Triệu chứng tay chân miệng độ 1 và những điều cần lưu ý

Tay chân miệng độ 1 là thể bệnh nhẹ nhất trong phân độ tay chân miệng. Hãy cùng Docosan tìm hiểu về triệu chứng của tay chân miệng độ 1 và cách xử trí thể bệnh này nhé.

Tay chân miệng độ 1 là bệnh gì?

Tay chân miệng là một trong những căn bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em trong những năm đầu đời. Bệnh xuất hiện rải rải rác quanh năm nhưng có xu hướng tăng mạnh vào tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Bệnh được ghi nhận ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Tay chân miệng cấp độ 1 là thể bệnh nhẹ nhất, ít nguy hiểm nhất.

Tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi một số chủng virus sống ở đường ruột, có thể lây trực tiếp từ người này sang người khác. Con đường giúp lây lan bệnh thường gặp nhất là đường tiêu hóa. Tại Việt Nam, tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là virus Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Tay chân miệng độ 1 có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào nhưng thường gặp nhất nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Độ tuổi dưới 3 là nhóm mắc bệnh nhiều nhất và cũng là độ tuổi tập trung nhiều các trường hợp xẩy ra biến chứng.

Bệnh có khả năng lây từ người sang người và gây dịch mỗi năm ở khắp các địa phương trên cả nước, số ca bệnh tăng nhanh trong những khoảng thời gian đỉnh dịch. Những yếu tố khiến bệnh xảy ra nhiều ở trẻ em đó là do nhóm đối tượng này sinh hoạt ở môi trường tập thể như nhà trẻ, trường mẫu giáo hay công viên, khu vui chơi,…

Hiện tại thì bệnh tay chân miệng được phân chia thành 4 mức độ từ nhẹ đến nặng. Bệnh tay chân miệng độ 1 ở trẻ em chỉ biểu hiện bằng các sang thương như loét miệng và/hoặc tổn thương da.

Biểu hiện chính của hầu hết các ca bệnh tay chân miệng trẻ em là các sang thương xuất hiện trên da và niêm mạc ở các vị trí thường gặp như niêm mạc miệng, niêm mạc má, lòng bàn tay, lòng bàn chân… Ở các cấp độ cao hơn, bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, tổn thương đến hệ thần kinh trung ương và nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng tay chân miệng độ 1

Hầu hết các thể bệnh tay chân miệng bao gồm các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn ủ bệnh: là giai đoạn này của bệnh tay chân miệng kéo dài trong khoảng 3 đến 7 ngày.
  • Giai đoạn khởi phát: thường kéo dài không quá 2 ngày với các triệu chứng thường gặp như sốt (thừng là sốt nhẹ), ăn kém, biếng ăn, mệt mỏi có thể kèm theo tiêu chảy.
  • Giai đoạn toàn phát: có thể xuất hiện một số biến chứng tại hệ thần kinh, tuần hoàn hoặc hô hấp, ẩn chứa rủi ro gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
  • Giai đoạn lui bệnh: là giai đoạn cuối cùng kế sau giai đoạn toàn phát, thường kéo dài trong khoảng 3 đến 5 ngày. Hầu hết các ca bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn và không xảy ra biến chứng nếu bé bị tay chân miệng độ 1.

Giai đoạn toàn phát thường kéo dài từ 3 đến 10 ngày và trẻ thường có xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh như sau:

  • Loét miệng: xuất hiện các vết loét có màu đỏ ở niêm mạc miệng, dễ nhầm lẫn với loét miệng apto, có thể có phỏng nước với đường kính không quá 3 mm. Các vết loét có nguy cơ bị bội nhiễm, gây đau đớn khó chịu – nguyên nhân khiến trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
  • Sang thương điển hình: phát ban dạng phỏng nước thường gặp ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông,.. Tổn thương da thường chỉ kéo dài dưới 7 ngày, sau khi lành có thể để lại thâm và ít khi bị bội nhiễm các nhiễm trùng da khác.
  • Sốt: thường chỉ ốt nhẹ, trường hợp sốt cao có thể gợi ý các biến chứng nguy hiểm, cần theo dõi kĩ

Hầu hết các trường hợp bệnh tay chân miệng độ 1 đều có thể điều trị ngoại trú đồng thời theo dõi tại cơ sở y tế gần nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh độ 1 cần phải nhập viện khi trẻ xuất hiện một trong các dấu hiệu nặng sau:

  • Sốt cao > 39 độ C
  • Sốt kéo dài liên tục hơn 3 ngày
  • Buồn nôn, nôn ói nhiều
  • Có dấu hiệu ngủ gà, ngủ kêu dậy không tỉnh hoặc khó đánh thức
  • Bạch cầu máu tăng cao > 17.000/mm3 nghi ngờ có biến chứng bội nhiễm
  • Rối loạn trong nhịp thở như thở nhanh, thở gấp, khó thở, thở co kéo, sử dụng các cơ hô hấp phụ như cơ liên sườn
  • Đột ngột trẻ xuất hiện dấu giật mình chới vớ – đang ngủ thì bé giật mình, tay chân giơ lên chới với, ba mẹ sẽ thấy dấu hiệu này bé chưa từng có trước đây hoặc chỉ xuất hiện trong dợt bệnh lần này (dấu hiệu chuyển độ)
  • Mệt nhiều lừ đừ, quấy khóc nhiều ba mẹ không dỗ được hoặc bứt rứt khó đi vào giấc ngủ nư bình thường
  • Đối với trẻ lớn đã biết đi trước đó thì phụ huynh nên chú ý, quan sát theo dõi khi bé di chuyển xem có yếu chân, loạng choạng té ngã không
  • Dấu hiệu suy tuần hoàn như nổi vân tím trên da, tay chân lạnh, vã mồ hôi, đau ngực, khó thở,…
  • Trẻ đột nhiên xuất hiện cơn co giật hoặc hôn mê

Đa số các bậc cha mẹ lo lắng cho con thường đặt câu hỏi cho bác sĩ rằng tây chân miệng độ 1 mấy ngày thì khỏi. Trong hầu hết các trường hợp tay chân miệng độ 1 sẽ tự khỏi mà không cần can thiệp quá nhiều biện pháp điều trị trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, trong một số tình huống đặc biệt, bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho phụ huynh các biện pháp điều trị và cách chăm sóc tay chân miệng độ 1 tại nhà (điều trị ngoại trú) cho đến khi khỏi hoàn toàn.

Cách xử trí khi trẻ bị tay chân miệng độ 1

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra nên hiện nay vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp điều trị bệnh tay chân miệng chủ yếu hiện nay là điều trị triệu chứng, nâng đỡ thể trạng, xây dựng các biện pháp dự phòng và điều trị biến chứng xảy ra ở trẻ nếu có.

Tay chân miệng cấp độ 1 là bệnh tay chân miệng thể nhẹ, có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, giúp cha mẹ có thể chăm sóc bé tại nhà. Các biện pháp điều trị chủ yếu cho trẻ như sau:

  • Cung cấp dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ theo lứa tuổi, nếu trẻ còn bú cần tiếp tục cho bú sữa mẹ bình thường.
  • Nếu bé có sốt thì hạ sốt bằng paracetamol 10 mg/kg/lần dùng đường uống mỗi 6 giờ theo chỉ định của bác sĩ.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho bé để tránh bội nhiễm.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi thoải mái, tránh tạo ra các kích thích cho bé.

Ba mẹ đưa trẻ tới cơ sở y tế để tái khám sau mỗi 1 – 2 ngày, liên tục trong tuần đầu tiên của bệnh. Trong trường hợp nếu trẻ bị sốt phải tái khám mỗi ngày, liên tục cho đến khi trẻ hết sốt ít nhất 48 giờ. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được thăm khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ chuyển độ cao hơn (độ 2a) như sau:

  • Sốt cao ≥ 39 độ C liên tục không hạ
  • Nhịp thở nhanh, khó thở
  • Giật mình chới với
  • Mệt mỏi, lừ đừ
  • Run tay chân, đi đứng loạng choạng
  • Quấy khóc, bứt rứt,khó ngủ, nôn ói nhiều
  • Co giật, hôn mê
  • Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân mát lạnh

Docosan cảm ơn bạn đã dành thời gian tìm đọc bài viết “Triệu chứng tay chân miệng độ 1 và cách xử trí”. Tùy thuộc vào mức độ bệnh chân tay miệng mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị theo phác đồ khác nhau. Khi chăm sóc trẻ các bậc cha mẹ cần lưu ý đến các dấu hiệu bất thường để đứa trẻ đến các trung tâm y tế, đề phòng xảy ra biến chứng và giúp bé được điều trị, chữa trị kịp thời.


Nguồn tham khảo: NHS

Có thể bạn quan tâm