Hở hàm ếch là một dị tật bẩm sinh phổ biến, ảnh hưởng đến sự phát triển của miệng và môi. Bệnh này có thể gây ra những khó khăn trong việc ăn uống, nói chuyện và thậm chí cả vấn đề về tâm lý cho trẻ. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về hở hàm ếch, bao gồm nguyên nhân, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa, giúp bạn hiểu rõ hơn về dị tật này và bảo vệ con trẻ. Hãy cùng tìm hiểu để cùng chung tay góp phần giảm thiểu tỷ lệ trẻ mắc phải hở hàm ếch!
Tóm tắt nội dung
Hở hàm ếch là gì?
Sứt môi và hở hàm ếch là những dị tật bẩm sinh mà trẻ có thể gặp khi vừa ra đời và chúng thường đi kèm với nhau. Sứt môi là khi phần môi trên của trẻ không liền lại, tạo một khe hở giữa hai bên môi. Còn hở hàm ếch là tình trạng cấu trúc khuôn miệng của trẻ phát triển không hoàn thiện, tạo lỗ hở giữa vòm miệng và mũi.
Có 3 dạng hở hàm ếch: nứt môi mà không hở hàm ếch, hở hàm ếch nhưng không nứt môi, nứt môi kèm hở hàm ếch. Mỗi chúng ta đều nên tìm hiểu về tình trạng này để có những cách phòng ngừa, can thiệp tốt nhất trong quá trình mang thai của mẹ.
Dấu hiệu, triệu chứng nhận biết hở hàm ếch, sứt môi ở trẻ
Bạn có thể nhận biết trẻ có bị sứt môi, hở hàm ếch không ngay khi vừa sinh ra. Dưới đây là một số đặc điểm nhận biết:
- Vết nứt ở môi và vòm miệng ảnh hưởng đến một bên hoặc cả hai bên khuôn mặt.
- Một phần môi bị tách ra thành rãnh nhỏ hoặc kéo dài từ môi qua vòm miệng vào dưới mũi.
- Có sự chia tách trong vòm miệng mà không ảnh hưởng đến hình dáng khuôn mặt.
Một trường hợp hiếm gặp hơn là hở hàm trong (vết hở trong vòm miệng, được bao phủ bởi niêm mạc) và không thể nhận thấy khi trẻ mới sinh. Trẻ mắc tình trạng này có thể bị các triệu chứng như:
- Khó ăn.
- Khó nuốt, thức ăn, thức uống bị trào qua mũi.
- Bị giọng mũi.
- Nhiễm trùng tai mạn tính.
Hở hàm ếch có di truyền không?
Hở hàm ếch có thể do nhiều nguyên nhân, và di truyền là một trong số đó. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp hở hàm ếch đều do di truyền.
- Di truyền: Một số gen liên quan đến sự phát triển của hàm và môi có thể bị đột biến, dẫn đến hở hàm ếch. Nếu bố mẹ có gen đột biến này, con họ sẽ có nguy cơ cao mắc phải dị tật.
- Yếu tố môi trường: Các yếu tố môi trường như tiếp xúc với hóa chất độc hại, sử dụng thuốc lá, rượu bia, và một số loại thuốc trong thời kỳ mang thai cũng có thể góp phần gây ra hở hàm ếch.
- Kết hợp giữa di truyền và yếu tố môi trường: Trong một số trường hợp đặc biệt, hở hàm ếch có thể do sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường gây ra.
Nhìn chung, nếu một trong bố và mẹ có người bị hở hàm ếch, thì việc thăm khám và can thiệp y tế sớm nhất là phương pháp chủ động phòng ngừa cho bé.
Nguyên nhân gây hở hàm ếch
Yếu tố di truyền
Như đã đề cập trên, trẻ có thể nhận gen dị tật từ bố mẹ. Trẻ cũng có nguy cơ cao mắc hở hàm ếch nếu trong gia đình, cô dì chú bác có người bị hở hàm ếch.
Yếu tố môi trường
Bên cạnh nguyên nhân do di truyền, các yếu tố môi trường cũng tác động không nhỏ đến quá trình hình thành và phát triển của thai nhi. Trẻ có thể bị hở hàm ếch vì một số nguyên nhân sau:
- Phụ nữ mang thai uống các loại thuốc có hại cho trẻ, ví dụ như các thuốc trị động kinh, chống co giật hay thuốc trị mụn có chứa accutane, thuốc trị ung thư, viêm khớp, vảy nến như methotrexate.
- Mẹ từng nhiễm virus Rubella, cảm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ.
- Trong quá trình mang thai, mẹ bị thiếu acid folic, vitamin B6 và vitamin B12.
- Mẹ thường xuyên dùng rượu bia, thuốc lá.
- Bố mẹ từng mắc bệnh lậu, giang mai nhưng không điều trị khỏi hoàn toàn.
- Người mẹ thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất, phóng xạ, môi trường độc hại.
Yếu tố khác
Ngoài một số tác nhân kể trên, trẻ có thể tăng nguy cơ mắc bệnh sứt môi, hở hàm ếch do:
- Căng thẳng, lo lắng trong thai kỳ: Tâm lý của mẹ có ảnh hưởng sâu rộng đến tình trạng sức khỏe của bé.
- Suy dinh dưỡng ở mẹ bầu: Trong thời kỳ mang thai, người mẹ có thể thường xuyên bị chán ăn, thai nghén dẫn đến việc cơ thể không được cung cấp đủ dưỡng chất.
- Bố mẹ lớn tuổi, sức khỏe kém: Mang thai khi đã lớn tuổi làm tăng nguy cơ dị tật ở trẻ sơ sinh, tác động tiêu cực đến sức khỏe của mẹ.
Biến chứng nguy hiểm của hở hàm ếch
Trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch thường phải đối mặt với nhiều biến chứng khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng:
- Khó ăn: Đây là vấn đề đáng lo ngại hàng đầu. Trẻ bị sứt môi có thể bú mẹ nhưng trẻ bị hở hàm ếch thì không, việc bú mẹ sẽ rất khó khăn cho bé từ đó việc hấp thu dinh dưỡng sẽ dễ bị thiếu hụt, gây nên các vấn đề về đề kháng sau sinh.
- Nhiễm trùng tai và suy giảm thính lực: Trẻ hở hàm ếch có nguy cơ bị viêm tai giữa, suy giảm thính lực cao hơn so với các bé thông thường.
- Cấu trúc răng: Nếu vết hở quá lớn, lấn vào phần nướu răng hàm trên sẽ khiến răng trẻ bị ảnh hưởng.
- Giọng nói: Âm thanh, giọng nói của trẻ được hình thành nhờ sự phát triển của vòm miệng. Do vậy, hở hàm ếch làm trẻ dễ nói ngọng, rối loạn âm sắc giọng nói và bị giọng mũi.
- Mắc các bệnh lý khác: Khi lớn lên, trẻ dễ mắc các bệnh tâm lý do khác biệt về ngoại hình, giọng nói, luôn cần chăm sóc y tế chuyên sâu.
Xét nghiệm, chẩn đoán phát hiện hở hàm ếch
Hiện nay, phương pháp tối ưu nhất để phát hiện trẻ bị hở hàm ếch trong giai đoạn thai kỳ chính là siêu âm. Các bác sĩ có thể dễ dàng chẩn đoán được ở tuần thứ 13 của thai kỳ. Thai nhi càng phát triển, vết hở ở môi càng dễ nhìn thấy trên siêu âm. Chúng ta cũng có thể xác định trẻ bị hở hàm ếch ngay khi vừa mới sinh.
Sau khi xác định trẻ có nguy cơ mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định chọc dịch ối của mẹ và đem đi xét nghiệm nhằm xác định xem trẻ đã nhận những gen di truyền nào, gen này có gây nên những dị tật bẩm sinh khác không.
Điều trị hở hàm ếch
Mục tiêu điều trị
Trẻ sứt môi, hở hàm ếch thường phải chịu những khó khăn trong đời sống sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, sinh hoạt và sự khác biệt về ngoại hình. Các phương pháp điều trị hiện nay đều nhằm mục đích:
- Cải thiện khả năng ăn uống: Các phương pháp khâu nối liền vết hở nhằm giúp người bệnh ăn không bị trào ra, ăn ngon miệng.
- Nâng cao khả năng giao tiếp: Nói ngọng hay giọng mũi là những vấn đề cần can thiệp để giúp trẻ nói và phát âm đúng.
- Tái tạo ngoại hình: Thực hiện phẫu thuật nhằm đem lại sự tự tin về ngoại hình cho bệnh nhân, giúp họ không còn cảm giác tự ti, căng thẳng, lo âu.
Các phương pháp điều trị
Phẫu thuật tạo hình lại vòm miệng là phương án được nhiều phụ huynh tin tưởng nhất hiện nay. Tùy vào tình trạng của từng người mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương án phẫu thuật thích hợp. Quy trình phẫu thuật gồm:
- Tạo hình vòm môi: Cho trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi.
- Tạo hình vòm miệng: Khi bé được 12 tháng tuổi hoặc có thể sớm hơn nếu sức khỏe bé có thể đáp ứng.
- Các ca phẫu thuật còn lại để tạo hình: Từ 2 tuổi trở lên.
Phòng ngừa hở hàm ếch
Nếu đứa con đầu bị dị tật hở hàm ếch, rất có khả năng đứa thứ hai cũng sẽ bị tình trạng tương tự. Vì vậy, khi mang thai đứa thứ hai trở về sau, quý phụ huynh nên cẩn thận và tuân theo một số hướng dẫn của bác sĩ:
- Thực hiện tư vấn di truyền: Nếu gia đình có tiền sử sứt môi, hở hàm ếch, bạn nên thông báo với bác sĩ điều trị để được tư vấn các vấn đề về di truyền, phòng nguy cơ con bị hở hàm ếch bẩm sinh.
- Bổ sung nhiều vitamin khi mang thai: Mẹ bị thiếu hụt vitamin, khoáng chất cũng là một nguyên nhân khiến con dị tật. Vì vậy hãy tăng cường bổ sung vitamin qua chế độ ăn uống, sử dụng thực phẩm chức năng theo chỉ định của bác sĩ.
- Không uống bia rượu: Mẹ bầu uống bia rượu thường xuyên trong thời gian thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của trẻ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Dấu hiệu bất thường
Các mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ để tầm soát nguy cơ dị tật sứt môi, hở hàm ếch khi đang mang thai. Thông thường, bạn có thể nhìn thấy trẻ bị dị tật ngay khi vừa mới sinh. Do đó, các mẹ hãy mau chóng thông báo và đưa con đến gặp bác sĩ chuyên nhi khoa nếu trẻ có dấu hiệu hở hàm ếch dưới niêm mạc như xuất hiện vết hở ở môi, ăn uống khó hay nhiễm trùng tai,… để được can thiệp và điều trị.
Các bệnh viện chuyên khoa uy tín
Hiện nay với sự tiến bộ của y học, các biến chứng của hở hàm ếch có thể được khắc phục phần nào, đem lại sức khỏe và sự tự tin cho con trẻ. Tại TP.HCM, có rất nhiều các bệnh viện uy tín có thể thực hiện phẫu thuật tái tạo vòm miệng như:
- Bệnh viện Nhi Đồng 1: 314 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Quận 10, Tp Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện Nhi Đồng 2: 14 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện Răng Hàm Mặt: 263 Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp Hồ Chí Minh.
- Bệnh viện Quốc tế City – City International Hospital (CIH): 3 Đường Số 17A, Bình Trị Đông B, Bình Tân, Hồ Chí Minh.
Xem thêm:
- Tác động của bệnh tiểu đường ở trẻ em
- Nguyên nhân trẻ nghiện điện thoại – Dấu hiệu và cách cai nghiện
- Top 7 kỹ năng sống cho bé 3 tuổi phát triển toàn diện
Nguy cơ bị dị tật sứt môi, hở hàm ếch luôn là mối lo ngại của nhiều bậc phụ huynh. Vì vậy, trong thời gian mang thai, các mẹ hãy thường xuyên tái khám định kỳ để tầm soát nguy cơ bệnh tật và hãy luôn theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của con sau khi bé chào đời.
Nguồn tham khảo:
1. Cleft lip and cleft palate
- Link tham khảo: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cleft-palate/symptoms-causes/syc-20370985
- Ngày tham khảo: 26/08/2024
2. Cleft Lip and Cleft Palate
- Link tham khảo: https://www.webmd.com/oral-health/cleft-lip-cleft-palate
- Ngày tham khảo: 26/08/2024