Viêm lợi có mủ là một trong những triệu chứng của bệnh răng miệng thường gặp, nếu không được điều trị nhanh chóng và kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Việc chữa trị viêm lợi có mủ là một quá trình gian nan đòi hỏi sự phối hợp giữa người bệnh và bác sĩ nha khoa để đem lại kết quả tốt nhất. Mời bạn đọc cũng Doctor có sẵn tìm hiểu về triệu chứng viêm lợi có mủ thông qua bài viết dưới đây.
Viêm lợi có mủ là gì?
Viêm lợi có mủ hay còn gọi là viêm sưng nướu răng có mủ là tình trạng nướu bị nhiễm trùng, đôi khi hình thành các ổ mủ quanh chân răng gây đau nhức, sưng đỏ và đôi khi đây cũng là nguyên nhân của tình trạng hôi miệng. Khi nướu bị nhiễm trùng các tế bào miễn dịch trong cơ thể sẽ tập kết đến nơi xâm nhập, sau khi “chiến đấu” sẽ để lại các xác tế bào và vi khuẩn tạo thành ổ mủ.
Bệnh viêm lợi có mủ trắng thường xảy ra ở những người không có thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách. Khi đó các mảng bám phát triển tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở trên các mảng báo (cao răng), dần dần gây nên phản ứng viêm nướu nếu để lâu ngày có thể sẽ tạo mủ. Không những thế, quá trình viêm này còn phá hủy những mô xung quanh, khiến răng dễ bị tuột khỏi nướu dẫn đến tình trạng mất răng.
Viêm lợi có mủ khi mang thai cũng là một trong những vấn đề thường gặp ở phụ nữ. Bởi khi đó hóc môn sinh dục thay đổi, hệ miễn dịch cũng yếu hơn so với bình thường, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nên tình trạng viêm lợi có mủ.
Triệu chứng của viêm lợi có mủ
Khi mủ bắt đầu hình thành, người bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện những triệu chứng điển hình hơn so với tình trạng viêm nướu đơn thuần. Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp như:
- Đau răng: tình trạng đau răng thường xuyên xuất hiện nếu người bệnh bị viêm lợi có mủ. Cảm giác đau không chỉ khu trú ở vùng răng bị tổn thương mà đôi khi còn có thể lan ran cả hàm, vùng mặt bị ảnh hưởng. Tình trạng viêm nhiễm càng nặng thì những cơn đau nhức sẽ càng xuất hiện với tần suất cao và dữ dội hơn, đồng thời kéo dài hàng giờ liền.
- Sưng nướu: Vùng nướu xung quanh vị trí mưng mủ sẽ sưng to hơn bình thường, khi nhấn vào đôi khi sẽ có dịch màu vàng, hôi thối chảy ra. Đôi khi có thể gặp tình trạng chảy máu.
- Hôi miệng: Việc xuất hiện tình trạng viêm lợi có mủ đồng nghĩa với việc vi khuẩn răng miệng đang phát triển dữ dội. Điều này còn là nguyên nhân gây năng tình trạng hôi miệng thường gặp ở nhiều bệnh nhân. Trong trường hợp bị hôi miệng kéo dài nếu chưa có viêm lợi có mủ, bạn cần đến nha sĩ kiểm tra để chấn đoán nguyên nhân cũng như đưa ra phương án điều trị phù hợp.
- Sốt: Đi kèm với phản ứng viêm, nếu cơ thể bệnh nhân đáp ứng quá mức sẽ sản sinh ra các enzym tạo ra phản ưng toàn thân gây sốt. Người bệnh thường sốt nhẹ không nghiêm trọng và tự giới hạn trong vài ngày, trong trường hợp sốt kéo dài người bệnh cần đến thăm khám tại các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị phù hợp bởi khi viêm nướu, vi khuẩn có thể đi vào máu gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết.
- Nhai đau: Bệnh nhân đôi khi sẽ gặp khó khăn trong ăn uống, răng lợi sẽ bị đau khi sử dụng phần răng bị tổn thương để nhai thức ăn. Người bệnh đôi khi có thể nhạy cảm với đồ ăn nóng hoặc lạnh, bị đau buốt khi ăn phải đồ ăn quá nóng, quá cay hoặc quá lạnh. Bệnh nặng thậm chí có thể khiến người bệnh khó khăn trong giao tiếp.
- Sưng mặt, má, có hạch ở cổ: ngoài các triệu chứng tại chỗ bị viêm lợi có mủ, đôi khi tình trạng này có thể khiến các cơ quan lân cận bị ảnh hưởng cụ thể là khuôn mặt bệnh nhân hoặc hạch cổ có thể sưng to lên do việc đáp ứng với quá trình viêm. Khi đó người bệnh cần được theo dõi dưới sự chăm sóc của nhân viên y tế.
Cách chữa viêm lợi có mủ
Viêm lợi có mủ có thể xuất hiện từ nhẹ đến nguy hiểm, tuy nhiên cách xử lý bệnh lại hết sức đơn giản. Khi phát hiện những dấu hiệu nêu trên, người bệnh cần đến bác sĩ nha khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời. Đôi khi phải làm những xét nghiệm chuyên sâu hơn để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị trong trường hợp bác sĩ yêu cầu thực hiện. Cách chữa viêm lợi có mủ tại nhà không được khuyến cáo vì không điều trị dứt điểm nguyên nhân.
Việc điều trị viêm lợi có mủ còn tùy thuộc vào giai đoạn cụ thể để bác sĩ đưa ra phương pháp phù hợp nhất. Nhưng hầu như, để chấm dứt hoàn toàn và phòng ngừa tái đi tái lại triệu chứng viêm lợi có mủ, người bệnh cần được điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây bệnh, thường gặp nhất là viêm nướu do vôi răng. Khi đó, sau khi điều trị viêm nướu ổn, việc lấy vôi răng cho bệnh nhân là rất cần thiết.
Đối với giai đoạn viêm cấp, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân dùng kháng sinh, kháng viêm để chống phù nề, cùng với đó là các loại thuốc giảm đau hạ sốt để bệnh nhân sinh hoạt dễ dàng hơn. Đi kèm với đó, các loại nước súc miệng đặc biệt dành riêng cho bệnh viêm nướu cũng được bác sĩ khuyên dùng để cải thiện tình trạng răng miệng.
Tiếp theo là giai đoạn ổn định sau khi đã điều trị nướu ổn, lúc này bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị dứt điểm nguyên nhân tránh để tình trạng tái phát. Nguyên nhân thường thấy nhất ở những bệnh nhân này là thói quen vệ sinh răng miệng kém. Khi đó mảng bám lâu ngày sẽ hình thành vôi răng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Để giải quyết tình trạng này, bác sĩ sẽ lấy vôi răng ở cả trên bề mặt răng và dưới lợi, đôi khi có thể hộ trợ để làm sạch ổ viêm nếu như dịch viêm chưa thoát ra hoàn toàn.
Để đảm bảo sức khỏe răng miệng tốt nhất, người bệnh cần vệ sinh răng miệng mội ngày tối thiểu 2 lần sau ăn. Đồng thời súc miệng bằng nước muối sinh lý trong vòng 30 giây hoặc có thể sử dụng các loại nước súc miệng có sẵn trên thị trường để phòng tránh các bệnh về răng miệng.
Viêm lợi có mủ là bệnh nguy hiểm bởi có thể ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người bệnh, tuy nhiên chúng ta có thể dễ dàng điều trị và bảo vệ sức khỏe răng miệng nếu như vệ sinh răng miệng đúng cách. Mỗi phụ huynh nên làm gương cho con mình để cải thiện sức khỏe răng miệng ở cộng đồng nói chung và trong gia đình mình nói riêng.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.