Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị

Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ Nguyễn Phan Hồng Sương, chuyên Nhi khoa, hiện đang công tác tại Phòng khám Nhi khoa Mianca.

Hệ tiêu hóa của trẻ em vốn rất non nớt và dễ bị tấn công khiến dẫn đến tình trạng rối loạn tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em là một vấn đề sức khỏe thường gặp khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Các rối loạn tiêu hóa gây khó chịu cho trẻ và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất cũng như trí não của trẻ, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hãy cùng Doctor có sẵn đọc bài viết dưới đây để biết thêm các thông tin về rối loạn tiêu hóa ở trẻ em.

Các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ

  • Đau bụng
  • Nôn ói, nôn trớ
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Đầy hơi
  • Xuất huyết tiêu hóa
  • Chán ăn, bỏ ăn, bỏ bú

Đối với các trẻ sơ sinh, bé có thể quấy khóc, bỏ bú, nôn trớ, tiêu phân lỏng. Bậc cha mẹ cần chú ý tới các dấu hiệu báo hiệu tình trạng nguy hiểm cần phải được đi tới bác sĩ ngay

  • Dấu hiệu mất nước ở trẻ như mắt trũng, véo da bụng lâu trở về hình dạng ban đầu, khi cho nước uống thì uống rất háo hức,.. 
  • Dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, tay chân lạnh, trẻ li bì, không lanh lợi như trước,..

Nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa ở trẻ em 

Do không vệ sinh an toàn thực phẩm

Khi bé ăn phải các thức ăn đồ uống không đảm bảo vệ sinh, đã quá hạn sử dụng, đồ ôi thiu hay thức ăn chưa được chế biến chín kĩ có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, nặng hơn có thể dẫn đến ngộ độc thức ăn và gây ra các hậu quả nguy hiểm

Do chế độ ăn không phù hợp

Hệ tiêu hóa vốn non nớt ở trẻ em hoạt động không hiệu quả như người lớn. Với chế độ ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở trẻ.

Bên cạnh đó, bé có thể mắc các căn bệnh khiến trẻ không thể tiêu thụ các thực phẩm đó, nếu cho trẻ ăn có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ví dụ như bệnh Celiac hay bệnh không dung nạp lactose.

  • Bệnh Celiac – không dung nạp với gluten (protein có trong lúa mạch, lúa mạch đen và lúa mì). Ở trẻ mắc bệnh Celiac, khi ăn thực phẩm chứa gluten, hệ thống miễn dịch của trẻ sẽ tấn công và làm tổn thương ruột non. Phương pháp điều trị là chế độ ăn hoàn toàn không có gluten. 
  • Không dung nạp lactose –  Lactose là một loại đường tự nhiên có trong sữa. Những trẻ mắc bệnh không dung nạp lactose sẽ thiếu enzym cần thiết để phân hủy đường này, vì vậy trẻ không thể tiêu hóa nó. Các triệu chứng bao gồm tiêu chảy và đầy hơi hoặc chướng bụng sau khi ăn các sản phẩm từ sữa

Do trẻ có sức đề kháng yếu

Sức đề kháng yếu khiến niêm mạc ruột dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài, thường xảy ra ở các trẻ sinh non, trẻ sinh nhẹ cân, không được bú sữa mẹ hoặc bú mẹ không hoàn toàn nhất là trong 6 tháng đầu sau sinh.

roi loan tieu hoa o tre
Trẻ có sức đề kháng yếu dẫn đến rối loạn tiêu hoá

Do rối loạn hệ vi khuẩn trong đường ruột

Trong đường ruột có rất nhiều vi khuẩn, nhưng là vi khuẩn có lợi cho tiêu hóa. Chúng ta thường hay uống các loại men vi sinh hay sữa chua để tăng thêm các vi khuẩn có lợi này. Việc các hệ vi khuẩn có lợi bị suy yếu làm dẫn đến mất yếu tố bảo vệ cho đường ruột. 

Sử dụng kháng sinh kéo dài có thể làm tiêu diệt các khuẩn có lợi này. 

Do bệnh lý bẩm sinh

một vài bệnh lý đường tiêu hóa bẩm sinh gây ra rối loạn tiêu hóa, ví dụ như bệnh teo ruột non bẩm sinh – xảy ra khi ruột của trẻ không được hình thành đúng cách trong quá trình phát triển và gây tắc nghẽn ở một hay nhiều vị trí khác nhau.

Do các bệnh lý ở đường tiêu hóa 

Rối loạn tiêu hóa là một dấu hiệu cảnh báo các căn bệnh ở ruột,có thể từ nhẹ cho đến nguy hiểm đến tính mạng, một số bất thường ở ruột thường gặp là:

  • Polyp đại tràng
  • U ác tính đường ruột
  • Viêm túi thừa
  • Viêm loét đại tràng
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Bệnh Crohn
  • Nhiễm ký sinh trùng đường ruột
  • Trào ngược dạ dày thực quản

Rối loạn tiêu hóa điều trị như thế nào?

Tùy thuộc vào chẩn đoán, có thể điều trị bằng một số cách dưới đây:

Thay đổi dinh dưỡng và chế độ ăn uống

Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, cha mẹ nên chú ý:

  • Cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết: Chất đạm, tinh bột, chất béo, chất xơ, chất khoáng vitamin,…không nên ăn uống quá kiêng cữ có thể gây suy dinh dưỡng ở trẻ
  • Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín uống sôi, tốt nhất là chế biến, bảo quản đúng cách và sử dụng hết trong ngày để vừa không làm mất đi giá trị dinh dưỡng của thực phẩm vừa an toàn tốt cho sức khỏe tiêu hóa của trẻ..
  • Hạn chế nhóm đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều giàu mỡ thường khó tiêu, đầy bụng.
  • Hạn chế dùng thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn,… chúng thường sẽ có chất bảo quản không tốt cho sức khỏe bé.
  • Hạn chế bánh kẹo ngọt và nước uống có gas

Thuốc

Khi thấy trẻ bị rối loạn tiêu hóa, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, nguyên nhân gây bệnh và được chỉ định các loại thuốc có thể sử dụng để điều trị.

Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống các loại thuốc kháng sinh, thuốc đau bụng hoặc thuốc tiêu chảy – táo bón, chống nôn ói mà chưa được bác sĩ chỉ định. Lạm dụng các loại thuốc trên có thể gây nên những hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe hệ tiêu hóa của bé sau này.

Thông thường rối loạn tiêu hóa sẽ được điều trị bằng các men tiêu hóa, men vi sinh, các thuốc bảo vệ niêm mạc ruột, trong một vài trường hợp trẻ có sốt và có bằng chứng của nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn thì kháng sinh sẽ được dùng để điều trị.

Cung cấp đủ nước cho cơ thể

Khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa, có thể sẽ có nôn ói và tiêu chảy nhiều, vì vậy cần bổ sung thêm nước và các chất điện giải để tránh cơ thể bị mất nước, mất nước nặng có thể dẫn đến hạ huyết áp và sốc do giảm thể tích máu. 

Khi trẻ có hiện tượng nôn ói hay tiêu phân lỏng nhiều, có thể dùng dung dịch Oresol uống. Đây là dạng thuốc có bán ở hầu hết các nhà thuốc với giá thành rất rẻ. Thuốc ở dạng bột trong gói, bỏ vào nước khuấy thành dung dịch uống sau mỗi lần đi tiêu chảy hoặc nôn ói. 

Cách dùng oresol có thể hơi khác nhau ở mỗi nhà sản xuất cũng như hàm lượng thuốc. Cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì của thuốc. Oresol chỉ nên dùng trong vòng 24 giờ sau pha, không để qua ngày, không chia nhỏ gói để pha nhiều lần. 

Trong các trường hợp trẻ nôn ói quá nhiều, không thích hợp dùng thuốc đường uống thì nên được truyền dịch qua tĩnh mạch tại các cơ sở y tế. 

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp rối loạn tiêu hóa do các nguyên nhân dị dạng, xuất hiện các khối u hay bất thường cấu trúc đường tiêu hóa.

Làm sao để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ?

  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong suốt 6 tháng đầu đời, không cần ăn hoặc uống thêm các thức ăn hay đồ uống nào khác.
  • Hạn chế những đồ ăn nhiều dầu mỡ, có thể sử dụng dầu ô liu để bổ sung chất béo thay vì ăn quá nhiều các món chiên xào
  • Cha mẹ nên tự nấu nướng ở nhà cho trẻ ăn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Rửa tay cho trẻ bằng xà phòng trước và sau khi ăn
  • Rèn luyện thói quen ăn uống khoa học, đầy đủ chất.
  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ: rửa tay cho trẻ trước và sau khi chơi đùa để phòng tránh nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn, vi rút hay ký sinh trùng. Đồ chơi của trẻ cũng cần được vệ sinh 2 tuần/lần, không cho trẻ đưa đồ chơi vào miệng để tránh vi khuẩn xâm nhập.
  • Tẩy giun định kỳ: uống thuốc tẩy giun sán định kỳ 6 tháng/lần. Đối với trẻ nhỏ hơn 12 tháng thì không được tẩy giun.

Lời kết

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng khá phổ biến, có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến việc trẻ bị mất nước do tiêu chảy hay nôn ói, chậm tăng cân, một vài trường hợp nặng có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Để điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ em, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, hiệu quả để đảm bảo trẻ có thể phát triển đầy đủ về thể chất và trí não.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.