Viêm kết mạc là bệnh rất dễ xảy ra trong giai đoạn chuyển mùa, đặc biệt là ở trẻ em có sức đề kháng yếu. Tuy đây là một bệnh lý lành tính, không nguy hiểm nhưng nếu không điều trị đúng cách, bệnh sẽ dẫn tới những biến chứng khác. Vậy viêm kết mạc mắt ở trẻ em bao lâu khỏi? Hãy cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
Viêm kết mạc ở trẻ em bao lâu thì khỏi?
Thời gian điều trị khỏi viêm kết mạc ở trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân gây bệnh, cách chăm sóc, điều trị và thể trạng sức khỏe của bé. Thông thường, trẻ được chăm sóc và điều trị đúng cách thì tình trạng viêm kết mạc sẽ khỏi dần trong khoảng 7 ngày.
Phần kết mạc của mắt bao gồm kết mạc nhãn cầu, tức là lớp màng trong suốt nằm trên bề mặt của lòng trắng và kết mạc mi, là lớp niêm mạc lót bên trong các mi trên và dưới. Khi lớp niêm mạc này bị viêm do các tác nhân khác nhau, hiện tượng này được gọi là viêm kết mạc. Viêm kết mạc là một bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Các nguyên nhân gây viêm kết mạc ở trẻ em
Viêm kết mạc có thể do nhiễm trùng (virus hoặc vi khuẩn) gây ra và rất dễ lây lan. Các đợt bùng phát viêm kết mạc lớn thường thấy ở những nơi công cộng như nhà trẻ hay khu vui chơi trẻ em. Các nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm kết mạc ở trẻ em bao gồm:
- Vi khuẩn.
- Virus, bao gồm cả virus herpes.
- Dị ứng.
Các nguyên nhân này tiềm ẩn ở dịch tiết ra từ mắt, mũi, họng của người bị nhiễm bệnh thông qua các tiếp xúc, ho hoặc hắt hơi. Các yếu tố môi trường như tiếp xúc với khói, bụi hoặc nguồn nước ô nhiễm cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm kết mạc ở trẻ em.
Nếu con bạn bị viêm kết mạc, không nên cho trẻ dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn giấy, đồ trang điểm, khăn tắm hoặc vỏ gối với người khác. Trẻ bị viêm kết mạc truyền nhiễm nên ở nhà, không đến nhà trẻ, trường mẫu giáo hoặc trường học cho đến khi hết dịch tiết từ mắt. Đồng thời, cần đảm bảo rửa tay trẻ thường xuyên để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan sang người khác.
Các cách điều trị viêm kết mạc ở trẻ mau khỏi
Việc điều trị viêm kết mạc sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi và sức khỏe tổng quát của trẻ cũng như nguyên nhân gây ra tình trạng này, ví dụ:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn: Có thể điều trị bằng thuốc nhỏ mắt kháng sinh.
- Nhiễm trùng do virus: Viêm kết mạc do virus thường không cần điều trị. Trong một số trường hợp, thuốc nhỏ mắt kháng sinh có thể được sử dụng để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng thứ phát.
- Phản ứng dị ứng: Có thể điều trị dị ứng bằng thuốc uống hoặc thuốc nhỏ mắt.
- Nhiễm trùng herpes: Con bạn có thể cần phải đi khám bác sĩ nhãn khoa. Con bạn có thể được điều trị bằng cả thuốc uống và thuốc nhỏ mắt.
Nếu tình trạng này là do nhiễm trùng, điều quan trọng là bạn cần biết rằng nhiễm trùng có thể lây lan từ mắt này sang mắt kia bằng cách chạm vào mắt bị ảnh hưởng hoặc chất lỏng từ mắt. Nhiễm trùng cũng có thể lây lan sang người khác. Chất lỏng từ mắt vẫn có khả năng lây nhiễm trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị.
Để giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh nhiễm trùng, hãy rửa tay thường xuyên khi chăm sóc con bạn. Đồng thời, hãy nhắc nhở con bạn không chạm vào mắt của mình và rửa tay thường xuyên.
Nếu cần nhận được sự tư vấn, thăm khám và điều trị từ các bác sĩ chuyên môn, bạn có thể đưa trẻ đến các cơ sở ý tế uy tín về mắt để được hỗ trợ.
Bệnh viện Mắt Sài Gòn là một trong những địa chỉ uy tín trong khám và điều trị các bệnh nhãn khoa cho mọi lứa tuổi. Với đội ngũ bác sĩ nhãn khoa chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm cùng với trang thiết bị máy móc hiện đại có thể đáp ứng nhu cầu điều trị các vấn đề liên quan đến viêm kết mạc ở trẻ em.
Trẻ bị viêm kết mạc nhỏ thuốc gì?
Viêm kết mạc không phải bệnh lý nguy hiểm và có thể tự điều trị tại nhà, tuy nhiên bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị nào.
Điều trị viêm kết mạc ở trẻ em có thể được bác sĩ chỉ định các loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, nước mắt nhân tạo hoặc các loại thuốc khác tuỳ vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của mắt. Một số loại thuốc nhỏ mắt thường được chỉ định trong điều trị viêm kết mạc có thể là:
- Nước mắt nhân tạo: Là một loại thuốc không kê đơn, giúp giảm cảm giác khô mắt, nhức mỏi mắt, kích ứng, ngứa hay nóng rát mắt.
- Nước muối sinh lý: Là loại thuốc giúp loại bỏ các chất tiết, ghèn mắt, sát khuẩn nhẹ, giảm các tác nhân gây kích ứng như vi khuẩn, dị vật.
- Thuốc nhỏ mắt kháng sinh: Một số nhóm như Aminoglycoside, Quinolon,… có thể được chỉ định theo từng trường hợp cụ thể.
- Thuốc kháng viêm: Điển hình là nhóm thuốc có chứa Corticoid. Thuốc này có tác dụng làm giảm sưng tấy, ngứa thường được chỉ định trong viêm kết mạc nặng. Tuy nhiên, đây là loại thuốc cần được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng.
- Thuốc nhỏ mắt kháng histamin: Thường được chỉ định trong các trường hợp viêm kết mạc cấp hoặc mạn tính hay viêm kết mạc dị ứng.
Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị viêm kết mạc ở trẻ em
Điều trị viêm kết mạc ở trẻ em cần được sử dụng đúng loại thuốc, liều lượng và thời gian điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị có chuyên môn. Bố mẹ tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc khi thấy các triệu chứng giảm hoặc biến mất.
Việc theo dõi chặt chẽ các biểu hiện của trẻ là vô cùng quan trọng vì một số trẻ sẽ gặp phải tác dụng phụ của thuốc, và những triệu chứng này có thể giống với triệu chứng của viêm kết mạc. Nếu nghi ngờ trẻ gặp tác dụng phụ hoặc các triệu chứng trở nên nặng hơn sau khi dùng thuốc, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được hỗ trợ kịp thời.
Khi nhỏ thuốc cho trẻ, bố mẹ cần rửa tay sạch và tránh để đầu ống thuốc chạm vào mắt hoặc các bề mặt khác. Cần giữ cho vùng mắt của trẻ sạch sẽ trong suốt thời gian điều trị, tránh để trẻ dụi mắt.
Thuốc nhỏ mắt trị viêm kết mạc của trẻ là đồ dùng cá nhân, không dùng chung với trẻ khác nhằm hạn chế lây nhiễm chéo. Sau khi nhỏ thuốc cho trẻ, bố mẹ cần đậy nắp kín và bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp và những nơi có nhiệt độ cao.
Thông thường, bác sĩ sẽ kê thuốc, hướng dẫn điều trị tại nhà và hẹn lịch tái khám định kỳ. Bố mẹ cần cho trẻ tái khám đúng hẹn để bác sĩ theo dõi diễn tiến của bệnh, cân nhắc tăng giảm liều lượng thuốc phù hợp cho trẻ.
Chăm sóc trẻ bị viêm kết mạc
Nếu các triệu chứng viêm kết mạc của bé nhẹ, bố mẹ có thể sử dụng bông gòn thấm nước ấm để vệ sinh mắt cho bé, từ đó giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
- Chỉ vệ sinh mắt theo một hướng, hướng ra ngoài từ bên trong (phía mũi) của mắt. Điều này ngăn ngừa mắt còn lại bị nhiễm trùng nếu chỉ có một mắt bị ảnh hưởng.
- Vứt bỏ bông gòn mỗi lần để tránh nhiễm khuẩn trở lại.
Tuy nhiên, khi vệ sinh mắt bố mẹ cần tránh vệ sinh vào trong mí mắt vì điều này có thể gây tổn thương kết mạc. Đồng thời, có thể kết hợp sử dụng nước mắt nhân tạo có thể giúp bé giảm bớt cảm giác đau,rát.
Ngay khi phát hiện các triệu chứng ban đầu của viêm kết mạc như đỏ mắt, chảy nước mắt, đau nhức hoặc sưng mí mắt bất thường, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị sớm nhất. Hãy chia sẻ bài viết này đến mọi người xung quanh của mình bạn nhé.
Xem thêm:
- Top 7 Bác sĩ chữa viêm kết mạc giỏi ở TP.HCM.
- Top 5 loại thuốc nhỏ mắt đau mắt đỏ cho trẻ em tốt nhất.
- Top 10 bác sĩ khám mắt giỏi ở TPHCM, chữa bệnh hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Translated resources
- Link tham khảo: https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/conjunctivitis/
- Ngày tham khảo: 15/11/2024
2. .Conjunctivitis (Pinkeye) In Kids
- Link tham khảo: https://kidshealth.org/en/parents/conjunctivitis.html
- Ngày tham khảo: 15/11/2024.
3. Medication for Conjunctivitis
- Link tham khảo: https://nyulangone.org/conditions/conjunctivitis/treatments/medication-for-conjunctiviti
- Ngày tham khảo: 15/11/2024.