Ung thư tinh hoàn là tình trạng khối u phát triển trong tinh hoàn gây ra cảm giác khó chịu, nặng nề ở bìu. Bệnh có thể được điều trị nếu phát hiện sớm và phương pháp điều trị được áp dụng tuỳ giai đoạn phát triển của khối u. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, mời bạn đọc cùng Docosan tham khảo nội dung dưới đây.
Ung thư tinh hoàn là gì?
Ung thư tinh hoàn là hiện tượng xuất hiện khối u ở tinh hoàn nằm trong túi bìu. Tinh hoàn là 1 bộ phận ở cơ quan sinh dục nam có, chức năng sản xuất testoterone (nội tiết tố nam) và tinh trùng.
Tình trạng ung thư tinh hoàn chỉ xuất hiện ở nam giới và không thường gặp. Độ tuổi thường mắc phải ung thư tinh hoàn là từ 15 đến 35 tuổi.
Các triệu chứng của ung thư tinh hoàn là gì?
Các triệu chứng của ung thư tinh hoàn mà người bệnh có thể gặp phải là:
- Xuất hiện một khối u hoặc tinh hoàn to lên
- Có cảm giác nặng ở bìu
- Đau âm ỉ ở bụng hoặc bẹn
- Đột ngột xuất hiện một lượng chất lỏng trong bìu
- Cảm thấy đau, khó chịu ở tinh hoàn hoặc bìu
- Vú bị căng tức hoặc phát triển giống nữ
- Người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng đau lưng đi kèm
Người bệnh nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt khi tình trạng sưng đau hoặc u ở tinh hoàn, đặc biệt nếu các triệu chứng này kéo dài hơn 2 tuần.
Phân loại ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn được phân loại theo loại tế bào gây nên tình trạng ung thư. Đối với ung thư tinh hoàn thì chủ yếu là loại ung thư tinh hoàn tế bào mầm, chiếm đến 95% trong các trường hợp. Tế bào mầm là một loại tế bào sản sinh ra tinh trùng.
Có 2 loại ung thư tinh hoàn do tế bào mầm được xác định là:
- U tinh bào (Seminoma): tình trạng này đã trở nên phổ biến hơn trong 20 năm qua và chiếm đến từ 40 – 45% các trường hợp ung thư tinh hoàn;
- U không phải tinh bào (Non-seminoma): loại ung thư này này chiếm phần lớn các trường hợp còn lại của ung thư tinh hoàn, chúng có thể bao gồm u quái tinh hoàn, ung thư biểu mô phôi, u nguyên bào nuôi và u túi noãn hoàng.
Có những loại ung thư tinh hoàn khác hiếm gặp hơn là :
- Ung thư tế bào Leydig : chiếm khoảng 1 – 3% các trường hợp ung thư tinh hoàn
- Ung thư tế bào Sertoli : chiếm chưa đến 1% các trường hợp.
Nguyên nhân gây ra ung thư tinh hoàn
Nguyên nhân chính xác gây ra ung thư tinh hoàn vẫn chưa được xác định. Tuy vậy, các bác sĩ có thể xác định những yếu tố có thể gia tăng nguy cơ bị ung thư ở tinh hoàn một số người.
Yếu tố di truyền
Yếu tố di truyền cũng đóng một phần quan trọng trong việc liệu một người nào đó có nguy cơ cao bị ung thư tinh hoàn hay không.
Nếu người thân trong gia đình bạn có tiền sử bị ung thư tinh hoàn thì bạn cũng có khả năng cao bị ung thư tinh hoàn. Trong một vài nghiên cứu, kết quả cho thấy rằng nếu người cha bị ung thư tinh hoàn thì nguy cơ bị ung thư tinh hoàn của con trai sẽ cao gấp 4 lần so với những người không có tiền căn gia đình bị ung thư tinh hoàn.
Tinh hoàn ẩn (tinh hoàn lạc chỗ)
Ẩn tinh hoàn là một trong những yếu tố nguy cơ rõ ràng nhất thể dẫn đến tình trạng ung thư ở tinh hoàn.
Có khoảng 3-5% bé nam sinh ra với tình trạng tinh hoàn ẩn trong ổ bụng. Bình thường, tinh hoàn sẽ di chuyển xuống bìu trong năm đầu tiên. Tuy nhiên, ở một số bé trai, tinh hoàn không di chuyển xuống bìu mà vẫn ở trong bụng, đó gọi là hiện tượng tinh hoàn ẩn.
Tình trạng tinh hoàn ẩn này sẽ gia tăng nguy cơ bị ung thư ở tinh hoàn ở các bé nam cao gấp 3 lần so với các bạn bè khác đồng trang lứa không có hiện tượng này.
Tinh hoàn phát triển bất thường
Một số trường hợp bệnh nhân có tinh hoàn phát triển bất thường, ví dụ như hội chứng Klinefelter, cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư tinh hoàn.
Tuổi
Mặc dù ung thư tinh hoàn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường tập trung trong độ tuổi từ 15 đến 35 tuổi.
Chủng tộc
Ung thư tinh hoàn thường gặp ở người da trắng hơn người da đen.
Chẩn đoán ung thư tinh hoàn
Nam giới có thể phát hiện tình trạng ung thư tinh hoàn khi vô tình tham gia tầm soát một khối u khác hoặc khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
Để xác định một khối u ở tinh hoàn có là ung thư hay không, các bác sĩ có thể tiến hành khám tinh hoàn và kèm theo các phương pháp chẩn đoán sau:
- Siêu âm: Siêu âm có thể giúp bác sĩ xác định tính chất của khối u ở tinh hoàn, chẳng hạn như khối u đó là dạng đặc hay chứa đầy dịch. Siêu âm cũng cho bác sĩ biết liệu khối u xuất hiện ở bên trong hay bên ngoài tinh hoàn.
- Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm để xác định nồng độ các chỉ dấu ung thư (tumor marker) trong máu của người bệnh. Nồng độ các chỉ dấu ung thư cao không có nghĩa là khẳng định bệnh nhân bị ung thư nhưng giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán.
- Phẫu thuật loại bỏ một tinh hoàn: Nếu một khối u ở tinh hoàn nghi ngờ có độ ác tính cao, các bác sĩ sẽ khuyến khích cắt bỏ hoàn toàn tinh hoàn đó. Tinh hoàn sau khi loại bỏ khỏi cơ thể sẽ được phân tích để xác định khối u có phải ung thư hay không, nếu là ung thư thì là loại ung thư nào.
Một bệnh nhân được xác định là ung thư tinh hoàn, sẽ được chỉ định làm thêm một số xét nghiệm xác định giai đoạn bệnh như CT Scan vùng bụng chậu.
Điều trị ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn có chữa được không? Một điều đáng mừng với nhiều bệnh nhân là ung thư tinh hoàn có thể chữa trị thành công nếu có thể phát hiện kịp thời. Do đó, để có thể nhận biết được các dấu hiệu của bệnh, bạn cần nắm rõ được các biểu hiện và triệu chứng của tình trạng ung thư tinh hoàn.
Như đã đề cập ở trên, ung thư tinh hoàn hoàn toàn có thể được điều trị thành công nếu được phát hiện sớm. Các phương pháp điều trị ung thư tinh hoàn sẽ được áp dụng tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn ung thư mà người bệnh gặp phải cũng như sức khỏe tổng quát của bệnh nhân.
Phương pháp phẫu thuật
Các phương pháp phẫu thuật được áp dụng để điều trị ung thư tinh hoàn bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn: Đây là phương pháp điều trị đầu tiên cho hầu hết các giai đoạn và loại ung thư tinh hoàn. Trong trường hợp ung thư tinh hoàn giai đoạn đầu, có thể bệnh nhân chỉ cần phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn là đã đạt hiệu quả điều trị tối ưu.
- Phẫu thuật nạo hạch bạch huyết lân cận: Trong quá trình nạo hạch, các bác sĩ phẫu thuật của sẽ cẩn thận để tránh làm tổn thương các dây thần kinh xung quanh các hạch bạch huyết.Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc tổn thương các dây thần kinh có thể khó tránh khỏi. Các dây thần kinh bị tổn thương có thể khiến bệnh nhân khó xuất tinh, nhưng sẽ không làm mất khả năng cương cứng của người bệnh.
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên trong vài năm đầu và ít hơn trong những năm sau đó để đề phòng ung thư tinh hoàn tái phát.
Mời bạn tham khảo Gói khám tầm soát ung thư nữ giới từ Docosan
Ngoài ra, mời bạn tham khảo Gói khám tầm soát ung thư nam giới từ Docosan.
Phương pháp xạ trị
Phương pháp xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia có năng lượng cao như tia X để tiêu diệt tế bào ung thư.
Phương pháp này đôi khi được áp dụng với những bệnh nhân mắc ung thư tinh hoàn loại u tinh bào. Xạ trị có thể được các bác sĩ khuyến cáo sau khi người bệnh được phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.
Các tác dụng phụ của phương pháp xạ trị có thể bao gồm buồn nôn và mệt mỏi, cũng như mẩn đỏ và kích ứng da ở vùng bụng và bẹn của người bệnh. Xạ trị cũng làm giảm tạm thời số lượng tinh trùng và có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân. Người bệnh nên thảo luận với bác sĩ về việc bản quản tinh trùng trước khi bắt đầu xạ trị.
Phương pháp hóa trị
Hóa trị cũng là một phương pháp phổ biến để điều trị ung thư tinh hoàn. Bằng cách sử dụng phương pháp này, các tế bào ung thư di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể có thể bị tiêu diệt.
Hóa trị có thể là phương pháp điều trị duy nhất, hoặc cũng có thể áp dụng trước hoặc sau khi trải qua cuộc phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết lân cận.
Tác dụng phụ của phương pháp này phụ thuốc vào loại thuốc mà người bệnh sử dụng. Ví dụ các tác dụng phụ thường gặp như là: mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hóa trị cũng có thể gây vô sinh vĩnh viễn với một vài trường hợp. Do đó, người bệnh cần nghe theo chỉ định của bác sĩ điều trị trực tiếp.
Chú ý: những phương pháp điều trị trên chỉ mang tính chất tham khảo, tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ dụng phương pháp phù hợp nhất đối với người bệnh
Mời bạn tham khảo Gói xét nghiệm MARKER nhận biết/đánh giá nguy cơ ung thư (Nam&Nữ) có tại Docosan.
Bác sĩ nam khoa khám và điều trị ung thư tinh hoàn
- Thạc sĩ, Bác sĩ Trang Võ Anh Vinh, gần 10 năm kinh nghiệm, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
- Thạc sĩ Bác sĩ Trà Anh Duy, hơn 10 năm kinh nghiệm, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.