Vị trí tuyến tiền liệt nằm ở đâu? Vai trò của chúng là gì?

Vị trí tuyến tiền liệt ở nam giới nằm ở đâu, nó có chức năng như thế nào đối với cơ thể? Có lẽ tuyến tiền liệt là một cơ quan mà không phải ai cũng biết đến nó, tuy nhiên vai trò của nó thì lại vô cùng quan trọng. Vậy hãy cùng Docosan tìm hiểu về vị trí tiền liệt tuyến trong bài viết dưới đây nhé!

Tuyến tiền liệt nằm ở vị trí nào?

Vị trí tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt là một cấu trúc chỉ có ở nam giới. Vị trí của tuyến tiền liệt nằm ngay phía dưới bàng quang theo chiều của trọng lực, trên vùng hoành chậu hông và bao bọc xung quanh cấu trúc niệu đạo sau. Kích thước của tuyến tiền liệt ở bé trai sơ sinh chỉ bé như một hạt đỗ. Tuy nhiên tuyến tiền liệt có thể phát triển về kích thước trong suốt cuộc đời của người đàn ông.

Khi ở kích cỡ ổn định, tuyến tiền liệt rộng 4cm, dày khoảng 2,5 cm, cao 3cm và có khối lượng rơi vào khoảng 20 gam.

Cấu tạo của tuyến tiền liệt ra sao?

Vị trí tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt có cấu tạo gồm 2 phần: mô tuyến chiếm khoảng 70% và lớp đệm mô sợi cơ, chiếm khoảng 30%. Nó được bao bọc bởi một lớp vỏ với thành phần là collagen, elastin cùng nhiều lớp sợi cơ trơn khác.

Tuyến tiền liệt chia làm ba thuỳ: thuỳ trái, thuỳ phải và thùy giữa – hình dạng mỗi thùy giống như đầu ngón tay, riêng thùy giữa nằm phía sau niệu đạo. Tuy nhiên, những quan điểm mới về giải phẫu hiện nay lại chia cấu trúc tuyến tiền liệt thành 5 phần: phần trung tâm, phần ngoại biên, phần cơ sợi, phần quanh niệu đạo và phần chuyển tiếp.

Tuyến tiền liệt có chức năng là gì?

Vị trí tuyến tiền liệt

Mỗi cơ quan trong cơ thể con người đều đảm nhận một chức năng và nhiệm vụ riêng. Vậy sau khi đã biết được vị trí tuyến tiền liệt, liệu chức năng của nó là như thế nào? Tuyến tiền liệt đảm đương hai chức năng chính:

  • Sản xuất ra dịch tiết (còn gọi là tinh dịch): Tuyến tiền liệt kết hợp cùng những tuyến chế tiết phụ khác để sản xuất ra tinh dịch, một loại chất dịch nhầy lỏng mà khi trộn lẫn với tinh trùng đến từ ống dẫn tinh sẽ giúp tinh trùng di chuyển thuận lợi hơn trong hệ thống ống dẫn tinh của nam, bôi trơn niệu đạo khi xuất tinh. Ngoài ra tuyến tiền liệt còn cung cấp năng lượng và dưỡng chất thiết yếu để nuôi sống tinh trùng.
  • Co bóp và điều hòa nước tiểu: Sự co bóp của tuyến tiền liệt giúp ngăn tinh trùng chảy ngược dòng lên bàng quang trong quá trình xuất tinh (phóng tinh), ngoài ra cũng có sự hỗ trợ bằng cách đóng lại của cơ thắt trong ở đáy bàng quang. Khi cơ thắt trong co lại, nó cũng ngăn nước tiểu không đi ra ngoài cơ thể cùng lúc với tinh dịch. Khi đạt cực khoái, cơ vòng này cũng co chặt để không cho tinh dịch chảy ngược dòng lên bàng quang có thể gây viêm bàng quang.
Vị trí tuyến tiền liệt

Độ pH của tinh dịch vào khoảng 6,5 (có tính kiềm hơn dịch âm đạo – mang tính acid), tinh dịch tiết ra từ tuyến tiền liệt và các tuyến phụ khác đóng vai trò quan trọng trong quá trình bảo vệ hành trình lưu thông của tinh trùng từ lúc ra khỏi tinh hoàn đến khi thụ tinh với trứng khi 2 người nam nữ giao hợp với nhau. Lượng tinh dịch có thể chiếm đến 30% thể tích lượng dịch phóng ra mỗi lần xuất tinh, góp phần vào sức sống và khả năng lưu thông của tập hợp tinh trùng sau mỗi lần phóng tinh ở nam giới.

Ngoài ra, dịch của tuyến tiền liệt còn có chứa nhiều Ca2+, acid citric, kẽm, choline, và các loại tiền fibrinolysin, enzyme đông đặc, kể cả seminin, acid phosphatase, yếu tố hoạt hóa men plasminogen, PSA … cũng được tiết vào niệu đạo đoạn tiền liệt tuyến. Những enzyme đông đặc của tinh dịch sẽ tác động lên fibrinogen làm đông đặc nhẹ tinh dịch ở môi trường sinh dục nữ, nhờ đó giữ tinh trùng nằm sát ở vùng cổ tử cung. Sau 15 đến 30 phút thì nhờ tác động của  enzyme fibrinolysin, tinh dịch loãng trở lại và tinh trùng lại có thể tiếp tục hành trình thụ tinh của mình.

Ngoài ra, prostaglandin có trong tinh dịch cũng như chất dịch từ túi tinh cũng gây hiện tượng co cơ trơn tử cung, giúp làm tăng nhu động của vòi trứng khiến tinh trùng di chuyển dễ dàng hơn trong đường sinh dục nữ.

Thời điểm tuyến tiền liệt hoạt động tối ưu nhất chính là nam giới tuổi thanh niên. Việc hoạt động trơn tru và tốt sẽ giúp nam giới có khả năng sinh sản thuận lợi, đem lại sự hài lòng từ cả 2 bên vợ chồng, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như tinh thần cho bệnh nhân.

Những bệnh lý phổ biến của tuyến tiền liệt

Vị trí tuyến tiền liệt
  • Viêm tuyến tiền liệt: biểu hiện qua các triệu chứng như tiểu nhiều, mót tiểu nhưng không tiểu hết, tiểu đêm, tia tiểu bị ngắt quãng, tiểu són, tiểu đau. Bệnh chủ yếu gây ra bởi vi khuẩn hoặc virus, là bệnh nhiễm trùng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tới sức khỏe cũng như cuộc sống tình dục của các cặp đôi, vợ chồng. Bệnh có thể diễn tiến cấp hoặc mạn tính tùy thuộc vào thời điểm phát hiện và điều trị có kịp thời hay không.
  • Tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến: Là hiện tượng phì đại tuyến tiền liệt, phổ biến nhất ở nam giới độ tuổi trung niên. Tuy bệnh là lành tính nhưng có nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh, khiến họ bí tiểu, tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm, tiểu són, tiểu ngắt quãng… và hơn hết là có nguy cơ tiến triển thành ác tính trong tương lai.
  • Ung thư tuyến tiền liệt: là khối u ác tính tăng sinh từ các tế bào bình thường của tuyến tiền liệt. Khối u thường tăng sinh chậm, từ từ và kéo dài trong vòng nhiều tháng đến nhiều năm. Trong suốt thời gian đó, vì tốc độ tăng sinh chậm nên người bệnh thường có rất ít hoặc không hề biểu hiện bất kì triệu chứng nào. Nếu ung thư đã di căn, nó có thể gây tiểu máu, rối loạn cương dương, rối loạn xuất tinh, đau lưng, đau vùng bìu bẹn, tê bì tay chân và rối loạn tiểu tiện.

Kết luận

Tóm lại, bài viết đã giải đáp được cho bạn hiểu vị trí tuyến tiền liệt là ở đâu trong cơ thể. Biết được vị trí và vai trò của nó, chúng tôi hy vọng bạn có thể nhận thức được tầm quan trọng của tuyến tiền liệt đối với sức khỏe của nam giới, cũng như bạn cần chủ động tầm soát các bệnh lý liên quan đến tuyến tiền liệt để kịp thời phát hiện và điều trị, tránh để các biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: healthline.com