Đau mắt đỏ là một bệnh lý nhiễm trùng mắt rất dễ lây lan, đặc biệt đối với trẻ nhỏ có hệ miễn dịch còn yếu, việc phòng chống bệnh đau mắt đỏ trong trường mầm non trở thành nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và ngăn ngừa sự lây lan trong cộng đồng, đồng thời để đảm bảo môi trường học tập an toàn và khỏe mạnh. Cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết dưới đây về các biện pháp phòng chống hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đau mắt đỏ trong trường mầm non.
Tóm tắt nội dung
Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như các yếu tố bên ngoài môi trường hoặc tác nhân vi sinh vật. Các nguyên nhân chính gây bệnh đau mắt đỏ bao gồm:
- Do kích ứng hoặc dị ứng: Khi mắt tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc hoặc hóa chất (dầu gội, mỹ phẩm, chất clo trong bể bơi), cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giải phóng histamine và gây viêm, dẫn đến đỏ mắt. Tình trạng dị ứng này có thể xuất hiện kèm theo cảm giác sưng và ngứa mắt.
- Do vi khuẩn: Viêm kết mạc do vi khuẩn có thể kèm theo gỉ mắt đặc và dịch tiết nhầy. Một số vi khuẩn phổ biến gây nhiễm trùng mắt bao gồm Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae và Streptococcus pneumoniae. Những vi khuẩn này có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua đồ dùng cá nhân.
- Do virus: Virus cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh đau mắt đỏ. Các loại virus như Adenovirus là tác nhân chính gây viêm kết mạc cấp tính. Các virus khác như virus gây bệnh sởi, quai bị hoặc các loại virus herpes cũng có thể gây đau mắt đỏ. Bệnh đau mắt đỏ do virus thường lây lan nhanh và kèm theo tình trạng đỏ mắt, gỉ mắt và sưng mí mắt.
Ngoài những nguyên nhân trên, đau mắt đỏ cũng có thể xuất phát từ việc tiếp xúc với dị vật trong mắt, sử dụng kính áp tròng không vệ sinh đúng cách. Do đó, để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh đau mắt đỏ cho trẻ, việc duy trì vệ sinh mắt và tránh tiếp xúc với các tác nhân gây hại là rất quan trọng.
Triệu chứng của đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là một bệnh lý về mắt thường gặp, có thể do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng gây ra với nhiều triệu chứng đặc trưng. Các triệu chứng phổ biến của bệnh đau mắt đỏ bao gồm:
- Đỏ mắt.
- Dịch tiết mắt thường đặc hơn nước mắt bình thường, có thể có màu vàng, xanh lục hoặc trắng. Dịch này có thể gây đóng vảy trên lông mi hoặc mí mắt.
- Cảm giác có vật lạ trong mắt, mắt khô hoặc chảy nước mắt.
- Mắt ngứa, nóng rát hoặc bị kích ứng,
- Đau, khó chịu, sưng mí mắt.
- Nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng.
Những triệu chứng này có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ nhiễm trùng. Nếu phụ huynh nhận thấy con trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào trong số các triệu chứng trên, hãy đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đau mắt đỏ lây nhiễm như thế nào?
Virus gây bệnh đau mắt đỏ có khả năng lây nhiễm rất mạnh, đặc biệt là khi tất cả các triệu chứng đã được biểu hiện ra bên ngoài. Thời gian lây nhiễm mạnh nhất của bệnh thường rơi vào khoảng từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 kể từ khi người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Tuy nhiên, điều quan trọng là ngay cả trong giai đoạn ủ bệnh (3 ngày đầu sau khi nhiễm virus) và sau khi hết bệnh (3 ngày sau khi triệu chứng biến mất), người bệnh vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Do đó, tổng thời gian mà bệnh có khả năng lây lan kéo dài khoảng 2 tuần. Trong suốt thời gian này, người bệnh cần thực hiện các biện pháp phòng tránh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh.
Đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan từ người này sang người khác qua nhiều con đường khác nhau. Một số con đường lây nhiễm phổ biến có thể kể đến như:
- Tiếp xúc gần gũi: Virus và vi khuẩn có thể lây qua các hành động tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, ôm hoặc hôn.
- Tiếp xúc với giọt bắn từ không khí: Khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, các giọt bắn chứa virus hoặc vi khuẩn có thể phát tán trong không khí và xâm nhập vào mắt của những người xung quanh.
- Tiếp xúc với vật dụng hoặc bề mặt nhiễm bẩn: Virus và vi khuẩn có thể sống trên các bề mặt trong một thời gian nhất định. Nếu một người khỏe mạnh chạm vào một vật dụng nhiễm virus hoặc vi khuẩn và sau đó chạm vào mắt mà không rửa tay, người đó hoàn toàn có thể bị lây nhiễm bệnh đau mắt đỏ.
- Sử dụng kính áp tròng: Vi khuẩn và virus có thể sống và phát triển trên kính áp tròng. Do đó nếu một người sử dụng kính áp tròng, đặc biệt là loại kính áp tròng dùng lại nhiều lần, nguy cơ người đó bị nhiễm trùng càng cao nếu không thực hiện vệ sinh kính áp tròng đúng cách.
Cách phòng chống bệnh đau mắt đỏ trong trường mầm non
Để bảo vệ sức khỏe cho con trẻ trong trường mầm non, phụ huynh cần lưu ý cho con trẻ đeo kính khi đi học để bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn. Ngoài ra, khi đến trường hoặc ở nhà, phụ huynh và thầy cô hãy thực hiện và dạy trẻ cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là sau khi chạm vào mắt.
Đồ dùng cá nhân như khăn mặt, khăn tắm, gối, thuốc nhỏ mắt,… mỗi bạn nên dùng riêng. Phụ huynh và giáo viên cũng cần rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc với người bệnh và bỏ ngay những vật dụng đã dùng như bông, gạc.
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ trong trường mầm non:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch.
- Tránh đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang,…
- Vệ sinh mắt, mũi, họng mỗi ngày bằng nước muối sinh lý hoặc các loại thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để vệ sinh đồ dùng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bị viêm kết mạc. Nếu bản thân có dấu hiệu của bệnh thì cũng nên hạn chế tiếp xúc với người khác.
Khi có dấu hiệu đau mắt đỏ, hãy đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, tránh tự điều trị khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ để phòng tránh biến chứng.
Nếu con bị viêm kết mạc, phụ huynh nên cho con nghỉ học ở nhà để chăm sóc và tránh lây lan cho các bạn khác. Với những bạn hay bị viêm kết mạc do dị ứng, phụ huynh nên đóng kín cửa sổ và thường xuyên lau dọn nhà cửa để giảm bụi bẩn và phấn hoa.
Biện pháp chống lây nhiễm đau mắt đỏ
Đối với người bị nhiễm
Khi đã mắc bệnh đau mắt đỏ, điều quan trọng nhất là ngăn chặn sự lây lan của bệnh sang những người xung quanh. Dưới đây là một số biện pháp bạn nên thực hiện:
- Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.
- Sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (dùng một lần) để vệ sinh mắt và bỏ vào thùng rác có nắp đậy.
- Sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.
- Không sử dụng kính áp tròng khi bị viêm kết mạc.
- Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như đồ ăn uống, chậu, khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.
- Đeo khẩu trang khi có triệu chứng ho, hắt hơi để tránh lây lan qua không khí.
- Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn bề mặt.
- Hạn chế tiếp xúc với nơi đông người.
Đặc biệt đối với với trẻ em:
- Khi trẻ có triệu chứng như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ ghèn, cần đưa trẻ đến cơ sở khám mắt để điều trị và phòng ngừa biến chứng.
- Dạy trẻ rửa tay thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng.
- Trẻ không nên dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn giấy, khăn mặt, khăn tắm, vỏ gối.
- Sau khi chạm vào mắt trẻ bị nhiễm bệnh, cần rửa tay sạch và vứt bỏ các vật dụng như gạc hoặc bông gòn đã sử dụng.
- Giặt khăn tắm và đồ vải của trẻ trong nước nóng, tách riêng với đồ giặt của gia đình.
Đối với người chưa bị nhiễm
Để bảo vệ bản thân khỏi bệnh đau mắt đỏ, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:
- Rửa tay thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch ít nhất 20 giây, đặc biệt sau khi tiếp xúc với các bề mặt công cộng hoặc khi chạm vào mắt, mũi, miệng.
- Vệ sinh đồ dùng cá nhân: Thường xuyên thay và giặt khăn mặt, gối đầu, và chăn ga để tránh vi khuẩn hoặc virus tích tụ.
- Tránh dụi mắt, tránh tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ, không dùng chung vật dụng cá nhân.
- Dùng kính bảo vệ.
Phòng ngừa đau mắt đỏ do dị ứng:
-
- Đóng cửa sổ và cửa ra vào vào những ngày có nhiều phấn hoa.
- Lau bụi và hút bụi thường xuyên trong nhà để hạn chế các tác nhân gây dị ứng.
- Sử dụng máy lọc không khí trong nhà để giảm thiểu bụi bẩn và phấn hoa.
- Tránh tiếp xúc với các chất kích ứng như khói thuốc, hóa chất tẩy rửa mạnh.
Phòng ngừa đau mắt đỏ ở trẻ sơ sinh:
-
- Sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) cho phụ nữ mang thai để ngăn ngừa viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh.
- Rửa tay sạch sẽ và vệ sinh mắt cho trẻ sơ sinh thường xuyên để tránh lây nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
- Tránh để trẻ sơ sinh tiếp xúc với những người bị đau mắt đỏ để giảm nguy cơ lây lan bệnh.
- Sử dụng khăn mềm và riêng biệt để lau mắt cho trẻ, tránh lây nhiễm chéo.
Xem thêm:
- Đau mắt đỏ ở trẻ em: 6 dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám ngay!
- 5 mẹo chữa đau mắt đỏ nhanh nhất, hiệu quả, tránh biến chứng
- Virus đau mắt đỏ có nguy hiểm không?
Việc phòng chống bệnh đau mắt đỏ trong trường mầm non rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và ngừng sự lây lan trong cộng đồng. Các biện pháp như dạy trẻ rửa tay đúng cách, vệ sinh không gian học tập và hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Nếu cảm thấy bài viết hữu ích, bạn đọc hãy chia sẻ đến người thân và bạn bè để cùng nhau nâng cao ý thức và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hàng đầu, trang thiết bị hiện đại, phục vụ đa dạng các dịch vụ khám và điều trị mắt, mời bạn tham khảo Bệnh Viện Mắt Sài Gòn
Nguồn tham khảo:
1. Pink Eye (Conjunctivitis)
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/pink-eye-conjunctivitis
- Ngày tham khảo: 20/11/2024
2. Symptoms of Pink Eye
- Link tham khảo: https://www.cdc.gov/conjunctivitis/signs-symptoms/index.html
- Ngày tham khảo: 20/11/2024
3. How Is Pink Eye Spread and How Long Are You Contagious?
- Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/is-pink-eye-contagious
- Ngày tham khảo: 20/11/2024
4. Conjunctivitis (Pinkeye) In Kids
- Link tham khảo: https://kidshealth.org/en/parents/conjunctivitis.html
- Ngày tham khảo: 20/11/2024