Viêm ruột ở trẻ em: 4 thể bệnh phổ biến

Viêm ruột là nhóm bệnh lý thường gặp ở nước ta, đặc biệt là viêm ruột ở trẻ em. Bệnh rất nguy hiểm với nhiều biến chứng có thể xảy ra nếu không được điều trị kịp thời ở người lớn. Ở trẻ em viêm ruột lại càng nguy hiểm và bố mẹ nên có kiến thức chung về những bệnh lý này để có thể kịp thời nhận biết và đưa con đi khám bác sĩ. Cùng Docosan tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Cấu tạo của đường ruột

Để hiểu được bệnh thì trước hết ta phải nắm được cấu tạo của đường ruột. Ruột ở người lớn gồm có ruột non và ruột già.

  • Ruột non gồm tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng, dài khoảng 6m. Có 2 nhiệm vụ chính là tiêu hóa thức ăn và hấp thu chất dinh dưỡng.
  • Ruột già hay còn gọi là đại tràng dài 1.5m và gồm 6 phần: manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng sigma và trực tràng. Là nơi tạm trữ chất cặn bã, duy trì cân bằng nước điện giải cho cơ thể.
Viêm ruột ở trẻ em
Cấu tạo của ruột non, ruột già ở người

Các vi khuẩn, viêm và u tác động cùng lúc trên cả đại tràng và ruột non nên các bệnh lý của ruột không chia ra từng nhóm cơ quan mà được khảo sát chung.

Cụ thể bệnh lý viêm ở ruột có 3 nhóm bệnh chính thường gặp:

  1. Viêm ruột nhiễm trùng
  2. Viêm ruột do xạ trị
  3. Bệnh viêm ruột vô căn gồm 2 bệnh giống nhau ở chỗ đều gây ra tình trạng viêm ruột mãn tính, tái đi tái lại nhiều lần gồm: bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại tràng

4 thể bệnh của viêm ruột ở trẻ em

Ở trẻ em nhóm bệnh viêm ruột thường gặp hơn cả là viêm ruột nhiễm trùng. Các thể bệnh viêm ruột nhiễm trùng hay gặp ở trẻ em gồm 4 bệnh sau đây:

Bệnh tiêu chảy nhiễm trùng

Bệnh tiêu chảy là tiêu phân lỏng không thành khuôn ≥ 3 lần trong 24 giờ, hoặc đi tiêu ít nhất có một lần phân lẫn đàm máu. Bệnh tiêu chảy nhiễm trùng là nhiễm trùng đường tiêu hóa trong đó tiêu chảy là triệu chứng nổi bật nhất, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Tiêu chảy nhiễm trùng chủ yếu lây qua đường phân-miệng. Thức ăn nước uống bị làm bẩn bởi phân người hay động vật sẽ đem theo các tác nhân vi sinh vật vào miệng bé rồi xuống ống tiêu hóa gây bệnh. Bàn tay không được rửa sạch của trẻ là nguyên nhân tạo cơ hội để đưa các tác nhân vi sinh vào đường tiêu hóa.

Tiêu chảy nhiễm trùng có nhiều tác nhân vi sinh khác nhau gây ra, trong đó nhiều nhất là virus, tiếp theo là vi trùng, còn các ký sinh trùng và nấm chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Bốn tác nhân quan trọng nhất gây ra bệnh tiêu chảy mất nước là rotavirus, Shigella, Cryptosporidium và E. coli sinh độc tố ruột.

Triệu chứng:

  • Tiêu phân lỏng toàn nước, phân lỏng có lợn cợn xác phân, phân có đàm nhớt (nhầy) hoặc có mủ hoặc cả hai. Nếu thấy phân màu nâu hoặc đen trong phân của bé là có máu trong phân.
  • Ói có thể xuất hiện đầu tiên, cùng lúc, hoặc sau khi đã tiêu lỏng nhiều.
  • Đau bụng dọc khung đại tràng là biểu hiện của tổn thương ở ruột già, mót rặn là biểu hiện của tổn thương ở trực tràng.
  • Triệu chứng của cơ thể bị mất nước – điện giải cần được chú ý: lúc đầu bệnh nhân khát nước, rồi sau đó uống nước háo hức khi mất nước nhiều hơn, miệng lưỡi khô, sau đó có thể thấy mắt trũng, tiểu ít, khóc không nước mắt, thở nhanh – sâu. Trường hợp mất nước nhiều có thể thấy biểu hiện của tình trạng sốc: bệnh nhân da xanh, bàn tay bàn chân lạnh và ẩm, mạch nhanh nhẹ khó bắt, huyết áp hạ thấp.

Biến chứng thường gặp nhất của tiêu chảy nhiễm trùng là mất nước (từ nhẹ đến nặng, nặng nhất là sốc giảm thể tích), toan chuyển hóa và rối loạn điện giải, hạ kali máu, đôi khi cũng có nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng từ nhiễm trùng tiêu hóa, xảy ra trên cơ địa trẻ suy dinh dưỡng nặng.

Bệnh kiết lỵ

Kiết lỵ là bệnh khiến đường tiêu hoá bị nhiễm trùng, chủ yếu do hai ký sinh trùng amip và trực khuẩn shigella gây nên.

Triệu chứng:

  • Đi tiêu ra phân có kèm chất nhầy và máu
  • Phân mùi tanh
  • Sốt cao
  • Đau bụng
  • Luôn có cảm giác muốn đi cầu

Nếu tình trạng bệnh nặng và kéo dài, trẻ có thể bị kiệt sức, hôn mê và dẫn đến tử vong.

Viêm ruột ở trẻ em
Bệnh kiết lỵ ở trẻ em

Bệnh tả

Bệnh tả là bệnh nhiễm trùng cấp tính của ruột non do Vibrio cholerae, tiết ra độc tố gây ra tiêu chảy dữ dội, dẫn đến mất nước, thiểu niệu, và truỵ mạch.

Triệu chứng:

  • Biểu hiện đột ngột
  • Biểu hiện toàn thân: lạnh, hạ thân nhiệt,..
  • Tiêu chảy mất nước nặng, đi tiêu phân tả có mùi tanh, khó chịu, lúc khởi bệnh nước phân còn lẫn phân bình thường có thể màu vàng rồi chuyển sang màu đục, vàng nhạt, sau đó như nước vo gạo, có lợn cợn trắng …
  • Nôn sau khi tiêu nhiều phân nước, vọp bẻ.
  • Mất nước sớm & nặng (20l/ngày): mạch yếu, trụy tim mạch, vô niệu
  • Trẻ em có thể sốt do mất nước

Bệnh thương hàn

  • Thương hàn là một bệnh nhiễm trùng toàn thân gây ra bởi trực khuẩn Salmonella Typhi. Đây là bệnh thường gặp của trẻ em và thanh niên từ 5-30 tuổi, nhưng số trẻ dưới 5 tuổi cũng không phải ít, đặc biệt là ở những vùng tình trạng vệ sinh môi trường kém.
  • Ở trẻ dưới 5 tuổi bệnh thương hàn thường nhẹ, nhiều khi chỉ như một bệnh nhiễm siêu vi thông thường. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không phải dễ mắc thương hàn, nhưng nếu mắc thì bệnh hay bị biến chứng nặng.

Triệu chứng:

  • Bệnh khởi phát từ từ trong tuần đầu tiên với sốt tăng dần mỗi ngày, nhức đầu, chán ăn, mệt mỏi, táo bón.
  • Bắt đầu từ tuần thứ hai: Sốt cao 39-40oC và giữ ở mức cao liên tục nhiều ngày; Có thể có lạnh run; Có vẻ mặt thương hàn như môi khô, lưỡi bẩn, mắt nhìn lờ đờ.
  • Bé có thể tiêu phân lỏng vài lần trong ngày.
  • Đặc biệt, có thể thấy tình trạng tuphos: trẻ nằm li bì, tri giác u ám, thỉnh thoảng nói sảng, nhưng khi được gọi thì tỉnh táo trả lời được các câu hỏi.
  • Một số ít bé có thể có ho khan, chảy máu cam.

Nếu không được điều trị đặc hiệu thì đến khoảng 3-4 tuần sốt bắt đầu giảm dần, rồi nhiệt độ trở về bình thường, đồng thời trẻ bắt đầu biết thèm ăn và ăn ngon miệng, sức khỏe dần dần hồi phục.

Biến chứng thường xảy ra từ giữa tuần thứ hai đến hết tuần thứ ba của bệnh (cũng có thể sớm hơn). Hai biến chứng nguy hiểm thường gặp là xuất huyết tiêu hóa và thủng ruột. Các biến chứng ít gặp hơn là viêm cơ tim, viêm gan, viêm túi mật, viêm màng não, hôn mê, trụy mạch.

Phòng ngừa viêm ruột cho trẻ như thế nào?

Bổ sung nước

Khi trẻ bị viêm ruột nên cho trẻ nghỉ ngơi do bệnh thường có mất nước và điện giải vì bệnh nhân sốt nhiều ngày và thường có tiêu lỏng, nên cần chú ý bù nước điện giải bằng đường uống (Oresol) hoặc đường tĩnh mạch.

Viêm ruột ở trẻ em
Cần chú ý bổ sung nước cho con trẻ

Tăng cường chất dinh dưỡng

Trước đây nhiều người dân cho rằng kiêng cữ ăn cơm hoặc thức ăn đặc vì sợ thức ăn làm thủng ruột. Nhưng điều đó không đúng, một điều quan trọng trong dinh dưỡng ngừa bệnh viêm ruột là không những không kiêng ăn, mà còn nên cho ăn các món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và dễ tiêu, hạn chế cho trẻ ăn đồ chiên rán gây khó tiêu, đầy bụng.

Còn để phòng ngừa viêm ruột ở trẻ sơ sinh thì cho trẻ bú mẹ (có thể bú sữa công thức thông thường của trẻ nếu không được bú mẹ), nếu bé có cảm giác chán ăn, cần tăng số lần ăn hoặc bú.

Cho trẻ ăn uống điều độ, đúng giờ

Dạy trẻ nhai thật kỹ thức ăn giúp thức ăn hòa trộn với các enzyme trong nước bọt, dễ dàng tiêu hóa hơn

  • Khi bị táo bón: Chế độ ăn cần tăng chất xơ, chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, giảm chất béo.
  • Khi bị tiêu chảy: Giảm ăn chất xơ thể, không ăn trái cây khô, đóng hộp, cần bỏ vỏ trái cây tươi, không ăn rau sống, nên ăn trái cây xay nhừ.
  • Nước sạch + Thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh: Đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch là điều cực kỳ quan trọng, cũng như phải đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ.
  • Về môi trường: Phân, rác và nước thải phải được xử lý phù hợp, không để cho chúng làm dây nhiễm nguồn nước.
  • Vệ sinh cá nhân: Cho trẻ ăn uống chín; đậy kỹ thức ăn không cho ruồi nhặng đậu vào; không ăn thức ăn đường phố; đặc biệt quan trọng là tạo thói quen rửa tay với nước và xà phòng cho trẻ trước khi sửa soạn thức ăn, trước khi ăn, sau khi làm vệ sinh cho người khác, và sau khi đi vệ sinh.
  • Tiêm vaccine dự phòng bệnh cho trẻ

Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.