Thiếu máu thiếu sắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thiếu máu thiếu sắt (hay còn gọi là thiếu máu do thiếu sắt) là một loại thiếu máu phổ biến nhất thường gặp ở các phụ nữ trong độ tuổi sanh đẻ. Mặc dụ tình trạng này rất hay gặp nhưng nhiều người thường không biết mình bị thiếu máu thiếu sắt, có thể họ đã phải chịu đựng triệu chứng của bệnh qua nhiều năm mà không bao giờ biết nguyên nhân. Hãy cùng Docosan tìm hiểu qua bài viết sau.

Thiếu máu thiếu sắt là gì?


Thiếu máu xảy ra khi bạn bị giảm mức hemoglobin trong các tế bào hồng cầu (RBCs – Red blood cells). Hemoglobin là protein trong các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các mô của. Bác sĩ sau khi thăm khám lâm sàng thường đề nghị xét nghiệm máu trong đó có hemoglobin để chẩn đoán xác định tình trạng thiếu máu của người bệnh.


Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất xảy ra khi cơ thể không có đủ ion sắt do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cơ thể cần sắt để tạo ra hemoglobin. Khi không có đủ sắt trong máu, phần còn lại của cơ thể không thể nhận được lượng oxy cần thiết do thiếu hemoglobin.

thiếu máu thiếu sắt
Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng phổ biến hay gặp ở phụ nữ

Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nguyên nhân phổ biến nhất của thiếu máu do thiếu sắt là mất sắt trong máu do kinh nguyệt ra nhiều hoặc do mang thai. Chế độ ăn uống nghèo nàn hoặc một số bệnh đường ruột ảnh hưởng đến sự thể hấp thụ sắt của cơ thể cũng có thể gây ra thiếu máu do thiếu sắt. Các bác sĩ thường điều trị tình trạng này bằng cách bổ sung sắt hoặc thay đổi chế độ ăn uống giàu sắt.

Dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu thiếu sắt

Ban đầu, thiếu máu do thiếu sắt có thể nhẹ đến mức không được chú ý. Nhưng khi cơ thể ngày càng thiếu sắt và tình trạng thiếu máu trầm trọng hơn, các dấu hiệu và triệu chứng ngày càng tăng lên biểu hiện rõ rệt. Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu máu do thiếu sắt có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi bất thường: mệt mỏi có thể coi là một biểu hiện bình thường trong cuộc sống ngày nay, nhưng mệt mỏi do thiếu máu thiếu sắt thường nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến chất lượng công việc khiên người bệnh không thể tập trung, năng lượng lúc nào cũng ở mức thấp, chậm chạp, yếu đuối.
  • Da tím tái, nhợt nhạt, tay chân lạnh: do tình trạng thiếu máu thiếu sắt không sản xuất đủ hemoglobin khiến oxy cung cấp cho mô không đủ nên da thiếu hồng hào, thiếu sức sống.
  • Đau ngực, tim đập nhanh, khó thở: vì lượng máu cung cấp cho mô là không đủ oxy nên tim phải tăng công suất làm việc để bơm máu đến mô nhằm cung cấp đủ lượng oxy cho mô nên nhịp tim thường tăng và cũng do thiếu oxy nên người bệnh thường có cảm giác khó thở, tức ngực. Đặc biệt tình trạng này thường hay gặp khi người bệnh gắng sức.
  • Nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt: oxy cung cấp lên não không đủ làm mạch máu sưng lên khiến người bệnh dễ gặp các triệu chứng nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.
  • Móng tay dễ gãy, móng tay lõm hình thìa.
  • Kém ăn: đặc biệt xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ em bị thiếu máu do thiếu sắt.
thiếu máu thiếu sắt
Dấu hiệu thiếu máu thiếu sắt – Đau ngực, tim đập nhanh, khó thở

Nếu bạn hoặc con trẻ xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng cho thấy thiếu máu do thiếu sắt, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn. Thiếu máu do thiếu sắt không nên để tự chẩn đoán hoặc điều trị. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ để được đưa ra hướng xử lý thích hợp hơn là tự ý bổ sung sắt. Nạp quá nhiều sắt vào cơ thể có thể gây nguy hiểm vì sự tích tụ sắt dư thừa ảnh hưởng đến chức năng gan và gây ra các biến chứng khác.

Nguyên nhân thiếu máu thiếu sắt

Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra khi cơ thể không có đủ sắt để sản xuất hemoglobin. Nếu không nạp đủ sắt hoặc mất quá nhiều sắt, cơ thể không thể sản xuất đủ hemoglobin từ đó gây nên bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Nguyên nhân của thiếu máu thiếu sắt bao gồm:

  • Mất máu: Máu chứa sắt trong các tế bào hồng cầu. Vì vậy, nếu bị mất máu, người bệnh sẽ mất một lượng sắt tương đương. Phụ nữ có kinh nguyệt ra nhiều có nguy cơ bị thiếu máu do thiếu sắt vì họ bị mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Mất máu âm thầm, mãn tính trong cơ thể – chẳng hạn như do loét dạ dày tá tràng, thoát vị đĩa đệm, polyp ruột hoặc ung thư đại trực tràng – có thể gây ra thiếu máu do thiếu sắt. Ngoài ra, xuất huyết tiêu hóa có thể là kết quả của việc sử dụng thường xuyên một số loại thuốc giảm đau không kê đơn, đặc biệt là aspirin.
  • Thiếu sắt trong khẩu phần ăn: Cơ thể thường xuyên nạp một lượng chất sắt từ thực phẩm. Nếu tiêu thụ quá ít chất sắt, theo thời gian cơ thể có thể bị thiếu sắt. Một số thực phẩm giàu chất sắt bao gồm thịt, trứng, rau xanh và viên thực phẩm bổ sung chất sắt. Để tăng trưởng và phát triển, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng cần sắt từ chế độ ăn của chúng.
  • Không có khả năng hấp thụ sắt: Sắt từ thức ăn được hấp thụ vào máu tại ruột non. Các bệnh gây rối loạn đường ruột ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Nếu một phần ruột non của bạn đã được phẫu thuật cắt bỏ, điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ sắt và các chất dinh dưỡng khác.
  • Thai kỳ: Nếu không bổ sung sắt thai kỳ, thiếu máu do thiếu sắt có thể xảy ra ở nhiều phụ nữ mang thai vì nguồn dự trữ sắt của họ không chỉ cần để phục vụ cho lượng máu tăng lên của bản thân mà còn là nguồn cung cấp hemoglobin cho thai nhi đang phát triển.
thiếu máu thiếu sắt
Thiếu sắt trong khẩu phần ăn là nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt

Ăn gì để phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt?

Một trong những nguyên nhân chính của thiếu máu thiếu sắt là lượng sắt trong khẩu phần ăn quá ít. Phần lớn mỗi chúng ta vẫn chưa thử tìm hiểu về thực phẩm chứa nhiều sắt để bổ sung cho bản thân và gia đình. Ngoài ra việc bổ sung vitamic C cũng không kém phần quan trọng bởi vitamin C giúp tăng khả năng hấp thu sắt của đường ruột.

Bổ sung thực phẩm giàu sắt

Các thực phẩm giàu sắt bao gồm:

  • Thịt đỏ, thịt lợn và thịt gia cầm.
  • Hải sản.
  • Các loại đậu như đậu nành và đậu Hà Lan
  • Các loại rau lá xanh đậm như rau chân vịt và bông cải xanh.
  • Trái cây khô chẳng hạn như nho khô và mơ.

Cơ thể bạn hấp thụ nhiều sắt từ thịt hơn so với các nguồn khác. Nếu bạn không ăn thịt, bạn cần tăng cường ănBo các loại thực phẩm giàu chất sắt khác có nguồn gốc từ thực vật để hấp thụ lượng sắt tương tự.

thiếu máu thiếu sắt
Bổ sung thực phẩm giàu sắt trong khẩu phần ăn hằng ngày

Bổ sung thực phẩm chứa vitamin C để tăng cường hấp thu sắt

Chúng ta có thể tăng cường khả năng hấp thụ sắt của cơ thể bằng cách uống nước cam hoặc ăn các thực phẩm giàu vitamin C khác cùng thời điểm ăn thực phẩm có hàm lượng sắt cao. Vitamin C trong nước trái cây giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn chất sắt trong khẩu phần ăn. Một số loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C có thể kể ra như: bông cải xanh, bưởi, quả kiwi, rau xanh, dưa hấu, cam, ớt, cà chua, dâu tây,…

Phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt ở trẻ sơ sinh

Để ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ sơ sinh, hãy cho trẻ bú sữa mẹ hoặc ít nhất là sữa công thức tăng cường chất sắt trong năm đầu tiên. Sữa bò không phải là nguồn cung cấp chất sắt tốt cho trẻ sơ sinh và không được khuyến khích cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Sau 6 tháng tuổi, hãy bắt đầu cho bé ăn ngũ cốc tăng cường chất sắt hoặc thịt xay nhuyễn ít nhất hai lần một ngày để tăng cường lượng sắt. Sau 1 tuổi, hãy đảm bảo trẻ không uống quá nhiều sữa thường thay thế các thực phẩm khác, kể cả những thực phẩm giàu chất sắt.

Chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt

Ngoài việc hỏi bệnh và thăm khám lâm sàng, để chẩn đoán thiếu máu thiếu sắt bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm máu sau:

  • Xét nghiệm đo kích thước và sắc tố hồng cầu: Khi bị thiếu máu do thiếu sắt, các tế bào hồng cầu nhỏ hơn và có màu nhạt hơn bình thường.
  • Hematocrit (Hct): Đây là xét nghiệm giúp đo được phần trăm tỷ lệ thể tích hồng cầu trong thể tích máu toàn phần
  • Huyết sắc tố (Hemoglobin): Nồng độ hemoglobin thấp hơn bình thường cho thấy bạn bị thiếu máu.
  • Ferritin: Protein này giúp lưu trữ sắt trong cơ thể của bạn và mức độ thấp của ferritin thường cho thấy mức độ dự trữ sắt thấp.
thiếu máu thiếu sắt
Xét nghiệm máu đánh giá tình trạng thiếu máu thiếu sắt

Nếu kết quả xét nghiệm máu của bạn cho thấy thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân, chẳng hạn như:

  • Nội soi dạ dày thực quản: Với sự hỗ trợ của nội soi, bác sĩ có thể khảo sát các tổn thương đang chảy máu rỉ rả ở thực quản, dạ dày và đoạn đầu tá tràng để tìm nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt của người bệnh.
  • Nội soi đại tràng: Để loại trừ các nguyên nhân chảy máu do xuất huyết đường tiêu hóa dưới, bác sĩ có thể chỉ định thủ thuật này.
  • Siêu âm bụng: Phụ nữ có thể siêu âm vùng chậu để tìm nguyên nhân gây chảy máu kinh nguyệt quá nhiều, chẳng hạn như u xơ tử cung.
  • Soi tìm máu ẩn trong phân (FOBT).

Điều trị thiếu máu thiếu sắt

Để điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ có thể khuyên bạn nên bổ sung sắt. Bác sĩ cũng sẽ điều trị nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng thiếu sắt của bạn, nếu cần thiết.

  • Viên thực phẩm bổ sung sắt: Uống sắt khi bụng đói hoặc nếu việc uống sắt gây khó chịu cho dạ dày, người bệnh có thể uống viên sắt trong bữa ăn. Tuy nhiên thuốc bổ sung sắt có thể gây táo bón nên bác sĩ có thể chỉ định thêm cho bạn thuốc làm mềm phân.
  • Uống viên sắt cùng với vitamin C: Vitamin C giúp cải thiện sự hấp thu sắt. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên uống viên sắt với một ly nước cam.
  • Tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng, giữ vệ sinh thân thể.
  • Tăng cường chế độ ăn giàu sắt.
  • Phối hợp điều trị các nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt nếu có.
thiếu máu thiếu sắt
Dùng viên thực phẩm bổ sung sắt theo sự chỉ dẫn của bác sĩ

Một số địa chỉ khám thiếu máu thiếu sắt

  • Trung Tâm Chẩn Đoán Và Xét Nghiệm Y Khoa Điag – Medical Diag Center đã có hơn hơn 20 năm trong ngành dịch vụ y tế.
  • Phòng khám Vigor Health có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc chăm sóc, thăm khám sức khỏe và chữa bệnh.
  • Phòng khám Đa khoa Quốc tế Golden Healthcare là một trong những trung tâm khám bệnh chất lượng cao và đáng tin cậy tại TP. HCM. – Tân Bình, TP.HCM.
  • Bệnh Viện Đa Khoa Hồng Hà cung cấp gần như toàn diện các dịch vụ thăm khám chữa bệnh với gần 20 chuyên khoa. – Đống Đa, Hà Nội.

Kết luận

Thiếu máu thiếu sắt là một tình trạng phổ biễn thường hay gặp ở phụ nữ có kinh nguyệt hay đang mang thai. Thiếu máu do thiếu sắt có thể diễn tiến âm thầm đến ngay cả người bệnh cũng khó nhận ra được cho đến khi bệnh trở nặng. Cách phòng ngừa hiệu quả nhất là bổ sung thực phẩm giàu sắt vào trong khẩu phần ăn để ngăn ngừa tình trạng thiếu máu thiếu sắt diễn ra.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Docosan Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch hẹn với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Nguồn tham khảo: Iron deficiency anemia – Mayo Clinic