Bạn có biết: Xoắn tinh hoàn có nguy hiểm không?

Xoắn tinh hoàn có nguy hiểm không là một câu hỏi khá quan trọng vì đây là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa. Vậy xoắn tinh hoàn là như thế nào? Cách điều trị ra sao? Hãy cùng Docosan tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Tổng quan về xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn có nguy hiểm không

Bệnh xoắn tinh hoàn thường gặp ở trẻ em và khoảng tuổi xung quanh giai đoạn dậy thì (khoảng 65%). Các chuyên gia ước tính mỗi năm, cứ 4000 người thuộc nhóm tuổi dưới 25 sẽ có ít nhất 1 người bị xoắn tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn là tình trạng cấu trúc thừng tinh (chứa mạch máu nuôi tinh hoàn và ống dẫn tinh) bị xoắn vặn xung quanh trục của nó, dẫn đến sự tắc nghẽn mạch máu tinh hoàn, nếu thiếu máu kéo dài sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng là hoại tử tinh hoàn, buộc phải phẫu thuật cắt bỏ. Tuy nhiên không phải ai cũng có kiến thức về sự nghiêm trọng về bệnh lý này. Việc đến khám trễ hoặc chẩn đoán nhầm là 2 lý do hàng đầu khiến tinh hoàn thiếu máu nghiêm trọng không thể hồi phục, khiến bác sĩ phải cắt bỏ vĩnh viễn tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn có nguy hiểm không?

Xoắn tinh hoàn có nguy hiểm không

Lý do đến khám muộn

Một nguyên nhân khách quan là bệnh xoắn tinh hoàn thường gặp hầu hết ở nhóm tuổi dậy thì (khoảng 67%), người bệnh ở nhóm tuổi này (16 – 25) thường ngại ngùng không dám thăm khám ở bệnh viện hoặc các cơ sở khám chữa bệnh có uy tín để khám và do không nhân thức được tầm quan trong của bệnh đối với sức khỏe sinh sản nên người bệnh thường mua thuốc về nhà tự điều trị hoặc đến khám chui lủi tại các phòng khám tư nhân.

Thực trạng tại những phòng khám tư, người bệnh hay bị chẩn đoán nhầm xoắn tinh hoàn với bệnh viêm tinh hoàn được cho sử dụng kháng sinh, sau vài tuần điều trị các triệu chứng vẫn không thuyên giảm thì bệnh nhân mới đến khám ở các bệnh viện lớn. Đây là lí do thứ hai khiến người bệnh xoắn tinh hoàn đến khám bác sĩ khi tình trạng bệnh đã muộn.

Theo thống kê tại Anh quốc, mỗi năm bệnh lý xoắn tinh hoàn khiến cho ít nhất 400 nam giới phải phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn do phát hiện muộn. Còn thống kê của bệnh viện Việt Đức cho thấy, tại Việt Nam tỉ lệ cắt bỏ tinh hoàn tương đối cao (khoảng 85%) do người bệnh đến khám quá muộn, đã hoại tử tinh hoàn.

Xoắn tinh hoàn bao lâu thì còn có thể điều trị được?

Xoắn tinh hoàn có nguy hiểm không

Thời gian vàng để cứu sống tinh hoàn là từ 4 đến 6h kể từ khi bắt đầu có dấu hiệu đau cấp tính ở tinh hoàn. Để xác nhận thực sự có xoắn tinh hoàn, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm màu Doppler nhằm đánh giá sự tưới máu ở tinh hoàn. Khi tình trạng xoắn tinh hoàn đã được xác định, bác sĩ sẽ ngay lập tức phẫu thuật tháo xoắn thừng tinh để cứu sống tinh hoàn sớm nhất có thể.

Nhận biết các dấu hiệu điển hình của xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn có nguy hiểm không

Đau bìu cấp: đây là triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh xoắn tinh hoàn. Bệnh nhân đột ngột cảm thấy đau một bên bìu, với cường độ từ nhẹ đến rất dữ dội, có thể kèm theo vã mồ hôi và tính chất cơn đau càng ngày càng tăng. Hướng lan của đau có thể dọc theo hướng đi của thừng tinh lên trên bụng hoặc xuống mặt trong đùi. Thời điểm đau có thể là bất kì lúc nào trong ngày, nhưng chủ yếu thì vào ban đêm hoặc gần sáng. Ngoài đau bìu cấp, người bị xoắn tinh hoàn còn có thể gặp phải các triệu chứng sau:

  • Mất phản xạ da bìu ở bên tinh hoàn đang bị xoắn (bác sĩ kích thích phản xạ bằng cách vuốt nhẹ mặt trong đùi phía bên. Ở người bình thường thì đáp ứng phản xạ là tinh hoàn co lại – bên bìu bị kích thích nâng cao lên tạm thời, còn khi bị xoắn tinh hoàn thì không thấy đáp ứng).
  • Buồn nôn hoặc nôn ói kèm theo.
  • Rối loạn tiểu tiện: tiểu rắt, tiểu buốt…
  • Có thể sốt nhẹ hoặc không sốt.
  • Hiện tượng viêm ở 1 bên bìu: sưng, đỏ, rất đau khi sờ vào. Nếu chú ý kĩ có thể thấy tinh hoàn ở 1 bên bìu bị kéo lên cao hơn so với bên còn lại.

Cần phải lưu ý phân biệt xoắn tinh hoàn với các trường hợp cũng gây đau bìu cấp tính như viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn, xoắn phần phụ mào tinh hoàn. Vì vậy, ngay khi phát hiện bị đau bìu cấp, bạn cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Điều trị xoắn tinh hoàn ra sao

Xoắn tinh hoàn có nguy hiểm không

Như đã nêu, thời gian vàng để điều trị xoắn tinh hoàn là trong vòng 6 giờ đầu tiên kể từ lúc bắt đầu đau bìu. Miễn là can thiệp trong vòng 6 giờ đầu, tỷ lệ cứu sống tinh hoàn lên đến 100% các trường hợp. Sau 6h thì tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 50% và sau 12h thì chỉ còn khoảng 20% trường hợp xoắn tinh hoàn có thể cứu sống.

Với những bệnh nhân đến muộn sau 24h, chắc chắn tinh hoàn đã hoại tử và sẽ phải cắt bỏ. Điều đáng lưu tâm là việc bị cắt bỏ 1 bên tinh hoàn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản cũng như hàm lượng nội tiết tố nam – testosterone.

Phẫu thuật điều trị xoắn tinh hoàn là một phẫu thuật tương đối đơn giản và tính xâm lấn không cao. Cuộc phẫu thuật được tiến hành qua các bước rạch da bìu; tháo xoắn thừng tinh và cuối cùng là khâu cố định tinh hoàn đã được tháo xoắn vào 1 điểm ở da bìu để đề phòng tinh hoàn xoay và xoắn trở lại

Kết luận

Tóm lại, bài viết đã phần nào giải đáp được thắc mắc liệu bệnh xoắn tinh hoàn có nguy hiểm không? Điều đáng lưu ý là ngay khi nhận thấy các dấu hiệu của bệnh xoắn tinh hoàn, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa đáng tin cậy để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Thời gian là yếu tố then chốt trong bệnh xoắn tinh hoàn, vì một khi đã bị cắt bỏ thì nó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như cuộc sống của nam giới trong tương lai.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Contact Me on Zalo