Chàm sữa ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và cách chăm sóc

Chàm sữa ở trẻ sơ sinh là một trong những bệnh lý thường gặp do cơ địa dị ứng hoặc yếu tố di truyền. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu chàm sữa trẻ sơ sinh trong bài viết dưới đây nhé!

Chàm sữa ở trẻ sơ sinh là bệnh gì?

Chàm sữa là một loại bệnh chàm ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi. Chàm sữa ở trẻ sơ sinh hay còn gọi là lác sữa ở trẻ sơ sinh. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lý chàm sữa ở trẻ sơ sinh. Chàm sữa ở trẻ sơ sinh không phải là một căn bệnh nguy hiểm nhưng khả năng tái phát cao và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời.

Dấu hiệu nhận biết chàm sữa ở trẻ sơ sinh trong giai đoạn đầu sẽ xuất hiện các dát đỏ, nổi sẩn và xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti. Sau khoảng 1 đến 2 ngày mụn nước có thể tự vỡ hoặc bị bé làm vỡ do gãi nhiều, rỉ nước và đóng mày, tróc vảy. Mụn nước có thẻ lan đến các vùng khác như cằm, trán,… Trong giai đoạn này trẻ sẽ bị ngứa nhiều.

Cha mẹ khi thấy con em xuất hiện các triệu chứng của chàm sữa nên đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc thăm khám và tuân thủ các hướng dẫn điều trị sẽ giúp trẻ tránh được các nguy cơ nhiễm khuẩn trong quá trình diễn tiến của bệnh. Chàm sữa ở trẻ sơ sinh có khả năng nhiễm khuẩn trong giai đoạn bóng nước bị vỡ và đóng mày, lành da non.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị chàm sữa

Di truyền

Di truyền là một trong những nguyên nhân thường gặp của chàm sữa ở trẻ sơ sinh, đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Cha mẹ hoặc người thân từng mắc phải dị ứng hoặc các bệnh như hen suyễn, viêm da cơ địa, thì trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh chàm sữa cao hơn những trẻ khác. Theo một thống kê, có hơn 70% trẻ bị chàm sữa có người thân trong gia đình mắc bệnh viêm da cơ địa.

Yếu tố cơ địa

Trẻ có đề kháng yếu hoặc làn da dễ bị tổn thương dễ mắc các bệnh lý về da như viêm da, rôm sảy, mụn nhọt,… có nguy cơ mắc chàm sữa cao hơn những trẻ khác. Hệ bài tiết, tiêu hóa của trẻ bị rối loạn thường xuyên cũng là yếu tố thuận lợi làm cho trẻ dễ mắc phải chàm sữa hơn.

Nguyên nhân bên ngoài gây kích ứng

Các yếu tố bên ngoài môi trường có thể là yếu tố thúc đẩy dẫn tới chàm sữa ở trẻ sơ sinh như lông chó, lông mèo, phấn hoa, khói bụi,… Khi trẻ tiếp xúc với các dị nguyên này có thể thúc đẩy một cơn dị ứng cấp hoặc một đợt bệnh chàm sữa. Thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt là khí hậu lạnh khô dễ khiến trẻ mắc chàm sữa hơn.

Thói quen ăn uống

Thực đơn ăn uống hàng ngày nếu xuất hiện các thực phẩm dễ gây kích ứng cho bé sẽ là nguyên nhân gây chàm sữa thầm lặng mà cha mẹ có thể bỏ sót. Hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ còn yếu do đó các thực phẩm như hải sản, thịt bò, sữa bò, phô mai,… có thể khiến trẻ bị dị ứng hay chàm sữa.

Cách chăm sóc chàm sữa ở trẻ sơ sinh

Chàm sữa có thể khiến trẻ ngứa ngáy nhiều từ lúc mới khởi phát bệnh, trẻ có xu hướng đưa tay lên gãi trong giai đoạn mụn nước có thể khiến chúng vỡ ra sớm và có nguy cơ gây nhiễm khuẩn cao. Do đó khi trẻ mắc bệnh cha mẹ cần hạn chế thực hiện hành động này để bảo vệ trẻ khỏi các yếu tố như vi khuẩn, nấm, bụi bẩn,… Cha mẹ cũng nên cắt móng tay cho trẻ trong giai đoạn bệnh này để tránh gây trầy xước vết thương, nguy cơ để lại sẹo trên mặt trẻ.

Các yếu tố có khả năng gây dị ứng cao như bụi, phấn hoa, lông chó mèo, sợi len, hải sản, sữa bò,… có thể là yếu tố thúc đẩy một đợt dị ứng và là nguyên nhân gây chàm sữa cho trẻ. Do đó trong quá trình chăm sóc trẻ bị bệnh chàm sữa cha mẹ cần hạn chế để trẻ tiếp xúc với những yếu tố này để tránh bệnh diễn tiến nặng hơn.

Cha mẹ khi chăm sóc trẻ cũng nên vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chạm vào vùng da bị chàm của bé, nguồn vi khuẩn từ tay người chăm sóc không được vệ sinh sạch sẽ có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị bội nhiễm.

Việc lựa chọn các phương pháp điều trị chàm sữa ở trẻ sơ sinh, người chăm sóc nên tham khảo của bác sĩ điều trị, tránh tự ý sử dụng các biện pháp điều trị không được kiểm chứng vì có thể làm bệnh nặng thêm. Cha mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn sử dụng các loại kem trị chàm sữa để bé nhanh khỏi hơn. Thông thường, một số loại kem dưỡng ẩm, kháng khuẩn, kháng nấm có thể được chỉ định tùy vào từng trường hợp cụ thể:

  • Kem dưỡng ẩm: có vai trò giúp cân bằng độ ẩm trên da của bé, giúp điều trị tình trạng ngứa rát, bong tróc da sau đợt bệnh. Ví dụ thuốc ceradan cho trẻ sơ sinh có thể sử dụng trong trường hợp chàm sữa sẽ giúp da mềm mại, giảm tình trạng khô ráp.
  • Thuốc kháng khuẩn, kháng nấm: các sản phẩm này sẽ tạo một lớp màng trên da giúp bảo vệ da của bé, ngăn da tiếp xúc với vi khuẩn, nấm hay các yếu tố có thể gây dị ứng như bụi bẩn, hạn chế xảy ra tình trạng viêm đỏ da mặt của bé.

Khi sử dụng các sản phẩm thuốc bôi, kem bôi cho trẻ cha mẹ cần lưu ý:

  • Tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị về hướng dẫn sử dụng trước khi dùng
  • Chỉ bôi một lớp kem mỏng rồi massage đều lên vùng da bị chàm, không chà xát mạnh
  • Trong quá trình sử dụng nếu có dấu hiệu bất thường cần ngưng thuốc và đưa trẻ đi khám ngay để tìm nguyên nhân

Chàm sữa ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý phổ biến, tuy không gây nguy hiểm nhiều cho trẻ nhưng cha mẹ cũng cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị thích hợp, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và tái phát về sau này.

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.


Nguồn tham khảo: NHS

Contact Me on Zalo