Tuyến tiền liệt là một phần quan trọng không thể thiếu đối với cơ quan sinh sản của nam giới. Nam giới bước vào độ tuổi trung niên, sẽ xuất hiện các vấn đề ở tuyến tiền liệt mà điển hình là viêm tuyến tiền liệt. Vậy viêm tuyến tiền liệt là gì? Có thể tự khỏi không? Hãy cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tóm tắt nội dung
- 1 Bệnh viêm tuyến tiền liệt là gì?
- 2 Các loại viêm tuyến tiền liệt
- 3 Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây viêm tuyến tiền liệt là gì?
- 4 Đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm tuyến tiền liệt
- 5 Dấu hiệu nhận biết triệu chứng bệnh viêm tuyến tiền liệt
- 6 Biến chứng bệnh viêm tuyến tiền liệt ở nam giới
- 7 Các biện pháp xét nghiệm chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt
- 8 Các phương pháp điều trị viêm tuyến tiền liệt
- 9 Phòng ngừa bệnh viêm tuyến tiền liệt
- 10 Khi nào cần gặp bác sĩ?
- 11 Một số câu hỏi liên quan
- 11.1 Viêm tuyến tiền liệt có phải là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt không?
- 11.2 Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn được điều trị như thế nào?
- 11.3 Viêm tuyến tiền liệt có tự khỏi không?
- 11.4 Viêm tuyến tiền liệt nên ăn và không nên ăn gì?
- 11.5 Uống nhiều nước có giúp ích cho bệnh viêm tuyến tiền liệt không?
- 11.6 Đồ uống nào tốt nhất cho bệnh viêm tuyến tiền liệt?
- 11.7 Sự khác biệt giữa viêm tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt là gì?
Bệnh viêm tuyến tiền liệt là gì?
Tuyến tiền liệt, có kích thước khoảng bằng quả óc chó, nằm ngay dưới bàng quang ở nam giới. Tuyến này bao quanh phần trên của ống dẫn nước tiểu từ bàng quang. Tuyến tiền liệt và các tuyến sinh dục khác sản xuất chất lỏng vận chuyển tinh trùng trong quá trình xuất tinh dịch. Viêm tuyến tiền liệt là một rối loạn của tuyến tiền liệt liệt thường gây đau hoặc khó tiểu, cũng như đau ở háng, vùng chậu hoặc bộ phận sinh dục.
Các loại viêm tuyến tiền liệt
Nhìn chung có bốn loại viêm tuyến tiền liệt:
- Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn: Đây là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ở tuyến tiền liệt thường có các triệu chứng đột ngột, nghiêm trọng.
- Viêm tuyến tiền liệt mãn tính do vi khuẩn: Nhiễm trùng do vi khuẩn đang diễn ra hoặc tái phát thường có các triệu chứng nhẹ hơn.
- Viêm tuyến tiền liệt mãn tính hay hội chứng đau vùng chậu mãn tính: Triệu chứng là đau vùng chậu liên tục hoặc tái phát và không có bằng chứng nhiễm trùng trên đường tiết niệu.
- Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng: Người bệnh thường không nhận ra tình trạng bệnh cho đến khi vô tình phát hiện khi thăm khám các bệnh khác.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây viêm tuyến tiền liệt là gì?
Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt
Các loại viêm tuyến tiền liệt khác nhau có nguyên nhân khác nhau. Đôi khi không biết nguyên nhân rõ ràng có phải là do nhiễm trùng do vi khuẩn hay không. Nguyên nhân gây viêm tuyến tiền liệt có thể là:
- Viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn thường do các chủng vi khuẩn thông thường gây ra. Nhiễm trùng có thể do lan vi khuẩn từ các bộ phận khác của hệ thống tiết niệu hoặc sinh sản.
- Viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn thường có cùng nguyên nhân với nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn. Chúng có thể xảy ra khi việc điều trị nhiễm trùng cấp tính không đủ lâu hoặc không loại bỏ được hết vi khuẩn.
- Viêm tuyến tiền liệt mạn tính hay hội chứng đau vùng chậu mạn tính chưa được xác định rõ chính xác nguyên nhân. Nghiên cứu cho thấy nhiều yếu tố có thể là nguyên nhân của tình trạng này bao gồm nhiễm trùng trước đó, rối loạn chức năng hệ thần kinh, rối loạn chức năng hệ miễn dịch, căng thẳng tâm lý hoặc hoạt động hormone không đều.
- Viêm tuyến tiền liệt không triệu chứng, không rõ nguyên nhân, thường chỉ được phát hiện khi khám các tình trạng bệnh lý khác và không được điều trị.
Các yếu tố nguy cơ gây viêm tuyến tiền liệt
Một số yếu tố nguy cơ gây viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu thường xuyên hoặc nhiễm trùng bàng quang gần đây .
- Tiền sử gia đình có người bị viêm tuyến tiền liệt.
- Bệnh nhân từng hoặc đang mắc các bệnh có vấn đề liên quan tới tuyến tiền liệt.
- Người sử dụng ống thông tiểu.
Đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm tuyến tiền liệt
Những người bị tổn thương thần kinh hoặc chấn thương vùng chậu có thể có nguy cơ mắc hội chứng đau vùng chậu mãn tính cao hơn. Nam giới trên 50 tuổi và mắc tình trạng như phì đại tuyến tiền liệt cũng làm tăng nguy cơ mắc tất cả các loại viêm tuyến tiền liệt.
Dấu hiệu nhận biết triệu chứng bệnh viêm tuyến tiền liệt
Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt có thể khác nhau tùy thuộc vào loại viêm tuyến tiền liệt nào. Chúng có thể bao gồm:
- Đau hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu (tiểu khó).
- Tiểu nhỏ giọt hoặc tiểu ngập ngừng.
- Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm.
- Nước tiểu có màu đục.
- Xuất hiện máu trong nước tiểu.
- Đau ở bụng, háng hoặc lưng dưới.
- Đau ở vùng giữa bìu và trực tràng.
- Đau hoặc khó chịu ở dương vật hoặc tinh hoàn.
- Đau khi xuất tinh.
- Sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ và các triệu chứng giống cảm cúm khác.
Biến chứng bệnh viêm tuyến tiền liệt ở nam giới
Những người bị viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn có thể bị nhiễm trùng huyết. Đây là tình trạng nhiễm trùng lan rộng, đe dọa đến tính mạng. Tình trạng này cần được điều trị y tế ngay lập tức. Các biến chứng khác có thể bao gồm:
- Rối loạn chức năng tình dục .
- Tình trạng viêm có thể lan đến các cơ quan lân cận gần tuyến tiền liệt.
Các biện pháp xét nghiệm chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt
Bác sĩ chuyên khoa sẽ chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt dựa trên tiền sử bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và đưa ra các biện pháp xét nghiệm phù hợp với từng cá nhân.
Khám trực tràng bằng ngón tay
Bác sĩ sẽ đưa ngón tay đeo găng, bôi trơn vào trực tràng của bạn để kiểm tra tuyến tiền liệt xem có đau và sưng không. Khám này có thể bao gồm xoa bóp tuyến tiền liệt để lấy mẫu tinh dịch.
Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu và nuôi cấy nước tiểu để kiểm tra vi khuẩn và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu đo PSA, một loại protein do tuyến tiền liệt của bạn tạo ra. Nồng độ cao có thể chỉ ra tình trạng viêm tuyến tiền liệt, phì đại tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
Nội soi bàng quang
Nội soi bàng quang có thể tìm ra các vấn đề khác về đường tiết niệu nhưng không chẩn đoán được viêm tuyến tiền liệt. Bác sĩ của bạn sử dụng ống soi bàng quang để quan sát bên trong bàng quang và niệu đạo của bạn.
Siêu âm qua trực tràng
Những người bị viêm tuyến tiền liệt cấp tính do vi khuẩn hoặc viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn không cải thiện khi dùng kháng sinh có thể được siêu âm qua trực tràng. Xét nghiệm này có thể cho thấy bất thường ở tuyến tiền liệt, áp xe hoặc sỏi.
Xét nghiệm động lực học tiết niệu
Các xét nghiệm này đo các yếu tố như chức năng thần kinh và cơ, áp lực trong và xung quanh bàng quang, cũng như lưu lượng nước tiểu.
Các phương pháp điều trị viêm tuyến tiền liệt
Nếu bạn bị viêm tuyến tiền liệt, bác sĩ có thể giúp bạn tìm cách kiểm soát các triệu chứng và cơn đau. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm các loại thuốc sau:
- Thuốc kháng sinh.
- Thuốc giảm đau.
- Thuốc bổ sung.
- Thuốc cải thiện chức năng tình dục.
- Ống thông tiểu.
- Xoa bóp tuyến tiền liệt.
- Vật lý trị liệu.
Ngoài ra có thể sử dụng các phương pháp điều trị can thiệp thêm như tư vấn tâm lý. Việc này giúp giảm căng thẳng. Kiểm soát căng thẳng có thể giúp bạn giảm các triệu chứng viêm tuyến tiền liệt.
Phòng ngừa bệnh viêm tuyến tiền liệt
Điều trị kịp thời nhiễm trùng đường tiết niệu có thể ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan đến tuyến tiền liệt của bạn. Hãy sử dụng bao cao su trong mỗi lần quan hệ tình dục. Quan hệ tình dục an toàn có thể ngăn ngừa viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn đường tiết niệu gây ra. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị đau ở tầng sinh môn hoặc có những thay đổi thói quen đi tiểu.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Tuổi tác càng cao thì nguy cơ tuyến tiền liệt có các vấn đề về sức khỏe càng lớn. Đặc biệt bộ phần này dễ phì đại ở nam giới độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, một số bất thường ở bộ phận này đang có xu hướng trẻ hóa nên bạn cần thăm khám tổng quát thường xuyên để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa bệnh.
Dấu hiệu, triệu chứng bất thường
Khi xuất hiện một số triệu chứng như tiểu khó, đi tiểu thường xuyên, cảm giác bàng quang vẫn đầy sau khi đi tiểu hay tiểu ra máu cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay.
Một số bệnh viện chuyên khoa uy tín
Việc thăm khám và điều trị sớm các vấn đề về tuyến tiền liệt là vô cùng quan trọng. Docosan gợi ý cho bạn một số bệnh viện chuyên nam khoa uy tín như:
- Bệnh Viện Chuyên Khoa Nam Học Và Hiếm Muộn Việt – Bỉ.
- Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health.
- Phòng khám đa khoa quốc tế Victoria Healthcare.
- Phòng khám nam khoa và Y học giới tính Bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước TPHCM.
- Phòng Khám Đa Khoa Family Health.
Một số câu hỏi liên quan
Viêm tuyến tiền liệt có phải là dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt không?
Viêm tuyến tiền liệt là lành tính (không phải ung thư). Chúng không làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt của bạn. Nhưng tình trạng viêm do viêm tuyến tiền liệt đôi khi làm tăng mức PSA trong máu của bạn, tương tự như ung thư tuyến tiền liệt. Các xét nghiệm chuyên sâu hơn có thể giúp xác định nguyên nhân gây ra mức PSA tăng cao.
Viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn được điều trị như thế nào?
Thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn gây ra các loại viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn. Những người bị viêm tuyến tiền liệt do vi khuẩn cấp tính có thể cần dùng thuốc kháng sinh trong 14 đến 30 ngày. Một số người cần dùng thuốc kháng sinh qua đường truyền tĩnh mạch tại bệnh viện. Phẫu thuật để dẫn lưu áp xe ở tuyến tiền liệt có thể cần thiết, nhưng trường hợp này rất hiếm.
Điều trị viêm tuyến tiền liệt mạn tính do vi khuẩn khó khăn hơn. Hầu hết mọi người cần dùng thuốc kháng sinh từ 4 đến 12 tuần. Nếu cách tiếp cận này không hiệu quả và các triệu chứng của bạn tái phát, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh liều thấp để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát.
Viêm tuyến tiền liệt có tự khỏi không?
Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn gây viêm tuyến tiền liệt, tình trạng này sẽ không tự khỏi. Bạn cần dùng thuốc để loại bỏ tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu bạn bị viêm tuyến tiền liệt không do vi khuẩn, tình trạng viêm và đau có thể thuyên giảm mà không cần dùng thuốc.
Viêm tuyến tiền liệt nên ăn và không nên ăn gì?
Thực phẩm giàu chất béo lành mạnh và chất xơ có thể bảo vệ tuyến tiền liệt. Các thực phẩm lành mạnh cũng giúp ích trong quá trình điều trị bệnh diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn. Người bệnh viêm tuyến tiền liệt nên ăn một số thực phẩm như:
- Cà chua.
- Rau họ cải.
- Trái cây họ cam quýt.
- Các loại hạt.
- Cá.
- Quả mọng.
Để cải thiện các triệu chứng của viêm tuyến tiền liệt, bạn không chỉ phải ăn thực phẩm tốt mà còn phải tránh những thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Các thực phẩm sau không tốt cho người bị viêm tuyến tiền liệt:
- Sữa.
- Thịt đỏ.
- Rượu.
- Muối.
Uống nhiều nước có giúp ích cho bệnh viêm tuyến tiền liệt không?
Uống thêm nước có thể giúp bạn đi tiểu thường xuyên hơn, giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi cơ thể. Nhưng bạn không nên uống thêm nước để thay thế cho việc điều trị y tế. Ban nên tham khảo ý kiến bác sĩ của mình, họ sẽ đưa ra khuyến nghị lượng chất lỏng bổ sung mà bạn nên uống mỗi ngày nếu bạn bị viêm tuyến tiền liệt.
Đồ uống nào tốt nhất cho bệnh viêm tuyến tiền liệt?
Duy trì đủ nước không chỉ tốt cho sức khỏe tuyến tiền liệt mà còn tốt cho sức khỏe tổng thể của bạn. Các loại đồ uống như nước lọc, trà xanh và đồ uống không chứa caffein là những lựa chọn tốt để duy trì đủ nước. Nếu bạn có thắc mắc cụ thể về loại thực phẩm và đồ uống nên dùng sau khi chẩn đoán viêm tuyến tiền liệt, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chăm sóc sức khỏe của mình.
Sự khác biệt giữa viêm tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt là gì?
Cả viêm tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt đều ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt, nhưng chúng là những tình trạng khác nhau. Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng viêm, thường do vi khuẩn gây ra, có thể gây ra cơn đau đột ngột hoặc mãn tính. Phì đại tuyến tiền liệt, đôi khi được gọi là tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, là tình trạng phì đại dần dần của tuyến tiền liệt.
Các nhà khoa học chưa thể xác định được đầy đủ nguyên nhân gây ra phì đại tuyến tiền liệt, nhưng họ cho rằng chúng liên quan đến những thay đổi về hormone khi bạn già đi. Do tình trạng viêm, viêm tuyến tiền liệt thường là tình trạng đau đớn hơn phì đại tuyến tiền liệt. Các triệu chứng chính của phì đại tuyến tiền liệt là khó đi tiểu, dòng nước tiểu yếu và nhu cầu đi tiểu thường xuyên và cấp bách.
Xem thêm:
- Đau tinh hoàn bên trái, phải là bệnh gì? 15 nguyên nhân, dấu hiệu.
- Khám nam khoa là khám những gì? Khám ở đâu uy tín 2024?
- Viêm đường tiết niệu uống thuốc gì cho nhanh khỏi?
Viêm tuyến tiền liệt là một tình trạng phổ biến và gây đau đớn, ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày. Tuỳ vào nguyên nhân, triệu chứng của mỗi bệnh nhân mà các phương pháp điều trị khác nhau. Trên đây là những thông tin về viêm tuyến tiền liệt, hãy chia sẻ với mọi người bài viết hữu ích này nhé.
Tài liệu tham khảo:
1. Prostatitis
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prostatitis/symptoms-causes/syc-20355766
- Ngày tham khảo: 26/9/2024
2. Prostatitis
- Link tham khảo: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15319-prostatitis
- Ngày tham khảo: 26/9/2024
3. Prostate problems
- Link tham khảo: https://www.webmd.com/men/prostate-problems
- Ngày tham khảo: 26/9/2024