Bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ ảnh hưởng khả năng tập trung, làm cho trẻ gặp vấn đề ở trường học, trình độ học có thể bị sụt giảm, đặc biệt là trẻ chưa được điều trị. Trẻ mắc ADHD sẽ quên mất nhiệm vụ được giao, bị mất đồ, mất sách, và mệt mỏi với việc học ở trên lớp. Trẻ có thẻ gặp khó khăn trong chơi chung với bạn bè hoặc trở thành đối tượng bị bắt nạt, bị xa lánh.
Trẻ đa số thời gian sẽ ở nhà, ăn, ngủ, sinh hoạt và giao tiếp với mọi người, đáp lại lời nói và tình cảm của cha mẹ. Ảnh hưởng của môi trường sống hoặc làm cho ADHD nặng hơn hoặc cũng có thể cải thiện hơn. Vậy thì những điều chỉnh từ phía gia đình có sẽ ảnh hưởng đáng kể đến trẻ. Cùng Docosan hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây ngay nhé!
Tóm tắt nội dung
Đồng hành cùng căn bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ
Dinh dưỡng
Bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ cần tránh chất kích thích như caffein.
Trẻ cần được ăn uống đầy đủ lành mạnh và cân bằng, không cắt giảm thức ăn nào. Một vài nghiên cứu cho thấy bổ sung Omega 3 và Omega 6 có thể có lợi cho trẻ ADHD mặc dù bằng chứng ủng hộ không nhiều. Ba mẹ cần cho trẻ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, và đạm ít béo (thịt nạc).
Tập thể thao
Tập thể thao sẽ giúp trẻ kiểm soát tính xung động và những vấn đề hành vi khác của trẻ tăng động. Chơi thể thao không chỉ giúp trẻ vận động còn giúp trẻ học được những kỹ năng khác như làm thế nào để tuân thủ luật chơi và chờ tới lượt. Chơi thể thao có thể giúp trẻ giải tỏa và cải thiện giấc ngủ.
Chú ý: Không làm hoạt động quá mạnh vào buổi tối lúc gần đi ngủ
Hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện tử: nghiện điện thoại, nghiện game, nghiện internet, nghiện mạng xã hội, … Đã được chứng minh có tác hại cho bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ.
Can thiệp sớm
Không phải tất cả trẻ mắc chứng ADHD đều được nhận ra và đưa đi khám, một nửa trong số đó lại không có khả năng theo đúng lịch trình điều trị. Tuy hiện nay đã có rất nhiều lớp can thiệp và thực hiện liệu pháp hành vi, một số lý do mà trẻ không được điều trị đúng lịch trình có thể kể đến như: nhà ở xa trung tâm, điều kiện kinh tế khó khăn, mô hình lớp học chuyên cho bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ chưa phát triển, …
Khi trẻ có thường xuyên biểu hiện cáu gắt, kích thích quá mức, hay mất kiểm soát, hãy cho trẻ đi can thiệp. Đặc biệt với sự kéo dài những dấu hiệu được nêu ở đầu bài, bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ nhất thiết phải được điều trị.
Chú ý chất lượng giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ có thể là một vòng luẩn quẩn, trẻ có ADHD thường rối loạn giấc ngủ và trẻ có rối loạn giấc ngủ sẽ trở nên tăng động hơn.
Trẻ mắc ADHD cần được ngủ đủ giấc và ngủ sâu vào ban đêm. Cha mẹ cần giúp trẻ đi ngủ đúng giờ và dậy đúng giờ mỗi ngày, tránh hoạt động quá kích thích trước giờ ngủ như xem tivi, chơi trò chơi máy tính.
Giúp trẻ lên kế hoạch mỗi ngày
- Thiết lập kế hoạch hàng ngày rõ ràng và đơn giản làm giảm thiểu tối đa việc lơ là. nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trẻ cần ghi chú lại nhiệm vụ chi tiết và đem những sách cần thiết về nhà.
- Khuyến khích trẻ sắp xếp trật tự mọi đồ dùng hằng ngày. Một bảng kiểm là cần thiết để đảm bảo trẻ đem đầy đủ sách, hộp cơm, túi xách, áo khoác về nhà mỗi ngày.
- Dùng chuông báo nhắc nhở để giúp trẻ hoàn thành lịch trình và nhớ những mục tiêu trẻ cần hoàn thành.
- Duy trì thói quen sinh hoạt của gia đình: giờ ăn sáng – trưa – tối, giờ đi ngủ
- Đơn giản hóa căn phòng của trẻ để tránh sao lãng và học cách tổ chức.
Lập biểu mẫu khích lệ
Đảm bảo mỗi thành viên trong nhà biết được hành vi nào được mong đợi và củng cố hành vi đó bằng một lời khen hay phần thưởng ngay lập tức. Ngược lại, khi trẻ đi quá giới hạn, bạn cần phải áp dụng biện pháp có hiệu lực ngay, ví dụ tước đi quyền lợi, và tuân thủ điều này một cách hằng định.
Hãy trung thành với những nguyên tắc và đảm bảo những người khác cũng tuân thủ nguyên tắc giống bạn (điều này cực kỳ dễ thất bại trong các gia đình trẻ hiện nay, ba nghiêm khắc còn mẹ chiều chuộng, hoặc ông bà chiều chuộng cháu). Nếu trẻ đã lớn một chút, bạn có thể nêu ra hậu quả của những hành vi xấu.
Tập trung vào con khi bạn nói chuyện với bé, hãy bình tĩnh nếu có phạt trẻ. Hãy làm gương tốt về tính bình tĩnh và tập trung, trẻ có thể không thể hiện ra nhưng những hoạt động của người lớn trong cuộc sống ảnh hưởng rất nhiều và rất quan trọng đối với trẻ.
Hãy là phụ huynh tích cực
Cho những lời khen cụ thể, thay vì bạn nói “cám ơn con vì đã làm như vậy” thì hãy nói: “con rửa chén tốt lắm, cám ơn”. Điều này sẽ giúp trẻ biết rõ bạn đang hài lòng và hài lòng với điều gì.
Xây dựng lòng tự trọng của trẻ bằng khẳng định và khen thưởng những hành vi tích cực, ủng hộ những hoạt động mà trẻ giỏi như thể thao, sở thích, học nhạc… Đối với trẻ lớn, bạn cần nói cho trẻ biết trách nhiệm của trẻ mỗi ngày, trè cần phụ giúp việc gì trong nhà, nấu hay hay giặt đồ hay thanh toán hóa đơn như thế nào.
Hãy thúc đẩy lòng tự trọng của trẻ, bởi vì trẻ gặp khó khăn trong xử lý những hướng dẫn và thông tin, dẫn đến trẻ bị tấn công dồn dập bởi những thứ cần chỉnh sửa, dẫn đến trẻ đánh giá thấp bản thân mình.
Luyện tập cách ứng xử trong tình huống xã hội
Hãy tập cho trẻ các tình huống giao tiếp ngắn và vui vẻ. Mời vài bạn chơi cùng nhưng chỉ chơi trò chơi trong khoản thời gian ngắn trước khi trẻ mất kiểm soát. Đừng làm điều này khi trẻ đang mệt và đói ví dụ sau khi đi học về.
Giúp trẻ nhận ra tầm quan trọng của những mối quan hệ lành mạnh với bạn bè đồng trang lứa. Thiết lập những mục tiêu hành vi xã hội với trẻ và cho phần thưởng. Trước khi trẻ tham dự một sự kiện gì, hãy mói với trẻ những gì mong đợi xảy ra ở đó, và những gì người khác mong đợi ở trẻ.
Can thiệp vào các hoạt động của trẻ cùng với bạn bè, chọn những hoạt động trẻ đặc biệt giỏi và thích chơi để giúp trẻ tự tin và tập trung vào kết bạn với nhiều bạn bè hơn. Khuyến khích những tương tác xã hội nếu trẻ rụt rè hay quá nhút nhát.
Trẻ không cần phải làm quen với phần lớn các bạn trong lớp, một hay hai bạn thân là đủ. Hỏi giáo viên về diễn biến trong lớp học, nói chuyện với giáo viên cùng người hướng dẫn để xóa bỏ mọi xung đột có thể xuất hiện trong quá trình kết bạn.
Trẻ mắc ADHD có thể là mục tiêu bị bắt nạt, hãy chuẩn bị trước cho điều đó. Hãy nói với trẻ những gì cần làm khi trẻ bị bắt nạt hay bị chọc ghẹo. Hãy đảm bảo rằng trẻ sẵn sàng nói với bạn về điều này (mà không bị ba mẹ dọa cho sợ không dám nói).
Trên đây là 8 bí kíp chung sống hòa bình với bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ. Ba mẹ đừng quên, ba mẹ không đơn độc trong cuộc chiến chống căn bệnh này, luôn có bác sĩ sẵn sàng hỗ trợ ba mẹ nhé.