Tiêm phòng 4 trong 1: vắc xin gì, có nguy hiểm không?

Tiêm phòng 4 trong 1 cho trẻ là một trong những việc cần thiết để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc 4 bệnh lý sau: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt vì chúng giúp cơ thể tạo ra hàng phòng thủ tự nhiên từ khi cơ thể đang khỏe mạnh từ đó phát triển miễn dịch một cách an toàn và có hiệu quả cao để phòng bệnh. Hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu kĩ hơn về việc việc tiêm phòng 4 trong 1 này.

Tiêm phòng 4 trong 1 là gì?

Tiêm phòng 4 trong 1
Tiem-phong-4-trong-1

Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim là vắc xin giúp phòng ngừa 4 bệnh bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt ở trẻ em. Các bệnh này đều là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan và bùng phát thành dịch:

  • Bệnh bạch hầu thường gây biến chứng viêm cơ tim và viêm dây thần kinh, viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp, đặc biệt thường gặp ở trẻ nhũ nhi. Tỉ lệ tử vong vào khoảng 5 đến 10% có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi.
  • Bệnh ho gà có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng có hơn 85-90% số ca mắc là các trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ mũi cơ bản và tỉ lệ tử vong do biến chứng bệnh ho gà của nhóm trẻ dưới 1 tuổi cũng cao hơn hẳn so với người lớn. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng. Các biến chứng thường gặp như: viêm phế quản, viêm phế quản-phổi do bội nhiễm, ho kéo dài, ngừng thở …
  • Uốn ván cũng là bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Hậu quả xấu nhất có thể xảy ra là trẻ sẽ tử vong trong những ngày đầu ở trường hợp uốn ván rốn thể tối cấp. Hoặc tử vong trong những tuần sau do bệnh phối hợp như nhiễm trùng huyết, viêm ruột hoại tử. Và nếu dù có qua được cơn nguy kịch, trẻ vẫn có thể mang di chứng về thần kinh tâm thần. 
  • Bệnh bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính, dù chỉ có 1% người mắc bệnh biểu hiện triệu chứng liệt điển hình, bệnh bại liệt có thể gây liệt tủy sống hoặc liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng tàn tật suốt đời.

Các bệnh này đều có khả năng gây ra nhiều biến chứng nặng nề tới sức khỏe, thậm chí có thể tử vong nên việc phòng chống các bệnh này cho trẻ là không hề dư thừa mà vô cùng cần thiết để đảm bảo cho con có được một sức đề kháng mạnh mẽ trong suốt quá trình phát triển của mình.

Đối tượng nên tiêm phòng 4 trong 1

Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi được khuyến khích tiêm chủng vắc xin 4 trong 1 Tetraxim.

Lịch tiêm phòng 4 trong 1

Lịch tiêm phòng vắc xin 4 trong 1 gồm 5 mũi và nên tiêm Tetraxim từ tháng thứ 2. Hai mũi tiếp theo tiêm cách nhau khoảng 1 đến 2 tháng. Hai mũi nhắc lại được tiêm khi trẻ 16 -18 tháng và 4 – 6 tuổi.

Vì sao cần có các mũi tiêm nhắc lại? Đối với một số vắc xin sau khi tiêm đủ liều cơ bản thì kháng thể chỉ có tác dụng bảo vệ trong một thời gian nhất định. Khi lượng kháng thể này giảm đi, cơ thể bé sẽ không có khả năng tự vệ trước sự tấn công của mầm bệnh. Do đó, không chỉ cần hoàn thành đủ 3 mũi tiêm cơ bản của vắc xin 4 trong 1 mà còn cần tiêm nhắc lại để hệ miễn dịch được tăng cường sức bảo vệ.

Tiêm phòng vắc xin Tetraxim cho trẻ có nguy hiểm không?

Tiêm phòng vắc xin Tetraxim có thể gây ra các tác dụng phụ sau:

  • Phải ứng tại chỗ: Quầng đỏ, sưng, đau tại nơi tiêm có thể gặp ở chỗ tiêm, trong vòng 48 giờ sau khi tiêm
  • Phản ứng đặc trưng ở trẻ từ 2 tuổi đến hơn 2 tuổi: Đau cơ, đau đầu, khó chịu
  • Phản ứng toàn thân: Sốt cao có thể trên 40 độ, tiêu chảy, quấy khóc bất thường, ăn kém ngon và cáu kỉnh, ngủ gà ngủ gật.
  • Một số phản ứng hiếm gặp hơn: Nổi mề đay, phát ban ngoài da, co giật kèm sốt hoặc không kèm sốt trong vòng 48 giờ sau khi tiêm, giảm trương lực cơ.

Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ xuất hiện các phản ứng phụ nêu trên không phải quá cao, vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là rất an toàn nên bố mẹ không cần quá lo lắng về quyết định có cho trẻ tiêm không.

Khi tiếp nhận vắc xin, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tự động tạo kháng thể chống lại tức thời và duy trì khả năng ứng phó khi cần thiết. Thông thường mỗi trẻ sẽ có những phản ứng với vắc xin ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ có các phản ứng nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và thường tự khỏi trong 24 giờ.

Tiêm phòng 4 trong 1 và các lưu ý khi dùng

Tiêm phòng 4 trong 1
Tiem-phong-4-trong-1

Bảo đảm rằng không tiêm vắc xin vào lòng mạch máu (kim tiêm không được nằm trong mạch máu) và cũng như không được tiêm trong da.

Ở trẻ bị giảm tiểu cầu hay bị rối loạn đông máu, cần phải thận trọng khi tiêm để tránh gây chảy máu khi tiêm bắp.

Từng bị bất kỳ vấn đề nào sau đây, và được cho rằng triệu chứng đó có liên quan đến việc tiêm vắc xin (thì nên cân nhắc cẩn thận khi quyết định dùng tiếp các liều vắc-xin có chứa thành phần ho gà):

  • Sốt ≥ 40°C trong vòng 48 giờ, mà không phải do một nguyên nhân xác định nào khác.
  • Trụy mạch hay tình trạng giống như sốc với giai đoạn giảm trương lực – giảm đáp ứng (suy nhược) trong vòng 48 giờ sau khi tiêm ngừa.
  • Quấy khóc dai dẳng, khó dỗ kéo dài ≥ 3 giờ, xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiêm ngừa.
  • Co giật có hay không có sốt, xảy ra trong vòng 3 ngày sau khi tiêm ngừa.

Giống như khi tiêm vắc xin khác, luôn luôn phải theo dõi và phòng ngừa phản ứng phụ, có sẵn adrenalin để xử trí phản ứng phản vệ tức thì trong trường hợp sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin.

Nếu trẻ từng bị phản ứng phù nề (hay sưng) ở chi dưới sau khi tiêm vắc-xin có chứa thành phần Haemophilus influenzae týp b, thì hai vắc-xin: vắc-xin bạch hầu-uốn ván-ho gà-bại liệt và vắc-xin Haemophilus influenzae týp b cộng hợp nên được tiêm ở hai vị trí tiêm khác nhau vào hai ngày khác nhau.

Sự đáp ứng miễn dịch đối với vắc xin sẽ giảm nếu trẻ đang được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch hoặc bị suy giảm miễn dịch. Chính vì vậy tốt nhất là nên đợi đến khi điều trị hoàn tất hoặc khỏi bệnh rồi mới tiêm ngừa. Tuy nhiên, đối với các trẻ bị suy giảm miễn dịch do bệnh mạn tính như nhiễm HIV, thì mặc dù đáp ứng kháng thể có thể bị hạn chế nhưng việc tiêm phòng Tetraxim cho trẻ vẫn được khuyến cáo.

Nếu trước đây, sau khi tiêm vắc xin có chứa giải độc tố uốn ván (vắc-xin uốn ván) trẻ mắc phải hội chứng Guillain-Barré (nhạy cảm bất thường, liệt) hay viêm dây thần kinh cánh tay (liệt, đau lan tỏa ở cánh tay và vai), bác sĩ nên cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích tiềm tàng và khả năng có thể bị tai biến khi tiêm vắc-xin để quyết định có tiếp tục dùng vắc-xin có chứa giải độc tố uốn ván nữa hay không.

Các chống chỉ định khi tiêm vắc xin Tetraxim:

  • Nếu trẻ có tiền sử quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc xin Tetraxim hay trước đây trẻ đã bị phản ứng dị ứng sau khi tiêm vắc xin có chứa các chất tương tự.
  • Nếu trẻ có thương tổn ở não.
  • Nếu lần trẻ từng bị tổn thương ở não trước đây sau khi tiêm liều vắc-xin ho gà (ho gà vô bào hay nguyên bào) trong vòng 7 ngày.
  • Phải hoãn việc tiêm ngừa lại cho các trẻ có tính trạng:
    • Suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, hôn mê…).
    • Trẻ mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng.
    • Trẻ sốt ≥ 38°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách).
    • Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng
    • Trẻ đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao
    • Trẻ hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày
    • Trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh hoặc mạn tính kèm theo tăng áp lực động mạch phổi (≥40mmHg).
    • Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.

Cách chăm sóc trẻ khi tiêm phòng vắc xin Tetraxim

Cha mẹ nên chú ý các cách chăm sóc sau để giúp trẻ tiêm phòng 4 trong 1 được an toàn nhất:

Các lưu ý trước khi đưa trẻ đi tiêm

  • Không cho trẻ ăn hoặc bú quá no, và cũng không nên để trẻ đói bởi điều này có thể sẽ khiến trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm.
  • Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ để hạn chế tình trạng nhiễm trùng.
  • Cho trẻ mặc trang phục đơn giản để giúp bác sĩ dễ thao tác hơn trong quá trình tiêm phòng.
  • Cần mang theo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ của trẻ, đặc biệt là sổ tiêm chủng trước đó.
  • Trước khi tiêm, nên trao đổi kỹ với bác sĩ tình trạng sức khỏe của trẻ, tiền sử bệnh tật, dị ứng với thuốc, thức ăn … để bác sĩ có thể quyết định cho trẻ tiêm hay hoãn tiêm.
  • Nếu ở những mũi tiêm trước trẻ có dấu hiệu dị ứng, sốt…, bố mẹ cũng nên báo với bác sĩ để có phương án xử lý kịp thời trong tình huống khẩn cấp.

Cách chăm sóc trẻ sau tiêm

  • Trẻ sau khi được tiêm phòng cần được theo dõi 30 phút tại các cơ sở y tế để kịp thời xử trí các phản ứng phản vệ thông thường. Ngoài ra, sau khi về nhà trong vòng 24 giờ tiêm, cha mẹ nên chú ý theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ. Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể, chế độ ăn ngủ, bé có quấy khóc hay bỏ ăn, …
  • Trẻ em sau khi tiêm chủng cần cho trẻ bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn. Bế, quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm.
Tiêm phòng 4 trong 1
Tiem-phong-4-trong-1
  • Trong trường hợp trẻ sốt nhẹ sau khi tiêm thì có thể áp dụng các biện pháp sau:
    • Cởi bớt chăn quấn, quần áo khi trẻ sốt, chỉ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, tránh không làm tăng thân nhiệt.
    • Chườm ấm cho trẻ (nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể 1-2 độ C).
    • Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn.
    • Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt > 38.5 độ C, quấy khóc.
    • Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, cha mẹ có thể chườm lạnh để giúp trẻ giảm đau và giảm sưng.
    • Khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
    • Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.
  • Cần lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế để theo dõi, điều trị nếu có dấu hiệu tai biến nặng sau tiêm chủng bao gồm các triệu chứng như khó thở, sốc phản vệ hay sốc dạng phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngưng thở…

Tiêm phòng 4 trong 1 Tetraxim là vắc xin giúp phòng ngừa 4 bệnh bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt ở trẻ em. Lịch tiêm phòng vắc xin 4 trong 1 gồm 5 mũi và nên tiêm Tetraxim từ tháng thứ 2. Hai mũi tiếp theo tiêm cách nhau khoảng 1 đến 2 tháng. Hai mũi nhắc lại được tiêm khi trẻ 16 -18 tháng và 4 – 6 tuổi.

Trước khi tiêm, cha mẹ nên trao đổi kỹ với bác sĩ tình trạng sức khỏe của trẻ, tiền sử bệnh tật, dị ứng với thuốc, thức ăn, cũng như tình trạng sau tiêm những mũi trước, các phản ứng phụ nếu có… để bác sĩ có thể quyết định cho trẻ tiêm hay hoãn tiêm.


Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.

Contact Me on Zalo