Hẹp niệu đạo: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Niệu đạo là một bộ phận trên cơ thể thuộc hệ bài tiết, nó có chức năng dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Tình trạng hẹp niệu đạo xảy ra khi ống niệu đạo bị thu nhỏ lại, làm hạn chế việc đào thải nước tiểu và các chất cặn bã ra bên ngoài cơ thể, gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh. Vậy nguyên nhân hẹp niệu đạo là do đâu ? Triệu chứng và cách điều trị thế nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết bên dưới cùng Docosan.

Nguyên nhân của hiện tượng hẹp niệu đạo

Hiện tượng hẹp niệu đạo thông thường sẽ liên quan đến sự co thắt của niệu đạo. Điều này thường xảy ra khi các mô ở trong niệu đạo bị viêm hoặc bị sẹo. Sẹo do nhiều nguyên nhân gây ra. Những bé trai khi phẫu thuật lỗ tiểu lệch thấp (hypospadias) và nam giới phải phẫu thuật cấy ghép dương vật có nguy cơ cao bị hẹp niệu đạo.

hẹp niệu đạo
Cấu trúc của niệu đạo

Việc chấn thương do dạng chân cũng là một nguyên nhân thường gặp có thể gây nên hiện tượng hẹp niệu đạo ở nam giới. Những chấn thương do dạng chân thường gặp là té ngã hay bị đá, đánh vào vùng bìu, té ngồi lên thanh ngang trên xe đạp, hàng rào, bờ tường.

Một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng hẹp niệu đạo khác có thể xảy ra là:

  • Gãy xương chậu
  • Đặt ống thông niệu đạo
  • Xạ trị
  • Phì đại tuyến tiền liệt
  • Những phẫu thuật trên tuyến tiền liệt.

Một vài nguyên nhân hiếm gặp khác là:

  • Một khối u xuất hiện gần ngay niệu đạo
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu không điều trị hoặc tái phát nhiều lần
  • Những nhiễm trùng lây lan qua đường tình dục như bệnh lậu hay Chlamydia.

Triệu chứng thường thấy của hẹp niệu đạo

Những triệu chứng của hẹp niệu đạo diễn tiến từ nhẹ tới nặng, cụ thể là:

  • Nước tiểu chảy ra yếu hoặc giảm thể tích nước tiểu
  • Xuất hiện tiết dịch ở niệu đạo
  • Cảm giác muốn đi tiểu đột ngột, thường xuyên
  • Cảm giác đi tiểu không hết nước tiểu
  • Tiểu ngắt quãng
  • Đi tiểu gắt, buốt
  • Nước tiểu hoặc tinh dịch có lẫn máu
  • Đi tiểu không kiểm soát
  • Đau ở vùng bụng dưới
  • Dương vật bị sưng và đau
  • Không thể đi tiểu được (đây là triệu chứng nặng nhất, cần gặp bác sĩ ngay lập tức)
hẹp niệu đạo
Triệu chứng thường thấy của hẹp niệu đạo

Hẹp niệu đạo được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và thăm khám để kiểm tra tình hình và xác định xem liệu bệnh nhân mắc phải bệnh hẹp niệu đạo hay các bệnh khác liên quan đến hệ tiết niệu.

Kiểm tra triệu chứng và tiền sử bệnh lý của bệnh nhân

Bệnh nhân có thể chủ động mô tả lại cho bác sĩ về các triệu chứng mà họ gặp phải. Các bác sĩ sẽ hỏi thêm về tiền sử bệnh lý của bệnh nhân và liệu bệnh nhân có đang sử dụng thuốc hay áp dụng phương pháp điều trị nào hay không. Qua đó, các bác sĩ có thể biết được một hoặc nhiều tác nhân gây nên bệnh của bệnh nhân

Tiến hành thăm khám cho bệnh nhân

Bác sĩ có thể tiến hành thăm khám ở xung quanh dương vật của bệnh nhân để chẩn đoán chính xác hơn liệu bệnh nhân có bị hẹp niệu đạo hay không. Ví dụ, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra xem có dịch tiết ra từ niệu đạo của bệnh nhân hay không? Hoặc là liệu niệu đạo có bị sưng hoặc đau hay không.

Xét nghiệm

Các phương pháp xét nghiệm dùng để chẩn đoán tình trạng hẹp niệu đạo thường cho kết quả rất chính xác. Bác sĩ có thể tiến hành một hoặc nhiều phương pháp xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Một số phương pháp xét nghiệm bao gồm:

  • Đo vận tốc dòng chảy của nước tiểu
  • Phân tích các đặc tính sinh hoá của nước tiểu để kiểm tra xem có vi khuẩn hay máu trong nước tiểu hay không
  • Nội soi bàng quang và niệu đạo
  • Đo kích thước lỗ niệu đạo
  • Xét nghiệm liệu bệnh nhân có bị nhiễm các vi khuẩn lây lan qua đường tình dục như Chlamydia hay bệnh lậu không.
hẹp niệu đạo
Hẹp niệu đạo được chẩn đoán như thế nào?

Cách điều trị tình trạng hẹp niệu đạo

Phương pháp điều trị hẹp niệu đạo sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh

Điều trị không cần phẫu thuật

Phương pháp điều trị hẹp niệu đạo không cần phẫu thuật chính là sử dụng dụng cụ nong niệu đạo. Các bác sĩ sẽ đưa dụng cụ nong vào bên trong niệu đạo và tiến hành nong làm cho ống niệu đạo giãn nở rộng hơn theo thời gian.

Một phương pháp điều trị khác chính là đặt ống thông tiểu vĩnh viễn. Phương pháp này chỉ áp dụng với những trường hợp cực kì nghiêm trọng. Tác dụng phụ của phương pháp này là kích ứng bàng quang hay nhiễm trùng đường tiết niệu.

Phẫu thuật tạo hình niệu đạo

Phẫu thuật tạo hình niệu đạo là phương pháp điều trị dành cho những trường hợp hẹp niệu đạo nặng. Cá bác sĩ tiến hành loại bỏ những mô bị tổn thương và tái tạo lại niệu đạo. Kết quả mang lại khá khả quan cho đa số bệnh nhân.

hẹp niệu đạo
Phẫu thuật tạo hình niệu đạo

Điều chỉnh dòng chảy của nước tiểu

Trong một vài trường hợp nghiêm trọng, phương pháp thay đổi dòng chảy của nước tiểu sẽ được áp dụng. Phương pháp này sẽ vĩnh viễn thay đổi dòng chảy của nước tiểu để thoát ra ở một vị trí khác ở bụng. Bác sĩ sẽ nối niệu đạo với vị trí đó bằng một đoạn ruột.

Một điều cần lưu ý là phương pháp này chỉ được áp dụng khi bàng quang bị tổn thương nghiêm trọng, cần phải phẫu thuật hoặc phải loại bỏ hoàn toàn.

Bác sĩ có thể khám và tư vấn điều trị hẹp niệu đạo

  • Thạc sĩ, Bác sĩ Trang Võ Anh Vinh, gần 10 năm kinh nghiệm – Hoàng Ngân, phường 16, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Thạc sĩ, Bác sĩ Trà Anh Duy – đang công tác tại Bệnh viện Bình Dân và Trung tâm Sức khoẻ Nam giới Men’s Health Phường 14, Quận 10, TP. HCM

Kết luận

Tuy rằng hẹp niệu đạo không gây đe doạ tính mạng cho bệnh nhân nhưng cũng không nên xem thường. Nếu cảm thấy bản thân gặp các triệu chứng như trên, người bệnh cần tìm đến các bác sĩ Nam khoa hoặc bác sĩ Tiết niệu gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.


Bài viết được tham khảo bởi các bác sĩ nam khoa và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.

Nguồn tài liệu tham khảo: Healthline.com