Rối loạn cương dương là một tình trạng bệnh lý phổ biến ở nam giới thuộc nhóm bệnh nam khoa. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tình dục mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và các mối quan hệ cá nhân. Hiểu rõ nguyên nhân và cách điều trị sớm là bước quan trọng để cải thiện chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh. Hãy cùng Docosan tìm hiểu thông qua bài viết sau đây nhé!
Tóm tắt nội dung
- 1 Rối loạn cương dương là gì?
- 2 Phân loại rối loạn rối loạn cương dương
- 3 Nguyên nhân gây rối loạn cương dương ở nam giới
- 4 Các yếu tố nguy cơ tác động lên tình trạng bệnh
- 5 Đối tượng nguy cơ mắc rối loạn cương dương
- 6 Rối loạn cương dương có nguy hiểm không?
- 7 Dấu hiệu nhận biết rối loạn cương dương
- 8 Các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chính xác rối loạn cương dương
- 9 Cách điều trị rối loạn cương dương ở nam giới
- 10 Một số biện pháp tự nhiên cải thiện tình trạng rối loạn cương dương
- 11 Các phương pháp phòng ngừa rối loạn cương dương
- 12 Khi nào cần gặp bác sĩ?
- 13 Một số câu hỏi liên quan
Rối loạn cương dương là gì?
Rối loạn cương dương là một bệnh lý chỉ xảy ra ở nam giới, khi mà dương vật không thể cương cứng hoặc cương cứng không đủ để tiến hành quan hệ. Mặc dù thỉnh thoảng vấn đề cương cứng không phải là điều đáng lo ngại nhưng nếu vấn đề kéo dài, nó có thể gây căng thẳng và ảnh hưởng đến sự tự tin trong mối quan hệ. Ngoài ra, khó khăn trong việc duy trì sự cương cứng cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn cần được điều trị.
Phân loại rối loạn rối loạn cương dương
Hiện nay rối loạn cương dương có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau giúp các bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra rối loạn cương dương và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, bao gồm:
- Phân loại theo nguyên nhân:
– Nguyên nhân thể chất: Bao gồm các bệnh lý như bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn nội tiết tố và các tình trạng bệnh lý khác.
– Nguyên nhân tâm lý: Liên quan đến tình trạng căng thẳng, lo âu, trầm cảm và các vấn đề trong mối quan hệ. - Phân loại theo mức độ:
– Thể nhẹ: Thỉnh thoảng gặp khó khăn trong việc duy trì sự cương cứng.
– Thể trung bình: Thường xuyên gặp khó khăn nhưng vẫn có thể đạt được sự cương cứng trong một số trường hợp.
– Thể nặng: Không thể đạt được hoặc duy trì sự cương cứng trong hầu hết hoặc tất cả các trường hợp. - Phân loại theo thời gian:
– Rối loạn cương dương cấp tính: Xuất hiện trong thời gian ngắn, thường liên quan đến căng thẳng hoặc yếu tố tạm thời khác.
– Rối loạn cương dương mãn tính: Xảy ra trong thời gian dài và thường xuyên, có thể cần can thiệp y khoa. - Phân loại theo cơ chế:
– Do mạch máu: Liên quan đến các vấn đề về lưu thông máu.
– Do thần kinh: Xuất phát từ các vấn đề về dây thần kinh điều khiển sự cương cứng.
– Do hormone: Liên quan đến mức độ hormone nội tiết như testosterone.
– Do tâm lý: Bao gồm yếu tố tâm lý và cảm xúc.
Nguyên nhân gây rối loạn cương dương ở nam giới
Từ trước tới nay, nguyên nhân của rối loạn cương dương thường được xác định là yếu tố tuổi tác, do vấn đề thay đổi hormone sinh dục, dẫn đến việc giảm ham muốn ở nam giới. Nhưng hiện nay, ngoài yếu tố trên, những yếu tố khác ngày càng phổ biến khiến rối loạn cương dương trở thành một căn bệnh khá phổ biến.
- Áp lực trong cuộc sống, công việc: Khi kinh tế ngày một phát triển, người lao động phải làm việc nhiều hơn. Từ đó áp lực càng lớn bắt đầu xuất hiện, tâm trí họ luôn quay cuồng với công việc, không còn ham muốn quan hệ tình dục nữa. Từ đó xuất hiện nguy cơ tiềm ẩn của bệnh rối loạn cương dương.
- Sử dụng thuốc lá quá độ và các chất kích thích: Việc sử dụng thuốc lá quá nhiều và các chất kích thích khác (bia, rượu, ma túy,…) dẫn đến việc suy giảm các tế bào trong hệ thần kinh, đồng thời gây nguy hiểm đến các bộ phận khác trong cơ thể như tim mạch, phổi, thận,… Khi các chức năng này bị yếu đi, về lâu dài sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng cương cứng, qua đó gây nên rối loạn cương dương
- Quan hệ tình dục hoặc thủ dâm quá nhiều: Việc xuất tinh quá nhiều một cách liên tục diễn ra trong một khoảng thời gian kéo dài, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuyến tiền liệt. Từ đó cũng sẽ gây nên tình trạng rối loạn cương dương.
- Các phẫu thuật liên quan đến vùng xương chậu: Những phẫu thuật liên quan đến vùng xương chậu cũng sẽ gây ảnh hưởng và áp lực lớn lên dương vật, ảnh hưởng đến việc cương cứng của nam giới làm rối loạn cương dương.
- Sử dụng thuốc: Một số thuốc kê đơn như thuốc chống trầm cảm SSRI, thuốc kháng histamine, thuốc điều trị tăng huyết áp (như Metoprolol), Risperidone, Digoxin, Hydrochlorothiazide,… có thể làm rối loạn cương dương.
Các yếu tố nguy cơ tác động lên tình trạng bệnh
Có nhiều yếu tố rủi ro có thể góp phần gây ra rối loạn cương dương ở nam giới, bao gồm:
- Các bệnh lý mạn tính, đặc biệt là đái tháo đường và bệnh tim mạch.
- Thói quen hút thuốc lá lâu năm có thể gây ra các vấn đề sức khỏe mãn tính.
- Thể trạng thừa cân hoặc béo phì (BMI ≥ 25 kg/m² theo IDI & WPRO).
- Một số phương pháp điều trị y khoa như phẫu thuật tuyến tiền liệt hoặc xạ trị ung thư.
- Chấn thương ở vị trí tổn thương dây thần kinh hoặc động mạch kiểm soát sự cương cứng.
- Thuốc điều trị bao gồm thuốc chống trầm cảm SSRI, thuốc kháng histamine và thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc các bệnh về tuyến tiền liệt.
- Các vấn đề tâm lý như căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm.
- Sử dụng chất kích thích như ma túy và nghiện rượu.
Ngoài ra khi lớn tuổi, nhu cầu sinh lý giảm đi đồng nghĩa với việc sự cương cứng có thể mất nhiều thời gian hơn để phát triển và có thể không cứng như trước. Bạn có thể cần nhiều kích thích trực tiếp hơn để đạt được và duy trì sự cương cứng.
Đối tượng nguy cơ mắc rối loạn cương dương
Một số đối tượng nam giới có nguy cơ mắc rối loạn cương dương hơn nếu có các yếu tố sau đây:
- Nam giới lớn tuổi: Tuổi tác là yếu tố rủi ro chính vì khả năng cương cứng thường giảm theo độ tuổi.
- Người mắc các bệnh nền mãn tính: Đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng huyết áp và cholesterol máu cao đều có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu và chức năng cương dương.
- Người béo phì: Tình trạng này có thể gây ra các vấn đề về sức khoẻ làm tăng nguy cơ rối loạn cương dương.
- Người sử dụng thuốc lá và rượu bia: Hút thuốc lá và tiêu thụ rượu bia nhiều có thể gây tổn thương mạch máu và làm giảm lưu lượng máu đến dương vật.
- Người có vấn đề tâm lý kéo dài: Trầm cảm, lo âu, và stress có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn cương dương.
- Tiền sử gia đình có rối loạn cương dương: Nhiều nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền có thể đóng vai trò trong nguy cơ mắc bệnh này.
Rối loạn cương dương có nguy hiểm không?
Rối loạn cương dương có thể trở nên nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu tình trạng này kéo dài có thể kéo theo nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Cuộc sống tình dục không thỏa mãn: Do không thể duy trì sự cương cứng trong quan hệ tình dục, từ đó làm giảm chất lượng cuộc sống tình dục, tạo ra cảm giác thất vọng và những xung đột trong mối quan hệ.
- Căng thẳng hoặc lo âu: Việc không thể có được sự cương cứng theo mong đợi có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người mắc mà còn có thể gây ra sự lo lắng cho đối phương.
- Xấu hổ hoặc tự ti: Rối loạn cương dương có thể khiến nam giới cảm thấy xấu hổ hoặc tự ti về khả năng tình dục của mình và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý.
- Hiếm muộn: Mặc dù không trực tiếp gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nhưng nó có thể làm giảm cơ hội thụ thai khi quan hệ.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn cương dương
Các dấu hiệu nhận biết sớm của rối loạn cương dương bao gồm các tình trạng :
- Khó đạt được sự cương cứng: Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất của rối loạn cương dương khi gặp khó khăn trong việc đạt được sự cương cứng đủ để tham gia vào hoạt động tình dục.
- Khó duy trì sự cương cứng: Nam giới có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sự cương cứng trong suốt quá trình hoặc cương không đủ để thực hiện quan hệ tình dục một cách thoải mái và hiệu quả, dẫn đến việc phải dừng lại giữa chừng.
- Giảm ham muốn tình dục: Rối loạn cương dương có thể đi kèm với việc giảm cảm giác ham muốn tình dục, khiến nam giới cảm thấy ít hứng thú hơn với hoạt động tình dục.
- Thay đổi trong chu kỳ cương cứng: Sự thay đổi về tần suất hoặc chất lượng cương cứng so với trước đây cũng có thể là một dấu hiệu nguy cơ của rối loạn cương dương.
- Tác động đến tâm lý: Các dấu hiệu tâm lý như lo âu, căng thẳng, hoặc cảm giác xấu hổ liên quan đến khả năng tình dục cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn cương dương.
Các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chính xác rối loạn cương dương
Chỉ cần một buổi kiểm tra sức khỏe là đủ để bác sĩ chẩn đoán rối loạn cương dương và đề xuất phương pháp điều trị. Tuy nhiên, nếu bạn có các bệnh mãn tính hoặc bác sĩ nghi ngờ có tình trạng tiềm ẩn liên quan, bạn có thể cần thêm các xét nghiệm hoặc tham khảo ý kiến từ bác sĩ. Các xét nghiệm cho các tình trạng có thể bao gồm:
- Khám sinh dục: Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cẩn thận dương vật và tinh hoàn, đồng thời kiểm tra cảm giác của các dây thần kinh.
- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra các dấu hiệu của bệnh tim mạch, đái tháo đường, mức testosterone thấp và các vấn đề sức khỏe khác.
- Xét nghiệm nước tiểu (tổng phân tích nước tiểu): Được sử dụng để tìm kiếm các dấu hiệu của đái tháo đường và các vấn đề sức khỏe khác.
- Siêu âm: Khảo sát các vấn đề về lưu thông máu thông qua việc kết hợp tiêm thuốc vào dương vật để kích thích lưu thông máu và tạo ra sự cương cứng.
- Kiểm tra tâm lý: Giúp sàng lọc các tình trạng trầm cảm và nguyên nhân tâm lý có thể gây ra rối loạn cương dương.
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến rối loạn cương dương không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tình dục mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống chung của bạn.
Cách điều trị rối loạn cương dương ở nam giới
Dựa vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của rối loạn cương dương cũng như các tình trạng sức khỏe hiện tại, bạn có thể có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau.
- Sử dụng thuốc testosterone: Đây là loại thuốc chỉ áp dụng được đối với bệnh nhân bị suy giảm testosterone. Có thể sử dụng thuốc bằng cách uống, tiêm hoặc bôi ngoài da. Thuốc có tác dụng cải thiện khả năng ham muốn, tăng thời gian cương cứng và khả năng quan hệ tình dục của người bệnh.
- Thuốc gây giãn mạch trực tiếp ở dương vật: Đây là nhóm thuốc có chứa papaverin, prostaglandin E1 (Carveject). Được áp dụng với các bệnh nhân bị bệnh rối loạn cương dương do tổn thương về tâm lý, mạch máu. Bên cạnh đó, thuốc còn được sử dụng để truy tìm nguyên nhân gây bệnh.
- Thuốc ức chế PDE-5: Đây là loại thuốc thường được sử dụng bởi các bác sĩ chuyên khoa, vì hiệu quả lên tới 80%. Được áp dụng với hầu hết các loại bệnh rối loạn cương dương. Thuốc được bao gồm các hoạt chất như Sildenafil, Tadalafil, Vardenafil.
- Phương pháp phẫu thuật: Có thể dùng phương pháp nối thông động mạch nhằm cung cấp máu cho dương vật bị tổn thương hoặc cấy vật hang giả nhằm cải thiện tình trạng rối loạn cương dương.
- Liệu pháp tâm lý: Nếu rối loạn cương dương của bạn đến từ vấn đề tâm lý hoặc tình trạng này tạo ra sự căng thẳng trong mối quan hệ thì bác sĩ có thể đề xuất rằng bạn có thể đến gặp một nhà tâm lý học hoặc cố vấn để được tư vấn và có các liệu pháp can thiệp tâm lý phù hợp.
Một số biện pháp tự nhiên cải thiện tình trạng rối loạn cương dương
Ngoài các biện pháp điều trị triệu chứng rối loạn cương dương như nêu trên, nguyên nhân rối loạn cương dương chủ yếu là thể chất bị suy giảm nên bạn có thể hỗ trợ phục hồi sức khỏe thể chất bằng cách cải thiện lối sống cá nhân lành mạnh và tốt cho sức khỏe thể chất hơn như:
- Thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý: Chế độ dinh dưỡng phù hợp cùng với lối sống lành mạnh sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, nhờ đó cải thiện tình trạng rối loạn cương dương, tăng chất lượng đời sống tình dục.
- Tập thể dục đều đặn: Các hoạt động thể chất vừa phải giúp cải thiện sức khỏe mạch máu, giảm căng thẳng và tăng lượng testosterone. Điều này hỗ trợ rất tốt cho quá trình điều trị rối loạn cương.
- Quản lý giấc ngủ hiệu quả: Rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể dẫn tới tình trạng rối loạn cương dương và có thể gây giảm testosterone ở nam giới. Vì vậy, ngủ đủ giấc không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn cải thiện chứng rối loạn cương dương hiệu quả.
- Chia sẻ vấn đề với đối tác của bạn: Mặc dù mắc phải rối loạn cương dương khiến bạn có cảm xúc tự ti và thất bại nhưng hãy cố gắng chia sẻ cùng với đối tác của bạn để không bị ảnh hưởng đến cảm xúc cả hai và hỗ trợ việc chữa trị cho cả bạn và đối tác.
Các phương pháp phòng ngừa rối loạn cương dương
Cách tốt nhất để phòng ngừa rối loạn cương dương là đưa ra các lựa chọn lối sống lành mạnh và quản lý tốt các tình trạng sức khỏe hiện có. Cụ thể là:
- Ngừng hút thuốc lá, hạn chế rượu bia và không sử dụng ma túy.
- Tập thể dục thường xuyên và ăn uống có khoa học.
- Thư giãn và tránh căng thẳng quá mức.
- Đồng hành chia sẻ cảm xúc trong mối quan hệ.
- Tuân thủ điều trị để kiểm soát bệnh nền đái tháo đường, bệnh tim mạch hoặc các bệnh mãn tính khác.
- Tái khám định kỳ và thực hiện các xét nghiệm sàng lọc y khoa khi cần.
- Cập nhật thông tin về các liệu pháp tâm lý để giải quyết các rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc các vấn đề tâm lý khác.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu bất thường
Bác sĩ gia đình là nơi dễ dàng để bắt đầu nếu bạn gặp vấn đề về cương dương. Hãy gặp bác sĩ nếu như:
- Lo lắng về khả năng cương cứng hoặc đang gặp phải các vấn đề tình dục khác như xuất tinh sớm hoặc chậm.
- Mắc bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tim mạch hoặc các tình trạng sức khỏe khác có thể liên quan đến rối loạn cương dương.
- Các triệu chứng căng thẳng, lo âu khi quan hệ tình dục.
Các bệnh viện chuyên khoa uy tín
Bạn có thể tham khảo một số bệnh viện uy tín về chữa trị tình trạng cương dương nói riêng hay các vấn đề khác trong nhu cầu quan hệ. Những bệnh viện này đều cung cấp các dịch vụ thăm khám và điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ can thiệp y khoa đến liệu pháp tâm lý và thay đổi lối sống, bao gồm:
- Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM): Đây là một trong những bệnh viện uy tín hàng đầu trong điều trị rối loạn cương dương, đặc biệt với những trường hợp phức tạp liên quan đến bệnh lý nền như tiểu đường hoặc tim mạch.
- Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM): Ngoài chuyên khoa sản, bệnh viện này còn có khoa hiếm muộn chuyên điều trị các vấn đề sinh lý nam giới, bao gồm rối loạn cương dương.
- Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM): Khoa Nam học tại đây được đánh giá cao trong việc điều trị các vấn đề nam khoa, đặc biệt là rối loạn cương dương với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm.
- Bệnh viện Nam Học và Hiếm Muộn Việt – Bỉ (Hà Nội): Đây là cơ sở y tế chuyên về các bệnh lý nam khoa, đặc biệt là rối loạn cương dương và hiếm muộn được nhiều bệnh nhân tin tưởng.
Một số câu hỏi liên quan
Rối loạn cương dương có liên quan tới bệnh tiểu đường không?
Rối loạn cương dương có mối liên hệ mật thiết với bệnh đái tháo đường, đặc biệt đái tháo đường type 2. Vì nam giới đái tháo đường type 2 có nguy cơ mắc rối loạn cương dương cao hơn so với nam giới bình thường, do cơ chế bệnh khiến các mạch máu và dây thần kinh bị tổn thương. Nếu mức đường huyết không được kiểm soát tốt trong thời gian dài có thể làm suy yếu chức năng của mạch máu và dây thần kinh, dẫn đến việc khó duy trì hoặc đạt được sự cương cứng của phái nam trong quan hệ tình dục.
Rối loạn cương dương có tự khỏi không?
Rối loạn cương dương tạm thời là một hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, bệnh có thể gây cản trở cho quá trình quan hệ tình dục ở nam giới. Trong trường hợp trên, rối loạn cương dương có thể tự khỏi khi bạn thay đổi lối sống, hạn chế căng thẳng, có giấc ngủ chất lượng và chế độ ăn uống lành mạnh, đồng thời duy trì việc rèn luyện thể chất đều đặn để cải thiện sức khỏe tổng thể, bao gồm cả chức năng sinh lý.
Rối loạn cương dương nên ăn gì?
Bạn có thể bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể bằng các nhóm chất giàu đạm L-arginine và rau củ quả chứa nhiều flavonoid. Một số thực phẩm sau đây có thể giúp bạn có thêm sự lựa chọn cho thực đơn hàng ngày của mình:
- Các loại quả mọng: Dâu tây, việt quất, lê, táo, cam quýt,… Một nghiên cứu tiến cứu trong 10 năm với 25.096 nam giới trung niên cho thấy những người tiêu thụ nhiều quả mọng có tỷ lệ mắc rối loạn cương dương giảm 9–11% so với những người tiêu thụ ít hơn.
- Các loại hạt và đậu: Đây là thực phẩm tự nhiên duy nhất chứa catechin và epicatechin, các hợp chất thuộc nhóm flavonoid. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu so sánh cụ thể tác động của từng loại hạt hay đậu đối với rối loạn cương dương.
- Protein L-arginine: L-arginine là axit amin rất tốt cho sự phát triển thể chất và có thể hỗ trợ điều trị bệnh. Cơ thể sử dụng L-arginine để sản xuất nitric oxide, giúp giãn nở và tăng lưu lượng máu đến dương vật. Thực phẩm giàu L-arginine bao gồm thịt đỏ và gia cầm và các loại cá, sản phẩm từ sữa.
Xem thêm:
- Mộng tinh là gì? Có sao không? Nguyên nhân và cách khắc phục
- Bệnh tiểu đường có ảnh hưởng đến sinh lý không?
- Khám nam khoa là khám những gì? Khám ở đâu uy tín 2024?
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết nhất về bệnh rối loạn cương dương. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh, bạn cần tìm đến ngay tới các bác sĩ Nam khoa gần nhất để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Hãy theo dõi Docosan để cập nhật những kiến thức y khoa bổ ích một cách sớm nhất nhé!
Nguồn tham khảo:
1. Erectile dysfunction
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/erectile-dysfunction/symptoms-causes/syc-20355776
- Ngày tham khảo: 07/09/2024
2. What foods can help combat erectile dysfunction?
- Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/foods-for-erectile-dysfunction
- Ngày tham khảo: 07/09/2024
3. What is Erectile Dysfunction?
- Link tham khảo: https://www.webmd.com/erectile-dysfunction/understanding-erectile-dysfunction-basics#1-8
- Ngày tham khảo: 07/09/2024