Mắt loạn thị là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị


Loạn thị là tật khúc xạ khá phổ biến do giác mạc hoặc thủy tinh thể của mắt có hình dạng không đều, khiến cho ánh sáng không được tập trung vào một điểm duy nhất trên võng mạc. Điều này dẫn đến việc hình ảnh nhìn thấy bị mờ, méo mó hoặc bị phân tán. Trong hầu hết các trường hợp, mắt loạn thị có thể được điều trị bằng kính thuốc hoặc kính áp tròng. Hãy cùng Docosan tìm hiểu cụ thể hơn về tình trạng mắt loạn thị trong bài viết dưới đây. 

Mắt loạn thị là gì?

Loạn thị là một dạng tật khúc xạ khiến các tia sáng đi vào mắt không hội tụ tại một điểm trên võng mạc mà nằm ở hai tiêu điểm khác nhau. Hiện tượng này khiến mắt không nhìn rõ vật, dẫn đến nhìn mờ, nhìn đôi, nhìn ngược. Mắt loạn thị có thể đơn độc hoặc kèm theo cận thị và viễn thị.

Loạn thị là một trong những tật khúc xạ của mắt khá phổ biến. Theo nghiên cứu trên 117 trẻ em 6 tuổi đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương, tỷ lệ mắt loạn thị chiếm cao nhất với gần 74,1%, xếp sau đó là viễn thị (19,3%) và cận thị (6,6%).

Mắt loạn thị khiến tia sáng hội tụ tại hai điểm khác nhau trên võng mạc
Mắt loạn thị khiến tia sáng hội tụ tại hai điểm khác nhau trên võng mạc

Nguyên nhân gây mắt loạn thị 

Mắt loạn thị có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như:

  • Yếu tố di truyền từ cha mẹ, ông bà trong gia đình.
  • Cấu tạo mí mắt gây áp lực lớn lên giác mạc.
  • Chấn thương mắt (do thể thao, tai nạn hoặc dị vật trong mắt).
  • Giác mạc hình chóp (bệnh Keratoconus): Bề mặt giác mạc lồi ra ngoài giống như hình nón theo thời gian.
  • Thoái hoá giác mạc.
  • Biến chứng sau phẫu thuật mắt.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, mắt loạn thị tự xuất hiện mà các bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân.

Giác mạc hình chóp và yếu tố di truyền là hai nguyên nhân chủ yếu gây nên mắt loạn thị
Giác mạc hình chóp và yếu tố di truyền là hai nguyên nhân chủ yếu gây nên mắt loạn thị

Triệu chứng mắt loạn thị

Mắt loạn thị có triệu chứng khác nhau tùy người bệnh. Một số dấu hiệu nhận biết triệu chứng loạn thị ở mắt gồm:

  • Mờ mắt: Đây là triệu chứng loạn thị phổ biến nhất. Người loạn thị gặp khó khăn trong việc quan sát chi tiết các vật thể ở gần hoặc ở xa.
  • Nhìn thấy ánh sáng chói hoặc quầng sáng xung quanh đèn.
  • Tầm nhìn mờ hoặc méo mó, nhìn đôi (nhìn một vật có hai hoặc ba bóng mờ).
  • Thường xuyên nheo mắt để nhìn rõ.
  • Đau đầu.
  • Mệt mỏi.
  • Thường xuyên mỏi mắt, nhất là sau khi tập trung nhìn trong thời gian dài.

Đặc biệt, trẻ em bị loạn thị không đủ kiến thức để nhận biết các vấn đề về thị lực. Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám chuyên khoa mắt tại cơ sở y tế uy tín nếu thấy con thường xuyên nheo mắt, dụi mắt hoặc đau đầu. Loạn thị nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến giảm thị lực (mắt lười), tăng nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn.

Nhìn thấy ánh sáng chói hoặc quầng sáng xung quanh đèn là một trong những biểu hiện phổ biến của loạn thị
Nhìn thấy ánh sáng chói hoặc quầng sáng xung quanh đèn là một trong những biểu hiện phổ biến của loạn thị

Chẩn đoán bệnh loạn thị

Để chẩn đoán mắt loạn thị, các bác sĩ sẽ thăm khám mắt cả bên trong lẫn bên ngoài. Một số xét nghiệm và bài kiểm tra mắt có thể được chỉ định như:

  • Kiểm tra thị lực: Là bài kiểm tra thị lực bằng cách nhìn và đọc vào bảng chữ cái hoặc ký hiệu được chỉ định trong bảng kiểm tra thị lực.
  • Kiểm tra khúc xạ: Đây là thiết bị tự động đo độ khúc xạ của mắt bằng cách chiếu ánh sáng vào mắt và đo sự phản xạ. Máy sẽ giúp phát hiện độ cong bất thường của giác mạc, từ đó xác định các lỗi khúc xạ như loạn thị, cận thị hoặc viễn thị.
  • Đo giác mạc: Đo độ cong của giác mạc.
  • Kiểm tra đèn khe: Đèn khe là một kính hiển vi đặc biệt có ánh sáng mạnh. Bác sĩ sẽ chiếu ánh sáng này vào mắt, sau đó điều chỉnh độ sáng và độ dày của chùm sáng cho phù hợp để nhìn thấy các bộ phận và cấu trúc khác nhau trong mắt.
Chẩn đoán loạn thị bằng cách kiểm tra thị lực
Chẩn đoán loạn thị bằng cách kiểm tra thị lực

Phương pháp điều trị mắt loạn thị

Mắt loạn thị có thể được điều trị bằng các phương pháp sau:

– Đeo kính

Hầu hết người bị mắt loạn thị đều cần phải đeo kính để điều chỉnh thị lực. Tuy nhiên, nếu loạn thị rất nhẹ và không ảnh hưởng đến tầm nhìn, người bệnh có thể không cần phải đeo kính hoặc kính áp tròng. Mắt loạn thị có thể tăng độ theo thời gian. Do đó, người bệnh cần tuân thủ lịch khám mắt để theo dõi mức độ loạn thị.

– Phẫu thuật

Mặc dù đeo kính hoặc kính áp tròng giúp hỗ trợ thị lực, nhưng các phương pháp này không thay đổi cấu trúc của mắt. Do đó, giải pháp đeo kính không áp dụng được đối với các trường hợp loạn thị do bất thường trong cấu tạo giác mạc, thủy tinh thể, mí mắt,…

Phẫu thuật điều chỉnh thị lực (bao gồm phẫu thuật mắt LASIK, phẫu thuật cắt giác mạc bằng ánh sáng, phẫu thuật mắt PRK) sử dụng tia laser để khắc phục các vấn đề về thị lực. Bác sĩ sẽ thay đổi hình dạng giác mạc để ánh sáng chiếu vào mắt được hội tụ trên võng mạc một cách chính xác. Phương pháp này cũng có thể áp dụng cho người bị đục thủy tinh thể.

– Ortho-K (Orthokeratology) customize

Ortho-K (hay orthokeratology) sử dụng một thấu kính cứng, thoáng khí để định hình lại giác mạc trong khi ngủ. Phương pháp này giúp điều trị mắt loạn thị một cách tạm thời, hạn chế việc lệ thuộc vào kính thuốc hoặc kính áp tròng vào ban ngày.

Ortho-K đòi hỏi người bệnh phải có tính kỷ luật cao do bệnh nhân phải đeo kính áp tròng mỗi đêm để giác mạc không trở lại hình dạng ban đầu.

Ortho-K điều trị tạm thời chứng loạn thị
Ortho-K điều trị tạm thời chứng loạn thị

Để được tư vấn và điều trị mắt loạn thị hiệu quả, bạn có thể đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn. Với đội ngũ bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Mắt Sài Gòn cung cấp các dịch vụ khám và điều trị các tật khúc xạ, bao gồm cả loạn thị, bằng các phương pháp tiên tiến như phẫu thuật LASIK, Ortho-K, và các phương pháp khác.

Xem thêm:

Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị mắt loạn thị. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ ngay cho bạn bè và người thân cùng biết nhé.

Link tham khảo:

1. Astigmatism

  • Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8576-astigmatism
  • Ngày tham khảo: 11/10/2024.

2. What Type of Lenses Are Used to Correct Nearsightedness

  • Link tham khảo: https://eyedocks.com/what-type-of-lenses-are-used-to-correct-nearsightedness/
  • Ngày tham khảo: 11/10/2024.

3. Tài liệu hướng dẫn nhân viên y tế trường học về chăm sóc mắt và phòng, chống suy giảm thị lực cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non.

  • Link tham khảo: https://moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBDH/Attachments/3304/du-thao-tai-lieu-mat-ngay-0412023.pdf.
  • Ngày tham khảo: 11/10/2024.

4. Mô hình tật khúc xạ ở trẻ 6 tuổi tại Bệnh viện Mắt Trung ương – Tạp chí Y học Việt Nam, tập 506, tháng 9, số 2, năm 2021. 

  • Link tham khảo: https://tapchiyhocvietnam.vn/index.php/vmj/article/download/1274/1123/2289.
  • Ngày tham khảo: 11/10/2024.
Contact Me on Zalo