Nanh sữa ở trẻ sơ sinh (0-3 tháng tuổi): Dấu hiệu và cách xử lý hiệu quả

Khi chăm sóc răng miệng cho con, nanh sữa là tình trạng bố mẹ thường gặp cũng như dễ nhận thấy nhất. Đôi khi dấu hiệu này sẽ gây hoang mang lo lắng cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là với đứa con đầu lòng. Bài viết này của Docosan sẽ giúp các bạn, người đang và sẽ làm cha mẹ hiểu rõ. 

Nanh sữa ở trẻ sơ sinh là gì?

Về bản chất giải phẫu bệnh học, Nanh sữa u nang lợi ( u nang nướu ) nằm trên vị trí hai răng nanh (trên lợi) của trẻ. 

Đây là 1 loại u nang có vỏ bọc mỏng, bên trong chứa Keratin hay còn gọi là chất sừng màu trắng, vì vậy mà đại đa số u nang lợi có màu trắng. 

Trẻ sơ sinh là đối tượng thường bị nhất vì các mảnh vụn tế bào trong quá trình hình thành răng sữa còn sót lại trong xương hàm của sự phát triển phôi thai sẽ tích tụ vào u nang sau khi trẻ được sinh ra. Thông thường, nanh sữa sẽ xuất hiện khi trẻ khoảng 0- 3 tháng tuổi, tuy nhiên cũng có trường hợp nanh sữa mọc muộn ở tháng thứ 7-8. Bố mẹ nên thường xuyên quan sát, không chủ quan khi trẻ qua độ tuổi thường gặp phải tình trạng này. 

Một dạng u nang bọc nằm trong khoang miệng có thể dễ nhầm lẫn với nanh sữa, nhưng các u này sẽ nằm rải rác ở trên vòm miệng. Về bản chất là do mảnh vụn của các tế bào tuyến nước bọt bị vùi đắp dưới niêm mạc trong thời kỳ phôi thai.

nanh sữa
Hình ảnh điển hình của nanh sữa ở trẻ sơ sinh mà các bà mẹ cần biết

Nanh sữa ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Trong trường hợp nanh sữa ở trẻ sơ sinh là u nang nằm ở vị trí xung quanh hai răng nanh của hàm răng trên, bản chất u nang là một tổn thương tăng sinh tế bào lành tính và có hóa thành bọc 

Vì vậy nanh sữa thường không gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ và đa số sẽ tự thoái hóa biến mất trong khoảng 2 tuần sau khi hình thành hoặc sau khi trẻ 5 tháng tuổi. Cũng có trường hợp nanh sữa tự biến mất khi trẻ 8 tháng tuổi. Trường hợp này thường hiếm xảy ra nên bố mẹ không cần quá lo lắng.

Nanh sữa là một dạng tổn thương lành tính, không gây nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên vẫn có tỷ lệ nhỏ nanh sữa không được vệ sinh tốt sẽ bị nhiễm khuẩn gây ra phản ứng viêm bên trong u nang bọc. Hậu quả là gây đau đớn và khó chịu cho trẻ khi bú hay uống nước. Chính vì vậy, bố mẹ cần thường xuyên quan sát sự thay đổi về răng miệng của trẻ. 

Khi phát hiện trẻ có nanh sữa cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ thường xuyên để tình trạng này biến mất nhanh chóng, giúp trẻ thoải mái, dễ chịu hơn. Khi trẻ không ăn uống được, quấy khóc sẽ rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và có thể khiến trẻ dễ mắc phải những căn bệnh khác. Trong trường hợp, tình trạng nanh sữa gây ảnh hưởng nghiêm trọng cần đến bác sĩ để kiểm tra và xử lý kịp thời.

Dấu hiệu trẻ sơ sinh có nanh sữa

Đối với những người làm cha mẹ, nhất là những người nuôi con đầu lòng, thường gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Những thay đổi của con luôn khiến họ lo lắng không biết đó là bình thường hay bất thường. Nhiều lúc, nếu chủ quan sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Hầu hết trẻ sơ sinh sẽ nhận được sự chăm sóc đặc biệt kỹ càng của các bà mẹ, nên việc phát hiện nanh sữa thường dễ dàng. 

Bình thường nanh sữa ở trẻ sơ sinh sẽ có kích thước mỗi hạt (U nang ) khoảng 2 đến 3 mm, màu trắng hay vàng nhạt trên nền lợi xung quanh màu hồng nhạt.Tuy nhiên nanh sữa có thể phát triển kín đáo trên răng trẻ, đến khi bà mẹ phát hiện thì nanh sữa đã lớn và các biến chứng bội nhiễm.

Việc thường xuyên vệ sinh răng miệng cho trẻ sẽ giúp bố mẹ nhanh chóng phát hiện những thay đổi của trẻ hơn. Bất kỳ căn bệnh nào cũng vậy, nếu như được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ nhanh chóng, đạt hiệu quả cao, chữa được dứt điểm, hạn chế những biến chứng có thể xảy ra. 

Để phát hiện nhanh chóng, kịp thời, các bậc cha mẹ cần biết các dấu hiệu gợi ý rằng con mình bị nanh sữa. Các dấu hiệu bố mẹ có thể tham khảo như sau:

  • Thường xuyên quan sát khoang miệng và lợi (nướu) của trẻ, nếu mẹ thấy những nốt tròn màu trắng hay vàng nhạt mọc trên vùng hai răng nanh, vùng lợi có màu hồng nhạt thì đó là dấu hiệu của nanh sữa.
  • Nếu thấy trẻ có biểu hiện giảm bú hay bỏ bú, bú đau dẫn đến quấy khóc nhiều thì nên cần phải kiểm tra khoang miệng của trẻ.

Sau khi quan sát mà trẻ có những dấu hiệu trên, bố mẹ đừng quá lo lắng, hãy vệ sinh sạch sẽ răng miệng cho trẻ, nanh sữa sẽ tự biến mất. Trong trường hợp chưa biết hoặc nanh sữa có biểu hiện bất thường, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ để được kiểm tra cũng như hướng dẫn xử lý phù hợp với tình trạng của trẻ.

Điều đáng chú ý là khi đã phát hiện nanh sữa ở trẻ sơ sinh thì cần phải theo dõi thêm vùng lợi xung quanh nanh sữa để kịp thời phát hiện biến chứng bội nhiễm gây sưng đỏ và đau nhiều cho trẻ.

nanh sữa
Quan sát miệng của trẻ thường xuyên sẽ giúp bà mẹ phát hiện nanh sữa và biến chứng có thể xảy ra

Cách xử lý hiệu quả Nanh sữa

Mỗi trẻ sẽ có cơ địa, tình trạng sức khỏe khác nhau. Việc chữa trị nanh sữa cho trẻ sơ sinh cần phụ thuộc vào tình hình thực tế từng trẻ. Bên cạnh việc quan sát tình trạng răng miệng, bố mẹ cũng cần theo dõi biểu hiện cơ thể của trẻ.

Nếu trẻ vẫn chơi ngoan, bú bình thường. Nanh sữa sẽ tự biến mất khi bố mẹ chăm sóc răng miệng cho trẻ thường xuyên, đúng cách. Nếu nanh sữa quá to sẽ gây khó chịu cho trẻ khi bú hoặc có nhiễm khuẩn dẫn đến trẻ sốt, đau quấy khóc, bỏ bú. 

Khi gặp tình huống này thì các bà mẹ nên bình tĩnh, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để thăm khám. Đôi khi bác sĩ và gia đình phải lựa chọn có nên nhổ nanh sữa cho trẻ không? Điều này phụ thuộc vào tình trạng của nanh sữa cũng như sức khỏe của trẻ. Bác sĩ sẽ theo dõi cũng như đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Điều yên tâm là tình huống trên chỉ xảy với tỷ lệ rất nhỏ trong số trẻ sơ sinh. Vì vậy các bà mẹ sẽ cần phải chăm sóc răng miệng cho con mình đúng cách và theo dõi thường xuyên cho đến khi nanh sữa tự hết.

Bố mẹ đừng quá lo lắng, sợ hãi mà sử dụng những bài thuốc, phương pháp truyền miệng. Những phương pháp này chưa có căn cứ khoa học, khiến tình trạng tệ hơn, có thể có những biến chứng, gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ nhỏ.

Khi nhổ nanh sữa cho bé, bố mẹ không được tự ý làm ở nhà. Điều này dễ khiến bé bị nhiễm khuẩn do mất vệ sinh, chảy máu làm cho bé bị đau, quấy khóc, không hợp tác, có thể gây tổn thương đến vùng da hay bộ phận khác trên cơ thể. Và nếu có vấn đề gì bất thường xảy ra, bố mẹ sẽ không thể phản ứng cũng như xử lý kịp thời, đúng cách, hiệu quả gây nguy hiểm đến trẻ.

Chích hoặc nhổ nanh sữa cần thực hiện ở những cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo chất lượng và được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn. Kỹ thuật này không quá khó, nhưng với trẻ sơ sinh cần được thực hiện sớm, cẩn thận, chính xác. Quy trình chính, nhổ nanh sữa sẽ được thực hiện như sau:

  • Trước khi xử lý, bác sĩ bôi cho trẻ một lượng thuốc tê vừa đủ để giảm đau.
  • Bác sĩ sử dụng các dụng cụ chuyên dụng đã được tiệt trùng để làm rách vỏ, nang sẽ tự vỡ giải phóng ra chất màu trắng hoặc vàng nhạt
  • Khoảng từ 1 đến 2 ngày sau đó, chỗ chích nanh sữa sẽ tự lành lại mà không cần can thiệp gì thêm.

Phương pháp này không mang tính chất dự phòng, nó chỉ làm biến mất nanh sữa tại một vị trí chích. Điều này có nghĩa là, nanh sữa vẫn có thể mọc lại ở những vị trí khác. Bố mẹ cần bảo vệ sức khỏe răng miệng cho trẻ, đưa trẻ tái khám khi có hiện tượng nanh sữa trở lại.

Bên cạnh việc chữa trị, bố mẹ nên quan tâm hơn đến việc phòng ngừa. Ngay cả khi chưa hoặc không có sự xuất hiện của nanh sữa trẻ sơ sinh, bố mẹ cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đảm bảo an toàn, cẩn thận, nhẹ nhàng cho trẻ. Nếu chưa có kinh nghiệm có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ. Không nên chủ quan mà hãy quan sát kĩ những thay đổi của các bé. Bố mẹ khi thực hiện vệ sinh răng miệng cho trẻ tại nhà, cần lưu ý những điểm sau, để bé dễ chịu cũng như có răng miệng sạch khỏe:

  • Khi vệ sinh răng miệng cho con, bố mẹ cần đảm bảo tay của mình phải sạch để tránh vi khuẩn từ bên ngoài xâm nhập vào miệng con. Hãy rửa tay thật sạch bằng xà phòng và lau khô tay bố mẹ nhé.
  • Dùng khăn sạch, nước ấm khi chăm sóc răng miệng cho trẻ
  • Thực hiện vệ sinh răng miệng cho trẻ tối thiểu 3 lần/ngày hoặc sau khi trẻ bú 
  • Cần lau rửa cẩn thận đầu vú hoặc núm của bình sữa
  • Lấy khăn mềm hoặc gạc rơ lưỡi tiệt trùng nhúng nước muối sinh lí 0,9% để lau khoang miệng, lưỡi, phần mọc nanh sữa của trẻ có thể đẩy nhanh quá trình thoái hóa của nanh sữa. Chú ý động tác phải nhẹ nhàng, không chà xát quá mạnh và nhanh khiến trẻ phản kháng, khó chịu, gây tổn thương đến khoang miệng của trẻ. Khi vệ sinh răng miệng cho bé, bố mẹ nên mát xa, nói chuyện nhẹ nhàng để bé thoải mái, dễ chịu, không bị đau, sẵn sàng hợp tác cho những lần sau nữa.
  • Lưu ý sau khi đã vệ sinh răng miệng cho trẻ xong, bố mẹ nên dùng khăn mềm, sạch lau khô cho bé, hạn chế môi trường ẩm ướt thuận lợi cho vi khuẩn.

Chăm sóc răng miệng cho trẻ không chỉ thực hiện trong quá trình trẻ mọc nanh sữa mà cần thực hiện hàng ngày. Điều này giúp cho bé có sức khỏe răng miệng tốt, đảm bảo, sạch sẽ, khỏe mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mọc răng sau này.

Trong trường hợp, nanh sữa bị nhiễm khuẩn, trẻ khó chịu, bỏ bú. Thay vì làm theo những phương pháp truyền miệng, dân gian không đảm bảo an toàn. Bố mẹ cần đưa bé đến các sơ sở y tế để được kiểm tra, có phương pháp điều trị phù hợp nhất.

nanh sữa
Vệ sinh răng miệng lợi của trẻ sơ sinh đúng cách sẽ làm nanh sữa nhanh chóng tự biến mất tự nhiên

Kết luận

Trẻ nhỏ nhất là trẻ sơ sinh thường gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe do các cơ quan chưa được hoàn thiện đầy đủ, hệ miễn dịch còn yếu. Một trong các vấn đề mà bé có thể gặp phải trong giai đoạn này là mọc nanh sữa.

Khi các ông bố bà mẹ thấy con mình bị nanh sữa cần bình tĩnh tránh hoang mang và thực hiện chăm sóc vệ sinh răng miệng cho trẻ tốt hơn. Việc này không chỉ thực hiện trong thời gian mọc nanh mà cần thực hiện thường xuyên, hàng ngày đảm bảo răng miệng bé luôn khỏe mạnh. Đồng thời cần theo dõi sát tình trạng bú cũng như tình hình phát triển của các nanh sữa để kịp thời phát hiện dấu hiệu nặng, tránh để lâu gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. 

Lời khuyên tốt nhất dành cho các bậc cha mẹ là cần liên hệ Bác sĩ để có sự tư vấn cụ thể cho từng trẻ và có chiến lược theo dõi điều trị phù hợp mang lại sức khỏe tốt cho trẻ.

Răng nanh sữa mọc ở tuổi nào?

Nanh sữa thường mọc ở trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi. Bố mẹ cần thường xuyên quan sát, theo dõi tình trạng sức khỏe răng miệng của bé phát hiện nanh sữa nếu nó xuất hiện, từ đó có thể xử lý nhanh chóng, kịp thời.

Trẻ sơ sinh mọc nanh sữa phải làm sao?

Khi trẻ mọc nanh sữa, bố mẹ cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ, nhẹ nhàng,thường xuyên cho bé. Tuy nhiên, trong trường hợp, nanh sữa trẻ sơ sinh lớn, nhiễm khuẩn khiến bé đau, khó chịu, bố mẹ cần đưa bé đến các cơ sở y tế, nha khoa để được kiểm tra và điều trị. Bố mẹ không tự thực hiện theo các phương pháp truyền miệng hay nhổ nanh sữa của bé. Việc nhổ nanh sữa phải được thực hiện an toàn, vệ sinh, đảm bảo tại các cơ sở y tế.

Nanh sữa trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Nanh sữa trẻ sơ sinh là một tổn thương lành tính, ít gây biến chứng và phần lớn tự tiêu biến khi trẻ được 2 tuần đến 5 tháng sau khi sinh. Tuy nhiên, không vì thế mà bố mẹ chủ quan. Trong thời gian này, bố mẹ cần quan sát kỹ cũng như vệ sinh răng miệng thường xuyên, tránh tính trạng nanh bị nhiễm khuẩn gây đau đớn, khó chịu khiến bé quấy khóc, bỏ bú ảnh hưởng đến sức khỏe

Nguồn tham khảo: