Bệnh khô mắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Khô mắt là một tình trạng phổ biến xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên phần lớn tình trạng này xảy ra ở dân văn phòng khi phải ngồi làm việc với máy tính hàng giờ liền hoặc gặp trong một số tình huống nhất định như đi máy bay, ngồi trong phòng điều hòa, khi đi xe đạp trong nhiều giờ. Phổ biến là vậy, nhưng bạn cần cẩn thận vì có một số bệnh lý liên quan gây nên tình trạng khô mắt, cần được phát hiện và điều trị sớm tránh biến chứng. Hãy cùng Docosan tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Khô mắt là gì?

Khô mắt là tình trạng mất cân bằng giữa bài tiết và thoát đi của nước mắt hay nói cách khác là tình trạng nước mắt không đủ để cung cấp cho sự bôi trơn của mắt trong những tình huống nhất định. Nước mắt do tuyến lệ tiết ra có 3 kiểu tiết: cơ bản, phản xạ và theo cảm xúc. Sự bất ổn định điều tiết nước mắt này dẫn đến khô giác mạc từ đó gây nên viêm và tổn thương bề mặt của mắt.

Mắt khô gây cảm giác khó chịu, giống như bị cay hoặc bỏng mắt. Các phương pháp điều trị khô mắt có thể giúp bạn thoải mái hơn chẳng hạn như thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc nhỏ mắt. Bạn có thể phải áp dụng các biện pháp này vô thời hạn để kiểm soát triệu chứng khô mắt.

Nguyên nhân gây khô mắt

benh-kho-mat-2
Hình 2: Cấu tạo của màng nước mắt

Có nhiều nguyên nhân khác nhau làm làm phá vỡ cấu trúc ban đầu của màng nước mắt gây khô mắt. Màng nước mắt cấu tạo gồm 3 lớp nằm bên ngoài giác mạc: lớp mỡ, lớp nước và lớp dịch nhầy. Sự kết hợp này thường giữ cho bề mặt mắt của bạn được bôi trơn và nhìn rõ hơn. Những vấn đề với bất kỳ lớp nào trong màng nước mắt đều có thể gây ra tình trạng này.

Có nhiều lý do dẫn đến rối loạn chức năng của màng nước mắt, bao gồm thay đổi hormone, bệnh tự miễn, viêm tuyến lệ hoặc bệnh dị ứng mắt. Ngoài ra đối với một số người, nguyên nhân gây mắt khô còn do giảm tiết nước mắt hoặc tăng bốc hơi nước mắt.

  • Giảm tiết nước mắt: khô mắt có thể xảy ra khi bạn không sản xuất đủ nước mắt, y học thường gọi là viêm kết – giác mạc. Nguyên nhân phổ biến của giảm sản xuất nước mắt gồm:
    • Sự lão hóa
    • Bệnh có triệu chứng khô mắt như: hội chứng Sjogren, bệnh mắt dị ứng, viêm khớp dạng thấp, lupus, xơ cứng bì, bệnh sarcoidosis, rối loạn tuyến giáp hoặc thiếu vitamin A.
    • Do thuốc: thuốc hít kháng histamin, liệu pháp hormon thay thế, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị cao huyết áp, thuốc ngừa thai, thuốc trị Parkinson.
    • Dị cảm dây thần kinh giác mạc: do sử dụng kính áp tròng, tổn thương dây thần kinh sau phẫu thuật mắt mặc dù các triệu chứng khô mắt liên quan đến thủ thuật thường chỉ tạm thời.
  • Tăng bốc hơi nước mắt: màng dầu là lớp ngoài cùng của màng nước mắt được tạo ra bởi các tuyến nhỏ trên rìa mí mắt có thể bị tắc nghẽn, từ đó làm cho màng nước mắt không còn nguyên vẹn. Các nguyên nhân phổ biến của việc tăng bốc hơi nước mắt gồm:
    • Viêm bờ mi mắt sau (rối loạn chức năng tuyến nhờn bờ mi meibomian)
    • Chớp mắt không thường xuyên: thường xảy ra ở bệnh nhân Parkinson hoặc khi bạn đang lái xe, đọc sách, dùng máy tính.
    • Các vấn đề về mí mắt.
    • Dị ứng mắt.
    • Chất bảo quản trong thuốc nhỏ mắt.
    • Thiếu Vitamin A.

Triệu chứng khô mắt

Mắt bị khô có thể gặp ở cả 2 bên hoặc chỉ 1 bên mắt, các dấu hiệu và triệu chứng của khô mắt bao gồm:

  • Cảm giác châm chích, bỏng rát hoặc ngứa ngáy trong mắt.
  • Chất nhầy có nhiều ở trong hoặc xung quanh mắt.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Đỏ mắt.
  • Cảm giác có thứ gì đó trong mắt gây khó chịu.
  • Khó đeo kính áp tròng hơn mọi lần.
  • Khó khăn khi lái xe vào ban đêm.
  • Chảy nước mắt, là phản ứng của cơ thể đối với sự kích ứng của chứng khô mắt.
  • Nhìn mờ hoặc mỏi mắt.

Đến khám bác sĩ nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng khô mắt kéo dài, bao gồm mắt đỏ, kích ứng, mệt mỏi hoặc đau. Bác sĩ có thể thăm khám để xác định chẩn đoán hoặc giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên khoa Mắt.

Bác sĩ khám và điều trị khô mắt

  • Bác sĩ CKII Lê Hồng Hà – Q. Phú Nhuận
  • Bác sĩ CKII Huỳnh Thị Thu Ba – Q.8
  • Bác sĩ Đặng Phương Hạnh – Q. Tân Bình

Các biến chứng thường gặp của khô mắt

kho-mat
Hình 3: Biến chứng nghiêm trọng của bệnh khô mắt

Bệnh khô mắt tưởng chừng như đơn giản nhưng lại ảnh hưởng không ít đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của chúng ta cũng như có nguy cơ gây nên các bệnh về mắt:

  • Nhiễm trùng mắt: nước mắt bảo vệ bề mặt mắt của bạn khỏi bị nhiễm trùng. Nếu không có đủ nước mắt, bạn có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt.
  • Tổn thương bề mặt mắt: nếu không được điều trị tình trạng khô mắt có thể dẫn đến mài mòn giác mạc, loét giác mạc và giảm thị lực.
  • Chất lượng cuộc sống giảm sút: khô mắt có thể gây khó khăn khi thực hiện các hoạt động hằng ngày như đi xe, đọc sách, …

Chẩn đoán khô mắt

Các xét nghiệm và quy trình thường được dùng để chẩn đoán nguyên nhân gây khô mắt gồm:

  • Khám nhãn khoa toàn diện: Bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe tổng thể và sức khỏe mắt của bạn để đưa ra chẩn đoán xác định.
  • Xét nghiệm Schirmer: Là xét nghiệm dùng để đánh giá lượng nước mắt sản xuất ra được.
  • Xét nghiệm xác định chất lượng nước mắt
  • Xét nghiệm kiểm tra độ thẩm thấu của nước mắt

Điều trị khô mắt

Nếu bạn hay bị khô mắt, hãy chú ý đến các tình huống có thể gây ra các triệu chứng của bạn. Sau đó tìm cách phòng tránh từng trường hợp để ngăn ngừa triệu chứng khô mắt tiếp diễn. Ví dụ:

  • Tránh không khí thổi trực tiếp vào mắt: Không hướng máy quạt, máy điều hòa, máy sấy tóc trực tiếp vào mắt bạn.
  • Bổ sung độ ẩm cho không khí: Vào mùa đông, máy tạo độ ẩm có thể bổ sung độ ẩm cho không khí trong nhà của bạn.
  • Cân nhắc đeo kính râm hoặc kính bảo vệ mắt: Các tấm chắn hoặc kính râm có thể giúp hạn chế gió và không khí khô thổi vào mắt của bạn.
  • Nên nghỉ ngơi sau các công việc dài: Nếu bạn đang làm những công việc đòi hỏi sự tập trung thị giác liên tục, hãy tạo những khoảng nghỉ ngơi định kỳ cho mắt. Nhắm trong vài phút hoặc chớp mắt liên tục trong vài giây để dàn đều nước mắt.
  • Hiểu về môi trường bạn đang sống, sinh hoạt và làm việc
  • Đặt màn hình máy tính cách xa tối thiểu 50 cm
  • Ngưng hút thuốc là và tránh khói thuốc: Khói thuốc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của khô mắt.
  • Dùng thuốc nhỏ mắt (nước mắt nhân tạo) thường xuyên: Nếu bạn bị khô mắt mãn tính, hãy sử dụng thuốc nhỏ mắt ngay cả khi mắt bạn cảm thấy ổn để giữ cho chúng được bôi trơn tốt nhất.
  • Bổ sung thực phẩm chứa Vitamin A, Omega-3, Beta-carotene: Tăng cường chất chống oxy hóa để chống lão hóa cho mắt
dieu-tri-kho-mat
Hình 4: Sử dụng nước mắt nhân tạo để tránh khô mắt

Sau khi đã áp dụng tất cả những phương pháp kể trên mà tình trạng khô mắt của bạn vẫn không thể cải thiện hoặc diễn tiến nặng hơn, bạn cần tìm đến sự giúp đỡ của bác sĩ bởi có thể tình trạng khô mắt của bạn không chỉ là đơn thuần mà còn do bệnh lý khác ảnh hưởng thêm.

Khô mắt là một bệnh về mắt thường gặp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khô mắt xảy ra ở mọi lứa tuổi. Để giảm thiểu tình trạng khô mắt điều cần thiết là thay đổi lối sống và nhận ra được nguyên nhân chính gây khô mắt để từ đó hạn chế những hành động đó. Nếu như khô mắt vẫn còn tiếp diễn hoặc trở nặng hơn thì cần đi đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

  1. Mayo Clinic, Dry eyes
  2. Bộ y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt.
Contact Me on Zalo