Cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ em

Cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ em là mối quan tâm lớn của bậc phụ huynh có con em mắc phải bệnh lý hô hấp mạn tính này. Hiểu biết cơ bản của phụ huynh về bệnh này sẽ giúp trẻ kiểm soát tốt hơn các triệu chứng. Doctor có sẵn mời quý độc giả tham khảo bài viết này với chủ đề cách chữa hen suyễn cho trẻ em và kế hoạch kiểm soát bệnh.

Trẻ bị hen suyễn có chữa được không?

Hen suyễn là một bệnh lý viêm đường thở mạn tính. Hen suyễn ở trẻ khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu bệnh hẹn ở trẻ được phát hiện sớm và phụ huynh có ý thức giúp trẻ tuân thủ theo điều trị của bác sĩ thì có thể kiểm soát được bệnh.

Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần nhận biết các dấu hiệu trẻ sắp lên cơn hen như trẻ ho, khò khè, khó thở, nặng ngực, thức giấc về đêm.

cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ em
Phụ huỳnh và người chăm sóc trẻ bị hen suyễn đóng vai trò rất lớn trong việc giúp trẻ kiểm soát bệnh

Nhận biết các trường hợp khẩn cấp của bệnh hen

Cơn hen nặng có thể đe dọa tính mạng và đòi hỏi can thiệp y khoa khẩn cấp. Một số triệu chứng và dấu hiệu của cơn hen nặng gồm:

  • Khó thở nhiều
  • Ho hoặc khò khè kéo dài
  • Không cải thiện triệu chứng kể cả sau khi dùng bình xịt cắt cơn
  • Khó nói chuyện
  • Kết quả đo lưu lượng đỉnh ở mức báo động đỏ

Giới thiệu các phương cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ em

Nếu các triệu chứng hen của trẻ nặng, bạn cần tìm cho bé một bác sĩ nhi khoa chuyên về hô hấp. Bác sĩ sẽ đánh giá và cân nhắc liều lượng và loại thuốc thích hợp để kiểm soát triệu chứng hen. Dùng liều vừa phải và đúng thuốc sẽ giúp ngừa các tác dụng phụ của thuốc.

Tùy vào đáp ứng của trẻ với các thuốc hen đang dùng, bác sĩ có thể “lên bậc” điều trị đến liều cao hơn hoặc thêm một loại thuốc khác. Nếu bệnh hen của trẻ được kiểm soát tốt, bác sĩ có thể “xuống bậc” điều trị bằng cách giảm thuốc cho bé.

Thuốc kiểm soát tác dụng kéo dài

Còn được biết đến là thuốc phòng ngừa, nhìn chung loại này cần dùng mỗi ngày trong thời gian dài để kiểm soát các triệu chứng của bệnh hen. Nhóm thuốc này cũng có thể dùng theo mùa nếu triệu chứng hen của trẻ nặng hơn vào một số thời điểm trong năm.

Các loại thuốc kiểm soát tác dụng kéo dài bao gồm:

  • Corticosteroid đường hít. Bao gồm fluticasone (Flovent HFA), budesonide (Pulmicort Flexhaler), beclomethasone (Qvar RediHaler), ciclesonide (Alvesco, Omnaris) và mometasone (Asmanex HFA). Đây là nhóm thuốc kiểm soát lâu dài bệnh hen phổ biến nhất.
  • Kháng leukotriene. Bao gồm montelukast (Singulair), zafirlukast (Accolate) và zileuton (Zyflo). Nhóm này có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp corticosteroid hít.
  • Thuốc hít kết hợp corticosteroid dạng hít và thuốc kháng beta tác dụng kéo dài (LABA). Bao gồm sự kết hợp của fluticasone-salmeterol (Advair HFA), budesonide-formoterol (Symbicort), fluticasone-vilanterol (Breo, Ellipta) và mometasone-formoterol (Dulera). 
  • Theophylline. Đây là thuốc giúp giãn đường thở (giãn phế quản), nhưng hiện không được dùng phổ biến như lúc trước.
  • Kháng histamin. Thuốc kém hiệu quả nhưng dễ sử dụng vì dùng đường uống.

Bác sĩ sẽ thăm khám và quyết định loại thuốc thích hợp cho từng trường hợp cụ thể và tùy đáp ứng của trẻ với điện trị trước đó.

cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ em
Hình ảnh thuốc kết hợp corticosteroid hít và kháng beta tác dụng kéo dài

Thuốc cắt cơn hen

Những thuốc này còn được gọi là thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn, có khả năng cắt giảm triệu chứng ngay lập tức và có tác dụng kéo dài từ 4 đến 6 giờ. Albuterol (ProAir HFA, Ventolin HFA) là thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn thường dùng nhất cho bệnh hen. Levalbuterol (Xopenex) cũng là một lựa chọn khác.

cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ em
Hình ảnh thuốc cắt cơn hen

Dù những thuốc này có tác dụng nhanh, chúng không giúp trẻ phòng ngừa các triệu chứng tái phát. Nếu trẻ có triệu chứng nặng và thường xuyên, trẻ sẽ cần sử dụng thuốc tác dụng kéo dài như corticosteroid dạng hít.

Bệnh hen của trẻ không được kiểm soát tốt nếu trẻ phải dùng thuốc cắt cơn thường xuyên. Phụ thuộc vào thuốc cắt cơn để kiểm soát triệu chứng sẽ đưa trẻ vào nguy cơ của những cơn hen nặng rất nguy hiểm. Đây là tình trạng kiểm soát hen kém, trẻ cần được đưa đến bác sĩ để thay đổi điều trị. Hãy theo dõi tần suất sử dụng thuốc cắt cơn, và chia sẻ thông tin này cho bác sĩ mỗi khi đi khám.

Các thiết bị cung cấp thuốc

Phần lớn các thuốc trị hen suyễn được cung cấp trong một thiết bị cho phép trẻ hít trực tiếp thuốc vào phổi. Thuốc của trẻ có thể được cung cấp với một trong các thiết bị sau:

  • Bình hít định liều. Dụng cụ cầm tay nhỏ, ống hít định sẵn liều là phương pháp phân phối thuốc điều trị hen suyễn phổ biến. Để đảm bảo trẻ nhận được liều lượng chính xác, trẻ cũng có thể cần một ống rỗng (miếng đệm) gắn vào ống hít.
  • Bình hít dạng bột khô. Đối với một số loại thuốc điều trị hen suyễn, trẻ cần dùng một ống hít dạng bột khô. Thiết bị này đòi hỏi trẻ hít sâu và nhanh chóng để có đủ liều thuốc.
  • Máy phun khí dung. Thiết bị này giúp thuốc hóa thành màn sương mịn mà trẻ hít vào thông qua mặt nạ. Phương pháp này có thể giúp phân phối thuốc với lượng nhiều hơn so với bình hít. Những trẻ nhỏ thường cần dùng máy phun khí dung bởi vì rất khó hoặc không thể để trẻ nhỏ sử dụng dụng cụ hít.
cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ em
Hình ảnh máy phun khí dung

Kiểm soát hen

Quản lý bệnh hen của trẻ có thể trông khó khăn và nặng nề trách nhiệm đối với một số phụ huynh. Bạn có thể làm theo những bước này để giúp việc kiểm soát bệnh hen của trẻ trở nên dễ dàng hơn.

Tìm hiểu về hen suyễn

Một phần quan trọng trong việc kiểm soát bệnh hen suyễn của con bạn là tìm hiểu chính xác những bước cần thực hiện hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng và hàng năm. Điều quan trọng là bạn phải hiểu mục đích của việc theo dõi các triệu chứng và mục đích của điều chỉnh phương pháp điều trị thực hiện bởi bác sĩ.

Cụ thể như sau, bạn cần:

  • Hiểu cơ bản các loại thuốc kháng nhau và mục đích sử dụng của chúng trong phòng ngừa và cắt cơn hen
  • Học các nhận biết và ghi nhận các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh hen nặng tiến triển
  • Biết phải làm gì khi bệnh hen trầm trọng hơn

Theo dõi các triệu chứng với một kế hoạch lập sẵn

Hãy trao đổi với bác sĩ, thiết lập cho mình một kế hoạch hành động gồm các bước cần làm để quản lý bệnh hen của trẻ. Kế hoạch hành động này sẽ là một công cụ quan trọng để bạn biết chương trình điều trị hiện tại có đáp ứng tốt ra sao. Bạn cũng cần có các bản sao của kế hoạch này dành cho những người khác chăm sóc trẻ, như bảo mẫu, giáo viên.

Kế hoạch này có thể giúp bạn và trẻ:

  • Theo dõi tần suất xuất hiện các cơn hen
  • Đánh giá hiệu quả thuốc đang dùng trong kiểm soát triệu chứng
  • Ghi nhận triệu chứng phụ, như run rẫy, kích thích, khó ngủ
  • Kiểm tra phổi của trẻ đang hoạt động thế nào với một máy đo lưu lượng đỉnh của phổi
  • Đo lường mức độ ảnh hưởng của triệu chứng hen đến các hoạt động hằng ngày của trẻ như chơi đùa, học tập, ngủ, chơi thể thao.
  • Điều chỉnh thuốc khi triệu chứng nặng hơn
  • Nhận biết được khi nào cần gặp bác sĩ để xử lý tình huống khẩn cấp

Kiểm soát các yếu tố thúc đẩy cơn hen

Từng bước giúp trẻ tránh xa các yếu tố kích gợi cơn hen là một phần rất quan trọng trong kiểm soát bệnh hen. Các yếu tố này rất thay đổi tùy mỗi người và môi trường sống xung quanh. Những yếu tố thúc đẩy thường gặp bao gồm:

  • Cảm lạnh hoặc các nhiễm trùng hô hấp khác
  • Tiếp xúc dị nguyên như phấn hoa, mạt bụi
  • Lông thú nuôi
  • Tập thể dục
  • Thời tiết lạnh
  • Nấm mốc và ẩm ướt
  • Tiếp xúc với gián
  • Khói thuốc lá và không khí ô nhiễm
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Chìa khóa kiểm soát hen: bám sát theo kế hoạch

Tóm lại, tuân theo và cập nhật kế hoạch hành động đối với bệnh hen của trẻ là chìa khóa để kiểm soát bệnh hen. Cẩn thận ghi nhận các triệu chứng của trẻ, liên hệ bác sĩ để điều chỉnh thuốc khi cần thiết. Hành động kịp thời, trẻ sẽ ít khả năng bị cơn hen nặng đe dọa tính mạng, và trẻ sẽ không phải sử dụng quá nhiều thuốc.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.