với tình trạng này. Đối với tình trạng vùng da xung quanh mắt bị dị ứng thông thường thì sẽ giảm dần sau 3-5 ngày. Nếu các triệu chứng này kéo dài không biến mất hoặc đột ngột trở nên trầm trọng hơn, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán điều trị kịp thời.
Các biện pháp hạn chế dị ứng vùng da quanh mắt
Cách tốt nhất để điều trị dị ứng vùng da quanh mắt đó là hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các tác nhân dị ứng đã biết hoặc những tác nhân thường gặp kể trên:
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm đã được kiểm duyệt là an toàn, không chứa thành phần dễ gây dị ứng. Cách tốt nhất là trước khi sử dụng sản phẩm đó lên da mặt hoặc vùng da quanh mắt thì trước tiên bạn nên thử thoa một lượng nhỏ ở mặt trong cổ tay để xem có dị ứng không. Ngoài ra bạn cũng nên lựa chọn nơi mua uy tín, để tránh mua nhầm hàng giả.
- Tránh gãi, chà xát hoặc dụi mắt quá nhiều, điều này có thể khiến da bị tổn thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Hạn chế trang điểm nếu bạn đang bị dị ứng vùng da quanh mắt.
- Giữ ẩm thường xuyên cho mắt, không để mắt bị khô để ngăn ngừa các triệu chứng ngứa hình thành và tái phát.
- Vệ sinh mặt hàng ngày để hạn chế bám bẩn lên da mặt và đặt biệt là vùng da quanh mắt.
- Có chế độ ăn uống hợp lý. Hạn chế thực phẩm cay nóng và chất kích thích vì chúng có thể làm tăng nguy cơ bị dị ứng vùng da quanh mắt.
- Bảo vệ da dưới các tác động ngoài trời bằng cách đeo kính râm, khẩu trang. Khi về đến nhà, nhẹ nhàng rửa sạch mắt bằng nước.
- Nếu không thể tránh khỏi việc tiếp xúc các tác nhân dị ứng, hãy phòng ngừa dị ứng bằng cách đeo kính bảo hộ và uống các loại thuốc chống dị ứng.
Mời bạn tham khảo Gói xét nghiệm kiểm tra dị ứng, ngứa.
Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến vấn đề dị ứng vùng da quanh mắt
Vùng da quanh mắt bị khô ngứa?
Ngứa xung quanh mắt là bệnh gì?
– Dị ứng: Dị ứng vùng da quanh mắt gây ngứa, đỏ và chảy nước mắt, có thể do tiếp xúc với phấn hoặc các chất kích thích khác.
– Viêm nhiễm: Vi khuẩn hoặc virus có thể gây viêm nhiễm mắt, làm ngứa và đỏ mắt.
– Mất nước: Da xung quanh mắt có thể bị khô và gây ngứa do mất nước hoặc không đủ dưỡng chất.
– Cảm lạnh: Mắt có thể bị khô và ngứa khi bị cảm lạnh hoặc viêm xoang.
– Tổn thương vật lý: Các vết thương, côn trùng cắn hoặc bất kỳ tổn thương nào gần khu vực mắt cũng có thể gây ngứa.
Làm gì khi bị ngứa xung quanh mắt?
– Đừng cào hay gãi mắt: Khi bạn đang bị ngứa không nên cào hay gãi vùng xung quanh mắt. Điều này có thể làm tổn thương da và gây nhiễm trùng.
– Rửa mắt bằng nước sạch: Rửa mắt bằng nước lạnh hoặc nước muối sinh lý để làm dịu cảm giác ngứa và loại bỏ các tạp chất có thể gây kích ứng.
– Chườm đá: Đặt một miếng khăn lạnh lên vùng xung quanh mắt có thể giúp làm giảm ngứa và sưng.
– Sử dụng thuốc giảm ngứa: Nếu cảm giác ngứa không giảm sau khi thực hiện các biện pháp trên, bạn có thể dùng một số loại thuốc giảm ngứa theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc thuốc không kê đơn.
– Tránh tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng.
Trẻ bị ngứa xung quanh mắt?
– Dị ứng: Chẳng hạn như dị ứng phấn hoa, bụi mịn, thực phẩm hoặc hóa chất trong môi trường.
– Nhiễm trùng: Gây ra bởi vi khuẩn hoặc vi rút, như viêm kết mạc hoặc viêm mí mắt.
– Cảm lạnh: Có thể gây ra ngứa xung quanh mắt do vi khuẩn hoặc virus.
– Mất nước: Thiếu nước trong cơ thể có thể gây khô và ngứa xung quanh mắt.
– Các yếu tố môi trường: Như ánh sáng mạnh, gió, bụi hoặc hóa chất có thể gây kích ứng và ngứa mắt.
Xem thêm:
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Leonardi A, Silva D, Perez Formigo D, Bozkurt B, Sharma V, Allegri P, Rondon C, Calder V, Ryan D, Kowalski ML, Delgado L, Doan S, Fauquert JL. Management of ocular allergy. Allergy. 2019 Sep;74(9):1611-1630. doi: 10.1111/all.13786. Epub 2019 June 24. PMID: 30887530.
- Keeping the Skin Around the Eyes Healthy | Healthy Skin Month – November 1st, 2019
- http:/www.kadrmaseyecare.com/eye-health–care-blog/keeping-the-skin-around-the-eyes-healthy-healthy-skin-month (Accessed on June 6th 2023)
- Natalie Silver. Eczema Around the Eyes: Treatment, Symptoms, Causes, and More. Healthline. Apr 14, 2023.(Accessed on June 6th 2023)