Đau mắt đỏ khiến mắt bạn cảm thấy khó chịu gây ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật và cũng có khả năng tạo thành dịch trong cộng đồng. Bên cạnh các phương pháp điều trị đau mắt đỏ bằng các loại thuốc Tây y, theo quan niệm dân gian, rau răm trị đau mắt đỏ. Điều này có đúng hay không? Hãy cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Tóm tắt nội dung
Tìm hiểu về bệnh đau mắt đỏ và tác dụng của rau răm
Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ (Pink Eye – Conjunctivitis) là tình trạng lớp màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu và kết mạc mi bị viêm nhiễm, thường do vi khuẩn, virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng với các tác nhân môi trường. Biểu hiện của bệnh này là đặc trưng là đỏ mắt.
Thông thường, bệnh đau mắt đỏ thường bắt đầu từ một mắt, sau vài ngày đến mắt thứ hai và khỏi hoàn toàn trong vòng 1 đến 2 tuần không để lại di chứng. Tuy nhiên trong một vài trường hợp nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ để lại những di chứng nặng nề thậm chí là mất hoặc giảm thị lực.
Đau mắt đỏ có các triệu chứng điển hình là:
- Mắt đau dữ dội, cộm, cảm giác như cát trong mắt.
- Chảy nước mắt và có nhiều gỉ mắt, thậm chí sau khi ngủ dậy gỉ làm dính chặt mi mắt.
- Mi mắt sưng nhẹ, hơi đau, kết mạc sưng phù, đỏ. sau vài ngày đến mắt thứ hai…
- Kèm theo có thể ho, sốt nhẹ , nổi hạch trước tai (hay gặp ở trẻ em).
- Trong những trường hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc (tròng đen), khi đó thị lực có thể giảm.
Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể là:
- Nhiễm khuẩn: Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa.
- Nhiễm virus: Adenovirus (phổ biến nhất), Corona virus, Simplex virus, Varicella-zoster virus.
- Dị ứng: Nấm mốc, phấn hoa kích hoạt phản ứng histamine gây viêm kết mạc.
- Hóa chất: Dầu gội, mỹ phẩm, khói, clo, dung dịch vệ sinh mắt.
- Dị vật: Bụi bẩn vướng vào mắt.
- Kính áp tròng: Nguồn lây nhiễm nếu vệ sinh không đúng cách, làm bệnh nặng hơn nếu đang bị viêm kết mạc.
- Lây truyền: Tiếp xúc với người bệnh qua tay nhiễm khuẩn.
Khi đang có dịch đau mắt đỏ, bạn cần thực hiện các biện pháp trên cùng với các lưu ý như sau:
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.
- Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.
- Hạn chế đến những nơi đông người, đặc biệt tránh sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.
Rau răm có tác dụng gì?
Rau răm được biết đến như một loại rau ăn kèm của nhiều món ăn. Rau răm có hương thơm và vị cay nồng đặc trưng. Theo y học cổ truyền, rau răm có tính ấm, có tác dụng tán hàn, tiệu thực, sát trùng. Vì vậy, nếu ăn quá nhiều có thể gây nóng cho cơ thể.
Chiết xuất từ lá của cây rau răm còn cho thấy ác hoạt động chống viêm và chất chống oxy hóa mạnh. Nước rau răm thường dùng để kích thích tiêu hóa, chữa dạ dày lạnh, đầy hơi, đau bụng, kém ăn, chuột rút, tiêu chảy. Ngoài ra, rau răm còn dùng chữa sốt, làm thuốc lợi tiểu, chống nôn.
Rau răm có tính cay nên ăn quá nhiều rau răm có thể gây ảnh hưởng xấu đến khí huyết và làm giảm tinh khí, giảm ham muốn tình dục, giảm khả năng thụ thai ở nữ giới, giảm chất lượng tinh trùng ở nam giới.
Có nên dùng rau răm trị đau mắt đỏ không?
Không nên dùng rau răm trị đau mắt đỏ, bởi vì hiện nay chưa có tài liệu nghiên cứu nào cho thấy tác dụng này của rau răm. Ngoài ra, theo lý luận y học cổ truyền, bệnh đau mắt đỏ thuộc phạm vi nhiệt, trong khi đó tính vị của rau răm là cay nồng ấm thì không phù hợp sử dụng trong điều trị bệnh này.
Mắt là cơ quan quan trọng của cơ thể. Mắt rất nhạy cảm với những tác động từ môi trường bên ngoài. Các thuốc nhỏ mắt điều trị đau mắt đỏ hay điều trị các bệnh khác ở mắt bắt buộc phải đạt chuẩn tinh khiết, sạch theo quy định của Bộ y tế.
Do đó, việc dùng các phương pháp dân gian như đắp, xông rửa mắt không được khuyến cáo tự ý sử dụng tại nhà. Kiểm soát dịch đau mắt đỏ đòi hỏi kiến thức chuyên môn, tự ý dùng thuốc sẽ rất ảnh hưởng sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Các rủi ro nguy hiểm khi dùng rau răm trị đau mắt đỏ
Sử dụng rau răm trị đau mắt đỏ có thể xảy ra một số rủi ro cho mắt và cơ thể như là:
- Nhiễm trùng: Đây là rủi ro lớn nhất khi sử dụng rau răm trị đau mắt đỏ. Rau răm có thể mang vi khuẩn, nấm, hoặc các tác nhân gây bệnh khác trên bề mặt. Nếu không được rửa sạch và xử lý đúng cách trước khi dùng để điều trị đau mắt đỏ, những tác nhân này có thể xâm nhập vào mắt, gây nhiễm trùng mắt.
- Dị ứng: Mắt là bộ phận nhạy cảm, dễ bị kích ứng. Khi sử dụng rau răm trị đau mắt đỏ có thể phải dùng với nồng độ cao trong thời gian dài dẫn đến dị ứng mắt dễ xảy ra. Các triệu chứng dị ứng có thể bao gồm: ngứa, sưng, chảy nước mắt hoặc thậm chí khó thở.
- Liều lượng và cách dùng không phù hợp: Một trong những thách thức lớn khi sử dụng các phương pháp dân gian như rau răm trị đau mắt đỏ là thiếu hướng dẫn cụ thể về liều lượng và cách sử dụng.
- Độ an toàn và hiệu quả không đảm bảo: Hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh hiệu quả và độ an toàn của việc sử dụng rau răm trong điều trị đau mắt đỏ.
- Tương tác với các phương pháp điều trị khác: Nhiều người có xu hướng kết hợp các phương pháp điều trị dân gian với các phương pháp điều trị hiện đại. Tuy nhiên, việc này có thể dẫn đến các tương tác không mong muốn dẫn đến giảm hiệu quả của thuốc điều trị.
- Trì hoãn việc điều trị y học chính thống: Một trong những rủi ro lớn nhất của việc sử dụng các phương pháp dân gian để trị đau mắt đỏ là trì hoãn tìm kiếm sự chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Nhiều người có xu hướng tự điều trị tại nhà trong một thời gian dài trước khi quyết định gặp bác sĩ. Điều này có thể dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội điều trị sớm, làm tăng nguy cơ biến chứng và kéo dài thời gian hồi phục.
Xem thêm:
- 5 mẹo chữa đau mắt đỏ nhanh nhất, hiệu quả, tránh biến chứng.
- Top 5 loại thuốc nhỏ mắt đau mắt đỏ cho trẻ em tốt nhất.
- TOP 20 thuốc nhỏ đau mắt đỏ và một số lưu ý khi sử dụng.
Khi bị đau mắt đỏ, việc điều trị cần được khẩn trương thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ, tránh trường hợp tự ý sử dụng các phương pháp xông, đắp dược liệu khi chưa được kiểm chứng. Điều này có thể sẽ làm nặng thêm tình trạng đau mắt đỏ và lây lan sang những người xung quanh. Hãy chia sẻ bài viết hữu ích này đến mọi người nhé.
Tài liệu tham khảo:
1. Bệnh đau mắt đỏ: Triệu chứng, nguyên nhân và lưu ý cần biết
- Link tham khảo: https://www.benhvien108.vn/benh-dau-mat-do-trieu-chung-nguyen-nhan-va-luu-y-can-biet.htm
- Ngày tham khảo: 14/11/2024
2. About Pink Eye
- Link tham khảo: https://www.cdc.gov/conjunctivitis/about/index.html
- Ngày tham khảo: 14/11/2024