Tinh trùng yếu là gì? Dấu hiệu tinh trùng yếu, cách điều trị

Tinh trùng yếu là một trong những nguyên nhân gây vô sinh hàng đầu ở nam giới. Trong bài viết sau đây, hãy cùng tìm hiểu về dấu hiệu tinh trùng yếu và cách điều trị, phòng ngừa tình trạng này để đảm bảo sức khoẻ sinh sản của bản thân và duy trì hạnh phúc vợ chồng.

Tinh trùng là gì? Vai trò của tinh trùng

Tinh trùng là tế bào sinh dục nam có nguồn gốc từ tinh hoàn. Sau khi phóng tinh, tinh trùng có nhiệm vụ bơi từ âm đạo vào tử cung và thụ tinh cho noãn (trứng) để tạo thành hợp tử. Hợp tử sau đó sẽ phát triển thành phôi rồi dần là bào thai. Số lượng và khả năng di động của tinh trùng là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.

Về cấu tạo, tinh trùng gồm 3 bộ phận chính như sau:

  • Phần đầu: Chứa chromatin – là vật liệu DNA tạo nên nhiễm sắc thể. Thông thường, tế bào tinh trùng chứa 23 nhiễm sắc thể. Bao phủ đầu tinh trùng là acrosome chứa các protein giúp tinh trùng xâm nhập qua lớp vỏ ngoài của trứng.
  • Phần giữa: Thân tinh trùng chứa ty thể để tạo năng lượng cần thiết giúp tinh trùng di chuyển.
  • Phần đuôi (roi): Cho phép tinh trùng di chuyển về phía trước.
Tinh trùng là tế bào sinh dục nam có vai trò kết hợp với trứng để tạo thành hợp tử
Tinh trùng là tế bào sinh dục nam có vai trò kết hợp với trứng để tạo thành hợp tử

Tinh trùng yếu là gì?

Tinh trùng yếu được định nghĩa là số lượng tinh trùng dưới 15 triệu tế bào/ml tinh dịch sau khi xuất tinh do đạt cực khoái. Số lượng tinh trùng thấp làm giảm khả năng thụ tinh với trứng, do đó dẫn đến khó mang thai, thậm chí là vô sinh ở nam giới.

Tinh trùng yếu khi số lượng tế bào dưới 15 triệu/ml tinh dịch
Tinh trùng yếu khi số lượng tế bào dưới 15 triệu/ml tinh dịch

Dấu hiệu tinh trùng yếu

Khi bị tinh trùng yếu, nam giới có thể có những dấu hiệu sau:

  • Xuất hiện các vấn đề liên quan đến chức năng tình dục, ví dụ như giảm ham muốn tình dục, rối loạn cương dương,…
  • Đau, sưng hoặc có khối u ở tinh hoàn.
  • Giảm số lượng lông trên cơ thể hoặc các dấu hiệu cảnh báo bất thường về nhiễm sắc thể hoặc hormone.

Đặc biệt, chậm mang thai dù không sử dụng biện pháp tránh thai là dấu hiệu chính cho thấy tinh trùng yếu. Ngoài ra, một số vấn đề tiềm ẩn như bất thường nhiễm sắc thể di truyền, mất cân bằng nội tiết tố, giãn tĩnh mạch tinh hoàn, tắc nghẽn ống sinh tinh hoặc đường di chuyển của tinh trùng cũng có thể gây ra các triệu chứng trên.

Nam giới nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám nếu không thụ thai sau một năm quan hệ tình dục thường xuyên mà không sử dụng biện pháp tránh thai. Đặc biệt, cánh mày râu cần thăm khám càng sớm càng tốt nếu có các triệu chứng sau:

  • Gặp các vấn đề về cương cứng dương vật hoặc xuất tinh, giảm ham muốn tình dục hoặc các vấn đề liên quan đến chức năng tình dục.
  • Đau, khó chịu hoặc có khối u ở vùng tinh hoàn.
  • Có tiền sử bệnh về tinh hoàn, tuyến tiền liệt, hoặc các bệnh tình dục.
  • Đã hoặc đang phẫu thuật bẹn, tinh hoàn, dương vật hoặc bìu.
Nam giới nên đi khám càng sớm càng tốt nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình xuất tinh
Nam giới nên đi khám càng sớm càng tốt nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình xuất tinh

Nguyên nhân tinh trùng yếu

Quá trình sản xuất tinh trùng rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều cơ quan như tinh hoàn, vùng dưới đồi, tuyến yên. Tinh trùng sau khi được sản xuất trong tinh hoàn sẽ theo ống dẫn tinh hòa vào tinh dịch, rồi xuất tinh ra khỏi dương vật. Do đó, bất kỳ vấn đề nào xảy ra trong hệ thống trên đều có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng.

Ngoài ra, các bất thường về hình thái, khả năng di động và chức năng tinh trùng cũng có thể gây ra tình trạng tinh trùng yếu. Trên thực tế, rất khó để xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Nguyên nhân bệnh lý

Tinh trùng yếu có thể xảy ra do một số bệnh lý hoặc là tác dụng phụ của phương pháp điều trị. Một số nguyên nhân có thể kể đến như:

  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Là tình trạng sưng tĩnh mạch nuôi tinh hoàn – nguyên nhân gây vô sinh phổ biến nhất ở nam giới. Mặc dù lý do gây giãn tĩnh mạch thừng tinh vẫn chưa được nghiên cứu chính xác, các chuyên gia y tế cho rằng, bệnh có thể liên quan đến sự bất thường trong quá trình điều hòa nhiệt độ tinh hoàn. Giãn tĩnh mạch thừng tinh làm giảm chất lượng tinh trùng.
  • Nhiễm trùng: Một số bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và chất lượng tinh trùng. Đặc biệt, các vi khuẩn/virus có thể để lại sẹo gây cản trở đường đi của tinh trùng. Một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu, HIV/AIDS,… có thể dẫn đến tổn thương tinh hoàn vĩnh viễn.
  • Các vấn đề về xuất tinh: HIện tượng xuất tinh ngược xảy ra khi tinh dịch đi vào bàng quang trong lúc đạt cực khoái thay vì thoát ra qua đầu dương vật. Có nhiều nguyên nhân gây ra xuất tinh ngược hoặc không xuất tinh, điển hình như bệnh tiểu đường, chấn thương cột sống, phẫu thuật bàng quang, tuyến tiền liệt hoặc niệu đạo.
  • Thuốc đang dùng: Một số loại thuốc có thể gây ra các vấn đề về xuất tinh tạm thời hoặc vĩnh viễn như thuốc chẹn kênh alpha (điều trị tăng huyết áp). Ngoài ra, liệu pháp thay thế testosterone, dùng steroid trong thời gian dài, thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng nấm và kháng sinh, thuốc điều trị viêm loét và các loại thuốc khác có thể làm suy giảm sản xuất tinh trùng, dẫn đến giảm khả năng sinh sản của nam giới.
  • Kháng thể tự tấn công tinh trùng: Hệ thống miễn dịch nhầm lẫn tinh trùng là tác nhân xâm nhập có hại cho cơ thể và cố gắng tiêu diệt những tế bào này.
  • Khối u: Ung thư và khối u lành tính có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh sản của nam giới bằng cách tác động vào nồng độ hormone sinh sản do tuyến yên tiết ra. Bên cạnh đó, phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị để điều trị khối u cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
  • Tinh hoàn ẩn: Trong quá trình thai nhi phát triển, đôi khi một hoặc cả hai tinh hoàn không di chuyển từ khoang bụng xuống túi chứa tinh hoàn (bìu) như bình thường, dẫn đến tình trạng tinh hoàn ẩn. Theo nghiên cứu, nam giới bị tinh hoàn ẩn có khả năng sinh sản kém hơn so với người bình thường.
  • Mất cân bằng hormone: Vùng dưới đồi, tuyến yên và tinh hoàn đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp các hormone cần thiết để sản xuất tinh trùng. Sự thay đổi nồng độ hormone hoặc bất thường trong hoạt động của tuyến giáp, tuyến thượng thận có thể làm giảm sản xuất tinh trùng.
  • Các khiếm khuyết trong hệ thống sinh tinh: Tắc ống dẫn tinh có thể xảy ra do chấn thương trong phẫu thuật, nhiễm trùng cơ hội, xơ nang hoặc do di truyền. Sự tắc nghẽn có thể xảy ra ở nhiều mức độ tại các vị trí khác nhau như bên trong tinh hoàn, ống dẫn tinh, mào tinh và niệu đạo.
  • Khiếm khuyết về nhiễm sắc thể: Các rối loạn di truyền như hội chứng Klinefelter khiến nam giới mang bộ NST XXY thay vì XY như thông thường, dẫn đến sự phát triển bất thường của các bộ phận trong cơ quan sinh sản nam. Những hội chứng di truyền khác như xơ nang, hội chứng Kallmann và hội chứng Kartagener cũng góp phần gây ra tình trạng tinh trùng yếu và vô sinh ở nam giới.
  • Bệnh Celiac: Là tình trạng rối loạn tiêu hóa do cơ thể nhạy cảm với gluten. Bệnh có thể gây vô sinh ở nam giới. Tuy nhiên, khả năng sinh sản có thể cải thiện sau khi áp dụng chế độ ăn không chứa gluten.
  • Phẫu thuật: Một số loại phẫu thuật có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng như cắt ống dẫn tinh, phẫu thuật thoát vị bẹn, phẫu thuật bìu hoặc tinh hoàn, phẫu thuật tuyến tiền liệt và phẫu thuật khoang bụng (được chỉ định đối với bệnh nhân ung thư tinh hoànung thư trực tràng).
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là nguyên nhân phổ biến nhất gây hiện tượng tinh trùng yếu
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là nguyên nhân phổ biến nhất gây hiện tượng tinh trùng yếu

Nguyên nhân môi trường

Quá trình sinh tinh và chức năng của tinh trùng có thể bị ảnh hưởng do tiếp xúc quá nhiều với một số yếu tố môi trường gây hại, cụ thể như:

  • Hóa chất công nghiệp: Tiếp xúc với benzen, toluen, xylen, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, dung môi hữu cơ, vật liệu sơn,… trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng tinh trùng yếu.
  • Tiếp xúc với kim loại nặng: Tiếp xúc với chì hoặc các kim loại nặng khác trong thời gian dài cũng có thể gây vô sinh.
  • Bức xạ hoặc tia X: Tiếp xúc với bức xạ có thể làm giảm sản xuất tinh trùng. Nam giới có thể mất vài năm để quá trình sinh tinh trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu liều lượng bức xạ quá cao, quá trình sinh tinh có thể bị dừng vĩnh viễn không hồi phục.
  • Tinh hoàn quá nóng: Nhiệt độ cao làm suy giảm quá trình sản xuất và chức năng của tinh trùng. Mặc dù các nghiên cứu xoay quanh nguyên nhân này còn hạn chế và chưa có kết luận chính thức, thực tế cho thấy, việc thường xuyên sử dụng phòng xông hơi hoặc bồn tắm nước nóng có thể làm suy giảm tạm thời số lượng tinh trùng.
  • Ngồi lâu, mặc quần áo bó sát hoặc làm việc trên máy tính trong thời gian dài cũng có thể làm tăng nhiệt độ ở bìu, dẫn đến giảm nhẹ số lượng tinh trùng.
Ngồi quá lâu có thể làm giảm số lượng tinh trùng
Ngồi quá lâu có thể làm giảm số lượng tinh trùng

Lối sống và các nguyên nhân khác

Những nguyên nhân khác gây ra tình trạng tinh trùng yếu bao gồm:

  • Sử dụng ma túy hoặc các loại thuốc có chứa steroid để kích thích cơ bắp phát triển có thể làm co tinh hoàn và giảm sản xuất tinh trùng. Ngoài ra, cocaine hoặc cần sa cũng được chứng minh có thể làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng của nam giới.
  • Sử dụng rượu: Uống rượu có thể làm giảm nồng độ testosterone, từ đó khiến quá trình sản xuất tinh trùng bị suy giảm.
  • Nghề nghiệp: Một số nghề nghiệp nhất định có nguy cơ vô sinh cao như thợ hàn, công việc có tính chất ngồi nhiều (lái xe, nhân viên văn phòng,…). Tuy nhiên, chưa có đầy đủ nghiên cứu để khẳng định chính xác nguyên nhân gây tinh trùng yếu kể trên.
  • Hút thuốc lá: Theo nhiều nghiên cứu, nam giới hút thuốc có số lượng tinh trùng thấp hơn so với những người không có thói quen này.
  • Căng thẳng: Căng thẳng, stress trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến nồng độ các hormone cần thiết trong quá trình sinh tinh.
  • Trầm cảm: Theo nhiều nghiên cứu, trầm cảm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến số lượng và chất lượng tinh trùng.
  • Cân nặng: Béo phì tác động trực tiếp đến số lượng – chất lượng tinh trùng, đồng thời, gây ra những thay đổi về hormone làm giảm khả năng sinh sản của nam giới.
  • Sai sót trong quá trình xét nghiệm tinh dịch: Số lượng tinh trùng thấp hơn bình thường có thể là do sai sót trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm. Mẫu tinh trùng được lấy quá sớm sau lần xuất tinh cuối cùng, sau khi bị bệnh hoặc đang trong tâm trạng căng thẳng,… có thể không phản ánh chính xác số lượng tinh trùng hiện có.
Người hút thuốc lá có số lượng tinh trùng thấp hơn so với người bình thường theo nhiều nghiên cứu
Người hút thuốc lá có số lượng tinh trùng thấp hơn so với người bình thường theo nhiều nghiên cứu

Các yếu tố rủi ro khiến tinh trùng yếu

Một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến tình trạng tinh trùng yếu bao gồm:

  • Hút thuốc lá.
  • Uống rượu.
  • Dùng thuốc không có chỉ định từ bác sĩ, lạm dụng thuốc.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Trầm cảm hoặc căng thẳng nghiêm trọng trong thời gian dài.
  • Đã và đang mắc bệnh nhiễm trùng.
  • Tiếp xúc với hoá chất độc hại thường xuyên.
  • Nhiệt độ tinh hoàn quá cao.
  • Có tiền sử chấn thương tinh hoàn.
  • Mắc hội chứng rối loạn sinh sản bẩm sinh hoặc có người thân cùng huyết thống (cha, anh trai, em trai) mắc bệnh tương tự.
  • Đã và đang mắc các bệnh mạn tính hoặc ung thư.
  • Đang thực hiện các biện pháp điều trị ung thư như hoá trị, xạ trị.
  • Đang dùng thuốc có nguy cơ gây tinh trùng yếu.
  • Đã từng cắt ống dẫn tinh, phẫu thuật khoang bụng hoặc vùng chậu.
  • Có tiền sử tinh hoàn ẩn.

Các đối tượng nguy cơ cao tinh trùng yếu

Bất kỳ nam giới ở độ tuổi nào cũng có thể bị tinh trùng yếu. Tuy nhiên, các đối tượng sau đây có nguy cơ bị tinh trùng yếu cao hơn cả, bao gồm:

  • Nam giới hút thuốc lá và thường xuyên uống rượu: Thuốc lá chứa nhiều thành phần có hại như nicotin, dẫn chất benzen,… làm giảm khả năng di động của tinh trùng. Ngoài ra, rượu và thuốc lá còn tác động đến nhiễm sắc thể, làm tăng nguy cơ đột biến tinh trùng.
  • Nam giới thường xuyên mặc quần bó sát, phải ngồi nhiều, có thói quen đặt laptop lên đùi để làm việc, tắm nước quá nóng, công việc tiếp xúc với nhiệt độ cao (thợ hàn, thợ rèn, đầu bếp),…: Những thói quen kể trên làm tăng nhiệt độ vùng kín, khiến tinh hoàn nóng lên và ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng lẫn chất lượng tinh trùng.
  • Dùng điện thoại di động: Nhiệt và bức xạ tỏa ra từ điện thoại di động có thể làm giảm khả năng di chuyển của tinh trùng. Bên cạnh đó, thường xuyên cho điện thoại di động vào túi quần hoặc đeo ở thắt lưng có thể làm giảm chất lượng tinh trùng do làm tăng nhiệt độ tinh hoàn.
  • Thể trạng béo phì hoặc quá gầy: Người béo phì có BMI từ 24-35 hoặc quá gầy khi BMI < 18,5 cũng có nguy cơ cao giảm số lượng tinh trùng.
  • Tập thể dục quá nhiều làm giảm hormone testosterone và số lượng tinh trùng. Bên cạnh đó, việc đạp xe đạp thường xuyên cũng có thể gây tổn thương tinh hoàn và tầng sinh môn.
  • Tiếp xúc với hóa chất độc hại thường xuyên như kim loại nặng, chất diệt côn trùng, chất bảo quản,… cũng có thể gây ra tinh trùng yếu.
  • Ăn thực phẩm chế biến sẵn: Theo kết quả từ nhiều nghiên cứu, thường xuyên ăn thực phẩm chế biến sẵn có thể làm giảm 30% số lượng tinh trùng.

Tinh trùng yếu có nguy hiểm không, biến chứng là gì?

Tinh trùng yếu ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của nam giới. Tình trạng này khiến nam giới khó có con, thậm chí vô sinh, gây nhiều căng thẳng và tự ti cho chính cánh mày râu cũng như trong đời sống vợ chồng.

Nam giới bị tinh trùng yếu muốn tăng khả năng thụ thai phải tiến hành phẫu thuật hoặc áp dụng các phương pháp điều trị để tìm ra nguyên nhân gây tinh trùng yếu. Trong trường hợp không thể điều trị, nam giới có thể phải sử dụng đến các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tốn kém và phức tạp như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Tinh trùng yếu là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở nam giới
Tinh trùng yếu là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở nam giới

Các phương pháp chẩn đoán tinh trùng yếu ở nam giới

Để chẩn đoán tình trạng tinh trùng yếu, bác sĩ sẽ tiến hành một số công việc sau:

Khám sức khỏe tổng quát và tiền sử bệnh lý: Bác sĩ sẽ kiểm tra bộ phận sinh dục và hỏi bệnh nhân một số câu hỏi liên quan đến tình trạng di truyền, tiền sử bệnh lý của bệnh nhân và người thân trong gia đình, kiểm tra các chấn thương hoặc bệnh án phẫu thuật nghi ngờ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hỏi thêm về thói quen sinh hoạt và nhu cầu tình dục của bệnh nhân.

Mục đích của việc làm này nhằm khai thác thông tin bệnh cảnh để tìm ra nguyên nhân gây tinh trùng yếu. Nếu bệnh nhân khó có thể thụ thai, bạn tình/vợ của bệnh nhân bị tinh trùng yếu cũng nên đi khám để loại trừ các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, đồng thời là căn cứ để xem xét có nên áp dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hay không.

Xét nghiệm tinh dịch đồ: Xét nghiệm tinh dịch đồ là một trong những căn cứ quan trọng để chẩn đoán tinh trùng yếu. Kết quả xét nghiệm cho biết số lượng, hình thái, khả năng di chuyển và chất lượng tinh trùng.

Bệnh nhân sẽ được chỉ định xuất tinh vào hộp đựng mẫu tinh dịch. Mẫu xét nghiệm sau đó sẽ được phân tích trên phần mềm máy tính và trả về kết quả. Trên thực tế, tinh trùng mới được tinh hoàn sản xuất liên tục và cần khoảng 42 – 76 ngày để trưởng thành. Vì vậy, kết quả tinh dịch đồ chỉ phản ánh tình trạng tinh trùng trong vòng ba tháng trở lại.

Một trong những sai sót phổ biến khi lấy mẫu xét nghiệm tinh dịch đồ chính là thu thập không đủ tinh trùng hoặc lấy mẫu không đúng cách. Mặt khác, số lượng tinh trùng trong mỗi lần lấy mẫu cũng thường dao động. Vì vậy, hầu hết các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm hai hoặc nhiều mẫu tinh dịch trong thời gian dài để đảm bảo tính đồng nhất giữa các kết quả xét nghiệm.

Để đảm bảo tính chính xác trong quá trình lấy mẫu tinh dịch, bác sĩ sẽ lưu ý cho bệnh nhân những điều sau:

  • Đảm bảo toàn bộ tinh dịch đã nằm trong hộp/dụng cụ đựng mẫu xét nghiệm.
  • Bệnh nhân phải kiêng xuất tinh trong vòng 2 – 7 ngày trước khi lấy mẫu.
  • Lấy mẫu tinh dịch đồ lần hai ít nhất 02 tuần sau lần lấy mẫu đầu tiên.
  • Không sử dụng chất bôi trơn khi quan hệ hoặc khi lấy mẫu do các sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của tinh trùng.

Mật độ tinh trùng bình thường dao động từ 15 triệu – hơn 200 triệu tinh trùng/ml tinh dịch. Nam giới bị chẩn đoán tinh trùng yếu khi số lượng tinh trùng dưới 15 triệu tế bào/ml hoặc dưới 39 triệu tế bào tổng cộng trong mỗi lần xuất tinh.

Xét nghiệm tinh dịch đồ là một trong những căn cứ quan trọng để chẩn đoán tinh trùng yếu
Xét nghiệm tinh dịch đồ là một trong những căn cứ quan trọng để chẩn đoán tinh trùng yếu

Các xét nghiệm khác
Tùy thuộc vào thông tin bệnh cảnh khai thác được, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm bổ sung để tìm ra nguyên nhân gây tinh trùng yếu, cụ thể gồm:

  • Siêu âm bìu: Sử dụng sóng âm tần số cao để quan sát tinh hoàn và các cấu trúc xung quanh.
  • Xét nghiệm hormone: Thực hiện xét nghiệm máu để xác định nồng độ hormone do tuyến yên và tinh hoàn sản xuất.
  • Phân tích nước tiểu sau khi xuất tinh: Tinh trùng trong nước tiểu là căn cứ để chẩn đoán tình trạng xuất tinh ngược.
  • Xét nghiệm di truyền: Khi nồng độ tinh trùng cực thấp, bác sĩ có thể nghĩ ngờ nguyên nhân do di truyền. Xét nghiệm máu có thể cho biết sự thay đổi trên NST Y – dấu hiệu cảnh báo bất thường trong di truyền. Xét nghiệm di truyền cũng có thể được chỉ định để chẩn đoán các hội chứng bẩm sinh hoặc phân biệt các hội chứng di truyền khác nhau.
  • Sinh thiết tinh hoàn: Kết quả sinh thiết tinh hoàn cho biết các bất thường trong quá trình sinh tinh. Nếu kết quả bình thường, nguyên nhân gây tinh trùng yếu có thể do tắc nghẽn hoặc các vấn đề khác liên quan đến quá trình vận chuyển tinh trùng. Tuy nhiên, sinh thiết tinh hoàn chỉ được sử dụng trong một số trường hợp nhất định và không thường quy trong việc chẩn đoán nguyên nhân gây vô sinh.
  • Xét nghiệm kháng thể kháng tinh trùng: Các xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra các tế bào miễn dịch tấn công tinh trùng. Xét nghiệm kháng thể không được chỉ định phổ biến.
  • Các xét nghiệm chức năng tinh trùng chuyên biệt: Một số xét nghiệm có thể được chỉ định để kiểm tra khả năng sống sót của tinh trùng sau khi xuất tinh, khả năng bám và thâm nhập vào trứng. Các xét nghiệm này hiếm khi được thực hiện và thường không thay đổi đáng kể phác đồ khuyến nghị điều trị.
  • Siêu âm trực tràng: Một ống nhỏ có bôi trơn sẽ được đưa vào trực tràng để kiểm tra tuyến tiền liệt và tình trạng tắc nghẽn ở ống dẫn tinh, túi tinh (nếu có).

Phương pháp điều trị tinh trùng yếu

Các phương pháp điều trị tình trạng tinh trùng yếu bao gồm:

  • Phẫu thuật: Giãn tĩnh mạch thừng tinh, tắc ống dẫn tinh có thể điều trị bằng phẫu thuật để điều chỉnh về trạng thái bình thường. Trong trường hợp không có tinh trùng trong tinh dịch, tinh trùng có thể được lấy trực tiếp từ tinh hoàn hoặc mào tinh hoàn bằng các kỹ thuật thu thập tinh trùng hiện đại.
  • Điều trị nhiễm trùng: Thuốc kháng sinh có thể điều trị dứt điểm nhiễm trùng đường sinh sản. Tuy nhiên, không phải tổn thương đường sinh sản nào cũng có thể hồi phục.
  • Điều trị các vấn đề liên quan đến quá trình giao hợp (xuất tinh sớm, rối loạn cương dương): Người bệnh có thể dùng thuốc cải thiện sinh lý hoặc tìm kiếm sự tư vấn từ bác sĩ để tăng khả năng sinh sản.
  • Điều trị bằng hormone và thuốc: Bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp hormone hoặc dùng thuốc trong các trường hợp tinh trùng yếu do nồng độ hormone bất thường hoặc rối loạn đáp ứng hormone của cơ thể.
  • Công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART): Tùy vào tình trạng sức khoẻ và mong muốn của người bệnh mà lựa chọn phương pháp ART phù hợp, gồm thu thập tinh trùng thông qua xuất tinh bình thường, phẫu thuật lấy tinh trùng hoặc sử dụng tinh trùng từ người hiến tặng. Tinh trùng sau đó được đưa vào cơ quan sinh dục nữ, hoặc dùng để thụ tinh trong ống nghiệm, hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương.

Nếu các phương pháp điều trị trên không hiệu quả và nam giới vẫn chưa thể có con, người bệnh và gia đình có thể cân nhắc sử dụng tinh trùng từ người hiến tặng hoặc nhận con nuôi.

Các công nghệ hỗ trợ sinh sản có thể giúp nam giới bị tinh trùng yếu có con
Các công nghệ hỗ trợ sinh sản có thể giúp nam giới bị tinh trùng yếu có con

Cách phòng ngừa tinh trùng yếu

Để bảo vệ khả năng sinh sản, nam giới nên tránh xa các yếu tố gây hại có thể ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng tinh trùng, điển hình như:

  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Hạn chế hoặc không uống rượu.
  • Tuyệt đối không sử dụng ma túy.
  • Thông báo cho bác sĩ nếu thuốc đang dùng có nguy cơ ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng.
  • Duy trì cân nặng ở ngưỡng khỏe mạnh.
  • Hạn chế mặc quần bó sát, không thoáng khí.
  • Kiểm soát tốt căng thẳng, tránh stress.
  • Tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu, kim loại nặng và các chất độc khác.

Ngoài ra, để tăng cơ hội thụ thai, nam giới có thể thử những biện pháp sau:

  • Tăng tần suất quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục mỗi ngày hoặc cách ngày. Nên bắt đầu khoảng bốn ngày trước khi rụng trứng sẽ làm tăng cơ hội khiến bạn tình có thai.
  • Hạn chế sử dụng các sản phẩm bôi trơn khi quan hệ: Một số sản phẩm bôi trơn, kem dưỡng da hoặc nước bọt có thể làm giảm khả năng di chuyển và chức năng của tinh trùng. Nếu cần thiết, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các sản phẩm bôi trơn có lợi cho hoạt động của tinh trùng.
  • Bổ sung các thực phẩm giúp cải thiện số lượng và chất lượng tinh trùng như coenzym Q10, acid folic, hạt dẻ ngựa, L-carnitine, nhân sâm, kẽm,… Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng do một số thực phẩm chức năng kể trên nếu dùng liều cao, hoặc sử dụng trong thời gian dài có thể gây hại cho sức khỏe.
Sản phẩm bôi trơn có thể làm giảm khả năng di chuyển và chức năng của tinh trùng
Sản phẩm bôi trơn có thể làm giảm khả năng di chuyển và chức năng của tinh trùng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nam giới cần đến gặp bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường sau:

Dấu hiệu nhận biết tinh trùng yếu bất thường

Nam giới bị tinh trùng yếu có thể không biểu hiện triệu chứng gì bất thường cho đến khi người bệnh lập gia đình. Bởi lẽ, vô sinh chính là triệu chứng chính của tình trạng tinh trùng yếu.

Nếu tinh trùng yếu do bệnh lý (mất cân bằng hormone, bất thường nhiễm sắc thể, tinh hoàn hoặc tắc nghẽn), người bệnh có thể gặp các triệu chứng liên quan như:

  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Rối loạn cương dương.
  • Sưng, đau ở tinh hoàn hoặc khu vực xung quanh tinh hoàn.
  • Giảm số lượng lông trên mặt hoặc cơ thể.

Nếu có những biểu hiện trên, nam giới cần đến ngày cơ sở nam khoa uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để lâu ảnh hưởng không tốt đến chức năng sinh sản của cánh mày râu.

Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín

Dưới đây là một số bệnh viện điều trị bệnh tinh trùng yếu uy tín mà nam giới có thể đến khám:

Một số câu hỏi liên quan

Tinh trùng khỏe là tinh trùng như thế nào?

Thông thường, tinh dịch khoẻ mạnh sẽ có màu trắng sữa, trong suốt hoặc hơi xám đục, kết cấu đặc giống thạch dừa. Tuy nhiên, những tính chất trên của tinh dịch có thể tạm thời thay đổi về màu sắc và kết cấu tùy vào tình trạng sức khoẻ tổng thể hiện tại.

Tinh trùng yếu có con được không?

Nam giới bị tinh trùng yếu vẫn có thể có con một cách tự nhiên nếu đối tác của bạn có sức khoẻ sinh sản hoàn toàn khoẻ mạnh. Để tăng khả năng thụ thai, nam giới nên tăng tần suất quan hệ tình dục (khoảng 2 – 3 ngày/tuần) mà không sử dụng biện pháp tránh thai.

Tinh trùng yếu điều trị trong bao lâu?

Tinh trùng mới được tinh hoàn sản xuất liên tục và mất khoảng 42 đến 76 ngày để trưởng thành. Vì vậy, xét nghiệm tinh dịch đồ hiện tại chỉ phản ánh tình trạng tinh trùng trong vòng ba tháng qua. Do đó, bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng cần tối thiểu ít nhất 3 tháng mới có thể thấy được kết quả.

Tinh trùng yếu nên ăn gì?

Những loại thực phẩm mà nam giới bị tinh trùng yếu nên ăn để cải thiện chất lượng và số lượng tinh trùng gồm:

  • Rau xanh hữu cơ, nên rửa rau thật sạch trước khi ăn để đảm bảo vệ sinh.
  • Hạn chế ăn các loại thịt chế biến sẵn, tăng cường ăn cá.
  • Hạn chế ăn thức ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ.
  • Hạn chế ăn đậu nành hoặc các thực phẩm, nước uống làm từ đậu nành.
  • Tránh ăn thức ăn đóng hộp, không bảo quản thức ăn trong các vật dụng bằng nhựa do nguy cơ phơi nhiễm BPA.
  • Hạn chế ăn quá nhiều các sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo cao (kem, sữa nguyên chất,…).
  • Nên ăn nhiều quả óc chó (nếu không bị dị ứng với các loại hạt).

Có mấy loại tinh trùng?

Có hai loại tinh trùng: tinh trùng X và tinh trùng Y. Tinh trùng X khi kết hợp với nhiễm sắc thể X của trứng sẽ tạo ra hợp tử có nhiễm sắc thể XX (bé gái). Tương tự, tinh trùng Y khi kết hợp với nhiễm sắc thể X của trứng sẽ tạo ra hợp tử mang bộ NST XY (bé trai).

Xem thêm:

Bài viết trên đây đã trình bày cho bạn những dấu hiệu và cách điều trị tinh trùng yếu. Nam giới nên thăm khám sức khoẻ thường xuyên và duy trì lối sống khoẻ mạnh để đảm bảo chức năng sinh sản ở trạng thái tốt nhất. Nếu thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ cho bạn bè và mọi người cùng biết nhé.

Link tham khảo:

1. What to know about sperm?.

  • Link tham khảo: https://www.medicalnewstoday.com/articles/sperm
  • Ngày tham khảo: 21/09/2024.

2. What Causes Low Sperm Count and How Is It Treated?.

  • Link tham khảo: https://www.healthline.com/health/infertility/low-sperm-count.
  • Ngày tham khảo: 21/09/2024.

3. Low sperm count.

  • Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/low-sperm-count/symptoms-causes/syc-20374585.
  • Ngày tham khảo: 21/09/2024.

4. Low sperm count. 

  • Link tham khảo: https://www.nhs.uk/conditions/low-sperm-count/.
  • Ngày tham khảo: 21/09/2024.

5. Don’t make the mistake of letting a diet kill sperm.

  • Link tham khảo: https://www.uchicagomedicine.org/forefront/health-and-wellness-articles/2018/december/dont-make-the-mistake-of-letting-a-diet-kill-sperm.
  • Ngày tham khảo: 21/09/2024.
Contact Me on Zalo