Tiêm phòng 3 trong 1 là một trong những mũi tiêm cần thiết dành cho trẻ nhỏ. Trẻ ngay khi ra đời đã cần phải được tiêm phòng vắc xin để ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiễm.
Trong số đó thì việc phòng bệnh sởi, quai bị và bệnh rubella hiện nay đã trở nên dễ dàng hơn với cách tiêm phòng 3 trong 1 vắc xin MMR. Không những giúp giảm số mũi tiêm, hạn chế đau đớn cho bé khi phải tiêm quá nhiều mũi, mà còn giúp tạo được miễn dịch phòng ngừa nhiều bệnh cùng lúc, đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh của bé sau này. Vậy hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu kĩ hơn về mũi tiêm này qua bài viết dưới đây nhé!
Tóm tắt nội dung
Tiêm phòng 3 trong 1 là gì ?
Vắc xin 3 trong 1 MMR là một vắc xin sống, giảm độc lực. Vắc xin được tiêm để tạo miễn dịch phòng ngừa 3 bệnh: sởi, quai bị và rubella:
- Bệnh sởi: là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với các dấu hiệu như phát ban toàn thân, sốt cao, ho khan kéo dài, chảy nước mũi, sưng mí mắt… Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng tai, tổn thương não, động kinh và thậm chí là dẫn đến tử vong.
- Bệnh quai bị: có triệu chứng là sưng đau vùng mang tai, đau đầu, đau nhức cơ, sốt, khó nhai… Khi tiến triển nặng có thể dẫn đến điếc, viêm màng não, thậm chí có thể gây vô sinh.
- Bệnh rubella: gây phát ban, sốt nhẹ hoặc viêm khớp. Bệnh này đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Nếu trong giai đoạn 3 tháng đầu mang thai, phụ nữ mắc Rubella sẽ rất dễ khiến thai nhi bị dị tật bẩm sinh hoặc chậm phát triển.
Người lớn và trẻ trên 12 tháng tuổi được khuyến khích tiêm chủng vắc xin 3 trong 1 MMR.
Lịch tiêm phòng 3 trong 1 cho trẻ
- Tiêm chủng mũi đầu tiên cho trẻ vào khoảng từ 12 -15 tháng tuổi hoặc muộn hơn để tránh tương tác với kháng thể của mẹ truyền sang con.
- Mũi tiêm nhắc lại nên được chủng ngừa vào lúc 4-6 tuổi (độ tuổi đi học), hoặc sớm hơn nếu có dịch xảy ra và tiêm cách liều thứ 1 ít nhất 28 ngày. Mũi tiêm nhắc lại còn có tác dụng tạo ra biến đổi thể dịch cho những trẻ chưa đáp ứng với mũi tiêm lần trước.
Tiêm phòng mũi 3 trong 1 cho trẻ có nguy hiểm không ?
Tiêm phòng 3 trong 1 có thể gây ra các tác dụng phụ sau:
- Các tác dụng phụ thường gặp như đau nhói, rát bỏng tại vùng tiêm trong thời gian ngắn.
- Các tác dụng phụ ít gặp hơn như:
- Sốt từ 38,3°C trở lên
- Da nổi ban đỏ dạng sởi, có thể lan tỏa, nhưng thường nhẹ có thể xảy ra trong ngày 5-12 sau khi tiêm.
- Các tác dụng phụ hiếm gặp như:
- Hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson, nổi mụn nước tại chỗ tiêm, sưng nề, ngứa, nốt phỏng và đỏ da tại nơi tiêm, mề đay, ban đỏ, quầng cứng.
- Đau họng, khó chịu, sởi không điển hình, ngất, dễ bị kích thích.
- Viêm mạch, bệnh lý hạch khu trú tại vùng, giảm tiểu cầu, ban xuất huyết.
- Viêm tuyến mang tai, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Viêm phổi, ho, viêm mũi, co thắt phế quản có thể xảy ra ngay cả ở những người không có tiền sử dị ứng.
- Viêm mào tinh hoàn, viêm tinh hoàn.
- Phù mạch thần kinh, viêm dây thần kinh, hội chứng Guillain-Barre, mất điều hòa vận động, viêm não, viêm thần kinh thị giác, viêm thị thần kinh sau nhãn cầu, viêm gai thị, viêm võng mạc, viêm kết mạc, liệt nhãn cầu, viêm tai giữa, điếc thần kinh.
- Đau khớp và/hoặc viêm khớp: thường thoáng qua và không bị mạn tính.
- Sốt, co giật ở trẻ em, nhức đầu, choáng váng.
- Phản ứng nhẹ tại chỗ, như ban đỏ, chai hoặc căng cứng, đau họng, khó chịu, sởi không điển hình, ngất, dễ bị kích thích.
Tiêm phòng 3 trong 1 và các chống chỉ định
Chống chỉ định tiêm vaccine 3 trong 1 MMR gồm các trường hợp sau:
- Trẻ mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin, kể cả gelatin.
- Trẻ có tiền sử dị ứng với neomycin.
- Trẻ đang có bệnh lý sốt hoặc viêm đường hô hấp hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng đang tiến triển.
- Trẻ mắc bệnh lao đang tiến triển mà chưa được điều trị.
- Trẻ mắc các bệnh gây suy giảm miễn dịch hoặc đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch ngoại trừ đối tượng đang dùng corticoid làm liệu pháp thay thế như trong bệnh Addison.
- Trẻ có rối loạn về máu, bệnh bạch cầu hay u hạch bạch huyết, u hạch ở mọi thể hoặc ở người có những khối u tân sinh ác tính ảnh hưởng tới tủy xương hoặc hệ bạch huyết.
- Người bị bệnh suy giảm miễn dịch tiên phát hoặc thứ phát, bao gồm cả người mắc bệnh AIDS và người có biểu hiện lâm sàng về nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch; các bệnh gây giảm hoặc vô gama- globulin máu.
- Người có tiền sử trong gia đình suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc di truyền cho đến khi chứng minh được họ có khả năng đáp ứng miễn dịch với vaccine.
Nếu trẻ nằm trong các trường hợp nêu trên, nhưng cha mẹ vẫn có nhu cầu tiêm phòng thì nên tham khảo tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở y tế uy tín.
Những lưu ý khi tiêm phòng 3 trong 1
Trẻ sau khi được tiêm phòng cần được theo dõi 30 phút tại các cơ sở y tế để kịp thời xử trí các phản ứng phản vệ thông thường. Ngoài ra, sau khi về nhà trong vòng 24 giờ tiêm, cha mẹ nên chú ý theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ. Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể, chế độ ăn ngủ, bé có quấy khóc hay bỏ ăn, …
Trong trường hợp trẻ sốt nhẹ sau khi tiêm thì có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Cởi bớt chăn quấn, quần áo khi trẻ sốt, chỉ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, tránh không làm tăng thân nhiệt.
- Chườm ấm cho trẻ (nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể 1-2 độ C).
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn.
- Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt > 38.5 độ C, quấy khóc.
- Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, cha mẹ có thể chườm lạnh để giúp trẻ giảm đau và giảm sưng.
- Khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
- Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.
Một số địa chỉ tiêm phòng mũi 3 trong 1 an toàn cho trẻ
Golden Healthcare International Clinic:
Trên đây là những thông tin về mũi tiêm phòng 3 trong 1 cho trẻ nhỏ. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp những thông tin cần thiết cho các bậc phụ huynh trong quá trình chăm sóc và nuôi dạy bé.
Xem thêm: Những mũi tiêm phòng cho trẻ được miễn phí
Bài viết được tham khảo bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước.