Tiêm phòng cho trẻ 3 tháng tuổi là một trong những cột mốc quan trọng mà cha mẹ cần lưu ý. Việc tiêm phòng vắc xin không còn là việc quá lạ lẫm với mọi người, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ do tiêm vắc xin là một biện pháp giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng hiệu quả.
Đặc biệt là ở trẻ em việc tiêm phòng sẽ đảm bảo cho trẻ có được một sức đề kháng mạnh mẽ giúp trẻ phát triển được toàn diện, chính vì vậy mà cha mẹ nên chú ý để giúp con mình được tiêm phòng đúng và đầy đủ. Vậy hãy cùng Doctor có sẵn tìm hiểu kĩ hơn về lịch tiêm phòng, các loại vắc xin cần tiêm phòng cho trẻ 3 tháng tuổi qua bài viết dưới đây nhé !
Tóm tắt nội dung
Lịch tiêm phòng cho trẻ 3 tháng tuổi
Lịch tiêm chủng cho trẻ từ 1 tháng tuổi đến 3 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng được chúng tôi đưa ra dưới đây, cha mẹ của bé nhất định phải ghi nhớ hoặc lưu lại, nhằm đảm bảo cho con được chích đủ mũi, đúng thời gian và đúng phác đồ, từ đó tạo được nền tảng sức khỏe vững chắc cho sự phát triển toàn diện của bé sau này.
Tiêm phòng cho trẻ sơ sinh (tiêm càng sớm càng tốt sau khi sinh)
- Vắc xin viêm gan B liều sơ sinh phòng bệnh Viêm gan B, tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh hoặc càng sớm càng tốt nếu con bị hoãn chưa tiêm được vắc xin trong vòng 24 giờ sau sinh.
- Vắc xin BCG phòng bệnh lao trong vòng 30 ngày đầu sau sinh và cần được tiêm càng sớm càng tốt sau khi trẻ được sinh ra.
Tiêm phòng cho trẻ 2 tháng tuổi
- Vắc xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 2) và phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea (mũi 1) lúc trẻ tròn 2 tháng tuổi. Có thể dùng Vắc xin kết hợp phòng 6 bệnh (ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ) dạng 6 trong 1 Infanrix hexa hoặc dạng 5 trong 1 Pentaxim (không có thành phần kháng nguyên viêm gan B). Tiêm mũi 1.
- Vắc xin Rotarix, Rotateq phòng Rota virus gây bệnh tiêu chảy (liều 1).
- Vắc xin Synflorix phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu (mũi 1)
Tiêm phòng cho trẻ 3 tháng tuổi
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B (mũi 3) và phòng bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – viêm màng não mủ, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi do Haemophilus influenzea (mũi 2). Có thể dùng Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1. Tiêm mũi 2. (Nếu tiêm 5 trong 1 thì phải bổ sung mũi viêm gan B).
- Vắc xin uống phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus (liều 2).
- Vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu (mũi 2)
Các loại vắc xin cần tiêm phòng cho trẻ 3 tháng tuổi
Vắc xin phòng bệnh viêm gan B
Vắc xin viêm gan B là loại vắc-xin được sử dụng để giúp ngăn ngừa mắc phải bệnh viêm gan do virus nhóm B ở người gây nên.
Vắc xin này chứa một lượng nhỏ kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B, sau khi được tiêm vào cơ thể sẽ khiến cơ thể phản ứng tạo ra được kháng thể miễn dịch với bệnh.
Miễn dịch chống lại viêm gan B được chủ động tạo ra và chỉ cần với nồng độ kháng thể anti-HBs từ trên 10 IU/L được cho là có ý nghĩa tương quan với sự bảo vệ lâu dài chống nhiễm virus viêm gan B.
Miễn dịch được tạo nên sau khi tiêm phòng bằng vắc xin có sự khởi đầu tương đối chậm hơn so với mắc bệnh trực tiếp tuy nhiên giá trị bảo vệ kéo dài nhiều năm với nồng độ kháng thể duy trì trong máu khá cao. Nhưng nên lưu ý rằng số lượng kháng thể sẽ giảm dần, việc theo dõi định kì và tiêm nhắc lại là cần thiết nhằm đạt được sự bảo vệ khỏi lây nhiễm lâu dài.
Vắc xin viêm gan B liều sơ sinh phòng bệnh Viêm gan B, tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh hoặc càng sớm càng tốt nếu con bị hoãn chưa tiêm được vắc xin trong vòng 24 giờ sau sinh.
Vắc xin 6 trong 1
Vắc xin 6 trong 1 là sự kết hợp phòng được 6 loại bệnh trong 1 mũi tiêm, bao gồm: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh viêm phổi, viêm màng não mủ do Haemophilus influenzea tuýp B (Hib).
Sự tích hợp phòng 6 bệnh chỉ trong 1 liều vắc xin 6 trong 1, không những giúp giảm số mũi tiêm, hạn chế đau đớn cho bé khi phải tiêm quá nhiều mũi, mà còn giúp tạo được miễn dịch phòng ngừa nhiều bệnh cùng lúc, đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh của bé sau này.
Vắc xin 6 trong 1 được chỉ định tiêm cho trẻ từ 2 tháng đến 2 tuổi. Để vắc xin đạt được hiệu quả tối ưu, cha mẹ cần lưu ý phải cho con tiêm đúng và đủ mũi theo phác đồ. Trẻ cần hoàn thành 3 mũi cơ bản này trước 6 tháng tuổi và hoàn thành mũi tiêm nhắc (mũi 4) trước 24 tháng tuổi. Cha mẹ cũng cần ghi nhớ việc tiêm mũi nhắc lại cho trẻ nhằm tăng cường hệ miễn dịch, khống chế tối đa các nguy cơ gây bệnh tiềm ẩn ở trẻ nhỏ.
Tuy nhiên vắc- xin này không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên mẹ phải mất chi phí khi tiêm cho bé
Vắc xin 5 trong 1
Vắc xin 5 trong 1 là vắc xin tổng hợp gồm có 5 thành phần để phòng 5 bệnh truyền nhiễm phổ biến gồm: bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và các bệnh viêm phổi, viêm màng não do Haemophilus influenzae tuýp B.
Vắc xin 5 trong 1 là vắc xin tiêm cho trẻ từ 2 đến dưới 24 tháng tuổi để phòng 5 bệnh, nên thay vì trẻ phải chịu 5 mũi tiêm như trước đây thì nay chỉ cần 1 mũi đã phòng được nhiều loại bệnh. Trẻ được tiêm vắc xin này cần tiêm bổ sung vắc xin viêm gan siêu vi B.
Cha mẹ cần bám sát lịch tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 để vắc xin hoạt động hiệu quả nhất. Trẻ cần tiêm 3 mũi cơ bản lần lượt ở thời điểm 2, 3, 4 tháng tuổi. Ngoài ra cha mẹ cũng cần nắm thời gian để tiêm mũi nhắc khi trẻ được 12 – 24 tháng tuổi. Lưu ý trẻ cần phải trải qua đủ 3 mũi tiêm cơ bản trước 1 tuổi, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 28 ngày.
Vắc xin uống phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus
Virus rota là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng, phải nhập viện và thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ. Đường lây của bệnh tiêu chảy cấp do virus rota chủ yếu khi trẻ dùng tay chạm vào các đồ chơi bị nhiễm virus và đưa vào miệng. Các triệu chứng có thể thay đổi từ tiêu chảy đến tiêu chảy mất nước kèm với nôn mửa, sốt và sốc. Do đó việc phòng ngừa các tiêu chảy do rota virus không hề là dư thừa để giúp trẻ có một sức khỏe toàn diện.
Vắc xin uống phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus có hai loại như sau:
- Vắc xin Rotarix (Bỉ): uống 2 liều; liều đầu tiên uống vào lúc 6 tuần tuổi và sau 4 tuần uống liều tiếp theo. Nên cho trẻ uống vắc xin Rota virus trước 24 tuần tuổi.
- Vắc xin Rotateq (Mỹ): uống 3 liều; liều đầu tiên trong khoảng 7-12 tuần tuổi, hai liều còn lại cách nhau một tháng, liều thứ 3 phải kết thúc trước tuần thứ 32.
Vắc xin phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu
Lịch tiêm: khi trẻ 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi và 12-15 tháng tuổi
Vi khuẩn Streptococcus pneumoniae (phế cầu khuẩn) lây lan qua không khí khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói, thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như các bệnh lý đường tai – mũi – họng như viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa, nặng hơn nữa là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết.
Khi nhiễm bệnh trẻ có các triệu chứng như sốt, đau ngực, thở dốc, và ho dữ dội, cứng cổ, đau đầu, đau khi nhìn vào những ánh sáng mạnh. Phần lớn nhiễm phế cầu khuẩn đều nhẹ, nhưng trong một số trường hợp, nhiễm khuẩn này có thể dẫn đến tử vong hoặc gây ra những ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, như tổn thương não do viêm màng não hoặc điếc do viêm tai giữa.
Ngoài biến chứng nguy hiểm, tình trạng đề kháng kháng sinh cũng là một trở ngại lớn trong việc điều trị các bệnh lý do phế cầu. Thời gian điều trị phải kéo dài, tốn kém rất nhiều do phải dùng kháng sinh mạnh và có thể phải kéo dài trên 1 tháng. Do đó, việc chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin phế cầu cho trẻ là cần thiết và rất quan trọng.
Liệu trình tiêm vắc xin phòng phế cầu được khuyến cáo sử dụng là 3 + 1 vì liệu trình này đem lại hiệu quả tối ưu):
- Liều 1 có thể dùng bắt đầu từ lúc 6 tuần tuổi.
- Liều thứ 2 cách liều thứ 1 tối thiểu 1 tháng.
- Liều thứ 3 cách liều thứ 2 tối thiểu cũng 1 tháng.
- Liều nhắc lại được chỉ định cách liều thứ 3 tối thiểu 6 tháng.
Bé 3 tháng tiêm phòng bị sốt: vì sao và xử trí thế nào ?
Sau khi tiêm vắc-xin thì việc trẻ bị sốt là một phản ứng hết sức bình thường, tự nhiên. Mỗi bé sẽ có những biểu hiện sốt không giống nhau tùy theo thể trạng, cơ địa của từng bé.
Bé có thể có biểu hiện sốt nhẹ từ 37,5 độ C đến 38,5-39 độ C, sưng tấy đỏ, đau tại chỗ tiem cùng với đó có thể có biểu hiện quấy khóc, chán ăn, bú kém hơn, khó ngủ hơn bình thường. Các biểu hiện này sẽ tự nhiên mất sau khi tiêm vắc xin 1-2 ngày. Nhưng cũng có một số bé sau khi tiêm thì lại hoàn toàn bình thường, không hề xuất hiện các triệu chứng kể trên.
Các dấu hiệu kể trên đều là những phản ứng ở mức độ nhẹ cho thấy hệ miễn dịch của bé đang hoạt động để đáp ứng với vắc xin một cách hiệu quả nên cha mẹ không nên quá lo lắng.
Trường hợp này, ba mẹ cần lưu ý một số cách giảm đau/hạ sốt cho trẻ sau khi tiêm:
- Cởi bớt chăn quấn, quần áo khi trẻ sốt, chỉ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.
- Chườm ấm cho trẻ (nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể 1-2 độ C)
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn.
- Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt > 38.5 độ C, quấy khóc.
- Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, cha mẹ có thể chườm lạnh để giúp trẻ giảm đau và giảm sưng.
- Khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
- Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì các chế phẩm này có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.
Tình trạng này sẽ giảm trong 1-2 ngày sau khi tiêm.
Kết luận
Cha mẹ của bé nhất định phải ghi nhớ hoặc lưu lại lịch tiêm phòng, các loại vắc xin cần tiêm phòng cho trẻ 3 tháng tuổi, nhằm đảm bảo cho con được chích đủ mũi, đúng thời gian và đúng phác đồ, từ đó tạo được nền tảng sức khỏe vững chắc cho sự phát triển toàn diện của bé sau này.
Sau khi tiêm vắc-xin thì việc trẻ bị sốt là một phản ứng hết sức bình thường, tự nhiên nên cha mẹ không nên quá lo lắng. Mỗi bé sẽ có những biểu hiện sốt không giống nhau tùy theo thể trạng, cơ địa của từng bé. Tình trạng này sẽ giảm trong 1-2 ngày sau khi tiêm.
Bài viết được tham khảo từ bác sĩ và các nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước. Tuy nhiên, Doctor có sẵn Team khuyến khích bệnh nhân hãy tìm và đặt lịch khám với bác sĩ có chuyên môn để điều trị.