Răng khôn bị sâu là tình trạng sâu răng tại chiếc răng sâu nhất trong cung hàm. Đây là nơi rất khó vệ sinh răng miệng sạch sẽ và để lâu dài có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Vậy răng khôn bị sâu có nguy hiểm gì và cần nhổ ngay không, hãy cùng Docosan tìm hiểu nhé!
Tóm tắt nội dung
Nguyên nhân răng khôn bị sâu
Răng khôn hay là răng số 8, thường mọc trong độ tuổi trưởng thành từ 18 đến 25 tuổi. Tình trạng răng khôn bị sâu là khá phổ biến hiện nay vì xuất phát từ lý do răng mọc sâu trong cùng nên gây khó khăn trong việc vệ sinh hàng ngày. Ngoài ra, răng khôn còn nằm cạnh những chiếc răng cối chức năng nhai quan trọng của hàm răng. Do đó mà thức ăn rất dễ bị bám dính và ứ đọng lại tại vị trí răng khôn gây ra sâu.
Việc vệ sinh răng khôn gặp nhiều khó khăn do những mảng bám thức ăn và vi khuẩn không được loại bỏ dần dần trở thành cao răng. Vi khuẩn tồn tại và phát triển trong mảng bám và cao răng chính là nguyên nhân gây ra răng khôn bị sâu. Vùng nướu lợi tại vị trí răng khôn cũng có nhiều nguy cơ bị viêm gây ra bệnh lợi trùm có cảm giác vướng víu khó chịu và đau âm ỉ.
Dấu hiệu nhận biết răng khôn bị sâu
- Đau nhức răng: cơn đau thường xuất hiện liên tục hoặc ngắt quãng kể cả khi không bị tác động nào vào răng.
- Răng bị nhạy cảm: bạn sẽ có cảm giác đau chói hoặc ê buốt khi sử dụng thực phẩm lạnh hoặc chua.
- Răng khôn bị thay đổi màu sắc: dấu hiệu này dễ quan sát hơn nhất ở răng khôn hàm dưới so với răng khôn hàm trên. Lúc này bạn có thể nhận thấy những dấu hiệu sâu răng như là những đốm xám, nâu hoặc đen xuất hiện trên bề mặt răng và hình thành các lỗ sâu.
- Miệng và hơi thở có mùi: vi khuẩn sâu răng sẽ phát triển trên các lỗ sâu bề mặt răng. Thức ăn sẽ bị mắc kẹt và đồng thời cũng rất khó được vệ sinh sạch sẽ nên làm sâu răng trở thành ổ vi khuẩn và gây ra mùi hôi khó chịu.
Sâu răng khôn có nguy hiểm không?
Bản thân sự hiện diện của răng khôn là không có ý nghĩa về mặt chức năng trong khoang hàm, mà nó còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng tổng thể khi mọc lệch. Tệ hơn nữa khi răng khôn bị sâu thì bạn còn có nguy cơ đối mặt với những vấn đề về sức khỏe như:
- Tình trạng đau nhức hàm mặt dữ dội, khít hàm đến khó mở miệng và ảnh hưởng lớn đến việc ăn nhai hàng ngày cũng như dinh dưỡng.
- Vi khuẩn ăn sâu vào trong thân răng, nó đi theo phần tủy mềm và lan sâu xuống xương hàm, nướu và lợi xung quanh. Tệ hơn là nó có thể dẫn đến hoại tử nếu răng khôn bị sâu vỡ.
- Vết sâu răng khôn phát triển và lan rộng sang các răng cối ăn nhai quan trọng và kế cận khiến chúng bị thương tổn. Trong một số trường hợp nếu quá lâu thì vết sâu răng có thể phá hoại những răng kế cận và dẫn đến phải nhổ bỏ nhiều răng cùng lúc.
- Ngoài răng khôn bị sâu thì chúng có thể bị mọc lệch, mọc ngược, mọc ngầm gây ảnh hưởng lớn đến kết cấu xương hàm và những răng xung quanh. Do đó, trong hầu hết các trường hợp mọc răng khôn thì bác sĩ đều khuyên nên nhổ nó càng sớm càng tốt.
Răng khôn bị sâu gây hậu quả gì?
Suy giảm sức khỏe răng miệng
Ở giai đoạn đầu khi bị sâu răng, nó chỉ tấn công vào lớp men ở bên ngoài răng nhưng về lâu về dài thì nó bắt đầu xâm nhập vào bên trong tủy. Tủy là mô liên kết tập trung nhiều dây thần kinh và các mạch máu nên các tổn thương sẽ khiến bạn vô cùng đau nhức và nguy cơ bị mất răng ngày càng cao hơn. Bên cạnh răng khôn bị sâu, răng khôn mọc ngầm cũng là nguyên nhân mang tới những tác động không tốt cho sức khỏe răng miệng.
Tác động tới hệ tiêu hóa
Do hoạt động ăn nhai không được như bình thường nên dễ sinh ra biếng ăn hoặc ăn nhai không kỹ. Tình trạng đó kéo dài sẽ đưa những thức ăn chưa được nghiền kỹ vào đường tiêu hóa và khả năng xuất hiện các vấn đề như đau dạ dày, sa dạ dày, khó tiêu, chướng bụng, …
Mất ngủ
Những cơn đau nhức răng ê buốt dữ dội sẽ khiến cho bạn không thể ngủ ngon giấc, đặc biệt có thể nhận thấy rõ nhất ở những người có thói quen nghiến răng khi chuẩn bị ngủ. Và nếu để càng lâu thì cơ thể sẽ nhanh bị suy nhược tinh thần, có cả sự thay đổi về tính cách như cáu gắt, bứt rứt, khó chịu…
Cách giải quyết răng khôn bị sâu
Nếu bạn gặp tình trạng răng khôn bị sâu đi khám bác sĩ thì sẽ tùy vào từng giai đoạn mà được áp dụng những phương pháp điều trị khác nhau, đôi khi không cần phải nhổ bỏ răng khôn.
- Gel Florua: nếu bạn đang bị sâu răng khôn ở giai đoạn sớm thì bác sĩ nha khoa sẽ dùng gel Florua để hỗ trợ tăng cường men răng giúp răng khỏe mạnh. Nhờ gel đó mà răng của bạn sẽ có khả năng chống lại các axit từ mảng bám và vi khuẩn, từ đó tình trạng sâu răng sẽ được ngăn ngừa hiệu quả hơn.
- Trám răng: nếu như răng khôn đã xuất hiện những lỗ sâu có kích thước tương đối nhưng chưa xâm nhập vào tủy thì bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện thủ thuật trám răng cho bạn. Phương pháp này có thể gây tình trạng hơi ê buốt do đó mà bác sĩ sẽ gây tê cục bộ trước khi tiến hành.
- Nạo tủy: Nạo tủy răng là phương pháp được áp dụng nếu sâu răng đã xâm nhập vào bên trong tủy răng và gây tổn hại mô tủy. Do chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh cho nên phương pháp này sẽ gây khó chịu với nhiều người và cần được tư vấn kỹ càng.
- Nhổ bỏ răng: khi răng khôn đã bị hư hỏng quá nặng và có nguy cơ ảnh hưởng đến các răng khác thì bác sĩ phải chỉ định nhổ bỏ răng khôn đó. Việc này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng của bệnh nhân một cách triệt để nhất.
Nhiều người vẫn thường nghĩ nhổ răng là phương pháp duy nhất để điều trị răng khôn bị sâu, nhưng trên thực tế bạn không nhất thiết phải nhổ bỏ răng khôn trong các trường hợp chưa cần thiết. Theo đó, việc nhổ răng khôn bị sâu chỉ là phương pháp cuối cùng nếu tình trạng sâu răng quá nặng đe dọa ảnh hưởng sức khỏe răng miệng và các răng cối xung quanh mà thôi.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Nguồn tham khảo: heathline.