Răng khôn là một tình huống mà nhiều người gặp phải trong quá trình trưởng thành, tuy mỗi người triệu chứng và tình trạng sẽ khác nhau nhưng phần lớn răng khôn đều gây nên một số phiền toái. Dấu hiệu của mọc răng khôn là gì? Bạn có nhất thiết phải nhổ răng khôn hay không? Tiến trình nhổ răng khôn được thực hiện ra sao? Những biến chứng sau khi nhổ răng khôn là gì? Mọi thắc mắc của bạn sẽ được Doctor có sẵn giải quyết trong bài viết sau đây.
Tóm tắt nội dung
- 1 Răng khôn là gì?
- 2 Triệu chứng do răng khôn gây ra
- 3 Có nên nhổ răng khôn? – Các lý do cần phải nhổ bỏ răng khôn
- 4 Quy trình nhổ răng khôn tại phòng khám nha khoa
- 5 Các biến chứng thường gặp sau khi nhổ răng khôn
- 6 Những lưu ý sau khi nhổ răng khôn để răng mau lành
- 7 Bác sĩ và phòng khám nhổ răng khôn uy tín
Răng khôn là gì?
Răng khôn là răng hàm mọc cuối cùng của mỗi bên hàm (răng số 8), mọc sau cùng mà vòm miệng nên mọc lệch, xô lẫn nhau, mọc chen chỗ các răng khác. Thường bệnh nhân sẽ có các dâu hiệu mọc răng khôn như: nướu đỏ hoặc sưng, sốt, đau nhức, ăn không ngon miệng, co cứng hàm, hơi thở có mùi,.. Khi đó nên cân nhắc có nên nhổ răng khôn hay không và quy trình nhổ răng khôn. Ngoài ra, sau khi nhổ cần phải lưu ý các biến chứng sau khi nhổ và cách để răng mau lành hơn.
Răng khôn thường bắt đầu xuất hiện vào khoảng 17 – 25 tuổi. Tại thời điểm này, 28 chiếc răng còn lại của bộ răng đã mọc lên hết, nên cung hàm thường không còn đủ khoảng trống để răng khôn mọc lên một cách bình thường.
Nếu răng khôn không đủ chỗ để mọc, dẫn đến đau răng khôn, nhiễm trùng hoặc những vấn đề nha khoa khác, bạn nên nhổ bỏ những răng này. Ngoài ra, nha sĩ còn có thể khuyến nghị nhổ răng khôn để phòng ngừa các bệnh răng miệng trong tương lai, mặc dù hiện tại chúng chưa gây ra bất kỳ vấn đề gì.
Triệu chứng do răng khôn gây ra
Bên cạnh xuất hiện răng khôn mọc “cuối hàng” thì sự xuất hiện của chúng có thể đi kèm với một số triệu chứng sau:
- Nướu đỏ hoặc sưng: Nướu đỏ hoặc sưng là triệu chứng mọc răng khôn phổ biến nhất mà hầu như ai cũng gặp phải. Triệu chứng này khá dễ quan sát đối với răng khôn hàm dưới. Tuy nhiên, với răng khôn hàm trên khách hàng cũng có thể nhận biết được khi dùng lưỡi cảm nhận độ sưng của nướu.
- Bị sốt: Một số trường hợp khi mọc răng khôn cơ thể sẽ mệt mỏi và thậm chí bị “hành” sốt kéo dài. Từ đó, khiến cho nướu sưng đỏ và cơ miệng không cử động linh hoạt như trước.
- Đau nhức: Đau nhức răng là dấu hiệu răng khôn mọc thường gặp nhất. Những cơn đau nhức từ bên trong dù răng chưa mọc lên khiến người bệnh khó chịu. Thậm chí không thể ăn uống và mất ngủ vì những cơn đau liên tục. Thông thường, cơn đau này kéo dài dữ dội và mạnh hơn khi răng từ từ nhú ra khỏi nướu. Cảm giác này xuất hiện kể cả khi răng khôn mọc thẳng hoặc mọc ngầm.
- Cảm giác ăn uống không ngon miệng: Răng khôn khi bắt đầu mọc lên sẽ khiến bạn mệt mỏi và khó chịu. Tình trạng này kéo dài khiến việc ăn uống trở nên không còn ngon miệng nữa.
- Bị co cứng hàm: Đây cũng là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết khi mọc răng khôn. Răng mọc lên ở vùng xương hàm sẽ bị tác động từ bên trong. Kết hợp với đó là tình trạng đau nhức khiến hàm bị co cứng và không thể há to như bình thường.
- Hơi thở có mùi hôi: Khi răng khôn mọc lên thì vùng nướu sẽ bị tổn thương. Cùng với đó là tình trạng thức ăn thừa bám ở vùng răng sâu bên trong khó vệ sinh. Từ đó, dẫn tới tình trạng có mùi hôi khó chịu.
Có nên nhổ răng khôn? – Các lý do cần phải nhổ bỏ răng khôn
– Những trường hợp không nên nhổ răng khôn:
- Răng mọc thẳng, hoàn toàn không gây sưng đau hay biến chứng.
- Răng khôn ngầm hoàn toàn trong xương hàm.
– Nên nhổ răng khôn khi gặp phải những vấn đề sau:
- Sưng nướu, đau buốt, cứng hàm (không thể mở miệng to), khả năng ăn nhai kém, dẫn đến tình trạng chán ăn.
- Răng khôn mọc ở vị trí quá sâu bên trong hàm, dễ gây bệnh viêm nướu trùm do khó vệ sinh. Khi ăn uống, vụn thức ăn giắt vào túi lợi, gây viêm túi lợi có mủ, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
- Sâu răng là một biến chứng thường thấy, lý do rõ ràng nhất giải thích tại sao phải nhổ răng khôn. Do răng khôn mọc ở vị trí bất tiện, thức ăn và vi khuẩn dễ dàng tích tụ sẽ gây sâu răng. Đồng thời, khi mọc lệch thân răng khôn nghiêng tựa vào răng kế bên (răng số 7 – răng cối lớn thứ 2), kết quả là chiếc răng này cũng bị sâu.
- Trong nhiều trường hợp, những bất thường của răng khôn nếu không được chữa trị kịp thời, có thể gây nhiễm trùng. Tình trạng này rất dễ lây lan sang khu vực xung quanh như má, mang tai, mắt, cổ… thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Quy trình nhổ răng khôn tại phòng khám nha khoa
Quy trình nhổ răng khôn tại nha khoa sẽ được thực hiện qua các bước cơ bản sau:
- Súc miệng bằng dung dịch khử trùng chuyên dụng trước khi tiến hành.
- Bác sĩ gây tê một phần hoặc toàn bộ nhằm tránh cơn đau dữ dội trong quá trình nhổ răng.
- Bác sĩ rạch nướu răng, nơi mọc răng khôn.
- Sau khi tách nướu bộc lộ xương, bác sĩ sẽ mài một ít xương mặt ngoài quanh cổ răng khôn, khoan chia cắt từng phần răng để lấy ra.
- Cuối cùng là công đoạn khâu đường rạch nướu.
Thông thường, quy trình nhổ răng khôn diễn ra khoảng 20 phút, có thể nhanh hoặc lâu hơn tùy vào tay nghề của bác sĩ và mức độ phức tạp của răng khôn.
Các biến chứng thường gặp sau khi nhổ răng khôn
- Đau: Thông thường, cơn đau sẽ kéo dài khoảng 3 ngày. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc giảm đau do bác sĩ kê đơn thì cảm giác đau sẽ giảm nhanh. Trường hợp sau vài tuần vẫn còn đau thì nên thăm khám sớm.
- Chảy máu: Máu có thể chảy trong 24 giờ đầu sau khi nhổ răng khôn. Nếu thấy nước bọt có màu hồng thì không có gì phải lo lắng.
- Sưng nề: Sau nhổ răng 3 – 5 ngày sẽ có dấu hiệu sưng nề, tùy vào mức độ nặng của phẫu thuật. Nếu sau thời gian này, hiện tượng sưng vẫn không giảm, còn kèm theo các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, đau nhiều thì cần tìm đến bác sĩ ngay.
- Tê bì: Khi nhổ răng khôn, bác sĩ sẽ gây tê dây thần kinh xương ổ dưới, thường thì sẽ tê kéo dài 3-4 giờ.
- Cứng hàm: Một số người bị sưng vùng góc hàm sau nhổ răng khôn, các cơ bị co lại. Khít hàm thường kéo dài trong 2 – 3 ngày, nếu quá 1 tuần là bất thường. Vì vậy, sau khi giảm đau và sưng, cần tập há miệng dần.
Những lưu ý sau khi nhổ răng khôn để răng mau lành
- Trong vòng 24 giờ sau khi nhổ răng, tuyệt đối không súc miệng, không khạc nhổ nước bọt, không uống các đồ nóng để vết thương nhanh lành.
- Chọn thức ăn mềm, lỏng ít nhất 3 – 5 ngày.
- Không uống rượu bia, không hút thuốc lá trong thời gian mới nhổ răng.
- Hạn chế hoạt động quá sức, lao động nặng nhọc trong vài ngày.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
- Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ và phòng khám nhổ răng khôn uy tín
- Bác sĩ Lê Nguyễn Như Ngọc – Quận 2, TPHCM đã có trên 10 năm kinh nghiệm công tác tại bệnh viện quốc tế lớn và nhiều nha khoa lâu đời.
- Nha khoa Trồng Răng Sài Gòn – Quận 10, TPHCM là địa chỉ khám và nhổ răng khôn đáng tin cậy với độ ngũ y bác sĩ nhiều năm trong nghề, hệ thống máy móc hiện đại.
- Phòng khám Đa khoa DHA Healthcare – Quận 1, TPHCM là phòng khám đa khoa được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế, quy tụ đội ngũ bác sĩ trong và ngoài nước giàu kinh nghiệm.
Răng khôn là nơi tập trung nhiều dây thần kinh, do đó việc chẩn đoán và đánh giá tình trạng răng khá phức tạp. Kỹ thuật nhổ răng khôn không đơn giản như những chiếc răng thông thường khác, đòi hỏi mất nhiều thời gian hơn và phải được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề cao. Vì vậy, khách hàng cần tìm đến bệnh viện đáng tin cậy, có chất lượng dịch vụ tốt. Hãy để Docosan giúp bạn tìm được một bác sĩ đáng tin cậy và uy tín nhất.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.