Hình ảnh siêu âm nang thừng tinh có thể thấy ở trẻ em

Để chẩn đoán bệnh nang thừng tinh có thể cần đến siêu âm vùng bìu. Vậy hình ảnh siêu âm nang thừng tinh là gì, bệnh nang thừng tinh có nguy hiểm không? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Bệnh lý nang thừng tinh ở trẻ em

Nang thừng tinh (u nang thừng tinh) là hiện tượng ứ đọng dịch trong ống phúc tinh mạc do ống này không tắc hoàn toàn. Nang thừng tinh được xếp vào một trong những bệnh lý của ống phúc tinh mạc – một trong những bệnh lý ngoại nhi thường gặp nhất cùng với bệnh thuỷ tinh mạc, thoát vị bẹn bẩm sinh.

Phôi thai học:

  • Ống phúc tinh mạc là phần trồi ra của xoang phúc mạc. Vào khoảng tháng thứ 3 của thai kỳ, tinh hoàn bắt đầu di chuyển từ vị trí sau phúc mạc theo đường đi của dây chằng bìu. Dây chằng bìu đi qua lỗ bẹn sâu làm cho ống bẹn rộng ra và tinh hoàn di chuyển xuống kéo theo túi cùng phúc mạc vào ống bẹn.
  • Đến tháng thứ 7, dây chằng bìu phát triển xuống bìu, kéo theo tinh hoàn xuống bìu. Do mặt trong tinh hoàn dính vào túi cùng phúc mạc nên sự di chuyển của tinh hoàn kéo theo túi cùng phúc mạc tạo nên ống phúc tinh mạc, ống này thông từ bụng tới khoang màng tinh hoàn.
  • Sau khi sinh ống này sẽ đóng lại và teo đi. Trong trường hợp ống phúc tinh mạc không bị teo đi, gọi là bệnh còn ống phúc tinh mạc, làm thông thương giữa khoang màng ngoài tinh hoàn và ổ bụng, dịch ổ bụng sẽ tự do chảy xuống khoang màng tinh hoàn, gây nên tình trạng tràn dịch màng tinh hoàn.
  • Nang thừng tinh xảy ra khi ống phúc tinh mạc xơ hoá không hoàn toàn ở đoạn giữa tạo thành một nang trên ống phúc tinh mạc. Nang thừng tinh có thể nằm ngay cực trên của tinh hoàn (do ống chỉ tắc ở đầu dưới) hay cũng có thể nằm ở ống bẹn (do ống đóng kín hai đầu).

Tần suất: Bệnh lý ống phúc tinh mạc gặp khoảng 0,8 – 4,4% ở trẻ em. Tỷ lệ này là 11,5% ở những trẻ có tiền căn gia đình bị bệnh. Tỷ lệ bệnh thai đổi tùy theo tuổi thai. Trẻ sinh non có khoảng 10 – 30% còn tồn tại ống phúc tinh mạc, trong khi ở trẻ đủ tháng là 3 – 5%.

Nang thừng tinh có nguy hiểm không? Thông thường nang thừng tinh xảy ra ở trẻ sơ sinh và sẽ tự biến mất trong 1 năm đầu đời mà không ảnh hưởng đến tính mạng hay chức năng sinh sản sau này. Do đó, không có chỉ định phẫu thuật lấy nang cho trẻ dưới 1 tuổi. Trường hợp bệnh kéo dài đến khi trẻ hơn 1 tuổi sẽ cần điều trị phẫu thuật để tránh biến chứng, đảm bảo tinh hoàn phát triển bình thường.

Nang thừng tinh

Chẩn đoán nang thừng tinh

Trong đại đa số các trường hợp bệnh ống phúc tinh mạc (nang thừng tinh, thuỷ tinh mạc, thoát vị bẹn bẩm sinh), thăm khám có thể giúp chẩn đoán xác định. Do đó để chẩn đoán nang thừng tinh tương đối đơn giản, chủ yếu dựa vào hỏi bệnh, thăm khám kết hợp với hình ảnh siêu âm nang thừng tinh.

Bệnh cảnh thường gặp của nang thừng tinh: Trẻ đến khám với lý do có một khối phồng vùng bẹn, cũng thường không biến mất khi trẻ ngủ hay nghỉ ngơi. Khi khám thấy một khối căng nhẳn, ranh giới rõ, nằm trên đường đi của ống bẹn, ấn không đau và không giảm thể tích. Khối này nằm tách biệt với tinh hoàn, nằm ở phía trên tinh hoàn.

Siêu âm: Trong đại đa số trường hợp, thăm khám lâm sàng có thể cho chẩn đoán xác định và phân biệt các dạng bệnh lý ống phúc tinh mạc. Siêu âm được dùng trong một số trường hợp:

  • Không chẩn đoán được bằng thăm khám lâm sàng.
  • Cần chẩn đoán phân biệt một số bệnh lý vùng bẹn, bìu như dãn tĩnh mạch thừng tinh, u tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, viêm tinh hoàn,…
  • Phân biệt thoát vị bẹn nghẹt với thủy tinh mạc và nang thừng tinh (những trường hợp khó).
Thăm khám bìu

Hình ảnh siêu âm nang thừng tinh

Vai trò của siêu âm bìu

Hình ảnh siêu âm nang thừng tinh được đánh giá qua siêu âm bìu. Siêu âm bìu đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán các bệnh liên quan đến tinh hoàn, cơ quan sinh dục quan trọng của nam giới. Siêu âm bìu là phương pháp an toàn, đơn giản, dễ thực hiện, không xâm lấn, không gây hại cho bệnh nhân mà còn cho kết quả rất chính xác, phát hiện đa số bệnh lý ở bìu như:

  • Nang thừng tinh;
  • Thuỷ tinh mạc;
  • Thoát vị bẹn;
  • Dãn tĩnh mạch thừng tinh;
  • U tinh hoàn;
  • Xoắn tinh hoàn;
  • Viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn;
  • Chấn thương tinh hoàn,…

Kỹ thuật siêu âm

  • Bệnh nhân không cần chuẩn bị gì, không cần nhịn ăn
  • Bệnh nhân nằm ngửa, nằm yên hai chân dạng vừa phải, dùng khăn cầm dương vật kéo nhẹ về phía đầu để lộ bìu.
  • Gel sẽ bôi vào đầu dò hoặc một ít trải trên bìu giúp giảm ma sát trên da và giúp đầu dò thu được hình ảnh siêu âm nang thừng tinh tốt hơn.
  • Bệnh nhân nằm yên trong khoảng 10-15 phút để kỹ thuật viên quan sát các cấu trúc tinh hoàn, mào tinh, thừng tinh, so sánh hai bên và phát hiện bất thường như hình ảnh siêu âm nang thừng tinh, hình ảnh viêm, u,…

Hình ảnh siêu âm bìu bình thường:

  • Khi tinh hoàn bình thường, nhu mô đều. Đôi khi có thể thấy hình mạch máu.
  • Viền tinh hoàn là các đường tăng âm mỏng, dạng màng trắng.
  • Rốn tinh hoàn có dạng bảng mỏng tăng âm bên trong tinh hoàn. Các lá thành và lá tạng là đường đậm âm nhẹ..
  • Hình ảnh mào tinh có cấu trúc âm tương tự, hơi tương nhẹ hơn so với tinh hoàn. Thân và đuôi mảnh dẻ, tăng âm nhẹ. Đầu và đuôi thấy rõ, có thể thấy lớp dịch sinh lí trống âm.

Hình ảnh siêu âm nang thừng tinh:

  • Nang thừng tinh siêu âm sẽ thấy một khối trống âm (do chứa dịch nên không phản âm) nằm dọc theo thừng tinh, tách biệt với tinh hoàn, ở trong ống bẹn, hoặc xuống tới lỗ bẹn nông.
  • Tinh hoàn có thể bị nhỏ hơn bình thường.
Hình ảnh siêu âm nang thừng tinh

Hình ảnh siêu âm nang thừng tinh phối hợp với thăm khám lâm sàng có thể giúp chẩn đoán bệnh lý nang thừng tinh dễ dàng. Nếu được chẩn đoán bệnh và trẻ trên 1 tuổi thì phương pháp điều trị duy nhất là can thiệp ngoại khoa, cắt bỏ nang.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS