Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và chữa trị

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tâm sinh lý của cánh mày râu. Hãy cùng Docosan tìm hiểu một số thông tin về tình trạng giãn mạch máu thừng tinh trong bài viết dưới đây nhé!

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là bệnh gì?

Tĩnh mạch thừng tinh nằm trong hệ thống tĩnh mạch có chức năng dẫn lưu máu từ tĩnh mạch tinh hoàn. Nó đi theo ống bẹn đổ về tuần hoàn chung của cơ thể, giúp dẫn lưu máu đi về và đảm bảo sự trao đổi chất của tinh hoàn. Tĩnh mạch thừng tinh góp phần làm cho tinh hoàn thực hiện chức năng nội tiết – sản xuất ra hormone sinh dục nam testosterone để đưa vào cơ thể cũng như chức năng ngoại tiết – sản xuất tinh trùng.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra có sự giãn đám rối tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh. Đây là hệ thống tĩnh mạch nằm phía trên tinh hoàn. Theo một số thống kê cho thấy giãn tĩnh mạch thừng tinh thường xảy ra vào bên trái (khoảng 90%). Bệnh ít gặp ở trẻ em, thường gặp ở người lớn. Bệnh cũng là nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới do ứ trệ máu làm tăng nhiệt độ vùng bẹn bìu, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.

Bệnh tĩnh mạch thừng tinh xảy ra khi van tĩnh mạch bị suy yếu hoặc van bị mất chức năng, làm cho máu không được đưa về hệ tuần hoàn của cơ thể, gây ra tình trạng ứ trệ. Chính sự ứ trệ này gây ra tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh khiến cho bệnh nhân cảm thấy vùng bìu luôn có cảm giác đau tức, nặng nề. Trong một số trường hợp bệnh diễn tiến xấu đi, người bệnh có thể sờ thấy những búi tĩnh mạch giãn ngoằn ngoèo dưới da.

Nguyên nhân của bệnh lý này hiện nay vẫn đang được tìm hiểu chuyên sâu hơn, một số nguyên nhân được đặt ra đó là do van tĩnh mạch bị suy, bất thường về lỗ đổ của tĩnh mạch thừng tinh vào các tĩnh mạch phía trên, tăng áp lực ổ bụng,… Bệnh còn được biết đến với cơ chế hệ thống van tĩnh mạch bị suy yếu dẫn đến tình trạng máu từ hệ thống tĩnh mạch trào ngược vào tĩnh mạch thừng tinh, làm giãn các đám rối tạo thành những búi tĩnh mạch ở vùng bẹn, bìu.

Dấu hiệu nhận biết mắc bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường không gây ra các triệu chứng cụ thể. Bệnh có thể gây đau nhẹ hay cảm giác tức, nặng vùng bìu. Cơn đau thường xảy ra vào buổi chiều tối hoặc sau khi người bệnh đứng quá lâu, ngồi hàng giờ liền hay làm các công việc gắng sức nặng nhọc. Trường hợp giãn tĩnh mạch quá lớn có thể khiến vùng trên bìu bị sưng lên.

Bệnh lý này cũng có thể làm toe tinh hoàn, hậu quả này hiện vẫn còn đang được nghiên cứu. Các triệu chứng gây ra bởi bệnh lý giãn tĩnh mạch có thể nhìn hoặc sờ thấy tại vùng da bìu, sờ nắn có thể gây ra triệu chứng đau tức do chạm vào vùng tuần hoàn bị ứ trệ.

Không phải lúc nào kích thước của tinh hoàn cũng cố định, trong trường hợp bệnh lý kéo dài dẫn đến sự trao đổi chất của tinh hoàn cũng bị kém đi, hậu quả là tinh hoàn bị teo đi. Tuy nhiên không phải lúc nào giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng gây ra các triệu chứng, trường hợp giãn nhẹ khó phát hiện triệu chứng.

Triệu chứng thường xuất hiện ra bên ngoài khi bệnh đi vào giai đoạn muộn và đặc trưng bằng những búi tĩnh mạch lộ ra dưới da, có hình dạng ngoằn ngoèo. Lúc này bệnh nhân có thể tự phát hiện bằng cách nhìn/ sờ trực tiếp có thể kèm theo cảm giác đau. Khi phát hiện bản thân mắc phải tình trạng này bệnh nhân cần phải đi khám ngay.

Bệnh được chia thành nhiều giai đoạn và nhiều mức độ khác nhau. Các triệu chứng trong những giai đoạn khác nhau có thể biểu hiện khác nhau, về lâu dài máu ứ trệ làm nhiệt độ tinh hoàn tăng lên có thể ảnh hưởng đến tinh trùng của nam giới. Có thể nói tĩnh mạch thừng tinh như một tấm lưới tản nhiệt, điều hòa nhiệt độ của tinh hoàn. Nhiệt độ của bìu thường thấp hơn cơ thể từ 1 đến 2 độ C. Nhiệt độ này nếu tăng lên sẽ ảnh hưởng đến quá trình sinh, hậu quả nặng nề có thể gây vô sinh.

Bên cạnh đó tinh hoàn còn thực hiện chứng năng nội tiết, sản sinh hormone sinh dục nam giới như testosterone, nếu như bệnh kéo dài ảnh hưởng đến chức năng nội tiết có thể làm rối loạn khả năng cương dương, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tâm lý của người bệnh.

Cách chữa trị giãn tĩnh mạch thừng tinh

Khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc phải bệnh lý giãn tĩnh mạch ở thừng tinh, tùy theo mức độ sẽ có những phác đồ điều trị khác nhau. Nếu bệnh ở mức độ càng cao, bệnh sẽ càng nặng và có tiên lượng xấu hơn. Ở những mức độ nhẹ ban đầu có thể điều trị bằng cách can thiệp cải thiện lối sống. Tuy nhiên nếu bệnh đã ở giai đoạn muộn cần những biện pháp điều trị chuyên sâu hơn.

Thuốc uống cũng có vai trò giúp cải thiện tình trạng của bệnh nhân. Tuy nhiên khi bệnh có những ảnh hưởng rõ rệt đến chức năng của các cơ quan thì cần biện pháp điều trị chuyên sâu hơn nữa, đó là phẫu thuật với bên bị giãn tĩnh mạch. Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị về nguyện vọng điều trị để được thực hiện biện pháp điều trị hiệu quả nhất.

Sau khi điều trị người bệnh cần tuân thủ lời dặn dò của bác sĩ, tránh những yếu tố nguy cơ làm bệnh tái phát. Đặc biệt là với bên chưa bị tổn thương thì cần thay đổi lối sống để phòng bệnh tốt hơn. Bảo vệ những cơ quan này chính là bảo vệ sức khỏe sinh sản của chính bạn.

Tĩnh mạch thừng tinh đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhiệt độ vùng bìu. Khi có tổn thương xảy ra như giãn tĩnh mạch này thì hậu quả có thể ảnh hưởng nặng nề đến bệnh nhân, trong đó có vô sinh. Do đó nam giới cần nhận biết các dấu hiệu của bệnh để kịp thời đi khám, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS

Contact Me on Zalo