Viêm loét giác mạc là tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng ở mắt. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Hãy cùng Docosan tìm hiểu chi tiết về bệnh lý này trong bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Viêm loét giác mạc là gì?
Giác mạc về mặt cấu trúc thì được biết đến như một lớp màng trong suốt phía trước của mắt. Giác mạc đóng vai trò bảo vệ và giúp hội tụ ánh sáng lên võng mạc để tạo ra hình ảnh rõ nét.
Viêm loét giác mạc là một bệnh lý nghiêm trọng của giác mạc với sự tổn thương biểu mô, nhiễm trùng lớp đệm và nguy cơ cao gây tổn hại vĩnh viễn đến thị lực nếu không được điều trị thích hợp (theo định nghĩa của Hiệp hội Nhãn khoa Hoa Kỳ).
Tình trạng viêm mắt này thường đi kèm với sự phá hủy các lớp mô dẫn đến hình thành các ổ loét trên bề mặt giác mạc.
Nguyên nhân gây viêm loét giác mạc
Viêm giác mạc có thể xảy ra do nhiều tác nhân khác nhau. Các nguyên nhân chính bao gồm:
- Nhiễm khuẩn: Các vi khuẩn có thể gây viêm loét giác mạc bao gồm tụ cầu, liên cầu, phế cầu, trực khuẩn mủ xanh, đặc biệt ở những người đeo kính áp tròng không đúng cách sẽ làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Nhiễm siêu vi: Virus herpes simplex, varicella-zoster có thể gây viêm loét giác mạc, có thể tái phát khi hệ miễn dịch suy yếu.
- Nhiễm nấm: Nấm Aspergillus, Candida,… đều có thể gây loét giác mạc, thường xảy ra sau chấn thương mắt.
- Nhiễm ký sinh trùng: Acanthamoeba, một loại amip sống trong nước, có thể gây viêm loét giác mạc, đặc biệt ở người đeo kính áp tròng tiếp xúc với nước bẩn, ô nhiễm.
- Chấn thương: Tổn thương giác mạc do dị vật, hóa chất hoặc phẫu thuật có thể dẫn đến viêm loét.
- Sử dụng kính áp tròng không đúng cách: Đeo kính áp tròng quá lâu, không vệ sinh đúng cách hoặc ngủ khi đeo kính có thể tăng nguy cơ viêm loét giác mạc.
Triệu chứng của viêm loét giác mạc
Viêm loét giác mạc là một tình trạng nhiễm trùng hoặc tổn thương trên bề mặt giác mạc, có thể gây đau đớn và ảnh hưởng đến thị lực nếu không được điều trị kịp thời. Khi bị viêm loét giác mạc, người bệnh có thể xuất hiện một số triệu chứng sau:
- Đau mắt, cảm giác cộm như có dị vật bên trong mắt.
- Nhìn mờ hoặc giảm thị lực một cách đột ngột.
- Chảy nước mắt nhiều kèm cảm giác đau nhức, rát mắt kéo dài.
- Mắt đỏ, sưng và nhạy cảm với ánh sáng.
- Có thể xuất hiện một số vết loét dưới dạng đốm trắng hoặc xám trên giác mạc
Cách điều trị viêm loét giác mạc
Lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của vết loét. Đơn giản nhất vẫn là sử dụng thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ tra mắt. Thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ tra mắt thường có các thành phần sau:
- Kháng sinh: Sử dụng khi nguyên nhân gây viêm mắt là do vi khuẩn.
- Kháng virus: Dùng trong trường hợp nhiễm virus.
- Kháng nấm: Áp dụng khi nghi ngờ nguyên nhân gây bệnh là nấm.
Việc lựa chọn phẫu thuật ghép giác mạc sẽ được chỉ định khi tổn thương giác mạc nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa, đe dọa đến việc mất thị lực vĩnh viễn. Chính vì thế, người bệnh cần phải đi thăm khám để bác sĩ xác định mức độ và tình trạng để xem có nên phẫu thuật ghép giác mạc hay không
Phòng ngừa viêm loét giác mạc
Để phòng ngừa viêm loét giác mạc, bạn cần tuân thủ một số biện pháp phòng bệnh như sau:
- Vệ sinh mắt sạch sẽ hàng ngày, tránh dụi mắt bằng tay vì bàn tay của chúng ta có thể có hàng triệu vi khuẩn gây hại.
- Sử dụng kính áp tròng đúng cách: Vệ sinh kính kỹ lưỡng cả trước và sau khi đeo, bảo quản kính áp tròng đúng khuyến cáo, không đeo quá lâu và tránh đeo khi ngủ.
- Đeo kính bảo hộ: Khi làm việc trong môi trường có nguy cơ chấn thương mắt hoặc có thể tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, bạn cần trang bị kính bảo hộ để tránh tổn thương giác mạc.
- Điều trị kịp thời các bệnh lý về mắt: Điều trị các bệnh khúc xạ của mắt, tránh tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt không theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh viện Mắt Sài Gòn là một trong những bệnh viện chuyên khoa mắt lớn nhất ở TP. HCM. Tại đây, bạn có thể tầm soát, khám mắt định kỳ và điều trị các bệnh lý về mắt với hệ thống y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm.
Viêm loét giác mạc cần được điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, vệ sinh mắt cẩn thận có vai trò quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa bệnh. Hãy chia sẻ những thông tin bổ ích từ bài viết đến bạn bè và người thân nhé!
Câu hỏi liên quan
Viêm loét giác mạc có nguy hiểm không?
Viêm loét giác mạc tiềm ẩn rủi ro nguy hiểm vì nếu không được điều trị kịp thời, viêm loét giác mạc có thể dẫn đến sẹo giác mạc, giảm thị lực hoặc mù lòa, ảnh hưởng thị lực của người bệnh vĩnh viễn.
Viêm loét giác mạc có lây không?
Viêm loét giác mạc không lây từ người sang người nhưng các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn hoặc virus có thể lây lan qua tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm hoặc qua tiếp xúc dịch tiết từ mắt.
Khi nào cần đi khám bác sĩ vì viêm loét giác mạc?
Khi xuất hiện các triệu chứng đau mắt, đỏ mắt, nhìn mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng nghi ngờ có viêm loét giác mạc, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Viêm giác mạc: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
- Bệnh giác mạc hình chóp là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Nguồn tham khảo:
1. Scleritis and Peripheral Ulcerative Keratitis – PubMed Central
- Link tham khảo: https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC2212596/
- Ngày tham khảo: 22/12/2024
2. Corneal Ulcer – MSD Manuals
- Link tham khảo: https://www.msdmanuals.com/professional/eye-disorders/corneal-disorders/corneal-ulcer
- Ngày tham khảo: 22/12/2024