Tật khúc xạ là một trong những bệnh lý về mắt phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là khi con người ngày càng lệ thuộc hơn vào các thiết bị điện tử. Trong bài viết sau đây, hãy cùng Docosan tìm hiểu tật khúc xạ mắt là gì và những dấu hiệu nhận biết tình trạng này nhé.
Tóm tắt nội dung
Tật khúc xạ mắt là gì? Các loại tật khúc xạ mắt
Tật khúc xạ là vấn đề sức khoẻ liên quan đến tình trạng không thể hội tụ hình ảnh của vật lên võng mạc, thường do hình dạng bất thường của giác mạc hoặc thủy tinh thể. Đây là một trong những vấn đề về thị lực phổ biến nhất hiện nay. Mức độ hạn chế thị lực của mắt khác nhau tùy thuộc vào loại tật khúc xạ, hình dạng nhãn cầu, giác mạc hoặc thủy tinh thể. Có 4 loại tật khúc xạ của mắt như sau:
Cận thị
Người bị cận thị (myopia) có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng lại gặp khó khăn khi nhìn các vật ở xa. Nguyên nhân gây cận thị có thể là do trục nhãn cầu quá dài, phồng thủy tinh thể hoặc giác mạc cong quá mức khiến ảnh của vật hội tụ phía trước võng mạc. Cận thị thường xảy ra ở trẻ em từ 10 tuổi trở lên hoặc cũng có thể bẩm sinh.
Viễn thị
Trái ngược với cận thị, người bị viễn thị (hyperopia) gặp khó khăn khi nhìn các vật ở gần mà chỉ có thể nhìn rõ khi vật nằm ở khoảng cách rất xa. Nguyên nhân gây viễn thị có thể do trục nhãn cầu quá ngắn, thủy tinh thể bị dẹt ra sau hoặc giác mạc không đủ độ cong khiến cho ảnh của vật hội tụ phía sau võng mạc. Khác với cận thị, người bị viễn thị bẩm sinh đã mắc tật này.
Loạn thị
Người bị loạn thị không thể nhìn rõ các vật thể dù ở bất kỳ khoảng cách nào. Nguyên nhân là do giác mạc hoặc thủy tinh thể có hình dạng không đều, thường có hình dạng giống quả bóng bầu dục hoặc mặt sau của chiếc thìa, khiến ánh sáng đi vào mắt bị bẻ cong và biến dạng quá mức. Loạn thị có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi và đối tượng nào.
Lão thị
Viễn thị liên quan đến tuổi tác (lão thị) là một dạng viễn thị xảy ra do lão hoá. Tuổi tác cao khiến mắt trở nên kém linh hoạt và khó tập trung điểm nhìn vào các vật thể. Viễn thị thường phát triển ở người từ 40 tuổi trở lên.
Dấu hiệu của tật khúc xạ
Điểm chung của các tật khúc xạ ở mắt là đều làm cho thị lực trở nên tệ hơn. Người mắc tật khúc xạ không chỉ gặp khó khăn trong việc quan sát mà còn có thể biểu hiện một số triệu chứng khác, ví dụ như:
- Nhìn mờ khi quan sát vật thể ở gần, ở xa hoặc ở bất kỳ khoảng cách nào.
- Nhìn đôi (song thị), tức là nhìn một vật thể mà có hai, ba bóng mờ.
- Đau đầu.
- Thường xuyên nheo mắt, mỏi mắt hoặc đau mắt.
Trẻ em mắc tật khúc xạ có thể không đủ kiến thức để nhận biết các dấu hiệu của bệnh. Vì vậy, phụ huynh nếu thấy con em mình khó tập trung, thị lực giảm (thường xuyên nheo mắt khi đọc sách, chớp mắt hoặc dụi mắt nhiều lần), kết quả học tập giảm sút, hãy đưa trẻ khám mắt tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân gây tật khúc xạ ở mắt
Tật khúc xạ ở mắt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân:
- Di truyền: Con cái có khả năng mắc tật khúc xạ cao hơn nếu có cả cha lẫn mẹ bị tật khúc xạ.
- Môi trường: Là yếu tố quan trọng nhất dẫn đến tật khúc xạ ở mắt. Nguyên nhân có thể xuất phát từ thói quen sinh hoạt không hợp lý (ngồi sai tư thế, học tập/làm việc trong môi trường thiếu sáng, lạm dụng thiết bị điện tử),…
- Lão hóa: Nguy cơ mắc tật khúc xạ ở mắt tăng dần khi tuổi càng cao.
- Sau phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Ngoài ra, mắt có thể bị tật khúc xạ do một số yếu tố như: thủy tinh thể bị lão hóa, chấn thương mắt, tiếp xúc nhiều với nguồn sáng mạnh (ánh sáng mặt trời, tia lửa hàn,…), vệ sinh mắt không đúng cách,…
Chẩn đoán tật khúc xạ mắt
Tật khúc xạ ở mắt được chẩn đoán thông qua một số bài kiểm tra như sau:
- Kiểm tra thị lực: Bằng cách đọc các ký tự và chữ số trên bảng, bác sĩ sẽ đánh giá thị lực của bệnh nhân khi nhìn vật ở khoảng cách 5 mét. Nếu thị lực dưới 20/80, bệnh nhân sẽ được thử kính lỗ và phản hồi cho bác sĩ biết rằng mình nhìn rõ hay mờ, có cảm thấy đau mắt hoặc chóng mặt hay không.
- Kiểm tra khúc xạ: Bằng máy đo khúc xạ mắt tự động, bác sĩ sẽ xác định xem mắt có bị tật khúc xạ hay không, từ đó có căn cứ chẩn đoán tình trạng mắt và xác định loại kính thuốc phù hợp.
- Kiểm tra đèn khe: Bác sĩ sẽ dùng kính hiển vi chiếu sáng vào mắt bệnh nhân, từ đó quan sát, đánh giá cấu trúc của mắt thông qua chùm tia phản xạ lại thấu kính.
Các phương pháp điều trị tật khúc xạ
Điều trị tật khúc xạ ở mắt bằng các phương pháp sau:
Đeo kính
Đây là phương pháp điều trị tật khúc xạ phổ biến nhất hiện nay do tính tiện lợi, hợp túi tiền, dễ thay đổi. Có 2 loại kính để người mắc tật khúc xạ lựa chọn:
- Kính gọng: Thiết kế gồm gọng kính và tròng kính có độ kính phù hợp với từng loại tật khúc xạ. Kính gọng tuy tiện lợi nhưng lại gây mất thẩm mỹ, người bệnh dễ quên và kính dễ gãy nếu có va chạm mạnh.
- Kính áp tròng: Thiết kế dạng lens đặt sát vào giác mạc của mắt. Kính áp tròng khắc phục được những nhược điểm của kính thuốc nhưng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng giác mạc nếu không vệ sinh kỹ lưỡng sau mỗi lần sử dụng.
Phẫu thuật điều chỉnh thị lực
Phẫu thuật điều chỉnh thị lực có thể thay đổi giác mạc hoặc thủy tinh thể, từ đó điều chỉnh cách ánh sáng hội tụ trên võng mạc khi đi qua mắt. Có ba loại phẫu thuật chỉnh thị lực chính:
- FEMTOLASIK: Phương pháp này ứng dụng công nghệ laser để tạo vạt giác mạc với độ chính xác cao. Những xung laser siêu ngắn giúp tạo ra một đường cắt mịn màng, đều đặn và hạn chế tối đa biến chứng. Nhờ đó, bệnh nhân có thể yên tâm hơn về kết quả phẫu thuật và thời gian hồi phục.
- RELEX SMILE: Phẫu thuật rạch nhỏ thủy tinh thể khoảng 2 mm ở rìa giác mạc rồi tách rời lớp mô giữa. Đây là phương pháp phẫu thuật bằng laser tiên tiến nhất hiện nay với các ưu điểm như bảo tồn tối đa cấu trúc giải phẫu của mắt, độ bền sinh học của giác mạc, giảm tình trạng khô mắt sau phẫu thuật, hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn và cảm giác khó chịu hậu phẫu.
- SMILE PRO: Sử dụng máy Visumax 800 của Carl Zeiss từ Đức, SMILE Pro giúp loại bỏ phần mô giác mạc qua một vết mổ chỉ rộng 2 – 3 mm. Vết mổ nhỏ này làm giảm đáng kể thời gian hồi phục và giảm nguy cơ biến chứng.
- PHAKIC: PHAKIC là một phương pháp phẫu thuật khúc xạ tiên tiến, sử dụng thấu kính nội nhãn siêu mỏng, được thiết kế riêng cho từng mắt. Khác với các phương pháp laser truyền thống, PHAKIC không tác động đến giác mạc, mang đến một giải pháp an toàn và hiệu quả.
Bệnh viện Mắt Sài Gòn, một trong những địa chỉ uy tín hàng đầu về phẫu thuật điều chỉnh thị lực. Với đội ngũ bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm và hệ thống trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Mắt Sài Gòn cung cấp đa dạng các phương pháp phẫu thuật tiên tiến, bao gồm LASIK, ReLEx SMILE, phẫu thuật Phaco, và nhiều phương pháp khác, giúp điều trị hiệu quả các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị.
Kính áp tròng chỉnh hình giác mạc – Ortho K
Ortho-K (hay orthokeratology) là phương pháp điều trị tật khúc xạ bằng cách sử dụng thấu kính cứng, thấm khí để định hình lại giác mạc trong khi ngủ. Phương pháp này giúp điều chỉnh thị lực một cách tạm thời, hạn chế việc lệ thuộc vào kính gọng hay kính áp tròng vào ban ngày. Ortho-K đòi hỏi người bệnh phải có tính kỷ luật cao do yêu cầu đeo kính áp tròng mỗi đêm để giác mạc không trở lại hình dạng ban đầu.
Cách phòng ngừa tật khúc xạ mắt
Để phòng ngừa tật khúc xạ mắt, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Học tập, làm việc ở nơi có đủ ánh sáng, khoảng cách từ mắt đến sách vở/tài liệu ít nhất là 30 cm.
- Cho mắt nghỉ ngơi sau 1 – 2 giờ hoạt động căng thẳng (xem ti vi, làm việc trên máy tính, đọc sách,…), có thể áp dụng quy tắc 20-20-20 (sau 20 phút làm việc thì nghỉ mắt 20 giây và nhìn ra xa 20 feet ~ 6 mét).
- Khám mắt định kỳ 6 tháng/lần, đặc biệt là những người đã mắc tật khúc xạ. Đi khám mắt càng sớm càng tốt nếu có các biểu hiện nghi ngờ mắc tật khúc xạ mắt.
- Xây dựng thói quen sống và sinh hoạt lành mạnh, bổ sung các thực phẩm tốt cho mắt trong chế độ ăn uống như cà rốt, cải bó xôi, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa,…
Xem thêm:
- Bệnh mắt nhược thị là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị.
- 5 mẹo chữa đau mắt đỏ nhanh nhất, hiệu quả, tránh biến chứng.
- Bị mỏi mắt lâu ngày? Gợi ý top 12 cách điều trị mỏi mắt.
Bài viết trên đây đã giải đáp cho bạn thắc mắc tật khúc xạ mắt là gì và nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết tình trạng này. Bạn nên đi khám mắt càng sớm càng tốt nếu có các biểu hiện nghi ngờ mắc tật khúc xạ như nhìn mờ, nhìn đôi, thường xuyên nheo mắt, mỏi mắt,… Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ ngay cho bạn bè và người thân cùng biết nhé!
Link tham khảo:
1. Refractive Errors.
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24224-refractive-errors.
- Ngày tham khảo: 11/10/2024.
2. Refractive Errors.
- Link tham khảo: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/refractive-errors.
- Ngày tham khảo: 11/10/2024.
3. Vision Correction Surgery.
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/8608-vision-correction-surgery.
- Ngày tham khảo: 11/10/2024.
4. What Type of Lenses Are Used to Correct Nearsightedness?.
- Link tham khảo: https://eyedocks.com/what-type-of-lenses-are-used-to-correct-nearsightedness/.
- Ngày tham khảo: 11/10/2024.