Bệnh Kawasaki là một bệnh rất nguy hiểm cho trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong hoặc biến chứng nặng của trẻ em mắc bệnh rất cao. Hiện tại, bệnh Kawasaki đang có xu hướng tăng tại Việt Nam. Cùng Docosan tìm hiểu về căn bệnh này trong bài viết dưới đây.
Bệnh Kawasaki là bệnh gì?
Bệnh được mô tả lần đầu tiên vào năm 1967 tại Nhật Bản bởi bác sĩ Tomisaku Kawasaki, sau này bệnh lấy tên của bác sĩ này và được nghiên cứu nhiều hơn.
Bệnh Kawasaki là bệnh sốt cao kèm nổi phát ban đỏ cấp tính, đặc trưng của bệnh là tình trạng viêm lan tỏa hệ thống mạch máu của toàn cơ thể bao gồm động – tĩnh mạch vừa và nhỏ.
Biểu hiện và biến chứng hay gặp của bệnh là viêm cơ tim, phình giãn động mạch vành gây nhồi máu cơ tim và suy mạch vành mạn tính về sau.
Đối tượng mắc bệnh và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó đa số các ca tử vong là trẻ còn bú mẹ hay bú bình.
Tần suất bệnh Kawasaki gặp nhiều ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, … Sau này bệnh đã xuất hiện tại Việt Nam và là căn bệnh mới nên nhiều người không biết đến. Tỷ lệ bé trai mắc bệnh cao hơn bé gái từ 1,5 đến 2 lần tùy mỗi quốc gia.
Nguyên nhân của bệnh Kawasaki
Từ thập niên 70 của thế kỉ XX đến nay, mặc dù đã có nhiều nhóm nghiên cứu trên đối tượng trẻ em bị bệnh Kawasaki nhưng nguyên nhân gây bệnh vẫn không thể xác định rõ.
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết ủng hộ cho tác nhân gây bệnh là do vi rút hoặc vi khuẩn. Chúng xâm nhập vào cơ thể và khởi động hệ miễn dịch tự chủ dẫn đến các phản ứng sinh hóa học, cuối cùng là hậu quả gây viêm các mạch máu vừa và nhỏ.
Mặt khác nhiều nghiên cứu lại đưa ra bằng chứng về di truyền của bệnh, cho thấy có sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ em thuộc chủng tộc gốc châu Á, trong đó Nhật Bản là hàng đầu.
Vậy câu hỏi đặt ra, bệnh Kawasaki có lây không? Theo hiện tại từ rất nhiều nghiên cứu của các Hiệp hội có uy tín và chất lượng trên thế giới thì không có bất kì chứng cứ nào cho thấy bệnh Kawasaki lây truyền từ người sang người khác.
Chẩn đoán đứa trẻ bị bệnh Kawasaki như thế nào?
Biểu hiện lâm sàng hay gặp và có giá trị chẩn đoán của bệnh
- Sốt cao liên tục 5 ngày hoặc hơn
- Viêm đỏ kết mạc mắt hai bên, không có nhử mắt
- Biến đổi đầu chi: có một hoặc nhiều biểu hiện như đỏ tía kèm phù nề lòng và mu bàn tay, bàn chân; bong da đầu ngón vào tuần thứ hai và ba của bệnh
- Biến đổi khoang miệng: môi đỏ sẫm hoặc rộp, lưỡi đỏ nổi gai, khoang họng đỏ và đau
- Nổi phát ban đỏ toàn thân, có nốt đỏ hình dạng đa dạng
- Hạch góc hàm hay dưới cằm: kích thước > 1.6 cm, chắc và không hóa mủ.
Biểu hiện biến chứng quan trọng của bệnh
- Hệ tim mạch: viêm cơ tim, tràn dịch màng tim, loạn nhịp tim. Trong giai đoạn sau (cuối tuần 2-4) của bệnh có thêm phình hoặc giãn mạch vành, nhồi máu cơ tim
- Tiêu hóa: tiêu chảy, nôn, vàng da ứ mật, giãn túi mật
- Khớp: đau hoặc sưng đau đa khớp lớn
- Thần kinh: li bì, co giật, có thể gặp viêm màng não vô khuẩn
- Tiết niệu: có đạm niệu, hồng cầu niệu nhưng không có mũ niệu.
Bệnh Kawasaki rất khó chẩn đoán vì các triệu chứng tương tự nhiều bệnh nhiễm trùng cấp tính và sốt phát ban đơn thuần. Đồng thời vẫn chưa có xét nghiệm nào là đặc hiệu cho bệnh; đa số các kết quả công thức máu, sinh hóa máu, siêu âm tim mạch là yếu tố ủng hộ chẩn đoán bệnh Kawasaki.
Hiện tại công thức xác định bệnh
- Có 5 trong 6 biểu hiện lâm sàng chính
- Hoặc 4 biểu hiện chính kèm dấu hiệu giãn hay phình động mạch vành
- Trong hai điều kiện trên, sốt liên tục 5 ngày trở lên là tiêu chuẩn bắt buộc.
Điều trị bệnh Kawasaki có khó không?
Bệnh Kawasaki khó chẩn đoán và cũng khó điều trị dứt điểm nguyên nhân. Đến nay nguyên tắc chung điều trị là:
- Làm giảm triệu chứng như hạ sốt, giảm viêm…
- Điều trị và phòng ngừa biến chứng, đặc biệt là biến chứng mạch vành.
Thuốc trị bệnh Kawasaki
- Gamma globulin truyền tĩnh mạch: giúp giảm nhanh triệu chứng và ngặn chặn biến chứng mạch vành
- Aspirin: khi có biến chứng giãn động mạch vành dùng Aspirin kéo dài cho đến khi hết biểu hiện trên siêu âm.
Vì bệnh Kawasaki không thể điều trị nguyên nhân nên bệnh hoàn toàn có khả năng tái phát dẫn đến các biến chứng nặng nề. Vậy nên trẻ bị bệnh Kawasaki phải được theo dõi suốt đời và điều trị kịp thời càng nhanh càng tốt.
Kết luận
Cần nhấn mạnh việc điều trị bệnh rất phức tạp nên cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín và được các bác sĩ thăm khám đặc biệt.
Bài viết được tham khảo từ các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước cùng tham vấn y khoa từ Bác sĩ Trần Bảo Ngọc. Bài viết mang tính chất tham khảo và Docosan khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Tài liệu tham khảo
- Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị bệnh ở trẻ em – Bênh viện Nhi Trung Ương