Thoái hóa điểm vàng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Thoái hóa điểm vàng (thoái hóa hoàng điểm) là một chứng rối loạn về mắt phổ biến ở những người trên 50 tuổi, thị giác của người bệnh sẽ giảm sút khiến cho họ không thể nhìn rõ mọi vật xung quanh. Nếu được phát hiện sớm và chăm sóc cẩn thận sẽ làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng. Cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này trong bài viết dưới đây.

Thoái hóa điểm vàng là gì?

Điểm vàng (hay còn gọi là hoàng điểm) là một một vùng nhỏ khoảng 3mm hình bầu dục sẫm màu hơn xung quanh nằm ở vùng trung tâm võng mạc, nơi tập trung nhiều tế bào thị giác nhất nên đây cũng là nơi cho thị lực cao nhất, tinh tế nhất. Điểm vàng đảm bảo cho thị lực trung tâm được rõ ràng.

Thoái hóa điểm vàng là sự thoái hóa của các tế bào nằm ở điểm vàng do ở nơi đây thường xảy ra ở người cao tuổi, khiến người bệnh không thể nhìn rõ mọi vật đặc biệt là ở vùng trung tâm của thị trường. Thoái hóa điểm vàng đầu tiên có thể phát triển ở một mắt sau đó ảnh hưởng sang cả hai mắt. Theo thời gian thị lực của người bệnh sẽ xấu đi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày chẳng hạn như lái xe, đọc sách hoặc thậm chí là nhận dạng khuôn mặt. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn sẽ mất tất cả thị giác của mình. Mất thị giác do thoái hóa điểm vàng thường là ở trung tâm và mọi người sẽ vẫn giữ được tầm nhìn ngoại vi của mình. Một số người chỉ bị ảnh hưởng thị giác trung tâm nhẹ nhưng số khác sẽ nặng hơn.

thoai hoa diem vang 5
Thoái hóa điểm vàng thường xảy ra ở người cao tuổi

Thoái hóa điểm vàng gồm những loại nào?

Thoái hóa điểm vàng chia ra làm 2 loại:

  • Thoái hóa điểm vàng thể khô: thoái hóa điểm vàng khô là thể phổ biến nhất ảnh hưởng đến khoảng 85 đến 90 phần trăm những người mắc bệnh này. Nó xảy ra do các cặn nhỏ màu vàng được gọi là drusen phát triển dưới điểm vàng khiến thị lực trung tâm mất dần từ từ. Thoái hóa điểm vàng thể khô có thể đột ngột phát triển thành thể ướt.
  • Thoái hóa điểm vàng thể ướt: thoái hóa điểm vàng ướt ảnh hưởng đến 10 đến 15 phần trăm còn lại. Nó xảy ra khi các mạch máu bất thường phát triển dưới võng mạc và điểm vàng khiến thị lực trung tâm mất rất nhanh.
thoái hóa điểm vàng
Phân loại thoái hóa điểm vàng

Nguyên nhân gây thoái hóa điểm vàng?

Không ai biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa điểm vàng. Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ được cho rằng sẽ tăng khả năng phát triển của bệnh:

  • Tuổi tác: thoái hóa điểm vàng thường xảy ra ở người trên 50 tuổi.
  • Giới tính: phụ nữ có nguy cơ thoái hóa điểm vàng cao hơn ở nam giới.
  • Tiền sử gia đình và di truyền: Bệnh này có thể coi là một bệnh có tính chất di truyền. Các nhà nghiên cứu đã xác định được một số gen có liên quan đến việc phát triển tình trạng này.
  • Chủng tộc: thoái hóa điểm vàng phổ biến hơn ở người da trắng.
  • Hút thuốc lá: hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc làm tăng đáng kể nguy cơ thoái hóa điểm vàng.
  • Béo phì: một số nghiên cứu chỉ ra rằng béo phì có thể làm tăng khả năng bị thoái hóa điểm vàng sớm hoặc trung gian sẽ tiến triển nhanh thành dạng nghiêm trọng hơn của bệnh. Đặc biệt là những người có chỉ số cholesterol trong máu cao.
  • Bệnh tim mạch: nếu bạn đã từng mắc các bệnh ảnh hưởng đến tim và mạch máu, bạn có thể có nguy cơ cao bị thoái hóa điểm vàng.
thoái hóa điểm vàng
Tuổi càng cao càng bị thoái hóa điểm vàng

Triệu chứng của thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng là một bệnh tiến triển theo thời gian, đồng nghĩa với việc mắt của bạn sẽ ngày càng tệ hơn. Người bệnh có thể không nhận thấy các vấn đề về thị lực trong giai đoạn đầu của bệnh và họ cũng ít có khả năng nhận thấy sự thay đổi về thị lực cho đến khi bệnh ảnh hưởng đến cả hai mắt cùng một lúc. Đôi khi người bệnh sẽ nhầm lẫn triệu chứng của thoái hóa điểm vàng với các tật cận thị hay loạn thị của mắt. Vì thế chúng ta cần phải nắm rõ hơn triệu chứng của bệnh thoái hóa điểm vàng để có thể tránh những nhầm lẫn mà bỏ qua bệnh. 

thoái hóa điểm vàng
Tầm nhìn của người bị thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng thể ướt và thể khô đều không gây triệu chứng đau mắt. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thoái hóa điểm vàng nói chung bao gồm: 

  • Giảm thị lực vùng trung tâm ở một hoặc cả hai mắt.
  • Biến dạng thị giác: chẳng hạn như các đường thẳng bị uốn cong.
  • Cần nhiều ánh sáng hơn khi đọc sách hoặc làm việc cận cảnh.
  • Khó thích ứng với mức ánh sáng yếu.
  • Khó nhận dạng được khuôn mặt.
  • Nhìn mờ, khả năng nhìn màu sắc không còn rõ ràng như trước.
  • Điểm mờ hoặc điểm mù được người bệnh xác định rõ trong tầm thị trường của mình.
  • Hiếm khi gây mù hoàn toàn.

Các triệu chứng của thoái hóa điểm vàng thể ướt thường diễn tiến đột ngột và xấu đi nhanh chóng. Do không ảnh hưởng nhiều đến thị lực ngoại vi nên người bệnh vẫn có thể sinh hoạt một cách bình thường mà không cần sự giúp đỡ của người khác.

Biến chứng của bệnh thoái hóa điểm vàng

Những người bị thoái hóa điểm vàng đã tiến triển thành mất thị lực trung tâm có nguy cơ cao bị trầm cảm và bị cô lập với xã hội. Khi bị mất thị lực nghiêm trọng, mọi người có thể nhìn thấy ảo giác thị giác (hội chứng Charles Bonnet). Và thoái hóa điểm vàng khô có thể tiến triển thành thoái hóa điểm vàng ướt, có thể gây giảm thị lực nhanh chóng nếu không được điều trị.

Những người thân xung quanh cần phải khuyến khích người bệnh đến khám và điều trị tại bác sĩ chuyên khoa mắt kịp thời. Bệnh thường xảy ở người cao tuổi dễ tổn thương và dễ xúc động nên cần có người thân ở bên quan tâm, an ủi cũng như giúp họ vượt qua khó khăn mà bệnh thoái hóa điểm vàng mang lại.

thoái hóa điểm vàng
Không điều trị từ sớm có thể ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn

Chẩn đoán

Bác sĩ có thể chẩn đoán bằng cách xem xét diễn tiến tình trạng của bệnh nhân và tiền căn gia đình sau đó tiến hành kiểm tra mắt toàn diện để đưa đến chẩn đoán ban đầu. Bác sĩ cũng có thể làm thêm một số xét nghiệm khác để khẳng định chẩn đoán, bao gồm:

  • Thử nghiệm lưới Amsler: lưới Amsler sẽ giúp bác sĩ kiểm tra tầm nhìn trung tâm của người bệnh.
  • Chụp mạch máu võng mạc huỳnh quang: xét nghiệm được dùng để tìm các vấn đề hoặc những thay đổi trong mạch máu và võng mạc của người bệnh.
  • Chụp cắt lớp mạch lạc quang học: xét nghiệm không xâm lấn này hiển thị hình ảnh mặt cắt ngang chi tiết của võng mạc. Điều này giúp xác định các khu vực võng mạc mỏng, dày lên hoặc sưng tấy. Những nguyên nhân này có thể do sự tích tụ chất lỏng từ các mạch máu bị rò rỉ trong và dưới võng mạc của người bệnh.
thoái hóa điểm vàng
Thử nghiệm lưới Amsler chẩn đoán bệnh thoái hóa điểm vàng

Bệnh thoái hóa điểm vàng có chữa được không?

Hiện nay chưa có phương pháp để chữa khỏi bệnh thoái hóa điểm vàng, nhưng bác sĩ có thể đề xuất các lựa chọn để giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh. Đặc biệt là thoái hóa điểm vàng thể ướt, nếu được thăm khám và điều trị kịp thời thời gian diễn tiến của bệnh sẽ kéo dài đáng kể. Ngoài ra người bệnh có thể thực hiện các quy tắc sau đây để làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh thoái hóa điểm vàng:

  • Không hút thuốc lá: nếu bạn hút thuốc, hãy cố gắng bỏ thuốc hoặc nhờ bác sĩ giúp đỡ để bỏ thuốc.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: các vitamin chống oxy hóa trong trái cây và rau quả góp phần vào sức khỏe của mắt. Cải xoăn, rau bina, bông cải xanh, bí và các loại rau khác có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, bao gồm lutein và zeaxanthin, có thể có lợi cho những người bị thoái hóa điểm vàng. Thực phẩm chứa hàm lượng kẽm cao cũng có thể có giá trị đặc biệt đối với bệnh nhân thoái hóa điểm vàng. Chúng bao gồm các loại thực phẩm giàu protein, chẳng hạn như thịt bò, thịt lợn và thịt cừu. Các nguồn không phải chất béo bao gồm sữa, pho mát, sữa chua và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Chất béo không bão hòa lành mạnh: chẳng hạn như dầu ô liu, hạt hạnh nhân, hạt điều. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu axit béo omega-3, chẳng hạn như có trong cá hồi, cá ngừ và quả óc chó, có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng. Nhưng lợi ích tương tự không được thể hiện khi bổ sung omega-3, chẳng hạn như thuốc viên dầu cá.
  • Quản lý tốt bệnh đi kèm: ví dụ nếu bạn bị bệnh tim mạch hoặc huyết áp cao, hãy uống thuốc và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tình trạng bệnh.
  • Duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục thường xuyên: nếu bạn cần giảm cân, hãy giảm lượng calo nạp vào cơ thể và tăng cường vận động mỗi ngày.
  • Khám mắt định kỳ: hỏi bác sĩ nhãn khoa của bạn về lịch trình khuyến nghị cho các cuộc kiểm tra theo dõi. Giữa các lần kiểm tra, bạn có thể tự đánh giá thị lực của mình bằng cách sử dụng lưới Amsler. Các bước này sẽ giúp xác định xem tình trạng của bạn có phát triển thành thoái hóa điểm vàng ướt hay không để có thể điều trị bằng thuốc kịp thời.
thoái hóa điểm vàng
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng nhằm giảm thiểu biến chứng thoái hóa điểm vàng

Phòng khám chẩn đoán và chữa các bệnh về mắt

  • Phòng khám chuyên khoa mắt BSCKII Lê Hồng Hà – Q. Phú Nhuận
  • European Eye Center – Q.2
  • Golden Healthcare International Clinic – Q. Tân Bình

Kết luận

Thoái hóa điểm vàng (hay hoàng điểm) là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Bệnh diễn tiến tăng dần ảnh hưởng đến thị trường của bệnh nhân. Mặc dù không gây ra đau đớn nhưng bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người bệnh khiến họ dễ rơi vào trầm cảm. Hiện nay chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để làm chậm quá trình diễn tiến của bệnh.

Nếu phát hiện các triệu chứng kể trên, bạn hãy liên hệ ngay Docosan.com để nhận được sự hỗ trợ và tư vấn từ những y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm của chúng tôi.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc và tìm hiểu bệnh thoái hóa điểm vàng tại trang web Docosan.com, chúng tôi hân hạnh được chào đón và nhận sự tín nhiệm của bạn.


Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Contact Me on Zalo