Cách nhận biết viêm tuyến tiền liệt là vô cùng cần thiết giúp người bệnh nhận diện sớm được bệnh của bản thân và nhanh chóng điều trị vì dù viêm tuyến tiền liệt cấp tính hay mãn tính và do nguyên nhân gì đi chăng nữa thì cũng gây ra không ít phiền toái cho cuộc sống người bệnh. Hãy cùng Docosan tìm hiểu rõ hơn về cách nhận biết viêm tuyến tiền liệt qua bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Viêm tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ, chỉ có ở nam giới, nằm sát dưới cổ bàng quang, sau xương mu, trước trực tràng và giữa hai cơ nâng hậu môn, bọc quanh lấy đoạn niệu đạo nối với cổ bàng quang.
Chức năng của tuyến tiền liệt là sản xuất ra tinh dịch – giúp nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho tinh trùng di chuyển. Ngoài ra nhờ có tinh dịch mà tinh trùng chống được nhiều tác nhân bệnh, có thể dễ dàng di chuyển tốt, sống lâu và khả năng giữ gen cũng tốt hơn.
Viêm tuyến tiền liệt là thuật ngữ y khoa được dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm tại tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn gây nên. Bệnh thường phát triển khá nhanh dẫn đến rối loạn chức năng sinh lý của nam giới, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày cũng như cuộc sống tình dục của đàn ông.
Bệnh biểu hiện dưới 2 dạng thường gặp nhất là viêm tiền liệt tuyến cấp tính và mãn tính, tùy vào tình trạng bệnh mà có những dấu hiệu nhất định.
Độ tuổi thường bị viêm tuyến tiền liệt là nam giới trung niên khoảng 50 tuổi hoặc trẻ tuổi hơn (dưới 40 tuổi).
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, tinh thần và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt là gì?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm tuyến tiền liệt gồm nhiễm trùng và không do nhiễm trùng:
- Vi sinh vật
Đường tiết niệu là một trong những cơ quan chứa rất nhiều vi khuẩn như E.coli, phẩy khuẩn tả Proteus, nấm Mycoplasma, Enterobacter… Các vi khuẩn này có thể xâm nhập vào tuyến tiền liệt qua niệu đạo gây viêm tuyến tiền liệt cấp tính và mạn tính. Đôi khi, vi khuẩn còn có thể ngược theo đường dẫn tinh gây viêm tinh hoàn, viêm mào tinh…
- Phản ứng của hệ thống miễn dịch
Tình trạng viêm tuyến tiền liệt cũng có thể là phản ứng của hệ thống miễn dịch với tình trạng nhiễm trùng đường tiểu.
- Tổn thương do các thủ thuật
Một số trường hợp viêm tuyến tiền liệt không liên quan đến nguyên nhân vi khuẩn. Người bệnh bị viêm do các thủ thuật có liên quan đến niệu đạo, sau sinh thiết tuyến tiền liệt, do chấn thương hay sang chấn khi chơi thể thao, vận động mạnh…
- Không rõ nguyên nhân
Đôi khi tình trạng viêm tuyến tiền liệt không có nguyên nhân cụ thể.
Yêu tố nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt
Các yếu tố nguy cơ của bệnh lý viêm tuyến tiền liệt ở nam gồm:
- Tuổi tác: Nam thanh niên hoặc trung niên tuổi trên 50
- Tiền sử bị viêm tuyến tiền liệt
- Từng bị viêm nhiễm đường tiết niệu hoặc cơ quan sinh dục
- Bị suy giảm miễn dịch do mắc Hội chứng suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS)
- Đã từng đặt ống thông tiểu để chẩn đoán và điều trị các bệnh đường tiết niệu
- Tiền sử từng sinh thiết để chẩn đoán nguy cơ ung thư
- Uống ít nước khiến cho nước tiểu ít được tống xuất, tồn đọng vi khuẩn
- Người thường bị mất nước do đặc thù công việc, bệnh lý…
- Người làm các công việc thường bị rung lắc, chấn động
- Áp lực tâm lý
- Tiền sử từng bị tổn thương dây thần kinh ở vùng chậu do phẫu thuật hoặc chấn thương do tập luyện thể dục thể thao…
- Bị hẹp bao quy đầu hay có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu cũng dễ bị viêm tuyến tiền liệt hơn người khác.
Cách nhận biết viêm tuyến tiền liệt ở nam giới
Viêm tuyến tiền liệt có thể phân thành bốn loại:
- Loại 1: Viêm tiền liệt tuyến nhiễm khuẩn cấp tính
- Loại 2: Viêm tiền liệt tuyến nhiễm khuẩn mãn tính
- Loại 3: Viêm tiền liệt tuyến mạn tính không do vi khuẩn
- Loại 4: Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng.
Triệu chứng viêm tuyến tiền liệt khác nhau tùy theo tình trạng bệnh và nguyên nhân gây viêm:
Cách nhận biết viêm tiền liệt tuyến nhiễm khuẩn cấp tính
- Tiểu khó, thường phải cố rặn ra, không đi tiểu được ngay, khi tiểu thường có cảm giác buốt, rát.
- Đau vùng bụng, lưng dưới, vùng bẹn bìu, xương mu hoặc xung quanh dương vật, tinh hoàn
- Có thể xuất hiện máu ở trong nước tiểu và tinh dịch
- Có trường hợp rối loạn chức năng khi giao hợp như đau buốt khi xuất tinh hoặc rối loạn về sự co cứng dương vật, đau đớn khi xuất tinh
- Người bệnh thấy rét như bị cúm, ớn lạnh, đau nhức cơ, sốt
- Tiểu khó, tiểu nhỏ giọt, tiểu ngập ngừng
- Tiểu nhiều, tiểu đêm
- Cảm giác muốn đi tiểu liên tục
- Nước tiểu đục và/hoặc có máu
- Đau khu vực đáy chậu như ở giữa bìu, trực tràng
- Đau khi xuất tinh
Cách nhận biết viêm tuyến tiền liệt nhiễm khuẩn mạn tính
Về cơ bản các dấu hiệu bệnh viêm tiền liệt tuyến tương đối giống với các trường hợp cấp tính nhưng biểu hiện ở mức độ nặng hơn như:
- Cảm giác khó chịu ở vùng bụng dưới hoặc tinh hoàn
- Đau tinh hoàn, đau vùng dưới thắt lưng, tiểu nhiều lần liên tiếp
- Nước tiểu có màu đục có thể kèm theo cả máu.
Cách nhận biết viêm tiền liệt tuyến mạn tính không do vi khuẩn (không đặc hiệu, ít gặp)
Đây là trường hợp viêm tuyến tiền liệt nhưng khi làm xét nghiệm nước tiểu và tinh dịch lại không phát hiện thấy vi khuẩn. Dấu hiệu bệnh viêm tiền liệt tuyến tương đối giống với trường hợp của viêm tiền liệt tuyến mãn tính nhưng điểm nổi bật giúp người bệnh phân biệt chính là kết quả xét nghiệm nước tiểu thường có các tế bào mủ.
Viêm tiền liệt tuyến không do vi khuẩn còn gây ra tình trạng tiểu nhiều và hơi buốt.
Viêm tuyến tiền liệt là thuật ngữ y khoa được dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm tại tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn gây nên. Những biểu hiện của bệnh lại xuất hiện ở vị trí khá nhạy cảm nên nhiều nam giới thường giấu bệnh, không muốn tâm sự với bất kỳ ai ngay cả người bạn đời của mình, khiến bệnh để lâu, gây biến chứng và việc điều trị khó khăn hơn rất nhiều.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.