Nhiễm trùng đường tiểu ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị

Nhiễm trùng đường tiểu được xác định khi có sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu. Trẻ nhỏ có nguy cơ bị tổn thương thận liên quan đến nhiễm trùng tiểu hơn trẻ lớn hơn hoặc người lớn.

Hoạt động của hệ tiết niệu

Hệ tiết niệu bao gồm các cơ quan trong cơ thể có vai trò tạo ra, lưu trữ và tống xuất nước tiểu. Nước tiểu được tạo ra trong thận và đi xuống bàng quang qua niệu quản. Thận tạo ra khoảng 1.5 đến 2 lít nước tiểu mỗi ngày ở người lớn và ít hơn ở trẻ em, tùy thuộc vào độ tuổi. Ở trẻ em, bàng quang có thể chứa 30-45 ml nước tiểu cho mỗi năm tuổi. Ví dụ, bàng quang của một đứa trẻ 4 tuổi có thể chứa từ 120-180 ml nước tiểu.

Nước tiểu bình thường không có vi khuẩn và dòng chảy một chiều giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên, vi khuẩn có thể xâm nhập từ bên ngoài vào qua niệu đạo và đi lên bàng quang.

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu

Thông thường khi bé bị nhiễm trùng đường tiểu, các niêm mạc của bàng quang, niệu đạo, niệu quản và thận của bé trở nên sung huyết. Trẻ lớn có thể kêu đau ở vùng bụng dưới hoặc vùng lưng, trẻ phải đi tiểu thường xuyên hơn. Bé có thể khóc khi đi tiểu, hoặc phàn nàn rằng đau khi đi tiểu và chỉ đi được vài giọt (tiểu lắt nhắt). Trẻ lớn cũng có thể đi tiểu không kiểm soát và có thể đái dầm.

Trẻ sơ sinh quá nhỏ để có thể nói cho bạn biết cảm giác của trẻ, các dấu hiệu nhiễm trùng tiểu có thể rất mơ hồ và không liên quan đến đường tiết niệu. Bé có thể chỉ bị sốt cao, hay cáu kỉnh và không chịu ăn. Đôi khi trẻ chỉ bị sốt nhẹ, đi ngoài phân lỏng hoặc có vẻ không khỏe mạnh. Tuy nhiên, ba mẹ có thể nhận thấy rằng nước tiểu trong tã có mùi lạ.

Một số triệu chứng khác trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu:

  • Đau, rát hoặc cảm giác châm chích khi đi tiểu
  • Đi tiểu thường xuyên hoặc cảm thấy cần đi tiểu gấp, ngay cả khi không có nước tiểu
  • Nước tiểu có mùi hôi, có thể đục hoặc có máu
  • Sốt
  • Đau ở thắt lưng hoặc xung quanh bàng quang
nhiem-trung-duong-tieu
Đau rát khi đi tiểu là một triệu chứng nhiễm trùng đường tiểu

Biến chứng nhiễm trùng đường tiểu

Trẻ nhỏ có nguy cơ bị tổn thương thận do nhiễm trùng tiểu cao nhất, đặc biệt nếu trẻ có một số bất thường bẩm sinh đường tiết niệu. Tổn thương có thể gây ra sẹo ở mô thận, khiến thận tăng trưởng kém và chức năng thận bất thường, cũng như làm huyết áp tăng cao và một số bệnh lý khác liên quan đến thận.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Nếu bé bị sốt cao và có biểu hiện ốm mà không rõ lý do (chẳng hạn như lừ đừ, bỏ ăn bỏ bú, nôn ói không rõ nguyên nhân), bạn nên đưa con đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng ở thận và không được điều trị ngay lập tức, vi khuẩn có thể đi vào máu và gây nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng bệnh nhân hoặc gây tổn thương thận lâu dài.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiểu

Nước tiểu bình thường không có vi khuẩn. Nhưng vi khuẩn có trên bề mặt da và được tìm thấy với số lượng lớn ở khu vực hậu môn – trực tràng và trong phân. Đôi khi, vi khuẩn có thể di chuyển lên niệu đạo vào bàng quang. Khi đó, vi khuẩn sẽ sinh sôi và có thể gây nhiễm trùng tiểu, trừ khi cơ thể loại bỏ vi khuẩn.

Có 2 loại nhiễm trùng đường tiểu cơ bản: nhiễm trùng bàng quangnhiễm trùng thận. Khi nhiễm trùng trong bàng quang, nó có thể gây sưng và đau bàng quang. Đây được gọi là viêm bàng quang.

Nếu vi khuẩn đi từ bàng quang qua niệu quản và đến thận sẽ gây nhiễm trùng thận, hay viêm thận. Nhiễm trùng thận nghiêm trọng hơn nhiễm trùng bàng quang và có thể gây hại cho thận, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Nhiều trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu nhưng cấu trúc giải phẫu hệ tiết niệu bình thường. Những trường hợp có bất thường hệ tiết niệu cần được phát hiện càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời giúp bảo vệ thận. Hai bất thường phổ biến là:

  • Trào ngược bàng quang – niệu quản (vesicoureteral reflux – VUR)

Nước tiểu bình thường chảy từ thận xuống niệu quản và vào bàng quang. Dòng chảy một chiều này thường được kiểm soát nhờ một “van” nơi niệu quản nối với bàng quang. Khi bị trào ngược bàng quang niệu quản, nước tiểu chảy ngược từ bàng quang lên niệu quản đến thận. Nước tiểu này có thể mang vi khuẩn từ bàng quang lên thận và gây nhiễm trùng thận (viêm thận).

  • Tắc nghẽn đường tiết niệu

Dòng nước tiểu có thể bị tắc nghẽn tại nhiều vị trí trong đường tiết niệu. Những tắc nghẽn này hầu hết là do các khu vực hẹp bất thường trong đường tiết niệu, ngăn cản dòng chảy tống xuất nước tiểu ra ngoài cơ thể.

Có thể phòng tránh nhiễm trùng đường tiểu không?

Nếu con bạn có đường tiết niệu bình thường, một số thói quen nhất định có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu. Thường xuyên rửa sạch bộ phận sinh dục là một trong những cách bảo vệ tốt nhất của cơ thể chống lại nhiễm trùng tiểu. Uống nhiều nước hơn sẽ làm tăng lưu lượng nước tiểu để tống vi khuẩn ra ngoài cơ thể theo nước tiểu.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thay tã thường xuyên hơn có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tiểu. Khi trẻ bắt đầu tập đi vệ sinh, điều quan trọng là phải dạy trẻ thói quen vệ sinh tốt. Sau mỗi lần đi tiêu, bé gái nên lau từ trước ra sau – không lau từ sau ra trước. Điều này giúp vi trùng không di chuyển từ hậu môn đến niệu đạo. Các bé cần hiểu rằng phải hạn chế nhịn tiểu, khi cần và có thể, phải đi vào nhà vệ sinh ngay, tránh để nước tiểu tồn đọng quá lâu trong bàng quang.

Điều trị nhiễm trùng đường tiểu

Sau khi được chẩn đoán xác định nhiễm trùng tiểu thông qua xét nghiệm nước tiểu, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Cha mẹ cũng có thể giúp con mình chóng khỏi bệnh bằng cách khuyến khích con uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên.

Nếu bé bị ốm nặng và không thể uống thuốc được, có thể cần phải tiêm kháng sinh cho bé tại bệnh viện. Nếu trẻ ở nhà và các triệu chứng không cải thiện sau 3 ngày dùng thuốc, bạn cần đưa bé đi tái khám ngay.

Thông thường, bệnh sẽ thuyên giảm sau một tuần, các triệu chứng biến mất hoàn toàn sau vài tuần. Việc uống thuốc đều đặn theo dặn dò của bác sĩ là rất quan trọng. Một khi nhiễm trùng đường tiểu không được điều trị dứt điểm, bệnh có khả năng tái phát hoặc trẻ sẽ bị các bệnh nhiễm trùng khác.

Các bác sĩ chữa nhiễm trùng đường tiểu

Kết luận

Nhiễm trùng đường tiểu khiến trẻ tiểu lắt nhắt, đau khi đi tiểu, nước tiểu trẻ có mùi lạ, đục hoặc có máu… Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, nhiễm trùng tiểu dẫn đến viêm nhiễm ở thận, ảnh hưởng chúc năng thận của trẻ. Vì vậy, ngay khi có các triệu chứng gợi ý một tình trạng nhiễm trùng tiểu, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay.


Bài viết được tham khảo bác sĩ Trần Bảo Ngọc và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn tại Docosan để điều trị.