Đau mắt đỏ là một bất thường nhãn khoa xảy ra với nhiều mức độ nặng nhẹ, nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong một số trường hợp đau mắt đỏ nhẹ, bạn có thể thực hiện một số mẹo chữa đau mắt đỏ nhanh nhất và hiệu quả tại nhà trước khi thăm khám bác sĩ. Hãy cùng tìm hiểu các thông tin về bệnh lý đau mắt đỏ và cách chữa trị hiệu quả trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Tổng quan về đau mắt đỏ (viêm kết mạc)
Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ là một trong những bệnh lý nhãn khoa thường gặp nhất, tác nhân gây bệnh chủ yếu đến từ môi trường sống xung quanh chúng ta. Khi mắt bị nhiễm trùng ở bất cứ vị trí nào cũng có thể dẫn đến đau mắt đỏ, ví dụ như viêm tuyến lệ, viêm mí mắt, viêm giác mạc, xuất huyết nội nhãn, dị ứng, dị vật… Trong đó phổ biến nhất là viêm kết mạc, đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng đau mắt đỏ.
Kết mạc mắt là lớp màng trong suốt lót giữa mí mắt và nhãn cầu. Bên trong lớp màng này chứa rất nhiều mạch máu, khi gặp phải tác nhân gây bệnh hoặc dị ứng, các mạch máu này sẽ gặp tình trạng kích ứng, sung huyết, kết quả là phần lòng trắng của mắt người bệnh sẽ có màu hồng hoặc đỏ. Cơ chế tác nhân gây bệnh – tình trạng kích ứng cũng giải thích cho cơ chế làm đỏ mắt khi viêm nhiễm các cấu trúc còn lại của mắt.
Các loại viêm kết mạc
Về phân loại, viêm kết mạc thường được chia thành 3 nhóm chính:
- Viêm kết mạc do virus – vi khuẩn: Virus là tác nhân gây đau mắt đỏ thường gặp hơn so với vi khuẩn. Các triệu chứng nhiễm virus và vi khuẩn có thể giống nhau hoặc khó phân biệt trong một số trường hợp. Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ là do adenovirus gây ra nhưng cũng có thể do các loại virus khác bao gồm virus herpes simplex và virus varicella-zoster. Viêm kết mạc do virus thường dễ lây lan, tạo thành ổ dịch, tuy nhiên thường lui bệnh trong vòng 1 tuần. Còn viêm kết mạc do vi khuẩn sẽ có các triệu chứng thường nặng nề hơn, nguy cơ để lại di chứng thị lực cao nếu không được điều trị cẩn thận, khả năng lây lan tương đối cao.
- Viêm kết mạc do dị ứng: Các dị nguyên có thể thúc đẩy một đợt viêm kết mạc thường gặp là phấn hoa, bụi vải, mỹ phẩm. Các trường hợp viêm kết mạc dị ứng xảy ra do phản ứng của cơ thể với dị nguyên, tăng sản xuất các yếu tố đáp ứng viêm, điển hình là histamine, gây tình trạng ngứa mắt, chảy nước mắt nhiều, đỏ mắt.
- Viêm kết mạc do kích ứng: Khác với yếu tố dị ứng, nguyên nhân kích ứng giác mạc gây viêm có tác động trực tiếp gây tổn thương các cơ quan của mắt, ví dụ như hóa chất có tính ăn mòn cao. Khi mắt tiếp xúc với các loại hóa chất như acid mạnh, kiềm mạnh có khả năng ảnh hưởng đến thị lực vĩnh viễn.
Nguyên nhân phổ biến gây đau mắt đỏ
- Tiếp xúc với người bệnh: Tiếp xúc với dịch tiết mang nguồn bệnh, lây truyền từ tay hoặc dụng cụ dùng chung, có thể dẫn tới lây nhiễm chéo trong cộng đồng với nhau. Thường gặp nhất là trẻ em đi học lây bệnh mắt đỏ cho nhau (dịch đau mắt đỏ).
- Vi khuẩn, virus: Đây là tác nhân chính gây viêm kết mạc. Các virus gây viêm kết mạc có thể kể đến như adenovirus, herpes simplex virus (HPV), varicella-zoster virus.
- Dị ứng: Tác nhân dị ứng thường gây phúc mạc có thể kể đến như phấn hoa, bụi vải, lông động vật, mỹ phẩm, kính áp tròng,…
- Sử dụng kính áp tròng không đúng cách: Việc không vệ sinh đúng cách kính áp tròng cũng như vệ sinh tay trước và sau khi đeo kính áp tròng cũng góp phần làm gia tăng nguy cơ, tỷ lệ đau mắt đỏ.
- Khói bụi, ô nhiễm: Sự gia tăng của ô nhiễm khí hậu toàn cầu trong vài năm trở lại đây cũng thúc đẩy tỷ lệ bệnh đau mắt đỏ xuất hiện nhiều hơn.
Các dấu hiệu khi đau mắt đỏ
Khi mắc phải các triệu chứng dưới đây, người bệnh có thể đang mắc bệnh lý đau mắt đỏ:
- Đỏ một bên hoặc cả hai bên mắt.
- Ngứa mắt nhiều ở một hoặc cả hai mắt.
- Cảm giác cộm, khó chịu trong mắt.
- Có dịch tiết dạng trong hoặc đục ở một hoặc cả hai mắt, lớp dịch tiết này sẽ khô và đóng vảy khi ngủ, khi thức dậy sẽ làm người bệnh khó mở mắt hoàn toàn.
- Nhạy cảm với ánh sáng, cảm giác mắt bị chói, ngứa nhiều hơn và tăng tiết dịch khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
- Một số trường hợp ghi nhận tình trạng nhìn mờ, thị lực kém dần.
Biến chứng của đau mắt đỏ
Đa số các trường hợp viêm kết mạc các triệu chứng sẽ tự thuyên giảm khoảng một tuần, thường từ 7 đến 10 ngày. Nhưng nếu việc điều trị chậm trễ hoặc điều trị không thích hợp có thể làm bệnh diễn tiến nặng nề hơn và để lại các di chứng nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của người bệnh như bệnh lý viêm kết mạc mãn tính, xuất huyết nội nhãn, viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc,…
Mẹo điều trị đau mắt đỏ nhanh nhất
Tùy vào định hướng nguyên nhân đau mắt đỏ sẽ có các biện pháp điều trị phù hợp, giúp thuyên giảm các triệu chứng nhanh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên trong đa số các trường hợp, có một số biện pháp điều trị nhanh chóng và kịp thời để cải thiện triệu chứng, khó chịu của người bệnh. Điều người bệnh cần làm là thăm khám bác sĩ trong thời gian sớm nhất để được thăm khám, chữa trị kịp thời, tránh ảnh hưởng biến chứng lên mắt. Dưới đây là một số mẹo điều trị đau mắt đỏ mà bạn có thể áp dụng:
Thuốc nhỏ mắt
Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh, tình trạng tổn thương tại thời điểm thăm khám, bác sĩ sẽ có những phương án điều trị khác nhau phù hợp cho từng bệnh nhân. Giảm triệu chứng, loại bỏ tác nhân gây bệnh, kháng viêm, giảm đau,.. là những biện pháp điều trị thường gặp nhất. Trong đó việc sử dụng nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý là một hình thức điều trị phổ biến hàng đầu, người dùng có thể dễ dàng mua ở các tiệm thuốc gần nhà.
Việc sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt như giảm đau, kháng viêm, đặc biệt là kháng sinh cần được tư vấn, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Mắt quyết định sau khi đọ. Người bệnh có thể dùng nước muối sinh lý 0.9% để giữ mắt sạch sẽ, rửa 4 – 5 lần mỗi ngày để lấy đi ghèn, mài khô,… giúp mắt cử động tốt hơn.
Chườm nóng/chườm lạnh
Việc chườm ấm cũng có thể giúp giãn mạch máu một cách tương đối hoặc chườm lạnh có thể giúp giảm tình trạng sưng viêm, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn một phần. Tuy nhiên, bạn không nên chườm với nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh vì có thể gây bỏng nóng hoặc bỏng lạnh, làm nặng thêm tình trạng đau mắt đỏ. Bạn cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chườm lạnh hoặc chườm nóng trong từng trường hợp khác nhau.
Thuốc giảm đau, kháng viêm
Các loại thuốc kháng viêm có thể được kê để giảm tình trạng viêm kết mạc ở người bệnh. Đặc biệt với người bệnh là trẻ em, cần được thăm khám bởi bác sĩ để có liều dùng thuốc phù hợp. Trong trường hợp có các triệu chứng sốt cao mà chưa thể thăm khám bác sĩ người bệnh có thể uống giảm đau, hạ sốt (thuốc không kê đơn) như paracetamol để giảm bớt mức độ của các triệu chứng nhiễm trùng.
Tránh chạm tay vào mắt
Vệ sinh tay trong bệnh lý viêm kết mạc là biện pháp có giá trị cao trong việc điều trị và cả phòng ngừa tránh làm lây lan tình trạng đau mắt đỏ. Vì trên bàn tay của mỗi chúng ta chứa hàng nghìn, hàng triệu vi khuẩn, việc dụi tay vào vết thương sẽ gây bội nhiễm thêm nguyên nhân khác, làm tình trạng viêm diễn ra nặng hơn vì người bệnh dụi mắt nhiều có thể làm kích ứng tại chỗ của mắt diễn ra trầm trọng hơn. Do đó trong quá trình bệnh, người bệnh hạn chế đưa tay dụi mắt.
Đặc biệt ở trẻ nhỏ thường có xu hướng tự dụi tay vào mắt như một phản xạ của cơ thể sau khi thức dậy. Do đó việc để bé tránh chạm tay vào mắt là một trong những mẹo chữa đau mắt đỏ nhanh nhất cho bé, hạn chế làm nặng thêm tình trạng ngứa, đau vùng mắt bị tổn thương. Đồng thời, hạn chế làm rách vùng da xung quanh mi mắt vì móng tay sắc nhọn của bé có thể làm xước vùng da mềm này.
Ngừng đeo kính áp tròng
Việc sử dụng kính áp tròng (lens) chỉ có thể đeo trong trường hợp mắt đạt trạng thái bình thường. Nếu mắt đang xuất hiện viêm kết mạc thì việc đeo lens không được khuyến cáo vì nguy cơ gây nhiễm trùng mất kiểm soát, đặc biệt ở những bệnh nhân nghĩ có viêm kết mạc do đeo kính áp tròng sai cách. Trong những trường hợp này, người bệnh cần tạm thời không đeo lens, thăm khám chuyên khoa mắt để được hướng dẫn cách chữa trị hạn chế xâm lấn.
Chế độ ăn uống cho người bị đau mắt đỏ
Thực phẩm nên ăn
Thực phẩm đóng vai trò quan trọng và là một trong những mẹo giúp chữa đau mắt đỏ nhanh chóng, hiệu quả hơn. Về các nhóm thực phẩm người bệnh nên sử dụng trong thời gian bệnh viêm kết mạc:
- Các thực phẩm giàu vitamin A, E, giàu chất chống oxy hóa: Rau xanh, ớt chuông, cà rốt, các loại trái cây có hàm lượng đường thấp,… giàu chất chống oxy hoá mạnh, hạn chế các tình trạng viêm nhiễm.
- Kẽm: Bổ sung các sản phẩm chứa kẽm để giúp hồi phục nhanh các tình trạng ở vị trí viêm nhiễm.
- Thực phẩm giàu omega-3 giàu cholesterol: Cá hồi, viên bổ sung omega-3,… có tác dụng dưỡng mắt sáng khoẻ.
- Thực phẩm giàu vitamin C: Việt quất, phúc bồn tử, cam, bưởi,… nâng cao đề kháng, hỗ trợ miễn dịch cho cơ thể.
Thực phẩm nên tránh
Trong thời gian bị đau mắt đỏ người bệnh nên hạn chế một số nhóm thực phẩm sau đây:
- Các loại thực phẩm có mùi tanh như hải sản: Như tôm, cá, ốc, rau muống,… vì khả năng làm tăng tiết dịch, đóng ghèn nhiều.
- Các chất kích thích, đồ uống có cồn, có ga: Với những loại thực phẩm này sẽ làm cơ thể bị mất nước, kích ứng nhiều hơn, nặng thêm các triệu chứng.
- Các loại đồ ăn dầu mỡ: Gà rán, khoai tây chiên có giá trị dinh dưỡng không cao, ảnh hưởng đến chuyển hóa của cơ thể cũng như hiệu quả của thuốc điều trị.
Một số lưu ý và cách phòng ngừa đau mắt đỏ tái phát
Dù bạn có đang gặp phải các tình trạng đau mắt đỏ hay không thì vẫn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, vệ sinh cá nhân. Vì thực hiện những biện pháp này sẽ giúp bệnh nhanh khỏi hơn và hạn chế nguy cơ bệnh tái phát. Đồng thời, bảo vệ bản thân cũng sẽ giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh và tránh làm lây lan bệnh cho những người xung quanh cũng như giảm nguy cơ thành địch đau mắt đỏ cho cộng đồng. Dưới đây là một số lưu ý bạn có thể biết và áp dụng:
Vệ sinh cá nhân
Các biện pháp vệ sinh cá nhân có thể dễ dàng thực hiện tại nhà như:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt nên xây dựng thói quen rửa tay ngay từ nhỏ cho em bé để hạn chế lây lan các bệnh truyền nhiễm.
- Không dùng chung các loại khăn, dụng cụ trang điểm,… Mỗi người trong gia đình nên có một bộ khăn riêng. Khăn sau khi sử dụng nên giặt sạch và phơi khô, hạn chế lưu khăn tại nhà vệ sinh sau khi sử dụng vì gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Hạn chế dùng tay dụi mắt khi ngứa và chảy dịch vì làm lây lan dịch tiết, gia tăng tình trạng kích ứng khiến mắt đỏ hơn, ngứa hơn.
Vệ sinh môi trường
Ngoài việc giữ vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường sống xung quanh cũng giảm nguy cơ mắc bệnh viêm kết mạc và hạn chế làm bệnh lây lan:
- Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên, giữ nhà cửa sạch sẽ, sử dụng các thiết bị lọc không khí, hút bụi nhà cửa thường xuyên.
- Các vật dụng trong nhà, đặc biệt là dụng cụ vệ sinh nên được lau rửa, vệ sinh định kỳ thường xuyên vì đây là những nơi có khả năng phát triển mầm bệnh cao.
- Trong gia đình hoặc lớp học, nơi làm việc, nếu có người mắc phải đau mắt đỏ nên có các biện pháp bảo vệ như đeo kính bảo vệ, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc để tránh làm bệnh lây lan.
Chế độ dinh dưỡng
Để xây dựng hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh, cần bổ sung các nhóm chất dinh dưỡng khác nhau, tăng sức đề kháng, cải thiện nền tảng sức khỏe:
- Các loại vitamin A, C, E, K có nhiều trong các loại rau củ, trái cây, có thể bổ sung hàng ngày, giúp cải thiện sức đề kháng của cơ thể.
- Ngoài ra, cần bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày, với người trưởng thành nên duy trì uống từ 1,5 – 2 lít nước lọc, tốt nhất là nước đun sôi để nguội.
- Hạn chế sử dụng các loại thức ăn có vị ăn cay nóng, hình thức chế biến nhiều dầu mỡ vì có thể gây đầy bụng, khó tiêu, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của cơ thể gây rối loạn khả năng hấp thu dinh dưỡng.
- Bổ sung đầy đủ các nhóm chất, tùy vào bệnh lý sẵn có sẽ gia giảm tỷ lệ giữa các nhóm chất trong một bữa ăn.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Cần đến bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường
Trong bệnh lý viêm kết mạc, nếu các triệu chứng diễn ra ở mức độ nhẹ, tình trạng đỏ mắt, ngứa mắt thoáng qua, tự thuyên giảm trong vòng 3 ngày, diễn tiến của bệnh tốt hơn, cải thiện hơn với chăm sóc, vệ sinh mắt tại nhà thì người bệnh có thể tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên nếu gặp phải các triệu chứng sau, người bệnh cần đến ngay bác sĩ, bệnh viện để được thăm khám, điều trị kịp thời:
- Triệu chứng đau ngứa mắt, đỏ mắt, chảy dịch nhiều, không thuyên giảm sau từ 3 đến 5 ngày.
- Có các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân như sốt, kèm đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn.
- Mắt bị sưng, phù nề vùng mí mắt, mở mắt khó khăn.
- Mắt tiết dịch nhiều, đặc biệt là có chảy mủ, đóng ghèn vàng, đóng mài vàng, triệu chứng không bớt khi chăm sóc tại nhà.
- Thị lực bị ảnh hưởng như nhìn mờ, thị lực giảm hơn bình thường,…
- Trường hợp đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh cần được thăm khám kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân, điều trị kịp thời, đặc biệt là ở trẻ sinh non.
Các xét nghiệm và chẩn đoán đau mắt đỏ
Về xét nghiệm chẩn đoán đau mắt đỏ, thông thường khi đi khám mắt về vấn đề đau mắt đỏ, bác sĩ nhãn khoa sẽ tập trung chủ yếu các dấu hiệu lâm sàng, đặc điểm tình hình người bệnh tại thời điểm thăm khám, các xét nghiệm ít được chỉ định trong bệnh lý này.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng, cần xác định các đáp ứng của cơ thể với bệnh người bệnh có thể được khảo sát tình trạng nhiễm trùng thông qua các tham số như tổng phân tích tế bào máu, chỉ số hs-CRP, chỉ số procalcitonin,…
Ngoài ra, đối với các trường hợp đau mắt đỏ có tiết dịch mủ nhiều cần cấy dịch mủ đó kèm thực hiện kháng sinh đồ để xác định tác nhân trực tiếp gây bệnh và hỗ trợ lựa chọn kháng sinh phù hợp để kiểm soát bệnh nhanh hơn, tốt hơn. Mặt khác, trong đa số các trường hợp viêm kết mạc có yếu tố nhiễm trùng, bác sĩ nhãn khoa sẽ lựa chọn kháng sinh theo kinh nghiệm dựa trên các yếu tố dịch tễ, lứa tuổi,… có thể bao quát được phổ vi khuẩn để kháng sinh được sử dụng một cách hiệu quả.
Các bệnh viện chuyên khoa mắt uy tín
Khi gặp phải tình trạng đau mắt đỏ cần thăm khám bác sĩ, người bệnh có thể lựa chọn các bệnh viện chuyên khoa mắt uy tín, trực thuộc quản lý của sở y tế như Bệnh viện Mắt TP HCM, Bệnh viện Mắt Trung ương,… Ngoài ra, Docosan xin giới thiệu đến quý bạn đọc một số phòng khám chuyên khoa mắt uy tín, bạn có thể đến thăm khám khi nghi ngờ mắc các dấu hiệu, triệu chứng đau mắt đỏ.
Một số câu hỏi liên quan
Nếu lỡ tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ phải làm sao?
Trong trường hợp tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ, bạn cần vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nên nhắc nhở người bệnh đau mắt đỏ đeo kính bảo vệ để tránh lây lan bệnh cho người xung quanh. Sau đó, bạn có thể theo dõi các dấu hiệu, triệu chứng của đau mắt đỏ trong vòng 1 tuần, nếu các triệu chứng không xuất hiện bạn có thể đã không bị lây bệnh từ người xung quanh.
Mắt mờ sau khi bị đau mắt đỏ có sao không?
Các trường hợp đau mắt đỏ thường sẽ không để lại di chứng, không ảnh hưởng đến thị lực sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên nếu trong quá trình bị bệnh mà người bệnh nhận thấy thị lực bị ảnh hưởng cần đến thăm khám bác sĩ ngay để được kiểm tra chuyên sâu. Thông thường, tình trạng thị lực ảnh hưởng có thể là hậu quả của một đợt viêm kết mạc có nhiễm trùng nặng, ảnh hưởng đến giác mạc và mạch máu nuôi, làm cho mắt bị mờ, ảnh hưởng thị lực về sau.
Bị đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi?
Tùy vào tác nhân gây bệnh sẽ có thời gian khỏi bệnh khác nhau, đồng thời việc chăm sóc, dưỡng bệnh cũng ảnh hưởng đến thời gian khỏi bệnh. Trong trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn thường cải thiện sau 7 ngày, đặc biệt nếu có đáp ứng với kháng sinh thì thời gian khỏi bệnh sẽ nhanh hơn. Nếu đau mắt đỏ do virus thời gian khỏi bệnh sẽ ngắn hơn, thường từ 3-7 ngày, có thể kéo dài đến 2 tuần nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Bị đau mắt đỏ có nên xông lá trầu không?
Xông lá trầu là một trong những biện pháp chữa bệnh dân gian, được sử dụng để làm giảm tình trạng đau mắt đỏ. Khi xông lá trầu, người bệnh có cảm giác dễ chịu hơn như mắt đỡ cộm, giảm ngứa. Tuy nhiên, việc xông này có thể khiến tình trạng kích ứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn, mắt có thể phù nề do nhiệt độ từ hơi nước rất cao có thể làm tổn thương mắt như bỏng giác mạc, loét giác mạc.
Bên cạnh đó, việc xông lá trầu tại nhà không đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn và có thể làm bùng phát nhiễm trùng nặng nề hơn, hậu quả có thể làm ảnh hưởng thị lực của người bệnh về lâu dài. Do đó, người bệnh không nên xông lá trầu tại nhà.
Bài viết đã cung cấp các thông tin về bệnh lý đau mắt đỏ, đặc biệt là các mẹo chữa đau mắt nhanh nhất, hiệu quả, an toàn. Nếu bài viết đem lại cho bạn những thông tin hữu ích, hãy chia sẻ đến bạn bè và người thân nhé!
Xem thêm:
- Bị mỏi mắt lâu ngày? Gợi ý top 12 cách điều trị mỏi mắt
- Top 5 loại thuốc nhỏ mắt đau mắt đỏ cho trẻ em tốt nhất
- Đau mắt đỏ đeo kính gì? Đeo kính rồi có lây bệnh không?
- Đau mắt đỏ ở trẻ em: 6 dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám ngay!
- Virus đau mắt đỏ có nguy hiểm không?
Nguồn tham khảo:
1. Diagnosis and Management of Red Eye in Primary Care
- Link tham khảo: https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2010/0115/p137.html
- Ngày tham khảo: 10/08/2024
2. Pink eye (conjunctivitis) – Symptoms and causes – Mayo Clinic
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/symptoms-causes/syc-20376355
- Ngày tham khảo: 10/08/2024
3. Pink eye (conjunctivitis) – Diagnosis and treatment – Mayo Clinic
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pink-eye/diagnosis-treatment/drc-20376360
- Ngày tham khảo: 10/08/2024