Răng bé bị ố vàng: Nguyên nhân và cách xử lý hiệu quả

Răng bé bị ố vàng hoặc đổi màu có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Bình thường, răng của bé có màu trắng ngà hay vàng nhạt, tuy nhiên, khi bạn thấy màu răng bé đổi màu, ố vàng, xỉn màu hoặc chuyển sang màu nâu đen, đó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý, cần được phát hiện và điều trị triệt để. Hãy cùng Docosan tìm hiểu các nguyên nhân, cách điều trị và các biện pháp phòng ngừa tình trạng răng bị ố vàng ở trẻ trong bài viết dưới đây.

Tình trạng răng bé bị ố vàng là gì?

Điều đầu tiên, các bạn cần biết rằng răng sữa của trẻ thường có màu trắng hơn so với màu răng vĩnh viễn. Vì vậy, khi bé trong độ tuổi thay răng, mọc những chiếc răng trưởng thành, thường chúng ta sẽ thấy nó có màu vàng hơn so với phần răng sữa còn lại, và điều này là hoàn toàn bình thường.

Răng bé bị ố vàng, hay sự đổi màu răng của trẻ là khi màu trắng ngà của răng bé chuyển sang màu vàng sậm, vàng nâu, hoặc nâu đục. Sự thay đổi màu răng này có hai loại: đổi màu bên ngoài và đổi màu bên trong:

  • Bên ngoài: có nghĩa nguyên nhân gây ra tình trạng răng ố vàng do một tác nhân nào đó tiếp xúc với bề mặt răng của trẻ.
  • Bên trong: có nghĩa nguyên do là các bệnh lý bên trong cơ thể như rối loạn chuyển hoá, giảm sản men…
Hình ảnh răng bé bị ố vàng

Nguyên nhân gây răng bé bị ố vàng 

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng răng ố vàng ở trẻ em:

Sâu răng

Khi bé bị sâu răng, sự hoạt động của vi khuẩn bên trong răng miệng có thể khiến răng bị ố vàng, đổi màu nâu đen trên răng.

Vệ sinh răng miệng không đúng cách

Nếu bé không được vệ sinh răng miệng đúng cách, có thể dẫn đến hình thành các mảng bám ở trên bề mặt răng. Chính các mảng bám này trên răng có thể làm răng thay đổi màu, chuyển sang màu vàng và tích tụ vi khuẩn. 

Lớp mảng bám màu vàng này theo thời gian tích tụ trên răng của trẻ, không chỉ gây xấu về mặt thẩm mỹ răng miệng, mà còn có thể gây ra mùi hôi khó chịu trong miệng trẻ và dẫn đến một số bệnh lý như sâu răng.

Răng nhiễm Fluor

Flour là một chất hoá học, thường được bổ sung trong kem đánh răng để giúp tăng cường sự chắc khoẻ răng. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều fluor, trong thức ăn, sữa công thức hay nước uống nhiễm fluor có thể dẫn đến tình trạng dư thừa flour và làm xuất hiện các đốm nâu vàng hoặc mảng màu trắng trên bề mặt răng của trẻ.

Vàng da

Vàng da là một bệnh lý có thể gặp ở lứa tuổi sơ sinh. Biểu hiện của bệnh thường bao gồm vàng da, vàng niêm mạc mắt, miệng, và răng có thể chuyển sang màu vàng, do sự gia tăng nồng độ bilirubin trong cơ thể.

Chấn thương răng

Chấn thương răng có thể làm các mạch máu bị vỡ và sự chảy máu này có thể tạo ra màu hơi hồng, ánh vàng và dần dần chuyển màu nâu đen trên bề mặt răng.

Chứng giảm sản men răng

Đây là một bệnh lý có tính chất di truyền. Lớp phủ men hoặc lớp men bao phủ bên ngoài bề mặt răng trở nên mỏng manh hơn bình thường, khiến màu sắc bên trong của răng vốn vàng nhạt sẽ hiện rõ hơn.

Các bệnh lý khác

Ngoài ra, còn một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến men răng và ngà răng, gây thay đổi màu sắc của răng, ví dụ như: viêm gan, sốt cao tái phát, tia xạ, hoá trị vùng đầu mặt cổ… 

Một số bệnh lý nhiễm trùng xảy ra ở người mẹ khi mang thai cũng có thể làm thay đổi màu sắc răng của bé. 

Di truyền

Màu sắc răng cũng là một đặc tính di truyền mà trẻ có thể thừa hưởng từ cha hoặc mẹ. Một số sẽ có men răng sáng hơn, dày hơn những người khác. Điều này xuất phát từ sự khác biệt về hệ gen quyết định màu sắc răng và độ xốp của men răng. Khi men răng xốp hơn, răng sẽ dễ bị ố vàng hơn.

Thuốc

Trong giai đoạn mang thai, việc người mẹ sử dụng một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến màu sắc răng của bé sau này, ví dụ như thuốc kháng sinh tetracycline, doxycycline, thuốc kháng histamin, thuốc chống loạn thần,…

Khi bé bị vàng răng do hệ quả của việc dùng kháng sinh thì thật sự rất khó để chữa khỏi.

Thức ăn, đồ uống

Một nguyên nhân không thể bỏ sót khiến răng bé bị ố vàng là do thực phẩm, đồ ăn, thức uống bé sử dụng hằng ngày. Một số thực phẩm có màu đậm, có tính acid có thể gây đổi màu răng hoặc ăn mòn men răng, điều này dẫn đến thay đổi màu sắc của răng, giảm độ trắng sáng và răng của bé dễ bị ố vàng hơn.

Răng trẻ bị ố vàng phải làm sao?

Sau đây là một số phương pháp giúp loại bỏ tình trạng ố vàng răng ở trẻ em:

  • Bạn có thể sử dụng một ít baking soda (bột muối nở) hoà với nước và đánh răng cho trẻ để cải thiện tình trạng răng bị ố vàng.
  • Nếu bé đang sử dụng một số thực phẩm bổ sung sắt, đây có thể là nguyên nhân khiến răng bị ố vàng. Lúc này, bạn cần tham khảo lại ý kiến của bác sĩ nhi khoa về việc bổ sung nguyên tố sắt này cho trẻ, nên tiếp tục hay ngừng lại. Tình trạng ố vàng răng do sắt sẽ giảm và biến mất khi ngừng sử dụng.
  • Bạn có thể đưa trẻ đến gặp nha sĩ để kiểm tra sức khỏe răng miệng của trẻ, lấy cao răng và loại bỏ các mảng bám trên bề mặt răng mỗi 6 tháng để giúp cải thiện độ sáng bóng và màu sắc răng.

Còn khá nhiều phương pháp làm trắng răng khác hiện đang được quảng cáo rộng rãi trên thị trường, tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn nên đến gặp nha sĩ để được thăm khám và xác định chính xác nguyên nhân, từ đó sẽ có các biện pháp phù hợp để giảm ố vàng cho răng của bé.

Cách ngăn ngừa tình trạng răng trẻ bị ố vàng

Phòng bệnh luôn cần được ưu tiên và chú trọng hơn chữa bệnh. Để ngăn ngừa tình trạng đổi màu, ố vàng răng ở trẻ, cha mẹ cần chú ý những điều sau:

  • Sử dụng kem đánh răng dành cho trẻ em để có lượng flour phù hợp.
  • Làm sạch răng cho trẻ và hướng dẫn trẻ biết vệ sinh răng miệng ngay từ khi trẻ bắt đầu mọc răng. Ban đầu bạn có thể dùng khăn vải mềm, rồi dần dần chuyển sang bàn chải đánh răng dành cho trẻ em.
  • Khi dạy trẻ đánh răng, cần dặn dò và hướng dẫn trẻ biết nhổ kem đánh răng, không được nuốt.
  • Hạn chế các thực phẩm chứa lượng đường cao, vì chúng có thể dẫn đến sâu răng, thay đổi màu sắc răng.
  • Không nên để trẻ ngậm bình sữa vào ban đêm, vì lượng đường thường xuyên tiếp xúc với bề mặt răng sẽ làm hỏng dần lớp men răng, đồng thời tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, gây sâu răng.
  • Thường xuyên đưa trẻ đi khám kiểm tra sức khỏe răng miệng và lấy cao răng, mảng bám.

Kết luận

Nụ cười hồn nhiên và xinh đẹp của con trẻ là điều hạnh phúc đối với các bậc làm cha làm mẹ. Tuy nhiên, một số nguyên nhân bao gồm cả bệnh lý, và thói quen ăn uống, vệ sinh răng miệng không đúng cách có thể làm thay đổi màu sắc răng, khiến răng của trẻ ố vàng, xỉn màu. Cha mẹ cần biết cách chăm sóc, hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh răng miệng và nhận biết sớm tình trạng ố vàng răng để có biện pháp khắc phục, giúp trẻ có hàm răng chắc khoẻ và nụ cười xinh.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.