Tình trạng viêm chỉ khu trú tại mô nướu xung quanh răng nhưng nếu về lâu dài sẽ có nguy cơ dẫn đến viêm nướu răng. Tuy nhiên, viêm nướu có thể hoàn toàn khắc phục được nếu vệ sinh răng miệng tốt và điều trị hợp lý. Vì vậy, hãy cùng Docosan tìm hiểu kĩ hơn về căn bệnh này cũng như cách điều trị và phòng tránh hiệu quả nhé!
Tóm tắt nội dung
Dấu hiệu của viêm nướu răng
- Nướu đổi màu so với bình thường, từ màu hồng khỏe mạnh sang màu đỏ thẫm hoặc tím thẫm
- Nướu dễ chảy máu khi chải răng hoặc nặng hơn là chảy máu tự phát
- Nướu sưng, phù nề và kém săn chắc
- Răng có nhiều mảng bám và cao răng
- Có thể đau hoặc không
- Có thể tụt nướu để lộ phần chân răng
- Hôi miệng
Nguyên nhân viêm nướu răng
Nguyên nhân viêm nướu răng thường gặp nhất là vệ sinh răng miệng kém. Cùng với hệ miễn dịch suy yếu, mảng bám trên răng và cao răng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, tiết ra các chất gây hại cho mô nướu và nha chu.
Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ phát triển viêm nướu răng như:
- Hút thuốc lá
- Di truyền
- Hình thể răng khác thường gây khó vệ sinh răng miệng
- Thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai hay sau sinh
- Một số bệnh gây suy yếu hệ miễn dịch như: đái tháo đường, ung thư, AIDS…
- Tác dụng phụ ở một số thuốc: steroid, thuốc chống động kinh, thuốc điều trị ung thư, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc ngừa thai…
Viêm nướu răng có nguy hiểm không?
Nướu bị viêm hoàn toàn có thể đưa về bình thường và không gây tổn hại đến răng. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển thành viêm nha chu, một bệnh nguy hiểm và khó điều trị hơn.
Viêm nha chu là tình trạng viêm nhiễm lan rộng, ảnh hưởng đến mô nha chu sâu, gây tiêu xương ổ răng, răng lung lay và trầm trọng hơn là rụng răng.
Ngoài ra, tình trạng viêm nhiễm lâu dài còn là yếu tố nguy cơ cho các bệnh toàn thân khác như: bệnh tim mạch, hô hấp, nhiễm trùng huyết, các bất lợi thai kỳ như sinh non, nhẹ cân…
Điều trị viêm nướu răng
Khi phát hiện các dấu hiệu viêm nướu răng, ta cần đến phòng khám nha khoa để được thăm khám và hướng dẫn điều trị kịp thời. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Cạo vôi răng (lấy cao răng) và xử lý mặt gốc răng
- Vệ sinh răng miệng theo hướng dẫn của bác sĩ
- Loại bỏ các yếu tố nguy cơ của viêm nướu răng như tăng cường hệ miễn dịch, điều trị ổn định bệnh toàn thân, ngừng hút thuốc lá
- Sửa chữa các cấu trúc răng hay răng giả cản trở việc vệ sinh răng miệng
- Tái khám và kiểm tra răng miệng định kỳ
Cách phòng tránh viêm nướu răng hiệu quả
Sau đây là một số khuyến nghị của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ:
- Chải răng đúng cách ít nhất 2 lần/ngày, tốt nhất là 30 phút sau các bữa ăn
- Dùng chỉ nha khoa hay các dụng cụ vệ sinh kẽ răng chuyên dụng ít nhất 1 lần/ngày; không dùng tăm xỉa răng
- Kiểm tra răng miệng định kỳ mỗi 4-6 tháng để được khám và vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp (cạo vôi)
- Ngừng hút thuốc lá giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng cũng như sức khỏe toàn thân.
Tóm lại, viêm nướu răng là một bệnh nhiễm khuẩn rất thường gặp với các dấu hiệu như nướu sưng, đỏ, chảy máu, có thể đau hoặc không… Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, viêm nướu răng sẽ tiến triển thành viêm nha chu với các hậu quả sức khỏe trầm trọng hơn. Vệ sinh răng miệng tốt và kiểm tra răng miệng định kỳ là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa viêm nướu răng.
Nha khoa có bác sĩ giỏi chữa viêm nướu răng
- Nha khoa 2000 – Q.1
- Assuré dental – Q.3
- Nha khoa thẩm mỹ Asia – Q.9
Kết luận
Viêm nướu răng với các dấu hiệu như nướu sưng, dễ chảy máu, hôi miệng, … nếu không được điều trị sớm rất dễ dẫn đến viêm nha chu. Một khi đã chuyển thành viêm nha chu, việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn, không nhưng vậy, người bệnh không thể ăn uống nói cười thoải mái. Vì thế, khi nghi ngờ bản thân bị viêm nướu răng, hãy đến khám tại các phòng nha có bác sĩ giỏi như gợi ý trên.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
- Nguyễn Bích Vân, Hà Thị Bảo Đan (2015) Nha chu học, Tập 1, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Y học.
- Gingivitis – Mouth Healthy
- What is gum disease – The Journal of the American dental Association