Bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em: Nguyên nhân và điều trị

Bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em là một bệnh tự miễn mãn tính gây tổn thương các cơ quan khác nhau nếu không được phát hiện sớm. Trong đó, lupus ban đỏ sơ sinh là bệnh hiếm gặp, xuất hiện ngay sau khi trẻ chào đời, nếu không được điều trị tích cực sẽ chuyển biến xấu. Vì vậy, bài viết này của Docosan sẽ cung cấp những thông tin giúp cha mẹ nhận biết sớm bệnh để đưa con đi điều trị kịp thời.

Các loại bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em

Có 2 loại lupus ở trẻ:

  • Lupus ban đỏ hệ thống (Systemic lupus erythematosus – SLE) là loại lupus phổ biến nhất. Nó có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể.
  • Bệnh lupus ở da : thường chỉ ảnh hưởng đến da, biểu hiện bằng các ban trên da đầu, chân hoặc tay. Bệnh còn được gọi là lupus ban đỏ dạng đĩa (Discoid lupus erythematosus – DLE)

Nếu phân loại theo nguyên nhân gây bệnh thì có 3 loại lupus:

  • Lupus nguyên phát : bệnh có nhiều yếu tố phức tạp tham gia, trong đó có 2 yếu tố chính, quan trọng nhất là di truyền và rối loạn miễn dịch.
  • Lupus do thuốc xảy ra như một phản ứng của cơ thể với một số loại thuốc. Các triệu chứng thường biến mất khi bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc.
  • Lupus sơ sinh: một loại lupus hiếm gặp xảy ra ngay sau khi sinh.
benh-lupus-ban-do-o-tre-em
Lupus ban đỏ ở trẻ sơ sinh

Triệu chứng bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lupus có thể khác nhau ở mỗi bé, nhưng có thể bao gồm:

  • Phát ban trên mặt (hồng ban cánh bướm) hoặc thân người
  • Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời
  • Cực kỳ mệt mỏi
  • Sốt
  • Đau khớp, có thể kèm cứng hoặc sưng khớp
  • Hội chứng Raynaud
  • Đau cơ
  • Sụt cân
  • Vết loét ở mũi, miệng hoặc cổ họng
  • Nổi hạch
  • Các mảng hói và rụng tóc
  • Số lượng tế bào hồng cầu thấp (thiếu máu)
  • Nhiễm trùng
  • Viêm màng ngoài tim, màng bụng hoặc màng phổi
  • Co giật hoặc các vấn đề thần kinh khác như đau đầu, giảm trí nhớ
  • Vấn đề về thận

Biến chứng bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em

Bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em thường để lại biến chứng nhiều hơn người lớn, đặc biệt tổn thương thận và thần kinh.

Đối với lupus sơ sinh, biến chứng tiềm ẩn đáng lưu ý nhất là rối loạn nhịp tim bẩm sinh. Nếu không được điều trị trong vài tháng đầu đời, trẻ có thể cần đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn hoặc có thể nguy kịch đến tính mạng.

Bên cạnh đó, một số biến chứng xuất phát từ quá trình điều trị lâu dài của bệnh, chẳng hạn như trẻ có thể bị loãng xương do sử dụng steroid trong một thời gian dài.

Chính vì vậy, lupus ban đỏ ở trẻ em cần được chẩn đoán và tích cực điều trị trong những ngày đầu tiên, cải thiện tiên lượng lâu dài cho trẻ.

Nguyên nhân gây bệnh lupus ban đỏ ở trẻ

Lupus là một bệnh tự miễn, nghĩa là hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tấn công những mô khoẻ mạnh trong cơ thể bệnh nhân. Lupus do nhiều yếu tố tác động, trong đó hai yếu tố quạn trọng nhất được cho là có liên quan trực tiếp đến bệnh là di truyền và rối loạn miễn dịch.

Trẻ em có thể bị bệnh lupus vì một hoặc nhiều lý do sau:

  • Di truyền : các gene có liên quan đến bệnh như HLA-B8, HLA-DR3…
  • Rối loạn miễn dich : hệ thống miễn dịch bị mất kiểm soát, do đó không thể phân biệt tế bào thuộc cơ thể. Kháng thể sinh ra từ hệ thống miễn dịch sẽ tấn công tế bào khoẻ mạnh của cơ thể do nhầm lần đây là các tế bào “lạ”.

Một số yếu tố đóng vai trò kích hoạt lupus tiến triển như :

  • Hormone sinh dục nữ
  • Một số loại thuốc như hydralazin, sulfonamid…
  • Nhiễm trùng
  • Ánh nắng mặt trời

Chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ ở trẻ

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh lupus bằng cách hỏi về các triệu chứng và chỉ định xét nghiệm:

Xét nghiệm đặc hiệu cho bệnh lupus :

  • Tìm các kháng thể như kháng thể kháng nhân (Antinuclear Antibody – ANA), ckháng thể kháng Ds – DNA, kháng thể kháng hồng cầu….

Xét nghiệm đánh giá mức độ tổn thương của bệnh trên các cơ quan :

  • Xét nghiệm công thức máu
  • Xét nghiệm nước tiểu đánh giá tổn thương thận
  • Siêu âm tim, bụng
  • Xquang ngực

Việc chẩn đoán bệnh lupus có thể khó khăn vì nó có thể ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể và các triệu chứng rất khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Do đó bác sĩ cần phối hợp khám tổng quát và thực hiện các xét nghiệm để đưa ra chẩn đoán chính xác.

Điều trị bệnh lupus ban đỏ ở trẻ

Hiện tại không có cách chữa khỏi hẳn bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em, nhưng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng bằng thuốc.

Nguyên tắc điều trị bệnh lupus ở trẻ em là:

  • Cấp cứu tình trạng nguy kịch cho trẻ (nếu có)
  • Điều trị ức chế miễn dịch
  • Điều trị biến chứng

Trẻ bị bệnh lupus ban đỏ có thể được chỉ định:

  • Corticosteroid để kiểm soát tình trạng viêm
  • Thuốc ức chế miễn dịch để giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể
  • Thuốc chống sốt rét để giúp điều trị phát ban ngoài da và đau khớp
  • Acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để điều trị đau khớp và cơ

Một số lời khuyên từ bác sĩ về việc chăm sóc trẻ bị lupus:

  • Tránh ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt
  • Mặc áo chống nắng khi ra ngoài để giúp giảm số lần bùng phát.
  • Tập thể dục thường xuyên để đỡ mệt mỏi và cứng khớp.
  • Nghỉ ngơi

Chăm sóc trẻ bị lupus ban đỏ đúng cách

  • Đưa bé đi khám đúng lịch hẹn, thực hiện lời khuyên của bác sĩ
  • Tìm hiểu những triệu chứng cảnh báo sớm một cơn bùng phát bệnh sắp tới. Đặt lịch hẹn khám nhi ngay khi trẻ có các triệu chứng này.
  • Nói chuyện với nhân viên nhà trường để họ thông cảm và quan tâm giúp đỡ việc điều trị

Bác sĩ Nhi có kinh nghiệm điều trị bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em

  • Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thê – 40 năm kinh nghiệm – Quận Tân Bình
  • Bác sĩ Trần Văn Công – Chữa bệnh không dùng thuốc – Quận Bình Thạnh
  • BS Lê Hồng Thiện – Quận Thủ Đức

Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo