Xoắn tinh hoàn nguyên nhân gì gây nên, triệu chứng là gì?

Bệnh lý xoắn tinh hoàn nguyên nhân là do thừng tinh – cấu trúc trong đó có chứa mạch máu nuôi dưỡng tinh hoàn bị xoắn. Dẫn đến việc tinh hoàn bị thiếu máu nuôi, có thể hoại tử nếu không phát hiện và xử trí kịp thời. Vậy cụ thể những yếu tố nào làm thừng tinh bị xoắn, hãy cùng  Docosan tìm hiểu nhé.

Giải phẫu học tinh hoàn

Tinh hoàn là hai tuyến hình trứng nằm trong bìu. Kích thước chiều dài khoảng 5cm, đường kính còn 2,5cm, cân nặng từ 10 đến 15 gam. Có hai tinh hoàn, tinh hoàn trái thường thấp hơn tinh hoàn phải khoảng 1 cm. Tinh hoàn được bao trắng bọc bên trong và lớp màng tinh hoàn bao phủ bên ngoài. Giữa màng tinh hoàn và bao trắng có một khoang ảo giúp tinh hoàn có thể di động trong bìu một cách dễ dàng.

Nằm dọc ở bờ sau tinh hoàn là một bộ phận gọi là mào tinh hoàn có dạng ống, hình chữ C, do 10-12 ống xuất tập hợp tạo thành. Cấu trúc tiếp theo nằm trong bìu là thừng tinh, thừng tinh là một ống đi từ tinh hoàn lên phần dưới của ổ bụng, trong thừng tinh chứa các bộ phận quan trọng cấp máu, chi phối cho tinh hoàn như: Ống dẫn tinh, các mạch máu, mạch bạch huyết và dây thần kinh.

Bệnh lý xoắn tinh hoàn

Xoắn tinh hoàn là tình trạng bệnh lý diễn ra do thừng tinh bị tác động xoắn quanh trục gây ra hiện tượng tắc nghẽn, phù nề, sung huyết. Do đó, xoắn tinh hoàn là tình trạng cấp cứu cần phát hiện sớm và xử trí trước 6 giờ từ khi xuất hiện cơn đau vùng bẹn bìu, nếu xử trí muộn có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn phải phẫu thuật cắt bỏ bên tinh hoàn bị tổn thương.

Hậu quả của xoắn tinh hoàn: Nếu không chữa trị kịp thời dẫn đến hoại tử phải cắt bỏ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp một phần khả năng sinh sản của nam giới. Đồng thời ảnh hưởng tâm lý đến người nam giới, khiến họ mất tự tin khi quan hệ tình dục, giảm ham muốn, rối loạn cương dương,…

Dịch tễ xoắn tinh hoàn: Tình trạng này có thể gặp ở nam giới mọi lứa tuổi nhưng phổ biến ở nam dưới 25 tuổi. Tỷ lệ mắc xoắn ở nam giới dưới 25 tuổi là khoảng 1/4000. Tinh hoàn bên trái hay gặp hơn bên phải. Xoắn tinh hoàn cả hai bên chiếm 2% tổng số trường hợp xoắn. Vậy nguyên nhân xoắn tinh hoàn là gì mà người trẻ thường mắc bệnh?

Thừng tinh bị xoắn dẫn đến nhồi máu tinh hoàn, qua thời gian có thể gây hoại tử.

Triệu chứng của xoắn tinh hoàn

Bệnh xoắn tinh hoàn có thể bị nhầm lẫn bởi với các bệnh lý khác của tinh hoàn như viêm tinh hoàn, viêm mào tinh. Bệnh thường có các triệu chứng như:

  • Cảm giác đau đột ngột dữ dội vùng bìu: Đây là triệu chứng thường gặp nhất của xoắn tinh hoàn do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc hoàn toàn lượng máu đến tinh hoàn. Cơn đau liên tục, kéo dài, có thể lan lên trên, có thể có lúc giảm đau nhưng sẽ không biến mất hoàn toàn cho đến khi tình trạng xoắn tinh hoàn không được giải quyết.
  • Vùng bìu bị sưng tấy và đỏ ửng.
  • Một tinh hoàn có vị trí cao hơn so với bình thường.
  • Tiểu rắt và lẫn máu trong tinh dịch.
  • Các triệu chứng toàn thân khác: buồn nôn và nôn, sốt, chóng mặt,…
  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: sẽ quấy khóc, bỏ ăn, gập đùi lại và ít cử động hơn bình thường.
Xoắn tinh hoàn nguyên nhân do đâu mà thường gặp ở người trẻ tuổi?

Xoắn tinh hoàn nguyên nhân do đâu?

Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lời giải thích tường tận cho bệnh sinh của xoắn tinh hoàn, xoắn tinh hoàn nguyên nhân có thể liên quan đến một hoặc nhiều yếu tố dưới đây:

Bệnh thường gặp ở nam trẻ tuổi do các yếu tố như bẩm sinh, tinh hoàn tăng trưởng nhanh chóng trong độ tuổi dậy thì, chơi thể thao,…
  • Tuổi tác: Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hiếm khi xuất hiện ở người trên 30 tuổi. Khoảng 65% các trường hợp xảy ra ở thanh thiếu niên từ 12 – 18 tuổi. Điều này có thể được lý giải một phần do tinh hoàn tăng trưởng nhanh chóng trong độ tuổi dậy thì.
  • Bẩm sinh: Tinh hoàn được gắn vào thừng tinh và nhưng lại được tự do trong bìu. Bất thường bẩm sinh tại cấu trúc thừng tinh khiến cho tinh hoàn có thể di chuyển tự do hơn trong bìu, điều này làm tăng nguy cơ dây thừng tinh bị xoắn. Trong xoắn tinh hoàn nguyên nhân bẩm sinh chiếm đa phần các trường hợp tinh hoàn bị xoắn.
  • Di truyền: Xoắn tinh hoàn nguyên nhân có thể liên quan di truyền. Nếu trong gia đình có người thân từng bị xoắn tinh hoàn, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường.
  • Chấn thương: Nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn có thể là vì va chạm mạnh vùng sinh dục dẫn đến tổn thương tinh hoàn như vỡ mào tinh, đứt ống dẫn tinh, xoắn tinh hoàn,…
  • Tiền căn từng xoắn tinh hoàn trước đây: Xoắn tinh hoàn có thể tái phát.
  • Tinh hoàn không xuống bìu đầy đủ trong bệnh cảnh tinh hoàn ẩn.
  • Khí hậu: Tinh hoàn thường có xu hướng xoắn vào mùa đông hoặc khi thời tiết lạnh. Thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể khiến tinh hoàn thay đổi vị trí và dẫn đến xoắn.
  • Lối sống: Mặc quần lót quá chật có thể làm tinh hoàn và dương vật bị ép chặt tăng nguy cơ xoắn tinh hoàn; thường xuyên vận động mạnh, chơi thể thao với cường độ cao; thường xuyên ngủ nằm sấp hay vặn đùi sang một bên làm tinh hoàn bị ép; quan hệ tình dục thô bạo, các tư thế tình dục nguy hiểm,…

Tóm lại, xoắn tinh hoàn nguyên nhân do dây thừng tinh bị xoắn, mỗi một bệnh nhân có những yếu tố tác động khác nhau sẽ có nguyên nhân bị xoắn tinh hoàn không giống nhau. Nếu đã bị xoắn tinh hoàn trước đây hoặc có người thân từng mắc bệnh, hãy chú ý đến các yếu tố nguy cơ kể trên để tránh bị xoắn tinh hoàn.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.


Nguồn tham khảo: NHS

Contact Me on Zalo