Sưng hạch bạch huyết là bị gì? Nguyên nhân là gì? Triệu chứng ra sao và cách điều trị như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây cùng Doctor có sẵn.
Tóm tắt nội dung
Hạch bạch huyết là gì?
Hạch bạch huyết là một phần quan trọng không thể thiếu của hệ thống miễn dịch trong cơ thể, giúp chống lại sự xâm nhập của các tác nhân bên ngoài cơ thể. Trong cơ thể người có khoảng 500-600 hạch bạch huyết, nằm rải rác khắp cơ thể, trên đường đi của mạch bạch huyết. Hạch bạch huyết thường tập trung thành nhóm và nhận bạch huyết của từng vùng cơ thể.
Có những hạch bạch huyết nằm nông ở phía bên dưới của da mà chúng ta có thể sờ và cảm nhận được ( trên cổ, sau tai, dưới cằm, dưới hàm, vùng gáy, hố nách, quanh háng…). Bên cạnh đó, cũng có những hạch nằm sâu trong lồng ngực, ổ bụng… không thể sờ thấy, chỉ có thể phát hiện qua thăm khám và chẩn đoán hình ảnh.
Hạch có cấu tạo như hạt đậu hoặc hình trứng, được bao bọc bên ngoài bởi vỏ xơ, phần lõm vào gọi là rốn hạch. Rốn hạch là nơi đi vào nhu mô hạch của động mạch và đồng thời cũng là nơi đi ra của tĩnh mạch và bạch huyết quản đi( dẫn bạch huyết ra khỏi hạch). Trên bề mặt vỏ xơ có nhiều mạch bạch huyết mang bạch huyết đến hạch gọi là huyết quản đến.
Hạch bạch huyết có chức năng sản xuất các kháng thể hoặc các tế bào lympho hoạt hoá, theo hệ tĩnh mạch và đưa vào hệ tuần hoàn máu, bảo vệ cho cơ thể khỏi các tác nhân bên ngoài.
Nguyên nhân gây sưng hạch bạch huyết
Trong lúc thực hiện chức năng miễn dịch, các tế bào trong hạch được sản xuất tăng lên cùng với xác các đại thực bào và tác nhân ngoại lai. Điều này làm cho hạch bạch huyết bị sưng lên và có thể gây đau.
Các nguyên nhân chính khiến sưng hạch bạch huyết có thể kể đến như:
- Các bệnh lý nhiễm khuẩn: viêm phổi, viêm họng, viêm tai giữa, lậu, giang mai,..
- Các bệnh lý nhiễm virus: HIV, cúm, sởi, herpes,..
- Các bệnh lý nhiễm kí sinh trùng, nhiễm nấm, sốt rét,…
- Các bệnh lý liên quan đến quá trình viêm và các bệnh tự miễn: dị ứng thuốc, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp,…
- Các bệnh lí ung thư: Một số ung thư có thể gây sưng hạch bạch huyết. Nguồn gốc có thể bắt nguồn từ chính ung thư hạch bạch huyết hoặc các tế bào máu. Cũng có thể ung thư di căn hạch từ một cơ quan khác trong cơ thể. Ví dụ, ung thư vú có thể lan đến các hạch bạch huyết gần nhất ở nách hoặc ung thư phổi có thể lan đến các hạch bạch huyết quanh xương đòn, ung thư vòm họng thường lan đến hạch bạch huyết ở cổ.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Một số hạch bạch huyết sưng sẽ trở lại bình thường khi tình trạng nhiễm trùng được cải thiện. Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu các hạch bạch huyết bị sưng của bạn:
- Tự nhiên xuất hiện không rõ nguyên nhân
- Tiếp tục to lên sau khi xuất hiện từ 2 đến 4 tuần
- Hạch bạch huyết cứng và không di động
- Sưng hạch bạch huyết đi kèm với sốt liên tục, đổ mồ hôi đêm hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân
- Hạch bạch huyết sưng to trên 2cm đường kính
Chẩn đoán sưng hạch bạch huyết như thế nào ?
Để chẩn đoán chính xác tình trạng sưng hạch bạch huyết của người bệnh, các bác sĩ sẽ hỏi thăm về tiền sử bệnh lý cũng như là thăm khám sức khỏe tổng quát cho người bệnh, đặc biệt chú ý đến vùng có hạch bạch huyết sưng to.
Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu tìm dấu hiệu nhiễm trùng
- Siêu âm
- Chụp X-quang hoặc chụp CT
- Sinh thiết mô hạch bạch huyết và kiểm tra dưới kính hiển vi
Điều trị sưng hạch bạch huyết như thế nào ?
Tình trạng sưng hạch bạch huyết có thể tự hết sau khi người bệnh không còn những tác nhân gây sưng hạch.
Một số các loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định tuỳ theo nguyên nhân gây sưng hạch như các thuốc kháng sinh, kháng nấm, thuốc kháng virus. Một số trường hợp bác sĩ có thể kê thêm thuốc giảm đau, kháng viêm để làm dịu bớt triệu chứng của người bệnh.
Một số bác sĩ có thể khám và điều trị bệnh sưng hạch bạch huyết
- Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh Nguyễn Nguyên Vũ, gần 15 năm kinh nghiệm, quận Bình Tân, TP.HCM
- Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh Võ Văn Trí, hơn 30 năm kinh nghiệm, quận 10, TP.HCM
- Bác sĩ Chuyên khoa 1 Trần Văn Hòa, 15 năm kinh nghiệm, quận 3, TP.HCM
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.
Why are my lymph nodes swollen? – Medical News Today