Đục thủy tinh thể: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Đục thủy tinh thể là bệnh về mắt không quá nguy hiểm so với những bệnh lý khác nhưng lại có khả năng ảnh hưởng rất lớn đến thị lực. Việc không sớm điều trị hay điều trị không đúng phương pháp sẽ khiến bệnh tình trở nên nặng nề hơn. Lúc đó, phương pháp điều trị cũng trở nên phức tạp hơn. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, hãy cùng Docosan tìm hiểu ngay bài viết dưới đây.

Tổng quan về đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể hay còn gọi là cườm khô là sự mờ đục của thể thủy tinh, cản trở không cho tia sáng đi qua, làm giảm thị lực của bệnh nhân. Đối với những người bị đục thủy tinh thể, tầm nhìn của họ như có mây che ở đằng trước, giống như nhìn qua sương mù. Thị lực bị mờ do bệnh cườm khô có thể khiến bạn khó đọc hơn, lái xe kém an toàn (đặc biệt là vào ban đêm) hoặc khó nhận biết biểu cảm trên khuôn mặt của bạn bè.

Hầu hết bệnh đục thủy tinh thể tiến triển chậm và ít gặp ở người trẻ. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp đục thủy tinh thể bẩm sinh hay đục thủy tinh thể ở người trẻ tuổi.

Đục thủy tinh thể ở giai đoạn đầu có thể không gây triệu chứng gì vì chỉ một phần nhỏ của thủy tinh thể bị đục. Tuy nhiên dần dần thủy tinh thể đục ngày càng nhiều và bệnh nhân nhìn mờ hơn vì giảm ánh sáng đến võng mạc. Khi thị lực suy giảm cản trở các hoạt động thường ngày người bệnh sẽ được bác sĩ nhãn khoa tư vấn phẫu thuật đục thủy tinh thể (mổ cườm khô). Đây là một thủ tục an toàn, hiệu quả.

Triệu chứng đục thủy tinh thể

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đục thủy tinh thể bao gồm:

  • Nhìn mờ
  • Giảm thị lực hơn vào ban đêm
  • Nhạy cảm với ánh sáng và độ chói
  • Cần ánh sáng sáng hơn để đọc sách và các hoạt động khác
  • Nhìn thấy “quầng sáng” xung quanh đèn
  • Những thay đổi thường xuyên trong độ kính đeo hoặc kính áp tròng
  • Hình ảnh trước mắt phai màu hoặc ố vàng
  • Nhìn đôi trong một mắt

Lúc đầu, vẩn đục trong tầm nhìn do đục thủy tinh thể có thể chỉ ảnh hưởng đến một phần nhỏ của thủy tinh thể của mắt và người bệnh có thể không chú ý. Khi bệnh cườm khô phát triển hơn, phần thuỷ tinh thể bị đục sẽ che khuất tầm nhìn của bệnh nhân nhiều hơn. Khi đó người bệnh mới ý thức được và tìm đến sự trợ giúp y khoa.

duc-thuy-tinh-the
Hình ảnh người bị đục thủy tinh thể nhìn được (2 ảnh bên phải)

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Hãy đặt hẹn khám mắt nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở thị lực của mình. Nếu bạn đột ngột bị các triệu chứng như nhìn đôi hoặc chớp sáng, đau mắt đột ngột hoặc đau đầu đột ngột, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

Nguyên nhân gây ra đục thủy tinh thể (cườm khô)

Thông thường, bệnh cườm khô phát triển khi sự lão hóa hoặc chấn thương làm thay đổi mô cấu tạo nên thủy tinh thể của mắt.

Một số rối loạn di truyền gây ra các vấn đề sức khỏe khác có thể làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể. Bệnh này cũng có thể do các bệnh lý về mắt khác dẫn đến (như cận thị, viêm màng bồ đào), phẫu thuật mắt trước đây hoặc các bệnh lý như tiểu đường, tăng huyết áp… Việc sử dụng thuốc steroid (kháng viêm) trong thời gian dài cũng có thể gây ra bệnh cườm khô.

Sự hình thành thể thủy tinh đục

Thủy tinh thể nằm phía sau mống mắt, làm nhiệm vụ như một thấu kính tập trung ánh sáng truyền vào mắt bạn, tạo ra hình ảnh rõ ràng, sắc nét trên võng mạc.

Khi bạn già đi, thủy tinh thể trở nên kém linh hoạt, kém trong và dày lên. Tuổi tác và các tình trạng bệnh tật khác khiến các mô bên trong thủy tinh thể bị phá vỡ và kết tụ lại với nhau, tạo thành mảng mờ đục bên trong thể thuỷ tinh.

Thủy tinh thể bị đục phân tán các tia sáng và chặn ánh sáng đi xuyên qua, ngăn hình ảnh được tạo thành rõ nét đến võng mạc của bạn. Kết quả là, hình ảnh trước mắt bị mờ đi.

Đục thủy tinh thể thường phát triển ở cả hai mắt, nhưng không đồng đều, hoặc bệnh chỉ phát triển ở một mắt.

Các yếu tố nguy cơ gây đục thủy tinh thể

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể bao gồm:

  • Tuổi tác
  • Bệnh tiểu đường
  • Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời
  • Hút thuốc
  • Béo phì
  • Huyết áp cao
  • Chấn thương hoặc viêm ở mắt trước đây
  • Phẫu thuật mắt trước đây
  • Sử dụng thuốc kháng viêm steroid kéo dài
  • Uống quá nhiều rượu

Phòng ngừa đục thủy tinh thể

Các bác sĩ nhãn khoa khuyến nghị những sự điều chỉnh trong chế độ sinh hoạt dưới đây sẽ hữu ích trong việc giúp phát hiện sớm bệnh đục thủy tinh thể cũng như kéo dài thời gian khỏe mạnh của mắt trước khi căn bệnh này diễn ra.

  • Kiểm tra mắt định kỳ: Khám mắt có thể giúp phát hiện bệnh đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở giai đoạn sớm nhất.
  • Giảm hoặc cai thuốc lá: Nếu các biện pháp cai thuốc tại nhà không hiệu quả, bạn cần giảm dần số điều thuốc hút trong ngày.
  • Quản lý việc điều trị các bệnh lý khác: Thực hiện theo kế hoạch điều trị tiểu đường hoặc các bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể.
  • Đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng: Tia cực tím từ mặt trời có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh đục thủy tinh thể. Đeo kính râm ngăn tia cực tím khi bạn ở ngoài trời.
  • Giảm sử dụng rượu bia: Uống rượu quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ bị cườm khô.
  • Ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều trái cây và rau quả: Thêm nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc vào chế độ ăn uống của bạn đảm bảo rằng bạn đang nhận được nhiều vitamin và chất dinh dưỡng. Trái cây và rau quả có nhiều chất chống oxy hóa, giúp duy trì sức khỏe cho đôi mắt của bạn.

Một nghiên cứu dân số lớn gần đây đã chỉ ra rằng một chế độ ăn uống lành mạnh giàu vitamin và khoáng chất có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển bệnh đục thủy tinh thể. Trái cây và rau quả có nhiều lợi ích sức khỏe đã được chứng minh và là một cách an toàn để tăng lượng khoáng chất và vitamin trong chế độ ăn uống của bạn.

Chẩn đoán đục thủy tinh thể

Để xác định xem bạn có bị đục thủy tinh thể hay không, bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh và các triệu chứng hiện tại, đồng thời tiến hành khám mắt. Bác sĩ của bạn có thể tiến hành một số xét nghiệm, bao gồm:

  • Kiểm tra thị lực: Bài kiểm tra này yêu cầu bạn đọc chữ ở bảng treo ở góc phòng. Từng mắt được kiểm tra lần lượt, trong khi mắt còn lại được che đi. Bằng cách sử dụng biểu đồ hoặc thiết bị xem có các chữ cái nhỏ dần, bác sĩ nhãn khoa của bạn xác định thị lực của bạn có dấu hiệu suy giảm hay không.
  • Soi đèn khe: Đèn khe cho phép bác sĩ nhãn khoa nhìn thấy các cấu trúc ở phía trước mắt dưới kính phóng đại.
  • Khám võng mạc: Để chuẩn bị kiểm tra võng mạc, bác sĩ nhãn khoa sẽ nhỏ thuốc vào mắt để đồng tử giãn ra. Điều này giúp bạn dễ dàng kiểm tra đáy mắt (võng mạc) hơn. Bác sĩ sử dụng đèn khe hoặc một thiết bị đặc biệt gọi là kính soi đáy mắt, để tìm các dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể.

Điều trị đục thủy tinh thể

Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, có thể cho đeo kính, dùng kính lúp hoặc chiếu sáng tốt khi làm việc.

Khi kính thuốc của bạn không thể cải thiện tầm nhìn của bạn, cách điều trị hiệu quả duy nhất cho bệnh đục thủy tinh thể là phẫu thuật. Phẫu thuật sẽ lấy thủy tinh thể bị đục và đặt một thấu kính để thay thế thủy tinh thể.

Hầu hết các bác sĩ nhãn khoa đề nghị bạn cân nhắc phẫu thuật đục thủy tinh thể khi bệnh bắt đầu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hoặc cản trở khả năng thực hiện các hoạt động bình thường hàng ngày, chẳng hạn như đọc sách hoặc lái xe vào ban đêm.

Bạn và bác sĩ sẽ thảo luận khi nào phẫu thuật đục thủy tinh thể phù hợp. Đối với hầu hết mọi người, không nên vội vàng loại bỏ đục thủy tinh thể vì chúng thường không gây hại cho mắt. Nhưng bệnh đục thủy tinh thể có thể chuyển biến xấu nhanh hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Trì hoãn mổ cườm khô nói chung sẽ không ảnh hưởng đến khả năng phục hồi thị lực sau khi bạn quyết định làm phẫu thuật. Hãy dành thời gian để cân nhắc lợi ích của phẫu thuật đục thủy tinh thể với sự tư vấn của bác sĩ.

Bệnh cườm khô không chỉ xảy ra khi tuổi già đến, mà có rất nhiều trường hợp trẻ em bị đục thủy tinh thể bẩm sinh hay người trẻ tuổi cũng mắc bệnh này. Bài viết đã mô tả rõ các triệu chứng của căn bệnh như nhìn đôi, nhìn mờ, … nhằm tạo nhận thức về bệnh và giúp người bệnh tìm đến bác sĩ nhãn khoa sớm, tránh để cho bệnh gây ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc. Hãy đặt lịch khám mắt càng sớm càng tốt khi có các dấu hiệu nêu trên.

Các phòng khám và bác sĩ điều trị đục thủy tinh thể

  • Bác sĩ Trịnh Bạch Tuyết – 30 năm kinh nghiệm – Quận Bình Tân
  • BSCKII Huỳnh Thị Thu Ba – 30 năm kinh nghiệm – Quận 8
  • BSCKII Lê Hồng Hà – 15 năm kinh nghiệm – Quận Phú Nhuận

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.